Thời đại ngày nay

Thứ Ba, 10/11/2015, 02:43
Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, có những sự kiện vĩ đại đánh dấu bước ngoặt, mở ra chu kỳ phát triển mới. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) được xác định là sự kiện như vậy, mở ra bước ngoặt lịch sử, còn gọi “thời đại ngày nay” - thời đại nhân loại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, gần 100 năm sau Cách mạng Tháng Mười, các nhà nghiên cứu lịch sử giờ đây không chỉ dựa trên kho tư liệu quá khứ về cuộc cách mạng và tiến trình chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX để nhắc lại những quan điểm truyền thống mà quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn nhận bản chất của thế giới mới là gì để đánh giá đúng khuynh hướng phát triển, từ đó có nhận thức khách quan về giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười.

Diễn biến, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đã được sử sách trên khắp thế giới đề cập một cách đồ sộ và trong suốt thế kỷ XX, gần như luận thuyết thời đại ngày nay được mặc định. 

Theo quan điểm của Lê-nin, nội dung thời đại ngày nay là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản (CNTB), thiết lập những cơ sở của chủ nghĩa xã hội (CNXH) và tiếp đó là cộng sản chủ nghĩa. Đây là một quá trình lịch sử lâu dài nhưng được bắt đầu từ nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, và sau đó là hàng loạt nước khác trên thế giới. Thế kỷ XX, với sự lớn mạnh “anh cả đỏ” Liên Xô, thành trì CNXH được khẳng định và trong bối cảnh đó, chân lý về cách mạng XHCN, về thời đại ngày nay, về thuyết tiến hóa đi lên CNXH, chủ nghĩa cộng sản mặc nhiên được thừa nhận. 

Nhưng kể từ năm 1991, khi thành trì CNXH không còn, thế giới chuyển sang những dạng thức mới của sự phát triển, đó cũng là lúc trỗi dậy trào lưu đánh giá lại, xét lại về thời đại ngày nay, về Cách mạng Tháng Mười. Về luận thuyết của phía tư bản cũng như các thuyết không tương thích với CNXH cho rằng, thời đại ngày nay thực chất không phải quá độ lên CNXH mà là thời đại cường thịnh của chủ nghĩa tư bản, cùng với đó là những đánh giá khác về Cách mạng Tháng Mười, cho rằng đó chỉ là một hiện tượng lịch sử và giá trị của nó đã khép lại trong thế kỷ XX. 

Trong khi đó, những người ủng hộ quan điểm truyền thống không chấp nhận những trào lưu xét lại và giữ vững niềm tin vào Cách mạng Tháng Mười, vào thời đại ngày nay đã được xác lập 98 năm qua. Vậy, đứng trên quan điểm khách quan, không mang màu sắc của “phe XHCN” hay “phe TBCN”, bằng những luận cứ khoa học và diễn tiến lịch sử trong thế kỷ XXI, với tiến trình phát triển của nhân loại, chúng ta bày tỏ tư duy, quan điểm thế nào về vấn đề này?

Thế kỷ XXI đang chứng kiến những biến đổi nhanh chóng và việc dự báo chiến lược trong dài hạn là rất khó. Trong dòng xoáy mới của thời đại, khi mà quan hệ công nhân, nông dân, tư sản không biểu hiện bằng bãi công, đấu tranh rầm rộ, rộng khắp như những thế kỷ trước, nhiều người đã nhầm lẫn về sự đối kháng giai cấp trong mối quan hệ này. 

Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Thực ra, sau khi Liên Xô tan rã, quá trình toàn cầu hóa, một mặt tạo điều kiện cho sự hội nhập và vươn lên của tất cả các nước, nhưng mặt khác cũng tạo ra sự phân chia ngày càng gay gắt giữa hai thái cực giàu nghèo, tạo thế độc quyền chưa từng thấy của các trung tâm công nghiệp phát triển trong các lĩnh vực tài chính, kỹ thuật công nghệ. Nhưng không có nghĩa mâu thuẫn trong lòng chế độ tư bản đã giảm nhiệt so với một, hai thế kỷ trước, trái lại nó biến chuyển dưới nhiều trạng thái còn bản chất mâu thuẫn là không đổi. Bản thân các nước tư bản phát triển cũng gặp nhiều thách thức lớn. 

Do tư bản tập trung cao độ, do sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng đi vào chiều sâu trong khi các thể chế thuộc kiến trúc thượng tầng vẫn chưa vượt khỏi phạm vi các quốc gia, dân tộc tư sản nên mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản không hề giảm, trái lại ngày càng tăng. Các công ty xuyên quốc gia sáp nhập, liên kết chặt chẽ với nhau về tổ chức, vốn đầu tư, kỹ thuật, quản lý để chi phối thị trường quốc tế, làm cho các đạo luật, quy tắc, trật tự của các quốc gia tư bản bị phá vỡ, không kiểm soát được. 

Trong khi đó, ngay trong lòng các nước tư bản giàu có nhất vẫn thể hiện rõ những đối kháng giai cấp. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu những năm qua khởi đầu từ Mỹ và lan ra toàn thế giới đã chứng tỏ những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế các nước tư bản không hề mờ đi mà vẫn vẹn nguyên tính chất mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, khủng hoảng kinh tế là căn bệnh trầm kha không thể thoát được của các thể chế kinh tế CNTB. 

Quá trình toàn cầu hóa khi được gắn với việc tập trung tư bản thì đồng thời cũng làm cho quy mô bóc lột của CNTB mở rộng, mâu thuẫn thời đại thêm sâu sắc. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công trong các xã hội tư bản, không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với biểu tình, bãi công làm rung chuyển cả thể chế. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình được chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý.

Ở chiều khác, sự thoái trào của CNXH sau 1991 tới nay đã 24 năm, chúng ta có thực tiễn nào để đánh giá về xu thế thời đại hậu Liên Xô, Đông Âu? Thực tế, các nước đi theo CNXH sau năm 1991 dù không còn thành trì nhưng không hề là “điểm dừng cuối cùng”, ngược lại đang cho thấy những thay đổi sinh động. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, các nước XHCN thế giới tích cực đổi mới tư duy và cải cách chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực. 

Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức khách quan hơn, những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của CNXH được xác định một cách chân thực hơn, những xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, toàn diện hơn. Bởi vậy, các quốc gia đi theo CNXH không những thoát khỏi khủng hoảng mà còn đạt nhiều bước tiến lớn, có ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt hơn 30 năm qua, hiện đứng thứ 2 về GDP trên thế giới. Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế trên trường quốc tế; Cuba kiên định và sáng tạo, giành được những kết quả tích cực.

Về xu thế, phong trào cộng sản quốc tế đã phục hồi và phát triển, trong đó có nhiều đảng cộng sản thể hiện tiếng nói, vị thế quan trọng tại quốc gia đó hoặc ở tầm quốc tế. Và những bước tiến cách mạng đang diễn ra ở Venezuela, Bolivia, Ecuador... cùng sự lớn mạnh của các phong trào cánh tả tại nhiều nước Mỹ Latinh khác thể hiện trào lưu hướng tới CNXH đang nổi lên mạnh mẽ tại tây bán cầu. 

Nhiều đảng cánh tả, các phong trào nhân dân tiến bộ các nước tại các châu lục ngày càng giương cao khẩu hiệu đấu tranh vì CNXH và xác định ngày càng rõ rằng đây là sự lựa chọn đúng để vượt qua những bế tắc của mô hình phát triển đang khủng hoảng hiện nay. Đó là những bằng chứng đầy khích lệ về sức sống của CNXH, hoàn toàn không triệt tiêu như một số luận thuyết mà đang chứng tỏ sức sống trong thời đại mới.

Gần trọn một thế kỷ Cách mạng Tháng Mười, lý luận và thực tiễn đã đủ độ dày để đánh giá bản chất, ý nghĩa. Nhưng xu thế CNXH và thời đại ngày nay – thời đại quá độ lên CNXH sẽ diễn tiến thế nào, phong trào cộng sản sẽ phát triển theo xu hướng ra sao trong những thập kỷ tới? 

Nhân dịp sang thăm Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài nói chuyện quan trọng tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez - một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ rất quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CNXH ở Việt Nam với Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và đứng vững trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. 

Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”. 

Tổng Bí thư khẳng định, đi lên CNXH là công việc vô cùng phức tạp, là công việc chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa mò mẫm, rút kinh nghiệm. Vả lại, mục tiêu của CNXH có thể giống nhau nhưng biện pháp, cách đi đến các mục tiêu đó có thể rất đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Đó là cả một không gian sáng tạo to lớn, đầy sức sống.

An Nhi
.
.