Thời Mafia với facebook

Thứ Bảy, 05/09/2015, 16:01
Ndrangheta vốn được biết đến là một băng nhóm tội phạm nổi tiếng và các “nghi lễ máu” nhằm giữ bí mật về thân thế và các hoạt động từ thế hệ này sang thế hệ khác được hình thành vào giữa thế kỷ XIX tại vùng đảo Sicily, thuộc nước Ý.

Với tài sản trị giá hàng tỉ USD nhờ buôn lậu ma túy, Ndrangheta đã trở thành tổ chức tội phạm lớn mạnh nhất ở Ý, vượt qua cả nhóm Cosa Nostra ở Sicily và Camorra ở Naples. Tuy nhiên, hậu duệ của tổ chức này năng nổ tìm kiếm vùng đất mới để lập nghiệp và làm cho danh tiếng cũng như sức ảnh hưởng của chúng nhanh chóng lan rộng khắp đất nước và ra toàn thế giới.

Giờ đây, mafia Ý đã vứt bỏ những tin nhắn viết tay được mã hóa và chuyển sang mạng xã hội để thực hiện các hoạt động kinh doanh bẩn thỉu. Theo tờ DailyMail (Anh), thế hệ các ông trùm mới của Ndrangheta ban đầu dùng các trang mạng như Facebook để thực hiện các thương vụ buôn bán thuốc phiện và đòi tiền bảo kê. Các hoạt động này được tiến hành dưới các bí danh và thông tin thân thế giả.

Hé lộ một phần bí mật

Ndrangheta xuất thân từ một tổ chức tội phạm chuyên nghề gá bạc ở Tây Ban Nha. Chúng phát triển mạnh ở Calabria vì đây là một trong những vùng nghèo nhất nước Ý (tỉ lệ thất nghiệp hiện trên 30%). 

Trước đây, chúng kiếm tiền bằng nghề bắt cóc đòi tiền chuộc và nay đã lớn mạnh trong nghề buôn bán ma túy. Bước chân sang lĩnh vực kinh doanh bột trắng chết người từ 20 năm qua, Ndrangheta nhanh chóng giàu có và bắt tay với cả các băng đảng lừng danh ở Colombia. Với tiềm lực tiền bạc, Ndrangheta dám đánh cả những chuyến hàng trắng lên đến 25 tấn để phân phối khắp nơi. Doanh thu của Ndrangheta lên đến 50 tỉ USD mỗi năm, trong khi GDP của cả vùng Calabria chỉ vào khoảng hơn 40 tỉ USD.

Có tiền, chúng còn o ép mua lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chúng đã làm cho lụn bại để lấn sân sang bình phong hợp pháp. Một phần lớn số tiền thu nhập của Ndrangheta đến từ kỹ nghệ xây cất, nhà hàng, khu thương mại hay các cửa tiệm “hợp pháp” để rửa tiền. Mafia Ndrangheta có bàn tay thép, siết chặt nền kinh tế, guồng máy hành chính trong thành phố Calabria. Chúng kiểm soát nhiều khối bất động sản ở Calabria và ăn chặn những giao kèo của chính quyền trong các vụ thầu xây cất. Giới luật pháp không làm gì được vì thiếu nhân lực, tài lực.

Chiến dịch truy quét và bắt giữ nhiều thành viên thuộc mafia Ndrangheta của cảnh sát Ý.

Trong một cuộc truy quét quy mô nhắm vào các chi nhánh Ndrangheta ở Rome vừa qua, cảnh sát Ý đã phát hiện một cuốn sổ ghi chép chứa đựng một số bí ẩn của tổ chức mafia đáng sợ này. Đây là bước đột phá để hiểu thêm về Ndrangheta mà lâu nay chúng vẫn được xem là mafia bí ẩn nhất ở Ý. Các thông tin ghi chép trong cuốn sổ được viết dưới dạng mật mã San Luca, miêu tả các cơ chế điều hành theo thể thức cổ xưa, các thông điệp liên lạc bí ẩn giữa các thành viên cùng chi tiết cấu trúc phân cấp và các nghi thức nhập môn mafia. 

Theo đó, Ndrangheta đặt ra “quy tắc vàng” hay còn gọi “omerta”, nghĩa là các thành viên của băng nhóm tuyệt đối không hợp tác với chính quyền. Đây được coi là “bộ quy tắc danh dự” cho những kẻ gia nhập hàng ngũ của Ndrangheta. Nếu tên nào vi phạm, lập tức sẽ bị xử tử. Việc thâm nhập và phá vỡ băng đảng này là điều không dễ bởi các thành viên của chúng ràng buộc với nhau bằng mối quan hệ gia đình và luôn trung thành với nguyên tắc “omerta”. Cảnh sát khó có thể khai thác thông tin về Ndrangheta cho dù họ bắt giữ được thành viên của nhóm.

Sở dĩ Ndrangheta tồn tại bền bỉ như thế vì chúng biết tổ chức nhỏ gọn theo kiểu dòng họ truyền thống. Các băng phân vùng lãnh thổ làm ăn và thường không có quá 100 thành viên. Chỉ những thành viên trong dòng họ hoặc thuộc các dòng họ thân tình mới lấy nhau. Bọn trẻ sinh ra theo huyết thống đó nghiễm nhiên được quyền trở thành “cận vệ” khi đến tuổi thiếu niên. 

Để bước lên cấp hai trong gia đình, các tay mafia trẻ phải thực hiện nghi lễ nhập gia bí mật: cắt máu cho nhỏ lên một tấm ảnh thánh và sau đó đốt ảnh đi. Mỗi thành viên trong gia đình khi được thăng cấp đều được tổ chức lễ lạt chúc mừng. Điểm khác biệt đối với thời điểm những năm 1970 là hiện nay, các tay mafia có thể cộng tác với những kẻ không thuộc dòng họ mình.

Ndrangheta khác biệt vì không cơ cấu kiểu hình tháp. Chúng yêu thích mô hình hoạt động nhỏ gọn, theo kiểu “cơ cấu gia đình” với bốn thành viên chủ chốt. Đó là: Bố già (người có tiếng nói cuối cùng trong mọi việc, được bầu chọn bằng lá phiếu của mọi thành viên trong gia đình), Phó tướng (người thay thế khi bố già vắng mặt, do bố già chọn lựa), Quân sư (gìn giữ sự đoàn kết trong gia đình, đưa ra những lời khuyên hữu ích, do cả gia đình bầu chọn), và Chỉ huy tiểu đội (do bố già lựa chọn, sẽ điều hành nhóm binh sĩ thực thi các nhiệm vụ cần cho gia đình). Nhờ đó, chúng không gặp nhiều nguy hại khi có những tay đàn em đầu thú cảnh sát. Ndrangheta tránh đương đầu “trực tiếp” giới luật pháp rất tài tình.

Giới điều tra đã giải được mật mã San Luca do Ndrangheta sử dụng, qua đó hé lộ một phần bí mật trong tổ chức và hoạt động của tổ chức mafia này.

Trong cuốn sổ được phát hiện không có chi tiết về tên tuổi cụ thể của các thủ lĩnh từ thấp đến cao của Ndrangheta. Tất cả mọi thành viên đều nhận lệnh từ một hội viên Ndrangheta “vô hình” trong tầng lớp trung lưu có bề ngoài đáng kính trọng. Người ta từng cho rằng ủy ban quan trọng được mệnh danh La Provincia là bộ chỉ huy cao cấp của Ndrangheta - có nhiệm vụ dàn xếp, giải quyết các cuộc xung đột giữa các băng đảng. Ngoài ra, còn có một hội đồng có tên Crimine, họp mỗi năm một lần trong thời gian diễn ra cuộc hành hương tại một điện thờ ở vùng cao Aspromonte.

Tiếp tục vươn dài vòi bạch tuộc

Hệ thống tổ chức chặt chẽ theo mối quan hệ ruột thịt đã giúp Ndrangheta trở thành mafia Ý đầu tiên củng cố vị thế ở miền bắc nước này. Hơn bất kỳ băng đảng tội phạm có tổ chức nào, nó đã thâm nhập các trung tâm tài chính và công nghiệp của Ý, bắt rễ sâu trong cộng đồng doanh nghiệp ở các khu vực giàu có. Nhờ vậy, Ndrangheta được xem là tổ chức đã lấp đầy khoảng trống mà Cosa Nostra để lại trên “sân khấu” buôn lậu ma túy và giành được vị thế là băng đảng ma túy lớn nhất châu Âu, thống trị trên thị trường ma túy xuyên Đại Tây Dương, hình thành liên minh với mafia ở Colombia và Mexico.

Các gia đình mafia được hình thành trên các mối quan hệ ruột thịt nên các thành viên hiếm khi tự biến thành kẻ khai báo để tố cáo người thân. Cơ cấu tổ chức như vậy cho phép Ndrangheta xây dựng các “chi nhánh” ở nước ngoài. Ndrangheta gửi người thân đến sống và làm việc một cách hợp pháp ở nhiều quốc gia lớn thông qua diện nhập cư hoặc di cư. 

Vài năm trước, giới luật pháp Calabria đã lên tiếng báo động, mafia Ndrangheta hoạt động rất sôi nổi bên ngoài lãnh thổ Ý. Sự hiện diện của Ndrangheta ở Canada rất trầm trọng, đặc biệt ở nhiều thành phố lớn. 

Giải thích về điều này, tờ DailyMail cho rằng hệ thống ngân hàng ở Canada rất bảo mật, không chấp nhận sự điều tra (có lợi cho vấn đề rửa tiền), trong khi đó việc buôn lậu ma túy, vũ khí hay rửa tiền ở Canada lại dễ dàng, sau đó có thể móc nối với tay chân ở Mỹ để mở rộng phạm vi hoạt động. Các thị tộc của tổ chức tội phạm này đã trở thành đối tác làm ăn được ưa chuộng đối với các gia đình mafia Mỹ. Trong khi đó, Ndrangheta sử dụng nước Đức như một căn cứ chuyên lo việc mua bán vũ khí, rửa tiền, ma túy và lũng đoạn nghiệp đoàn và nhiều cơ sở làm ăn hợp lệ khác để thao túng dần châu Âu.

Chưa hết, Ndrangheta đang dần đổi mới phương thức hoạt động khi tận dụng mạng xã hội. Chúng muốn gieo rắc nỗi sợ hãi tại những cộng đồng mà mafia hoạt động. Chúng sử dụng tên giả để tham gia giao dịch ma túy, buôn bán vũ khí và tiến hành các hoạt động rửa tiền khi đã kết nối được một mạng lưới rộng lớn trong thế giới ảo; không chỉ gói gọn bên trong lãnh thổ nước Ý mà còn mở rộng ra nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau. 

Kỳ quái hơn, không ít những “ngôi sao mới nổi” trong thế giới mafia đang đua nhau phô trương thanh thế, quyền lực và sự giàu có để chứng minh sự sung sướng khi được làm một thành viên Ndrangheta. Số khác thì đăng tải các đoạn phim nói về “sơ yếu lý lịch” và “hồ sơ tội ác” để hi vọng được lựa chọn tham gia quy trình tuyển dụng làm mafia Ndrangheta.

Tuy nhiên, trào lưu “khoe hàng” nói trên là con dao hai lưỡi khi các ông trùm “phơi mặt” cho công chúng. Giới điều tra có thể dành nhiều thời gian tìm hiểu trên Facebook để lôi bằng được các tên trùm mafia ra khỏi vỏ bọc tên giả. Họ nhận định việc khoe khoang trên mạng chỉ làm gia tăng sự suy sụp của thế hệ mafia mới thay vì củng cố quyền lực của các ông trùm.

Lên mạng là điều không tưởng đối với trùm mafia truyền thống - những người thường sống ở nông trại, ăn bánh mì, bơ và rau trồng tại chỗ, không cần sử dụng điện thoại và vẫn có thể ra lệnh bằng thông điệp viết tay. Còn thế hệ mafia mới ưa chuộng Facebook, tin nhắn điện thoại và các ứng dụng nhắn tin - vô hình trung lại tạo điều kiện cho giới điều tra lần theo dấu vết và truy bắt chúng đến tận cùng…

Lê Nam
.
.