Thoát khỏi buồng vang

Chủ Nhật, 12/04/2020, 10:47
Hãy tưởng tượng bạn lên Facebook và chat với bạn bè về một quan điểm bất kỳ, ví dụ như đồng tình với cái chết nhân đạo chẳng hạn. Vài giây sau, khi bạn rời Facebook Messenger để khi lướt bảng tin (News Feed), mạng xã hội này sẽ đề xuất cho bạn đọc một bài viết ủng hộ xu hướng này. Rồi thuật toán lại gợi ý bạn đến một nhóm (group) có cùng quan điểm. Bạn gia nhập (join) nhóm đó, thấy toàn những người giống mình, và trở nên tự tin hơn bao giờ hết.

Hiện tượng này được gọi là Bong bóng nhận thức (Espitemic Bubble): một bộ lọc tinh vi (ở ví dụ trên là thuật toán) có thể chỉ củng cố niềm tin một chiều, và phớt lờ quan điểm còn lại. Các mạng xã hội cá nhân hóa người dùng, tập hợp một mạng lưới những người giống hệt nhau về sở thích, quan điểm, cho họ xem những bài viết gia tăng sự tự tin lẫn nhau, giới hạn hệ thống niềm tin của chúng ta bằng một bong bóng chụp lên đầu.

Đấy là mạng thông tin mà trong đó các tiếng nói khác đã bị loại trừ. Có thể đó là loại trừ chủ động, khi chúng ta chủ động tránh các quan điểm trái chiều vì chúng làm chúng ta không thoải mái. Cũng có thể là loại trừ bị động, khi chúng ta, như đã nói, bị các thuật toán chi phối và không thể tiếp cận được đủ góc nhìn.

Niềm tin và buồng vang

Tuy nhiên, phá vỡ bong bóng nhận thức là điều đơn giản: ta chỉ cần BIẾT những luồng quan điểm khác. Một người đang ở trong bong bóng nhận thức sẽ hiểu mọi chuyện theo phổ dữ liệu của họ, vì không được tiếp cận với các quan điểm phía bên kia. Việc cần làm là chỉ ra cho những ai nhiễm bong bóng các thông tin và lập luận mà họ đã bỏ lỡ.

Buồng vang (Echo chamber) là hình thức bóp méo niềm tin nguy hiểm và mạnh mẽ: những người ở trong buồng vang BIẾT rõ các quan điểm đối lập, nhưng mất niềm tin hoàn toàn vào mọi người ở bên ngoài, và từ đó từ chối tiếp nhận các ý kiến trái chiều.Nguồn ảnh: BBC.

Nhưng buồng vang (Echo chamber) là hình thức bóp méo niềm tin nguy hiểm và mạnh mẽ hơn nhiều: những người ở trong buồng vang BIẾT rõ các quan điểm đối lập, nhưng mất niềm tin hoàn toàn vào mọi người ở bên ngoài, và từ đó từ chối tiếp nhận các ý kiến trái chiều.

Đấy là khái niệm mà hai học giả truyền thông Kathleen Hall Jamielson và Joseph Cappella đặt ra và mổ xẻ trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 2008. Đối với họ, buồng vang là khái niệm rất gần với một giáo phái. Một giáo phái cô lập các thành viên của mình bằng cách chủ động cách ly họ khỏi bất kỳ nguồn nhận thức nào từ bên ngoài, bằng cách dán nhãn cho những niềm tin trái ngược mình là ác độc và không đáng tin cậy.

Trong cuốn sách, Jamielson và Cappella nghiên cứu trường hợp của Rush Limbaugh, một nhà bình luận chính trị bảo thủ cực kỳ thành công ở Hoa Kỳ, cùng với kênh Fox News và các phương tiện truyền thông liên quan. Limbaugh đã sử dụng phương pháp bóp méo các nhân vật mà khán giả của ông tin tưởng. Các cuộc tấn công liên tục của ông ta vào "truyền thông chủ lưu" (mainstream media) đơn giản là những nỗ lực làm mất uy tín của những nguồn kiến thức khác, làm suy yếu một cách có hệ thống bất kỳ một quan điểm trái ngược nào.

Limbaugh không chỉ mô tả những người có quan điểm đối lập như những kẻ sai lầm đơn thuần, mà khoác lên mình kẻ thù những chân dung độc ác đang tích cực lôi kéo, làm việc không ngừng nghỉ nhằm phá hoại Limbaugh và những ai nghe theo ông ta.

Bằng cách này, buồng vang không cần phải "ngăn sông cấm chợ" dữ liệu: những người theo dõi Limbaugh có đầy đủ quyền truy cập các nguồn thông tin, nhưng theo phân tích của Jamielson và Cappella, các tín đồ của Limbaugh không tin tưởng vào những gì họ tìm thấy.

Họ thậm chí bị cô lập bởi chính mình, lắng nghe nhưng bác bỏ hết những tiếng gọi bên ngoài. Thế giới quan của họ không suy suyển, vì hệ thống niềm tin của họ đã được chuẩn bị cho những cuộc tấn công trí tuệ, nhờ vào đề kháng là ý niệm thiện-ác cực đoan mà Limbaugh đã tạo ra. Ông ta cung cấp cho những người đi theo mình một thuyết âm mưu: bất cứ ai chỉ trích ông ta đều là những kẻ thừa lệnh từ một nhóm bí mật xấu xa của giới tinh hoa đã giành quyền kiểm soát truyền thông chủ lưu.

Khi đó, việc tiếp xúc với các nhân tố từ bên ngoài có ý kiến trái ngược, và thấy rằng các chỉ trích tiêu cực nhắm vào Limbaugh là có thật lại càng xác nhận thế giới quan của người trong buồng vang. Triết gia Endre Bergy gọi hiệu ứng này là "bằng chứng mua trước" (evidential pre-emption).

Những gì xảy ra là một loại judo trí tuệ, trong đó sức mạnh và sự nhiệt tình của các tiếng nói trái ngược chống lại chính nó thông qua một cấu trúc niềm tin được kiểm soát cẩn thận. Âm thanh dội lại này tiếp tục bám chặt lấy nhận thức của người đang ở trong buồng vang, và khiến họ phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa.

Buồng vang còn trở nên khó phá vỡ hơn vì niềm tin có tính "bầy đàn" của chúng ta. Nhân loại phát triển dựa trên ý tưởng cơ bản là sự tin tưởng người khác trong mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Người lái xe có niềm tin rằng các kỹ sư và thợ máy sẽ làm việc tốt. Uống thuốc theo đơn dựa trên sự tin tưởng và quyết định của các bác sỹ, nhà hóa học và sinh học. Tiền giấy là biểu tượng cho niềm tin đặt vào các chính phủ: ta cầm tiền đó đi mua bán vì biết rằng "tờ giấy" ấy có giá trị mạnh mẽ, một người khác sẽ hiểu quy ước trao đổi và giao hàng.

Như Ejiah Milgram lập luận trong The Great Endarkenment (tạm dịch: Sự thắp tối vĩ đại), kiến thức hiện đại dựa trên niềm tin đặt vào một chuỗi thành viên, và không một ai có thể kiểm tra hết độ tin cậy của mọi nhân tố trong chuỗi đó.

Hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể xác nhận ai là bác sỹ hay kỹ sư giỏi, hoặc nhà kinh tế vĩ mô có tầm nhìn từ ý kiến của một kẻ bất tài? Tất nhiên, bất kỳ độc giả nào cũng có thể đưa ra một hoặc hai đáp án, nhưng không ai có thể thực sự đánh giá toàn bộ chuỗi niềm tin mà mình tham gia.

Chúng ta phải tin tưởng lẫn nhau, nhưng như triết gia Annette Baier đã nói, sự tin tưởng ấy khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Buồng vang hoạt động như một loại ký sinh xã hội trên vết thương hở đó, lợi dụng tình trạng là niềm tin phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta.

Lời giải thích cho kỷ nguyên hậu sự thật

Buồng vang có thể đưa ra một lời giải thích hữu ích về cuộc khủng hoảng thông tin tập thể theo cách mà bong bóng nhận thức không thể. Hãy nhìn vào một ví dụ: lời hiệu triệu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Cuộc ly khai khổng lồ này dựa trên một con số khiến đám đông sôi máu, là thông tin bịa đặt rằng nước Anh đã mất 350 triệu bảng mỗi tuần cho EU, thay vì cho các công dân của mình.

Nhưng điều này đã lan đi, thuyết phục được đám đông, và rốt cục thì những người ủng hộ nó cũng hoàn toàn không bị cản trở với bằng chứng, hay nói cách khác, họ biết nhưng từ chối tiếp nhận nó. Dường như sự thật không còn là điều quan trọng nữa, một thực tế đầy cay đắng của kỷ nguyên "hậu sự thật" (post-truth).

Thái độ này có thể được giải thích là kết quả của sự thao túng niềm tin, được tạo ra bởi các phòng vang. Đám đông không có ý định quan tâm đến sự thật, bằng chứng hoặc lý do để giải thích thái độ hậu sự thật.

Họ chỉ cần quy cho các cộng đồng nhất định một tập hợp khổng lồ các hệ thống niềm tin, và nó vững chắc đến nỗi thúc đẩy các thành viên trong buồng vang từ chối  những sự thật đơn giản. Ví dụ là các cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng: một bên chỉ ra các con số để chứng minh luận điểm của mình, và phía bên kia từ chối dữ liệu đó hoặc nguồn của nó. Họ lập luận rằng tờ báo đã thiên vị, hoặc tệ hơn, giới tinh hoa đã mục ruỗng hết, và kết quả là dữ liệu ấy bị hỏng.

Bị mắc kẹt trong buồng vang không phải lúc nào cũng là kết quả của sự lười biếng hoặc đức tin xấu xa. Ví dụ hãy tưởng tượng một ai đó đã được nuôi dưỡng và giáo dục hoàn toàn bên trong một buồng vang, và từ đó đến cuối đời bám chặt lấy các niềm tin đã có sẵn, thậm chí tự phát triển nó dựa trên hiệu ứng dội lại của buồng vang.

Chìa khóa buồng vang 

Phản tỉnh chính mình để thoát khỏi buồng vang là một thử thách khổng lồ: người mắc kẹt trong nó bị ảnh hưởng bởi niềm tin đầu tiên (thật kỳ lạ là chúng ta luôn có một ưu tiên sâu sắc với những điều đầu tiên) đến với mình, và khi bắt gặp một tiếng nói đối lập từ bên ngoài, anh ta phải xét lại toàn bộ hệ thống niềm tin của mình, tái khởi động quá trình thu thập kiến thức bằng một thái độ công bằng, coi tất cả các nguồn đều đáng tin cậy như nhau. Thật khó tưởng tượng những gì một con người phải làm, để chiến thắng chính mình.

Triết gia vĩ đại Rene Descartes đã từng đề xuất một lối thoát, trong những dòng mở đầu của cuốn Suy ngẫm về triết học tiên khởi (1641). Ông đề nghị chúng ta tưởng tượng một con quỷ bên trong đang cố lừa dối ta mọi thứ. Ta nhận ra rằng nhiều niềm tin đầu tiên ta có là sai lầm, nhưng nút thắt là thực tế rằng niềm tin ban đầu ấy lại dẫn đến tất cả các loại niềm tin khác, và bất kỳ sự giả dối nào được phát hiện sớm chắc chắn đã lây nhiễm sang phần còn lại của hệ thống niềm tin.

Khi đó, việc loại bỏ bất kỳ niềm tin cụ thể nào có thể dẫn đến hậu quả xấu hơn: sự lây nhiễm ở phần còn lại của hệ thống niềm tin có thể khôi phục những ý niệm tồi tệ hơn. Giải pháp duy nhất, theo Descartes, là vứt bỏ tất cả các niềm tin của mình là bắt đầu lại từ đầu.

"Con quỷ xấu xa" là phương pháp tự nghiệm giúp Descartes xóa bỏ hệ thống niềm tin sai lầm. Ta có thể bắt đầu lại, không tin tưởng bất cứ ai và điều gì ngoại trừ những thứ ta hoàn toàn chắc chắn, dập tắt những điều giả dối lén lút đó một lần và mãi mãi.

Phương pháp của Descartes bị hầu hết các triết gia đương đại bỏ qua, vì trên thực tế chúng ta không thể bắt đầu từ hư vô: chúng ta phải bắt đầu bằng các tiên đề cơ bản, tin vào điều gì đó và tin tưởng một ai đó.

Tuy nhiên, việc thoát khỏi buồng vang không phải điều quá phi thực tế. Ví dụ điển hình là câu chuyện của Derek Black ở Florida: anh được nuôi dạy bởi người cha theo chủ nghĩa phát xít mới (Neo-Nazi), bị nhồi nhét từ thời thơ ấu để trở thành một lãnh đạo phát xít mới, nhưng đã sẵn sàng từ bỏ hệ thống niềm tin cũ và dành nhiều năm để làm lại từ đầu.

Trong những năm tự phản tư ấy, Black đắm mình rộng rãi và cởi mở trong mọi thứ anh đã bỏ lỡ, từ văn hóa nhạc pop, văn học Ảrập, nhạc rap... Đó giống như một dự án tái cấu trúc khổng lồ hệ thống niềm tin của chính mình, để "hoàn tác" (undo) lại những tác động ghê gớm từ sự thao túng của phòng vang.

Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này? Những cuộc bắn phá trực tiếp vào buồng vang bằng lời chỉ trích và xa lánh hầu như vô tác dụng. Như đã nói, chúng thậm chí củng cố niềm tin của người trong buồng vang.

Ở trường trung học, Black là một "ngôi sao" của truyền thông tân phát xít, có một chương trình trò chuyện trên đài phát thanh của riêng mình. Anh tiếp tục công khai xu hướng này ở trường đại học và bị mọi người xa lánh.

Nhưng có một sự kiện đã thay đổi tất cả. Matthew Stevenson, một sinh viên người Do Thái, đã mời Black đến ăn tối. Black sau này kể lại rằng Stevenson đã luôn tốt bụng, cởi mở, hào phóng, và từ đó giành được sự tin tưởng của Black. Anh mô tả rằng đây chính là "hạt giống" dẫn đến biến động lớn trong tâm can. Từ đó, Balck đã trải qua một cuộc tái sinh nội tâm đau đớn trong nhiều năm, và giờ trở thành phát ngôn viên chống chủ nghĩa tân phát xít.

Những can thiệp chân thành như thế có thể kết nối và khởi động lại hệ thống niềm tin sai lầm, nhưng đó là một con đường quanh co, hẹp và mong manh, trong một thế giới quá nhiều bất trắc và ngày càng phân cực.

Một người ở bên trong buồng vang không thể tự kích hoạt được ổ khóa của cánh cửa này, và đó chỉ là hy vọng mỏng manh để giải cứu từ bên ngoài. Nhưng có vẻ cuộc sống sẽ luôn là như thế: ta sẽ đạp chân trần lên đá sắc mà đi, chỉ để tìm kiếm những bụi vàng. Lúc nào cũng có máu cứa lên ở chân, và không phải lúc nào cũng tìm được bụi vàng.

Ban Cầm
.
.