Thỏa thuận ngừng giao tranh tại Syria: Lạc quan trong thận trọng

Thứ Năm, 10/03/2016, 15:41
Kể từ ngày 27-2, thỏa thuận đình chiến tại Syria bắt đầu có hiệu lực sau những nỗ lực của Nga và Mỹ cam kết chấm dứt tình trạng giao tranh ở quốc gia Trung Đông này. Đây được coi là bước tiến quan trọng tiến tới kết thúc bạo lực đẫm máu, cũng như đưa hai cường quốc Nga - Mỹ xích lại gần nhau hơn trên hồ sơ Syria. 


Nếu thỏa thuận nói trên được duy trì, đây sẽ là lần đầu tiên nỗ lực ngoại giao phát huy tác dụng trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua, cướp đi mạng sống của hơn 270 nghìn người ở Syria, và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương để chạy sang lánh nạn ở các nước khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra quan ngại về nguy cơ một số nhóm nổi dậy không tôn trọng thỏa thuận đình chiến hoặc các nhóm phiến quân được đánh giá là "ôn hòa" có thể gia nhập liên minh chiến thuật với các phần tử cực đoan. Một tương lai vô cùng khó đoán định đang chờ đợi Syria.

Khoảng lặng bất ngờ

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, các bên liên quan tới xung đột Syria cuối cùng đã đi tới được một thỏa thuận ngừng bắn, do Nga và Mỹ - hai nước đồng chủ tịch "Nhóm quốc tế hỗ trợ cho Syria" (ISSG) - đề xuất. Tuy nhiên, có nguồn tin tiết lộ, thỏa thuận Nga - Mỹ lần này thực chất đã hình thành tại phiên thảo luận có sự tham gia của 17 bên thuộc ISSG bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào ngày 12-2. 

Mạng tin tình báo Debka (Israel) nói rằng, sự hợp tác giữa "hai ông lớn" này đã được xác lập từ tháng 12-2015, khi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí về một thỏa thuận bí mật nhằm chấm dứt xung đột Syria. Theo đó, Mỹ sẽ phụ trách các khu vực phía đông sông Euphrates, còn Nga bao quát vùng lãnh thổ bờ tây của sông.

Chính phủ Syria, không quân Nga, Iran và lực lượng dân quân Shia đến từ Afghanistan, Iraq và Li Băng đã tham gia ký kết thỏa thuận nêu trên, trong khi gần 100 nhóm vũ trang đối lập khác tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng hai tuần để "đánh giá cam kết của đối phương".

Đại sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, hi vọng việc đình chiến sự sẽ cho phép các nhóm cứu trợ vận chuyển thuốc men và thực phẩm đến người dân tại những thị trấn bị bao vây nhiều tháng qua. Ông cũng cho biết, nếu thỏa thuận được tôn trọng thì một vòng đàm phán mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể được tái khởi động trong tháng 3-2016.

Tổng thống Putin đánh giá đây là bước quan trọng tiến tới chấm dứt đổ máu, còn người đồng cấp Obama thì nhấn mạnh tới cam kết tuân thủ bản thỏa thuận của các bên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã chấp nhận Nga là một đối tác bình đẳng trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Mỹ đồng ý một tuyên bố tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Syria mà không đòi hỏi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức ngay lập tức. Điều này phản ánh một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Đối với những người thực sự muốn hòa bình ở Syria, đây đã là một bước tiến, mặc dù bước tiến này rất ngắn.

Trước mắt, các bên liên quan cần phải giám sát chặt chẽ thỏa thuận đình chiến. Mỹ và Nga sẽ đứng đầu một nhóm đặc trách, bao gồm 15 nước ủng hộ Chính phủ Syria hoặc phe nổi dậy, có nhiệm vụ xác minh và kiểm soát các vi phạm thỏa thuận. Hai quốc gia này cũng thành lập các trung tâm hoạt động riêng rẽ nhằm điều tra và kết luận về các tố cáo vi phạm thỏa thuận được chuyển đến bởi các bên trên chiến trường hoặc các văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) và Damascus, thủ đô Syria.

Ngoài ra, Mỹ và Nga cũng đã thiết lập một đường dây nóng để trao đổi các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đình chiến. Đặc sứ Staffan de Mistura nhấn mạnh, đáp trả quân sự đối với một vi phạm thỏa thuận chỉ là "biện pháp cuối cùng" và ở mức "tương xứng" với hành động vi phạm.

Tương lai khó đoán định

Nhật báo Le Figaro (Pháp) nhận định Nga và Mỹ bắt đầu xích lại gần nhau trên hồ sơ Syria. Thế nhưng, các nhà ngoại giao lo ngại rằng Nga, Iran và chế độ Damascus dùng ngoại giao và đình chiến làm bình phong để tiêu diệt các phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút đang dọa đưa quân vào Syria. Tờ báo này cho rằng, không nên quá "ngây thơ" mà tin tưởng tuyệt đối vào thỏa thuận ngừng bắn, và Nga - Mỹ chưa chắc có thể giải quyết được vấn đề Syria một cách trọn vẹn.

Về phía Syria, có thể bản thỏa thuận chỉ là cái cớ cho phép Damascus ổn định những vùng đất đã chiếm lại được, trước khi mở những đợt phản công mới trong vài ngày hoặc trong vài tuần tới với sự hậu thuẫn của Nga và Iran.

Tiếng súng vẫn không tắt hẳn ở Syria khi Nga cùng liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục tấn công các tổ chức khủng bố như IS hay Mặt trận Al-Nursa.

Ngay khi Nga - Mỹ thông báo ký kết thỏa thuận đình chiến tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố tổ chức bầu cử lập pháp vào ngày 13-4. Việc ngừng bắn vô tình giúp ông có thời gian củng cố lực lượng, và về lâu dài sẽ kiểm soát một chuỗi những thành phố lớn, từ Damascus, Homs cho đến Aleppo.

Thỏa thuận là bước tiến lớn trong nỗ lực của quốc tế nhằm tạo lập hòa bình ở Syria sau quãng thời gian giao tranh hơn 5 năm. Tuy nhiên, dư luận nhìn chung đều tỏ thái độ "lạc quan trong thận trọng". Về thực tế, đây không phải lần đầu tiên các bên tham chiến ở Syria đạt được đồng thuận về ngừng bắn. Thế nhưng, những diễn biến trước đó đều cho thấy, các thỏa thuận đều nhanh chóng bị phá vỡ, do những phức tạp liên quan đến nội tình Syria, cùng với những toan tính, can dự từ bên ngoài.

Một văn bản công bố vào ngày 22-2 lại cho phép Nga cùng liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - lực lượng hiện đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của Syria, cũng như Mặt trận Al-Nursa có liên hệ với Al-Qaeda và nhiều nhóm phiến quân liên kết hay tuyên thệ trung thành với chúng, bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Rõ ràng với thông báo này, tiếng súng vẫn không tắt hẳn ở Syria.

Trên thực tế, IS đã "đón chào" thỏa thuận đình chiến bằng các cuộc tấn công dùng bom ở Homs và ngoại ô Damascus, khiến gần 200 người thiệt mạng. Ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Mặt trận Al-Nusra đã kêu gọi phiến quân Syria tăng cường cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh. Nếu quân đội Syria tiếp tục tấn công Mặt trận Al-Nusra, một số vấn đề sẽ nảy sinh, đặc biệt ở thành phố Aleppo phía bắc Syria - nơi có khoảng 40 nghìn chiến binh đối lập và được chia thành 50 nhóm khác nhau.

Trong thành phố Aleppo, các vị trí của phiến quân Mặt trận Al-Nusra và của các nhóm đối lập khác rất gần nhau. Sẽ là vô cùng khó khăn để phân biệt giữa các nhóm và xác định vị trí trên bản đồ các khu vực có thể bị tấn công. Hơn nữa, nhóm gọi là "ôn hòa" cũng có thể tiếp tục gia nhập liên minh chiến thuật với các phần tử cực đoan, bởi sau 5 năm nội chiến, không một nhóm nào trong số các nhóm đối lập trước đây còn trong sạch.

Ngay bản thân Mỹ, quốc gia bảo trợ cho kế hoạch ngừng bắn, cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng hiện thực. Washington "rất thận trọng" khi đưa ra kỳ vọng đối với thỏa thuận này, yêu cầu Moscow cùng các bên liên quan tuân thủ mọi cam kết. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - một tác nhân liên quan đến tình hình Syria - tuy tuyên bố ủng hộ đình chiến nhưng vẫn lớn tiếng khẳng định quan điểm cứng rắn với các tay súng người Kurd. 

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng, lực lượng dân quân người Kurd tại Syria cần phải nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Điều này cho thấy, Ankara chưa hẳn sẽ dừng các đợt tấn công, pháo kích nhằm vào cứ điểm của lực lượng này tại Syria gần tuyến biên giới.

Giờ đây, vận mệnh của đất nước Syria vẫn tiếp tục do các cường quốc quyết định, có khác chăng là các thỏa thuận Minsk được ký kết sau những đàm phán trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandy", giữa Nga và Liên minh châu Âu, còn thỏa thuận lần này là nỗ lực ngoại giao của Moscow và Washington. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây đơn giản chỉ là khoảng lặng trước tâm bão, là chặng nghỉ để các bên củng cố lại lực lượng cho những trận đánh mới, và tất yếu sẽ dẫn tới những thỏa thuận khác sau này. Chuyện gì sẽ tiếp diễn nếu thỏa thuận đình chiến mới này thất bại?

Rất có thể, Syria sẽ chịu cảnh chia rẽ một khi không có bước chuyển biến rõ nét nào về lộ trình chính phủ chuyển tiếp ở Damascus trong vòng 3 tháng tới. Và đây sẽ là bước đi cuối cùng, khi đã quá muộn để giữ Syria như là một lãnh thổ thống nhất…

Doãn Lâm
.
.