“Thỏ hết, chó săn bị thịt”?: Góc nhìn khác về công thần triều Nguyễn

Thứ Tư, 04/12/2019, 09:33
Đó là năm Tự Đức thứ 2 (1849), gần 2 thập kỷ sau cái chết của Lê Văn Duyệt và cuộc biến thành Phiên An. Câu chuyện về họ trở lại đầy ám ảnh ngay chính trong hoàng cung Huế.


“Kinh thành có bệnh dịch, vua xuống chiếu tìm cách trừ tai dịch lệ, đình thần võ ban Tạ Quang Cự trở xuống, văn ban Hà Duy Phiên trở xuống, 32 người hội làm sớ rằng: "Dịch lệ là quỷ đi làm việc, quỷ có chỗ thì không làm ma quái nữa...". Bèn xin rửa tội trước cho lũ Duyệt. Vua nghe, cho làm.

Trước mộ Duyệt ở Gia Định, tự năm Minh Mệnh 16 (1835) thành Phiên An đã phá rồi, hoặc khi trời tối đêm tĩnh có tiếng ma khóc, hoặc có tiếng rộn rịp như người ngựa đi. Dân ở đấy không dám đến gần, người đi đường cũng đi quanh xa chỗ ấy, để tránh, đến bây giờ bèn sai quan địa phương cất cái bia đá chỗ mộ Duyệt đi, cho con cháu tự sửa đắp mộ ấy, cái tiếng kêu khóc tảo tạp ban đêm bèn mất hẳn”. (Đại Nam liệt truyện)

Hai thập kỷ sau khi qua đời, số phận vị công thần vẫn là nỗi ám ảnh lớn với triều đại. Không chỉ Duyệt, Lê Chất (mất năm 1826) cũng chịu số phận nghiệt ngã không kém. Các đối thủ của Chất và Duyệt cũng không khá hơn. Nguyễn Văn Thành tự sát năm 1816. Đồng minh của Thành là Đặng Trần Thường bị Lê Chất xử tử năm 1813. Các học giả Bắc Hà khác như Vũ Trinh, Nguyễn Gia Cát kết thúc sự nghiệp trong lưu đày.

Tất cả những người này đều là công thần và khai quốc công thần của triều Nguyễn. Vì thế, số phận của họ làm dấy lên ý tưởng về việc triều đại mới ra tay một cách có chủ ý nhằm triệt hạ các nguy cơ xung đột quyền lực gây ra bởi quyền thần. Điều này gợi lại ý tưởng lan truyền trong nền chính trị Á Đông hơn 2.000 năm qua: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết".

Bài viết ngắn này thách thức góc nhìn trên và gợi ý rằng đó là một huyền thoại lớn của nền chính trị. Với hình ảnh thỏ và chó săn, niềm tin này hướng tới việc các nhà vua lên ngôi quên đi ngày tháng nếm mật nằm gai và muốn độc chiếm quyền lực. Vì thế, bi kịch của những người như Hàn Tín được cho là đến từ sự vong ân bội nghĩa của người cầm quyền.

Bản tấu của Lê Văn Duyệt trình báo việc đã tới nhiệm sở tại Gia Định (28-8-1820) và châu phê của Minh Mệnh: “Khanh đi đường được bình an là rất tốt, biết cho”. (Nguồn: “Châu bản triều Minh Mệnh”, tập 1, tờ 56).

Bài viết này gợi ý rằng nguyên nhân ban đầu của bi kịch không phải từ các ông vua mà bắt đầu từ chính các công thần, từ việc họ không nhận ra sự thay đổi cấu trúc quyền lực và vai trò của thiết chế mới trong nền chính trị. Chính điều này dần tạo ra xung đột giữa một bên là các thiết chế quyền lực mới đang quan liêu hóa với một bên là các công thần quen nền hành chính đơn giản thông qua tương tác trực tiếp với người cai trị. Tới một lúc nào đó, cách hành xử, cách ra quyết định và cách tiếp cận ngai vàng của công thần biến họ thành đối trọng quyền lực của nhà vua, đe dọa vị trí của nhà vua trong hệ thống mới.

Điểm quan trọng nhất của sự chuyển đổi này là khi Nguyễn Phúc Ánh hay Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi hoàng đế và bắt đầu dọn vào ở trong hoàng cung. Chính Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Văn Duyệt... chủ trì các buổi lễ lên ngôi nhưng dường như quên mất điều cốt tử rằng từ đây Nguyễn Phúc Ánh với tư cách Đại nguyên súy, hoàng tử, vương đã trở thành Gia Long hoàng đế. Mà hoàng đế thì bất khả xâm phạm, không thể thách thức. Hoàng đế cũng được bảo trợ bằng một hệ thống các biểu tượng, nghi lễ và thiết chế nghiêm ngặt.

Tất cả những tiếp xúc với hoàng đế giờ đây thông qua hệ thống hành chính hoàng cung chặt chẽ từ lính gác cho tới thái giám và cơ quan văn phòng. Mọi sự vi phạm các nguyên tắc thực hành quyền lực này được hiểu là thách thức ngai vàng. Hậu quả của nó thì thường chỉ có một kết cục mà thôi.

Lấy Nguyễn Văn Thành - võ tướng uyên bác bậc nhất của quân Nguyễn làm ví dụ. Ngày 20-7-1802, xa giá vua Gia Long tới Thăng Long, ông là viên tướng duy nhất được triệu hồi để bàn định cai trị Bắc Hà. 3 tháng sau, ông được cử Tổng trấn Bắc Thành, toàn quyền cất bãi quan lại, xử quyết kiện tụng. Chính ông đã giúp nhà Nguyễn bình định Bắc Hà trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX bằng cách dựa vào đội ngũ đông đảo các trí thức Đàng Ngoài. Chính ông là người thường xuyên dâng sách vở, mật tấu chính sách và đều được tin dùng. Khoản tiền 4.500 quan ông vay công quỹ cũng được Gia Long miễn trả.

Từ 1810 đến 1815, Nguyễn Văn Thành là quan chức quyền lực nhất ở Huế. Ông chủ trì biên soạn Hoàng Việt luật lệ và cố vấn triều chính trong khi các đối thủ chính trị như Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Văn Nhân... được phái đi các địa phương.

Tình thế này đã đổi khác khi Nguyễn Văn Thành tiến hành cuộc vận động kế ngôi cho vị hoàng tôn nhỏ tuổi ở Huế mà quên mất tính cách hoài nghi và nhạy cảm quyền lực của vị vua mà ông đã phụng sự 37 năm (từ 1778). Gia Long, lúc này 54 tuổi, nhận ra bầu không khí căng thẳng của cuộc chiến kế vị. Với sự “đa nghi” rèn luyện qua nửa đời người bôn ba, ông nhận ra hoạt động này xuất phát từ ý đồ cá nhân của Nguyễn Văn Thành nhằm thao túng triều chính qua một ông vua nhỏ tuổi (Thực lục: I, quyển 51). Điều này chắc chắn gợi nhớ cơn ác mộng của vị Đại nguyên soái 17 tuổi Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, dưới sự kìm kẹp của Đỗ Thanh Nhân:

“...Thanh Nhân cầm quân Đông Sơn, thường có ý vượt quyền. Đến khi vua lên ngôi, Thanh Nhân cậy mình có công tôn phù, lòng kiêu ngạo càng tăng, quyền sinh sát cho đi lấy lại đều ở trong tay; kinh phí trong cung thì giảm bớt đi, không chịu cung hiến; phàm người bè cánh gần gũi thì tự tiện cho theo họ mình” (Thực lục).

Gia Long có vẻ như đã phát đi tín hiệu cảnh báo. Năm 1815, ông triệu Lê Văn Duyệt và các tướng lĩnh khác về kinh để làm đối trọng. Đầu năm 1816, ông ra lệnh cấm quan lại và hoàng tử hoàng tôn qua lại. Việc Nguyễn Văn Thành tổ chức các bữa tiệc cho quan lại được coi là chỉ dấu của hoạt động phe phái và Trịnh Hoài Đức đã phải tìm cách can ngăn: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn” (Thực lục).

Với sự đổ vỡ mối quan hệ Nguyễn Văn Thành - Gia Long thì vụ án Nguyễn Văn Thuyên và sự sụp đổ của phe nhóm này là hệ quả không thể tránh khỏi. Các ghi chép của nhà Nguyễn về hành động của Nguyễn Văn Thành cần được đọc một cách cẩn trọng vì chúng được biên soạn bởi các sử quan thân Minh Mệnh.

Tuy nhiên, hãy nhìn vào các hành động của Gia Long và những quan chức xung quanh (như Nguyễn Đức Xuyên, Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng...) để thấy mặc dù gió đã đổi chiều ở Huế nhưng rõ ràng là Nguyễn Văn Thành không nhận ra. Chính nhà vua cũng tuyên bố: “Nguyễn Văn Thành ngôi cao nhất trong hàng bầy tôi, con đỗ hương cống mà lại đi giao thiệp bậy mà kết bè đảng, toan muốn làm gì?” (Thực lục).

Còn đây là cảnh giao tiếp cuối cùng giữa vị công thần và nhà vua: “Một hôm vua bãi chầu vào nhà trong, Thành đến thẳng nắm áo vua ngăn lại khóc kêu rằng: Tôi tự lúc bé lớn lên đi theo bệ hạ cho đến ngày nay, vốn không có tội gì, nay bị người bịa đặt để hãm vào tội, bệ hạ ngồi trông cho chúng giết tôi, không cứu giải tý nào à?

Nguyễn Đức Xuyên thét to lên rằng: Ngươi có tội hay không có tội đã có công nghị ở trên triều đình, sao được vô lễ, lui xuống ngay” (Đại Nam liệt truyện).

Vua Minh Mệnh sẽ tương tác với hai viên công thần khác là Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Duyệt là quan chức nhận di chiếu của Gia Long để phò tá nhà vua mới. Một trong những hành động úy lạo đầu tiên của Minh Mệnh là ban thưởng cho gia đình Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Cả hai đều trở thành thông gia với nhà vua. Châu bản triều Nguyễn còn để lại lời phê đầy cảm kích của Minh Mệnh trên bản tấu ngày 28-8-1820 của Lê Văn Duyệt báo đã tới Gia Định: “Khanh đi đường được bình an là rất tốt”. Ở một bản tấu khác, mẹ của Lê Chất được miễn một nửa thuế thầu hằng năm ở đầm Vũng Lấm, phủ Quy Nhơn.

Mặc dù vậy, nhà vua và hai vị công thần thuộc về hai thế giới khác nhau. Tính cách võ biền của Duyệt, như mô tả trong Quốc sử di biên: “không câu nệ thứ bậc”, “thường đánh chết con chó nào chạy đến trước mặt vua”. Duyệt và Chất phản ánh cách thức vận hành quyền lực cũ, đơn giản, ít lễ nghi thời Gia Long. Minh Mệnh là hiện thân cho ý chí của nền chính trị mới, ở đó lãnh thổ phải được thống nhất, điển chế, pháp độ được chuẩn hóa và sự chính danh “quân - thần” phải được thực hành nghiêm ngặt.

Lê Văn Duyệt và Lê Chất tạo ra một liên minh quyền lực vững chắc, gây sức ép lên Minh Mệnh, chống lại cải cách hành chính và sự phức tạp hóa của nền chính trị. Khi Trịnh Hoài Đức được yêu cầu tham khảo điển chế cũ để tấu lên thi hành, hai người này tấn công trực tiếp vào Trịnh Hoài Đức và cáo buộc ông thao túng, dèm pha nhà vua.

Nhà vua mới đã phải nhún nhường và tìm cách thỏa hiệp để có được sự phục vụ quân sự của hai viên tướng lão luyện, những người đã giúp ông cai quản hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Mekong. Mặc dù vậy, sự nhẫn nhịn đó có giới hạn. Khi hai vị tướng quân này qua đời, Minh Mệnh đẩy mạnh tập trung hóa quyền lực và lãnh thổ. Các cuộc xung đột lớn đã nổ ra ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Minh Mệnh quy kết sự chống đối có tính cách địa phương này là hệ quả từ sự dung dưỡng của hai viên tướng. Chính lúc đó, bi kịch của gia đình họ bắt đầu.

Số phận của các công thần nhà Nguyễn vì thế cần phải đặt trong những mối quan hệ phức tạp hơn rất nhiều so với ý niệm giản đơn về tình cảnh các tướng lĩnh thời hậu chiến.

Cuối cùng, bài viết này không nhằm biện hộ cho Gia Long và Minh Mệnh mà xem xét mối quan hệ quân - thần trong sự thay đổi quan hệ quyền lực chính trị. Mối họa mà những người như Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Văn Duyệt mắc phải không đơn giản vì hết giặc, hay nhà vua hiềm nghi mà quan trọng hơn và trước hết là họ đã không thấy được sự thay đổi của không gian chính trị và các mối quan hệ quyền lực, để rồi tự mình gây ra xung đột với các thiết chế quyền lực mới. 

Không chỉ các đấng quân vương chịu trách nhiệm cho tình trạng này mà bản thân các công thần cũng phải xem cách thức thực hành chính trị và duy trì quyền uy của mình. Từ đó, chúng ta thấy được sự nhạy cảm chính trị và khả năng ứng phó của các quan chức và tướng lĩnh Việt Nam đầu thế kỷ XIX với các biến động lớn của vương triều và thời đại.

Vũ Đức Liêm
.
.