Thiên tai, dịch bệnh tác động lên xã hội Việt Nam như thế nào?

Thứ Hai, 06/01/2020, 18:58
Đây là câu chuyện về thiên tai, dịch bệnh và sự hưng vong của nhà nước, thăng trầm của quyền lực chính trị trong lịch sử Việt Nam...


Thời tiết, khí hậu và sự hưng vong của xã hội Việt Nam

Dưới sự dẫn dắt của chủ nghĩa Marx và lịch sử duy vật biện chứng, chúng ta nhận thức rằng sự tiến hóa của lịch sử thông qua các hình thái kinh tế-xã hội. Hưng thịnh của cộng đồng người, thịnh suy của quyền lực chính trị, nhà nước tới từ sự tương tác giữa kiến trúc thượng tầng, quan hệ sản xuất với cơ sở hạ tầng, lực lượng sản xuất.

Con người có thể chinh phục, cải tạo tự nhiên, sử dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra các môi trường cho xã hội loài người. Các ý tưởng trên đều đúng. Việc nhấn mạnh vai trò của con người trong tương tác với tự nhiên, cải tạo thế giới... có tính hợp lí bởi tất cả các dự án đó được tạo ra bởi con người, bởi khoa học kỹ thuật, bởi ý chí của các nhà nước và các ý tưởng liên quan tới quyết định của họ đối với môi trường tự nhiên.

Kịch bản cũ cho 2050 và kịch bản mới cho 2050. Bản đồ dự báo các vùng ngập dưới triều cường ở hạ lưu Mekong (2050). Nguồn: New York Times (Oct. 29, 2019).

Bài viết này góp thêm vào nhận thức đó một khía cạnh khác của sự thăng trầm nhà nước và quyền lực chính trị trong lịch sử Việt Nam nhìn từ hệ quả của thiên tai, dịch bệnh và cách thức các điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù đã tác động như thế nào tới phản ứng chính trị, xã hội và chính sách đối với tự nhiên. Nói cách khác, đây là câu chuyện về lịch sử chính trị-xã hội ở Việt Nam trong sự tham chiếu với tác động của tự nhiên.

Câu chuyện này bám sát cuộc hành trình thăng trầm của Việt Nam dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh và hiện thường thời tiết bất thường. Người Việt thường mô tả mảnh đất thiêng liêng của mình là chốn “rừng vàng, biển bạc”, thiên nhiên ưu đãi. Tất cả những điều đó đều đúng, tuy nhiên mới chỉ là một phần của bức tranh tương tác phức tạp giữa con người với tự nhiên trên vùng đất này. Phần còn lại là nỗi ám ảnh và mối đe dọa thường trực của thiên tai.

Bão nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh, côn trùng phá hoại, sông đổi dòng, hạn hán,... chỉ là một phần trong danh sách dài tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên đối với đời sống xã hội người Việt. Theo sau những biến động đó là nạn đói, dân cư lưu tán, bạo lực xã hội, trộm cướp, thổ phỉ và chống đối nhà nước. Tầm quan trọng của nghiên cứu này ở chỗ nó tìm kiếm một mô hình tương tác giữa thiên tai với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội người Việt.

Các nhà nước trong lịch sử đã tìm cách hạn chế ảnh hưởng của chúng như thế nào? Và hậu thế có thể học được gì từ cha ông để giải quyết cuộc chiến biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đời sống người Việt Nam.

Thiên tai với biến động chính trị và thay đổi vương triều

Không phải ngẫu nhiên các biến loạn xã hội thời tiền hiện đại thường bắt đầu bằng điềm báo liên quan tới hiện tượng thời tiết bất thường. Động đất, sông đổi dòng, nhật thực, dịch bệnh... không chỉ được coi là dấu hiệu của hỗn loạn xã hội mà theo sau đó là sụp đổ của vương triều.

Tâm thức đó phản ánh nỗi ám ảnh của con người trước những thay đổi tự nhiên không lường trước và kinh nghiệm xã hội liên quan tới hệ quả của chúng. Nhìn lại lịch sử hơn một nghìn năm qua, khi người Việt bắt đầu tiếp quản vùng châu thổ sông Hồng và mở rộng lãnh thổ về phía Nam cho tới khi nước Việt Nam hiện đại ra đời năm 1945, các biến cố tự nhiên là một phần của sân khấu lịch sử. Kỷ nguyên độc lập tự chủ bắt đầu việc định đô của nước Việt mới bằng một bản chiếu đề cập tới vị thế cao ráo, bằng phẳng, không ngập lụt của Đại La/Thăng Long/Hà Nội.

Nhà nước Việt Nam độc lập thời hiện đại cũng ra đời sau một nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nguyên nhân của nó không chỉ tới từ chính sách kinh tế của Nhật-Pháp mà còn tình trạng lụt lội từ Hà Tĩnh, Nghệ An và mất mùa diện rộng trên vùng châu thổ Bắc Bộ nửa sau năm 1944.

Dọc theo diễn trình lịch sử lâu dài đó, sự trỗi dậy hay suy tàn của triều đại, gia tăng bạo lực xã hội, dân chúng li tán, nổi loạn... đều có thể truy nguyên nguồn gốc về các chuyển dịch kinh tế-xã hội dưới sự tác động của điều kiện địa lý tự nhiên và thay đổi yếu tố địa chính trị. Hãy lấy sự sụp đổ của nhà Trần làm ví dụ. Biểu đồ dưới đây thống kê các số lượng tương đối dày các trận lụt và hạn hán ở châu thổ sông Hồng trong 70 năm cuối cùng của vương triều Trần, tổng số khoảng 20 đợt (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Thiên tai không chỉ là nguyên nhân (và hệ quả) của sự sụp đổ chính trị nhà Trần mà còn là một phần của sự hỗn loạn của Việt Nam cuối thế kỷ XIV. Thất trảm sớ của Chu Văn An đã được đệ trình giữa những trận lụt và cơn hạn hán này. Các thống kê dân số cũng cho ra ước lượng rằng châu thổ sông Hồng đã mất đi 1,5 triệu người giữa những năm 1361 và 1390 do chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh và di cư.

Những mô hình tương tự có thể được tìm thấy trong sự suy tàn của nhà Lê Sơ vào cuối thế kỷ XV-đầu thế kỷ XVI, sự suy tàn của chính quyền Lê-Trịnh và trỗi dậy của nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII.

Thiên tai, nạn đói và bạo lực xã hội

Sự gắn kết giữa thiên tai với gia tăng bạo lực xã hội là một nỗi ám ảnh của lịch sử Việt Nam. Thảm họa tự nhiên có thể giải thích nhiều giai đoạn hỗn loạn và bạo lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, bao gồm:

(1) Cuộc khủng hoảng của nhà Lê Sơ cuối thế kỷ XV, sự chuyển đổi từ Lê sang Mạc và chiến tranh Nam-Bắc Triều.

(2) Sự hỗn loạn của thế kỷ XVIII với sự sụp đổ của nền kinh tế Đàng Trong, Đàng Ngoài, khủng hoảng của chính quyền Lê-Trịnh và chúa Nguyễn, sự nổi dậy của dân chúng, trong đó đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Điều đáng lưu ý, sự hỗn loạn ở thế kỷ XVIII là một hiện tượng có tính khu vực trên khắp Đông Nam Á mà một nguyên nhân chung có thể là do sự thay đổi thời tiết trong khu vực, đặc biệt vào nửa sau thế kỷ XVIII.

(3) Nhà Nguyễn là một bi kịch khác về ví dụ của nhà nước ở Việt Nam trong cuộc vật lộn với thiên tai và dịch bệnh.

Thống kê về lũ lụt, hạn hán, nạn đói và dịch bệnh ở vùng châu thổ sông Hồng trong giai đoạn 1300-1800.

Các sử gia hiện đại mô tả chế độ phong kiến dưới thời nhà Nguyễn thối nát không quan tâm đến đê điều, dân chúng để gây ra tai họa. Trái lại, tư liệu vương triều cho thấy trị thủy luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với các nhà vua ở Huế. Thống kê của quan Đê chính Lê Đại Cương năm 1829 cho thấy đê dọc sông Hồng là 952 km, trong đó 144,5 km được xây dựng trong 26 năm đầu triều Nguyễn.

Tuy nhiên, thay đổi của hệ thống sông Hồng, tình trạng phá rừng ở Vân Nam đã làm cho nửa đầu thế kỷ XIX trở thành giai đoạn chịu nhiều lũ lụt nhất ở Bắc Kỳ. 48 lần vỡ đê được ghi nhận ở thế kỷ XIX. Riêng từ 1803 đến 1861 đã có 27 trận lụt được sử quan nhà Nguyễn chép lại, chưa kể các đợt vỡ đê cục bộ là chuyện xảy ra hằng năm.

Lụt và nạn đói là nguyên nhân trực tiếp của 4 cuộc nổi dậy thời Gia Long, 11 cuộc thời Minh Mệnh, 1 cuộc thời Thiệu Trị và 3 cuộc thời Tự Đức, trên tổng số 400 cuộc nổi dậy trong vòng 60 năm. Nhiều vùng đất ở Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định gần như bỏ hoang và tình trạng cư dân phiêu tán, tụ tập trong các nhóm vũ trang địa phương trở nên phổ biến (Đại Nam Thực lục).

Vào những năm 1820, vùng duyên hải Nam Định, Thái Bình trở thành hang ổ của những người lưu tán. Chính trên khung cảnh đó xuất hiện cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành và sau đó là các nỗ lực của Nguyễn Công Trứ nhằm ổn định dân cư bằng khai hoang và định cư trên vùng đất mới.

Cùng với 2 trận dịch thảm khốc dưới thời Minh Mệnh, thiên tai đã tạo ra ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc tới số phận của Việt Nam trong đêm trước của quá trình hiện đại hóa, mở cửa và đương đầu với thực dân phương Tây.

Chiến tranh, dân lưu tán, nổi loạn, đàn áp của triều đình đã làm chia rẽ và suy yếu xã hội Việt Nam giữa lúc dân tộc cần một nhà nước mạnh và sự cố kết của dân chúng để giúp Việt Nam đương đầu với thử thách của thời đại. Với ý nghĩa đó, sẽ là không quá nếu nói rằng vỡ đê và lũ lụt đã làm thay đổi vận mệnh của nước Việt Nam hiện đại. 

Cuối cùng, thực tế cho thấy lụt lội, động đất, sóng thần, hạn hán, lở đất, nạn côn trùng... ghi dấu trên bước đường đi của nhân loại, ảnh hưởng trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, từ tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh đến tổ chức chính trị. Vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai của Việt Nam không chỉ là cách giúp tìm câu trả lời cho những vấn đề cấp thiết về tài nguyên, môi trường hiện nay của chúng ta mà còn giúp hiểu rõ hơn bản sắc và những đặc trưng cội rễ của dân tộc.

Cuộc hành trình của dân tộc Việt Nam và số phận của nó giữa những thiên tai, dịch bệnh rõ ràng là bài học cực kỳ hữu ích cho chúng ta ngày nay, giữa khung cảnh của những thay đổi lớn về khí hậu và thời tiết quy mô toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong kịch bản biến đổi khí hậu 2050.

Nghiên cứu mới nhất của Climate Central đăng trên tạp chí Nature Communications dự báo vùng Nam Bộ sẽ biến mất. Khi đó, hơn 20 triệu người, tức ¼ dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và vùng kinh tế số 1 của đất nước đang bị đe dọa. Thiết nghĩ, đó cũng là lúc để chúng ta cần thêm nữa tri thức từ chính thăng trầm của ông cha trong quá khứ.

Vũ Đức Liêm
.
.