Thi tuyển lãnh đạo

Thứ Bảy, 25/06/2016, 17:48
Đề án thi tuyển lãnh đạo đã được Bộ Chính trị thông qua và hiện đang trong giai đoạn áp dụng thí điểm. Trong khi một số nơi đã tiên phong thực hiện thì phần còn lại vẫn đang ái ngại “ngó nghiêng” không muốn thay đổi nếp tư duy cũ…


Làm việc với Bộ Nội vụ mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp những vướng mắc, đề xuất hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tiêu cực, phân cấp quản lý phù hợp. 

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách khả thi để thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ, lựa chọn các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù để xác định chính xác người có tài năng, lưu ý thủ tục tiếp tục công nhận người có tài năng sau một thời gian làm việc…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những đề án phải lùi thời hạn trình, trong đó, lưu ý các văn bản về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ. Trong đó, việc tuyển dụng người tài bằng hình thức thi tuyển là vấn đề được lưu tâm.

Thực tế, thời gian qua một số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện với các tiêu chí và cách thức thi tuyển khác nhau như phạm vi, đối tượng. Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa X đã xác định tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, trong đó, khẳng định phải đổi mới cách tuyển chọn cán bộ.

Theo đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, có rất nhiều điểm mới, trước hết là quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu được giao thẩm quyền đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia dự tuyển và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự nếu được bổ nhiệm. Thứ hai là phạm vi, đối tượng được mở rộng không bị giới hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cả cán bộ, công chức, viên chức.

Buổi làm việc của Hội đồng thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Viên chức được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương trong từng bộ, ngành, địa phương nếu đảm bảo, tiêu chuẩn điều kiện thì cũng được tham gia dự tuyển. 

Trường hợp những người tham gia dự tuyển không nằm trong diện quy hoạch phải được cấp ủy đảng có thẩm quyền đồng ý. Thứ ba, bổ sung vào quy trình là người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết, môn điều kiện nếu đạt 50 điểm trở lên, thang điểm 100 thì ứng cử viên này tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ công chức, viên chức của từng cơ quan từng tổ chức, từng đơn vị. Thứ tư, thay đổi nội dung và kết cấu phiếu tín nhiệm, đảm bảo thực chất là phiếu giới thiệu.

Phần thứ nhất là một số thông tin liên quan đến người tham gia dự tuyển, phần thứ hai là phần chính, nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm của người tham gia dự tuyển thì có 3 nội dung. Đó là phẩm chất, tư cách đạo đức của người tham gia dự tuyển; trình độ thể hiện sự am hiểu về ngành. lĩnh vực mà mình tham gia dự tuyển; năng lực thể hiện nói được, viết được, làm được và ba nội dung này thể hiện, đánh giá qua mức độ là đạt, không đạt.

Theo tinh thần cơ bản của đề án được Bộ Chính trị thông qua, phạm vi áp dựng thí điểm tập trung vào khoảng 1/3 bộ, ban, ngành Trung ương và 1/3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm từ quý 3/2015 đến quý 3/2018.

Đề án đã có, thời gian này chủ yếu là… thí điểm, thăm dò. Phải nói rằng, nhiều người tỏ ra quan ngại với chuyện thi thố thường tìm cách phản ứng, thậm chí có người phản ứng gay gắt tại hội nghị, hội thảo. Nhưng một xã hội tiến bộ, muốn xây dựng bộ máy nhân sự đủ tầm mà bỏ đi chuyện thi tuyển thì lấy gì để đánh giá công minh?

Ngay từ năm 2007, Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước“ đã xác định: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp”. 

Chủ trương đã có, đã 10 năm rồi nhưng thể chế thì chưa, vẫn chỉ ở trạng thái người này ngó người kia xem sự thể ra sao, thế nên tới nay vẫn dừng lại ở thí điểm.

Theo dõi cho thấy, việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp... dù chỉ rải rác song đã có kết quả tích cực, tạo ra một cách làm mới trong lựa chọn lãnh đạo so với cách làm truyền thống và quan trọng hơn là được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Những mặt được của thi tuyển lãnh đạo là: mở rộng được đối tượng tham gia, người trong quy hoạch, người ngoài quy hoạch, công chức trẻ, có số năm làm việc ít cũng có thể tham gia thi, quy trình, thủ tục rõ ràng hơn, hạn chế được chuyện tiêu cực, nhất là chuyện chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên, việc triển khai cho thấy nhiều cái vướng. Điểm vướng đầu tiên chính là đụng chạm đến vấn đề quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện bài bản từ rất lâu, có thể chế rõ ràng. Không có thi tuyển thì khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét là “ok” ngay.

Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể tham gia, thế là người trong quy hoạch dài cổ chờ 5 năm, 10 năm, nay bị “lính nhảy dù” đến thi thố tranh ngôi. Vướng mắc này xem ra không hề nhẹ, thậm chí bị đụng chạm gay gắt. Thứ hai là làm ở phạm vi nào?

Nếu có thể chế nhưng lại quy định tùy bộ, tỉnh xem xét quyết định áp dụng dẫn tới sẽ có bộ, tỉnh làm, nhưng cũng có bộ, tỉnh không làm. Mà trong một bộ, tỉnh chỉ thi lãnh đạo vụ, cục, sở này, vụ, cục, sở kia thì không. Thế nên nơi làm nơi không cũng tạo ra sự “gồ ghề” so bì hơn thiệt. Điểm nữa là vấn đề tiêu chuẩn. Thi tuyển lãnh đạo buộc phải xem xét lại các tiêu chuẩn đã được ban hành về công chức lãnh đạo.

Qua thi, sẽ có được công chức trẻ, có năng lực với trọng trách lãnh đạo song lại đụng ngay tiêu chuẩn. Chẳng hạn, tiêu chuẩn vụ trưởng, giám đốc sở cơ bản phải là chuyên viên chính, có lý luận chính trị cao cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 5 năm công tác trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

Tiêu chuẩn phó vụ trưởng, phó giám đốc sở phải là chuyên viên bậc 6, có lý luận chính trị trung cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính. Chính vì thế, sau khi thi tuyển, những nơi áp dụng đã gỡ vướng bằng cách cho nợ tiêu chuẩn, nếu công chức thi đỗ, được bổ nhiệm lãnh đạo thì phải… trả nợ sau.

Vướng thì vướng nhưng không lẽ cứ đổ lỗi rồi khoanh tay đứng nhìn. Có thể thấy một số bộ đã tiên phong việc này như Bộ Nội vụ. Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 748/QĐ-BTP về việc phê duyệt đề án tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Theo đó, vị trí thi tuyển gồm: Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Học viện Tư pháp. Cấp phó gồm Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Còn ở địa phương, Đà Nẵng tổ chức thi tuyển nhiều chức danh. 

Thi tuyển lãnh đạo ở tỉnh Quảng Ninh. 

Chẳng hạn chức danh Giám đốc Sở Xây dựng, 3 ứng viên đủ điều kiện dự tuyển gồm Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Trần Văn Dũng (50 tuổi) và 2 Phó Giám đốc Sở là ông Vũ Quang Hùng (46 tuổi) và ông Lê Tùng Lâm (42 tuổi).

Các ứng viên thi tuyển dưới hình thức trình bày đề án, trả lời và trao đổi trực tiếp với Hội đồng tuyển chọn. Hay Quảng Ninh rất tiên phong và kết quả là qua “vượt rào”, đã có nữ phó giám đốc sở tuổi 32 trúng tuyển. Đó là năm 2013, Phó trưởng Phòng Lãnh sự Sở Ngoại vụ Quảng Ninh Nguyễn Thùy Yên (sinh năm 1981), mạnh dạn nộp hồ sơ dự thi tuyển chức Phó giám đốc Sở.

“Tôi lo lắng vì tuổi mình còn quá trẻ so với 5 ứng viên còn lại. Hơn nữa, khi đấy tôi chỉ là phó phòng, trong khi các anh chị cùng thi đều là trưởng phòng”, chị Yên nhớ lại.

Nhưng với thâm niên 8 năm làm công tác tại sở và kinh nghiệm từng thuyết trình trên bục giảng và làm phiên dịch tiếng Anh nhiều năm, chị đã tự tin giành số điểm cao nhất (84,7/100). Sau chị Yên, tỉnh Quảng Ninh có Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cũng đều thuộc thế hệ 8x và trúng tuyển qua hình thức thi tuyển công khai.

Chính việc tiên phong vậy nên Quảng Ninh được các địa phương “ngó” tới để xem sự hay dở ra sao. Và khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính (nay là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) nói thẳng, tỉnh rất coi trọng việc thi tuyển để tìm người có năng lực, trình độ bởi “cơ chế tuyển dụng một lần hưởng lương suốt đời như lâu nay đang làm thui chột nhân tài. Chúng ta phải thay đổi, chỉ có dân chủ mới tìm được những người có trí tuệ, loại được người yếu kém”.

Thực tế, ngay từ năm 2006, Quảng Ninh đã bắt đầu xây dựng quy chế bổ nhiệm cán bộ thông qua thuyết trình đề án. Kiểu làm đó giống như trình bày trước hội đồng bảo vệ luận văn, đòi hỏi khả năng ăn nói phải tốt – một yêu cầu tất yếu của thế hệ lãnh đạo ngày nay.

An Nhi
.
.