Theresa May – bà đầm thép mới của nước Anh: Sẽ sớm hoàn thành Brexit

Thứ Ba, 26/07/2016, 23:53
Đảng Bảo thủ của Anh vừa qua đã công bố Bộ trưởng Nội vụ Theresa May sẽ trở thành người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron.

Theo kế hoạch, bà Theresa May và Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Andrea Leadsom sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ, với kết quả dự kiến được công bố ngày 9-9 tới. Tuy nhiên, trong ngày 11-7, đối thủ duy nhất của bà May đã bất ngờ tuyên bố rút lui, chính thức mở đường cho nữ Bộ trưởng tiến thẳng tới căn nhà số 10 phố Downing.

Đưa tin về sự kiện này, tờ Financial Times ngay lập tức đăng bài viết “Thủ tướng mới – giờ là nhiệm vụ khó khăn”, trong đó nêu rõ nước Anh rất cần một giai đoạn ổn định, để chính phủ mới do bà May lãnh đạo có thể lên kế hoạch rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy mối quan hệ thương mại mới với châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Vinh quang đảm nhận vị trí chủ nhân nhà số 10 phố Downing của bà Theresa May cũng đồng nghĩa rằng bà sẽ là người thực hiện nhiệm vụ đưa nước Anh rời khỏi EU (Brexit) và đàm phán những điều khoản thương mại mới với liên minh này.

Nội các Brexit

Trong diễn văn nhậm chức, tân Thủ tướng Theresa May cho biết đã nhận lời đề nghị thành lập chính phủ mới từ Nữ hoàng Elizabeth II. Tân Thủ tướng May đã dành nhiều lời ca ngợi người tiền nhiệm David Cameron, khẳng định ông Cameron là một Thủ tướng “vĩ đại” của thời hiện đại. Theo bà May, ông Cameron đã giúp ổn định nền kinh tế Anh và di sản lớn nhất mà ông để lại là công bằng xã hội và đó cũng là con đường mà bà sẽ lựa chọn để lãnh đạo chính phủ sắp tới.

Tân Thủ tướng Anh cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho công bằng xã hội và chính phủ mới của bà sẽ hoạt động vì lợi ích của mọi tầng lớp dân chúng chứ không chỉ phục vụ cho một số ít những người có đặc quyền. Bà cũng khẳng định sẽ nghĩ đến lợi ích của những người dân bình thường trước tiên khi phải ra những quyết định lớn và sẽ cố gắng mang lại cho người dân quyền tự chủ nhiều hơn.

Bà May cũng cam kết giữ cho nước Anh có một vai trò tích cực mới và quan trọng “bên ngoài EU”. Tân Thủ tướng từng tuyên bố nước Anh sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ở lại “mái nhà chung châu Âu” và càng không nỗ lực để tái gia nhập EU.

Ngay sau khi trở thành Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã công bố danh sách nội các mới với 6 thành viên chủ chốt. Nữ thủ tướng Anh đã gây bất ngờ cho dư luận khi bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson làm Ngoại trưởng. Phát biểu trước báo giới, ông Johnson, người đi đầu trong chiến dịch ủng hộ Brexit, cho biết rất tự hào với vai trò mới.

Vinh quang đảm nhận vị trí chủ nhân nhà số 10 phố Downing của bà Theresa May cũng đồng nghĩa rằng bà sẽ là người thực hiện nhiệm vụ đưa nước Anh rời khỏi EU (Brexit).

Giới quan sát cho rằng việc thủ tướng Anh trao chức vụ quan trọng cho ông Johnson - người từng có nhiều bất đồng chính kiến với bà - cho thấy nỗ lực hòa giải trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May.

Trong khi đó, chức Bộ trưởng Tài chính, đúng như dự đoán, được trao cho cựu Ngoại trưởng Philip Hammond. Nhiệm vụ của ông Hammond là chèo lái con thuyền kinh tế Anh vượt qua cơn sóng suy thoái. Như cam kết trước đó rằng sẽ giao nhiều chức vụ quan trọng cho phụ nữ, tân Thủ tướng đã bổ nhiệm bà Amber Rudd làm Bộ trưởng Nội vụ.

Chiếc ghế ở Bộ Ngoại thương được giao cho ông Liam Fox, một người cũng ủng hộ Brexit. Trọng trách của chính trị gia này là đàm phán những thỏa thuận thương mại mới có lợi nhiều nhất cho Anh. Còn ông Michael Fallon vẫn tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Bà May cũng cho lập một bộ mới mang tên Brexit, có vai trò tiến hành các cuộc đàm phán rời EU, do “Bộ trưởng Brexit” David Davis, nhân vật ủng hộ Anh chia tay EU, trực tiếp lãnh đạo.

Rõ ràng là những quan chức ủng hộ Brexit đều được bà May giao đảm trách các vị trí chủ chốt trong chính phủ. Điều này cho thấy, nhà lãnh đạo mới giữ lời hứa tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích nội các mới vì cho rằng đây vẫn là “vòng luẩn quẩn nguy hiểm” sẽ làm tổn thương Anh và châu Âu.

Theo đó, nội các mới giống hệt bộ máy dưới thời ông David Cameron, được lập ra nhằm giải quyết hố sâu chia rẽ nội bộ trong đảng Bảo thủ cầm quyền hơn là thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Bà May từng phát biểu rằng sẽ làm việc dựa trên tinh thần xây dựng với chính phủ mới của Anh vào thời điểm khó khăn này để đem lại yên bình, thế nhưng thành phần nội các mới cho thấy xu hướng thỏa mãn sự gắn kết nội bộ đảng Bảo thủ hơn là tập trung vào tương lai của đất nước.

Nhiệm vụ khó khăn

Theresa May đã chính thức trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh và cũng là nữ Thủ tướng thứ hai của “xứ sở sương mù”. Sau khi nhận được “tin chiến thắng”, bà Theresa May nhấn mạnh tôn trọng ý nguyện rời EU của người dân Anh và kêu gọi nước Anh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của bà để thực hiện thành công Brexit.

Bà May tuyên bố: “Tôi vinh dự và tự hào khi được đảng Bảo thủ lựa chọn làm người lãnh đạo. Brexit là Brexit. Nước Anh không phải nỗ lực để ở lại EU hay tái gia nhập EU. Chúng ta sẽ hoàn thành việc này, và không có trưng cầu ý dân lần hai”.

Ở cương vị mới, bà May đã sớm có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Trong các cuộc trò chuyện trên, tân Thủ tướng May tái cam kết thực hiện nguyện vọng Brexit, đồng thời yêu cầu cần thêm thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán dựa trên tinh thần xây dựng và tích cực.

Trước khi nhậm chức thủ tướng, bà Theresa May trải qua sáu năm làm Bộ trưởng Nội vụ, trở thành người giữ chức vụ này lâu nhất tại nước Anh trong hơn 100 năm qua. Trong sáu năm tại vị, bà May trao quyền nhiều hơn giúp cảnh sát trấn áp tội phạm, tăng cường bảo vệ biên giới, giảm nhập cư và bảo vệ nước Anh khỏi khủng bố.
Thủ tướng Theresa May đã công bố danh sách nội các mới bao gồm những quan chức ủng hộ Brexit

Tờ Financial Timesmiêu tả bà Theresa May là người chủ trương tự do bảo thủ, tương tự như thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel của nước Đức. Trong khi đó, CNN nhận định, bà May nổi tiếng là người mê việc và trong chính trường Anh hiện tại, bà là người giống “bà đầm thép” Magaret Thatcher nhất. CNN cũng khẳng định, bà May là người thích hợp để chèo lái nước Anh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sự nghiệp chính trị của bà Theresa May bắt đầu cách đây 30 năm. Sau khởi đầu không suôn sẻ - không giành được ghế Quốc hội vào năm 1992 và 1994 - cuối cùng, năm 1997 bà Theresa May cũng vào được Quốc hội, đại diện cho vùng Maidenhead.

Năm 2010, ngoài việc giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, bà còn kiêm chức Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng nhưng đã từ bỏ chức này năm 2012. Nhìn chung, đường lối của bà Theresa May là ủng hộ hôn nhân đồng giới, giảm trợ cấp thất nghiệp, tăng lính tới Iraq và Afghanistan, tăng phí trung học và giảm thành viên Hạ viện. 

Ngoài ra, quan điểm và các động thái của bà May liên quan đến vấn đề nhập cư trong suốt thời gian bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ là điểm nổi bật trong hoạt động chính trị.

Mặc dù không chính thức đề ra mục tiêu giảm số người nhập cư ròng xuống con số hàng chục nghìn người so với mức 330 nghìn người, song bản thân bà nhiều lần đưa ra cam kết thực hiện điều này.

Một trong những chính sách gây nhiều tranh cãi nhất là quy định mới ban hành không cho phép công dân Anh đưa vợ/chồng (là người nước ngoài) hoặc con cái vào nước Anh nếu họ không có thu nhập hàng năm tối thiểu là 18.600 bảng, không tính tới mức thu nhập của người vợ/chồng đó. 

Nhiều gia đình tại Anh đang kiến nghị luật này lên tòa án tối cao vì cho rằng nó khiến trẻ em bị tách khỏi gia đình trong thời gian dài. Quy định này nằm trong số những biện pháp mà bà May đưa ra nhằm giảm số người nhập cư vào Anh.

Với cương vị mới, Thủ tướng Theresa May sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tiến hành đàm phán với các nhà lãnh đạo EU về việc Anh ra khỏi liên minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hoàn toàn không dễ dàng, bởi cho đến nay tiến trình để Anh “ly hôn” EU vẫn chưa có gì cụ thể.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng khẳng định các cuộc đàm phán Anh - EU không hề đơn giản, đã kêu gọi Anh nhanh chóng làm rõ cách nước này muốn xây dựng quan hệ tương lai với EU.

Ngoài ra, bà May cũng có nhiệm vụ giảm thiểu những thiệt hại mà Brexit gây ra đối với nền kinh tế Anh, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, bên cạnh việc phải hàn gắn những chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. 

Nhận xét về tân Thủ tướng, ông David Cameron nhấn mạnh rằng bà May là một nhà đàm phán tuyệt vời. Tuy nhiên, ông cũng khuyên người kế nhiệm cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với EU vì những lợi ích quan trọng về thương mại, hợp tác và an ninh cho nước Anh…

Thanh Sơn
.
.