Theo chân những người lính chống dịch nơi "đầu sóng ngọn gió"

Thứ Hai, 01/03/2021, 19:34
"Đêm đó trên đường tuần tra, chúng tôi phát hiện một đối tượng lội qua sông với vẻ lén lút liền nhanh chóng đuổi theo áp sát. Khi tôi tóm được áo thì gã cũng vừa ngồi thụp xuống để trốn khiến cả hai cùng lăn tòm xuống sông, ướt như chuột. Sau khi đồng đội khống chế đối tượng, tôi vội cởi bớt quần áo ngoài, chạy thẳng về chốt ngồi hong lửa. Mấy phút sau thì ngửi thấy có mùi khét, mùi vải cháy. Hóa ra, đôi tất đã cháy mà hai bàn chân vẫn còn tê cứng, không có cảm giác gì...".


Một đêm nơi chốt gác vùng biên

Trên đây là tâm sự của Trung tá Phạm Năng Trường - Trưởng Công an xã Bắc Sơn về một trong những kỷ niệm khi tuần tra biên giới, nhằm phát hiện ngăn chặn những đối tượng xuất nhập cảnh trái phép - cũng là để phòng chống đại dịch COVID-19.

Dáng người cao, gầy, khuôn mặt xương xương cùng đôi mắt thâm quầng của người thiếu ngủ, chỉ cần thoạt nhìn người công an này là chúng tôi có thể mường tượng được những khó khăn gian khổ của cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bám chốt. Biết chúng tôi có mong muốn được có mặt tại một chốt kiểm soát liên ngành, Trung tá Trường hẹn khoảng 20 giờ xuống xã rồi sẽ dẫn chúng tôi đi.

Lực lượng Công an Quảng Ninh phối hợp với quân đội, hải quan... tuần tra kiểm soát biên giới trong đêm.

Sau chừng 30 phút đi xe máy và đi bộ trong tiết trời giá buốt, gió thổi gầm gào qua các khe núi, chúng tôi cũng có mặt thôn Thán Phún (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh). Chốt nằm cheo leo trên một sườn đồi hướng về phía sông Ka Long, bao quanh là những tấm bạt dù được cố định bằng sợi dây chão to như cổ tay vẫn cứ rung lên bần bật mỗi khi gió thổi mạnh. Và trời thì rét căm căm, chỉ hơi thò tay ra khỏi áo là cảm giác đông cứng. Khí lạnh cứ len lỏi vào từng tế bào...

Sở dĩ chúng tôi chọn xã này bởi đây là một "điểm nóng" về nạn xuất nhập cảnh trái phép của Quảng Ninh. Thống kê sơ bộ trong năm 2020 đã có không dưới 5 vụ việc xảy ra trên địa bàn xã. Theo Cơ quan công an các đối tượng bị bắt giữ chủ yếu là người dân tộc, nhận thức rất hạn chế. Họ không thể nghĩ được rằng đã mang mầm họa, có thể làm khốn khổ cho bao nhiêu người. Có đối tượng khai nhận tham gia đường dây nhập cảnh cho người Trung Quốc chỉ để lấy 1-2 triệu đồng với dự định dùng để thanh toán chi phí chụp ảnh cưới, chuẩn bị lấy vợ. Song, chưa kịp đưa người yêu đi chụp ảnh thì đã bị bắt...

Cũng theo Trung tá Trường, cán bộ chiến sĩ Công an xã Bắc Sơn xác định "ăn tết" trên chốt luôn. Nhất là từ rằm tháng Chạp nhiều ca mắc mới đã xuất hiện tại địa bàn các huyện Vân Đồn, Đông Triều, TP Hạ Long... Nguồn lây nhiễm cũng chưa rõ ràng, cho nên công tác quản lý chặt đường biên được siết chặt hơn bao giờ hết.

Khoác thêm chiếc áo mưa, bật chiếc đèn pin, Trung tá Trường cùng mấy đồng chí công an viên bắt đầu ca tuần. Ngồi nơi kín gió thế này tôi vẫn còn thấy rét run, răng va vào nhau lập cập - vậy mà anh em vẫn phải lao vào mưa rét. Nhìn ánh sáng từ 4 chiếc đèn pin phát ra, tôi chợt liên tưởng đến những tráng sĩ thời cổ cầm gươm lên đường trả nợ nước thù nhà: "Gió thổi sông Dịch lạnh lùng ghê/ Tráng sĩ ra đi không trở về".

- Ngoài trời có lẽ chỉ khoảng 5 độ các đồng chí nhỉ, tôi gợi chuyện.

- Vâng, chắc tầm 4-5 độ C anh ạ.

Một chiến sĩ đáp lời. Rồi không đợi tôi hỏi, anh tâm sự. Thời điểm tháng 2-2020 anh gác ở khu vực cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh), thời tiết cũng rất khắc nghiệt sương giá phủ khắp nơi. Những tấm bạt không xi-nhê gì, lực lượng biên phòng phải vận động mượn những chiếc container để làm chỗ nghỉ ngơi cho anh em. Có đêm bỗng dưng xuất hiện một cụ cao niên đến gác cùng.

Thì ra cụ mang cho anh em ít khoai vừa dỡ, rồi cụ kể: "Cũng vào khoảng thời gian này cách đây 40 năm, cụ cùng đồng đội cũng chốt ở đây để chống giặc Tàu. Khi đó rét lắm, bộ đội lẫn dân quân phải mai phục ở các hang, lạnh thấu xương. Mà lại không được đốt lửa sưởi vì sợ bị đối phương đánh úp..."

- Năm nay không đánh giặc thì lại phải đánh con virus, cũng đều thập phần nguy hiểm cụ nhỉ, một anh lính trẻ buột miệng...

Mải trò chuyện, mấy lần đổi ca nhìn đồng hồ đã là hơn 4 giờ sáng. Trung tá Trường bảo anh đi tuần thêm vòng nữa. Bởi giờ này mọi người thường ngủ say, các đối tượng sẽ lợi dụng để xâm nhập mà không sợ bị phát hiện. Tôi cũng cảm thấy buồn ngủ rũ ra, mà chỉ chợp mắt được chừng 15 phút là lại bừng tỉnh vì... rét quá. Khoảng 5 giờ sáng thì Trung tá Trường đi tuần về. Anh ngồi nướng mấy quả trứng, lôi củ khoai củ sắn đã vùi chín ra đãi tôi. Khuôn mặt nhọ nhem, đôi môi tím tái vì rét, song đôi mắt anh vẫn lấp lánh niềm vui. Anh bảo dù rét đến mấy, dù khổ cực đến mấy thì anh em vẫn quyết tâm bám chốt, không để bị thủng phòng tuyến...

Ở đơn vị không có ngày nghỉ     

Rời TP Móng Cái, chúng tôi có mặt tại TP Hạ Long. Điểm đến là Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Nếu như cán bộ chiến sĩ ở các chốt biên giới phải vượt nhiều khó khăn về thời tiết để tuần tra kiểm soát, giữ vững đường biên thì với lực lượng điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia cũng có những nỗi niềm riêng mà không chứng kiến thì ít ai tưởng tượng nổi.

Người, phương tiện xuất - nhập cảnh đều được kiểm tra kỹ càng.

Gắn bó với địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã lâu, tôi vẫn ấn tượng về Trung tá Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh. Anh vốn có tính cách hài hước cùng nụ cười dễ mến. Song, lần này, vừa bước vào cửa tôi đã nghe thấy giọng của anh. Dù đeo khẩu trang kín mít, tôi vẫn nhận ra Trung tá Hùng đang "xạc" một chiến sĩ trẻ vì đeo khẩu trang không chuẩn chỉ và một chiến sĩ khác vì chậm một vài phút khi đến giờ họp án mà chưa thấy có mặt.

Có lẽ cũng hiếm ở nơi đâu, khi mà màn đêm đã buông xuống thì gần như toàn bộ cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh điều tra vẫn bám trụ tại cơ quan. Nhiều tháng nay, họ viết đơn tình nguyện ở lại đơn vị để làm án. Cũng bởi, từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ án xuất - nhập cảnh trái phép. Các đối tượng chỉ vì những lợi ích vật chất rất nhỏ đã đưa người nước ngoài nhập cảnh chưa qua khai báo y tế, khiến cho nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bùng phát dịch trở nên hiện hữu. Cần phải làm nhanh, xử điểm để tạo sự răn đe.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều chuyên án rửa tiền hay vũ khí vật liệu nổ... cũng cần phải được khẩn trương làm rõ. Chính vì thế, luôn có một "núi" việc chờ các cán bộ chiến sĩ giải quyết. Chạy đua với thời gian, các anh làm ngày làm đêm, cả Thứ bảy, Chủ nhật cũng không nghỉ. Ngày tết, anh em cũng chỉ tranh thủ tạt qua nhà, ăn với vợ con một bữa cơm rồi lại lên cơ quan, trực 100% quân số.

Tại "trung tâm chỉ huy" - tức phòng làm việc chung của Đội Điều tra án xâm phạm an ninh quốc gia, suốt từ sáng sớm đến tối mịt những cuộc điện thoại báo cáo án, xin chỉ đạo, đề nghị tháo gỡ vướng mắc từ điện thoại bàn cho đến điện thoại di động liên tục đổ. Cho đến khoảng 22 giờ, công việc xem chừng đã vãn, mấy cán bộ trẻ úp mấy gói mì tôm chia nhau ăn rồi lại tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, bàn bạc kế hoạch ngày mai sẽ đi đâu, làm gì... Dù mấy lần bị Hùng phê bình, song các cán bộ chiến sĩ khi được yêu cầu đi công tác thì đều rất vui vẻ, vì họ biết đã có một vị chỉ huy, một người anh biết việc, ân cần chống lưng phía sau.

Chúng tôi trở về phòng làm việc của Trung tá Hùng khi chuông đồng hồ điểm 24 giờ. Lúc này tôi thoáng ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt hốc hác, mái tóc bạn mình đã điểm thêm nhiều sợi bạc. Lặng lẽ ngồi uống một chén trà, nghe xong một bản nhạc thì tôi mới nhận ra bản chất cố hữu của người bạn thân nhiều năm. Anh mỉm cười nói tôi thông cảm vì công việc đang rất bề bộn, một bộ phận người dân - kể cả cán bộ chiến sĩ vẫn còn rất chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Chỉ cần lơ là một chút là dịch có thể lại bùng phát (và thực tế là đang diễn ra rất phức tạp). Vợ anh hiện đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Ninh) nên công việc cũng rất căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm cao.

"Năm qua nhân dân Quảng Ninh nói riêng và nhân dân cả nước đã "oằn mình" chống dịch. Là chiến sĩ công an nơi tuyến đầu, tôi luôn quán triệt anh em cán bộ chiến sĩ, người thân gia đình phải hết sức cảnh giác với con virus nguy hiểm này" - Trung tá Hùng chia sẻ.

Cũng ở Phòng An ninh điều tra, tôi được gặp Thượng úy Phạm Đức Trọng. Anh là trường hợp có thể nói là "đen đủi" nhất khi mà đến nửa năm trời không một lần "dám" về nhà. Từ tháng 6-2020 đến nay, Trọng và nhiều cán bộ chiến sĩ trong đơn vị gần như chưa được một ngày về nhà, ăn một bữa cơm với vợ con. Bởi sau mỗi lần tiếp xúc, lấy lời khai các đối tượng nước ngoài nhập cảnh trái phép thì đều phải “tự cách ly” ít nhất 14 ngày theo yêu cầu phòng dịch.

Khi vừa hết thời gian cách ly thì lại tiếp tục tham gia vụ án nhập cảnh trái phép khác và vòng quay lại tiếp tục diễn ra... Có thời điểm nhớ vợ con quá, vừa hết đợt cách ly là Trọng mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ chạy đến đầu ngõ để được nhìn thấy vợ con từ xa, vẫy tay chào tạm biệt rồi lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ...

Minh Khang
.
.