Thể thao Việt Nam: Nỗi buồn hậu Asiad

Thứ Hai, 03/11/2014, 15:59
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 17 Lâm Quang Thành tuyên bố với báo giới: “Không thể nói chúng ta thất bại”, bất chấp việc đoàn thể thao Việt Nam chỉ “gặt” được duy nhất một chiếc HCV, không hoàn thành chỉ tiêu đoạt từ 3 - 4 HCV như những gì đã định. Và theo đánh giá của rất nhiều chuyên gia thể thao thì chúng ta sẽ rất khó ngoi lên nếu vẫn còn những kiểu nhận định “khác người” như thế.

Thua cả Myanmar

Có lần ngồi với ông Đoàn Thao - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại những kỳ SEA Games đầu tiên (thể thao Việt Nam chỉ hội nhập trở lại với thể thao quốc tế từ SEA Games năm 1991), được nghe ông Thao kể rất nhiều về những cuộc cạnh tranh thứ hạng của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc cạnh tranh vị trí thứ 6 toàn đoàn với người Myanmar ở SEA Games năm 1993 tại Singapore. Cho đến trước ngày thi đấu cuối cùng của kỳ SEA Games đó, chúng ta vẫn đứng trên Myanmar nhưng chỉ hơn nhờ số lượng HCB, chứ không hơn số lượng HCV. “Ác” một nỗi Myanmar còn một trận chung kết bóng đá nam với Thái Lan, và nếu họ thắng trận chung kết ấy để đoạt HCV thì thành tích toàn đoàn của họ dĩ nhiên sẽ vượt lên ta.

Cũng phải nhắc lại rằng từ những năm 1993 trở về trước thì bóng đá nam Myanmar được đánh giá cao hơn bóng đá nam Thái Lan, nên ở trận chung kết ấy, rất nhiều người tin là Myanmar sẽ thắng. Rốt cuộc thì trận đấu ấy diễn ra rất kịch tính, và trong suốt thời gian bóng lăn thì ở một góc của khán đài, ông Đoàn Thao cùng đông đảo các cộng sự của mình đã không ngừng hò reo, cổ vũ cho Thái Lan cứ như thể đấy là ĐTVN. Sau đó, khi Thái Lan thắng vất vả để giành HCV  thì những lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đã nhảy lên reo mừng trong sự ngỡ ngàng của chính những người Thái Lan.

Nếu ở những ngày đầu tiên hội nhập, chúng ta phải cạnh tranh, so kè với Myanmar một cách gay cấn đến như vậy thì từ kỳ SEA Games sau chúng ta đã vượt trội Myanmar ở số lượng HCV để luôn nằm trong nhóm 3  khu vực. Chỉ có duy nhất kỳ SEA Games 24 vừa rồi là chúng ta chịu thua “đối thủ”, nhưng ai cũng nghĩ ta thua vì Myanmar có quá nhiều lợi thế trên tư cách chủ nhà. Tóm lại trong mắt các hoạch định thể thao Việt Nam thì ở đấu trường Đông Nam Á, Myanmar rõ ràng đã không còn là đối thủ của chúng ta.

Nhưng ở Asiad 17 tại Hàn Quốc - một đấu trường dĩ nhiên là to lớn hơn và tử tế hơn đấu trường SEA Games rất nhiều thì tương quan giữa thể thao Việt Nam và Myanmar ra sao? Xin thưa, trong khi Myanmar có 2 HCV đứng ở vị trí thứ 20 toàn đoàn, thì chúng ta với chỉ 1 HCV đã đứng dưới đối phương một bậc.

Phải lấy Myanmar làm thước đo để thấy rằng khi ra một đấu trường thực sự tầm vóc và có ý nghĩa thì chúng ta thậm chí đã thua ngay cả một đối thủ mà ở cái ao làng Đông Nam Á ta vẫn luôn coi họ “chẳng ra gì”. Còn với những nền thể thao khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia thì dĩ nhiên chúng ta càng thua rõ rệt. Đến lúc này người ta sẽ hỏi: Cái vị trí thứ 3 Đông Nam Á mà chúng ta luôn luôn có được và luôn luôn tự hào trong suốt những năm qua rốt cuộc có ý nghĩa gì không?

Thạch Kim Tuấn mất vàng vì... đối thủ giỏi hơn.

Câu trả lời là: Có. Nó rất có ý nghĩa cho những ai ham mê thành tích và luôn căn cứ vào những thành tích của một cái “hội làng” để báo công lên cấp trên, rồi cấp trên lại nhìn vào nó để báo lên trên nữa.

Tư duy lạ

Để lý giải cho cái lập luận “Không thể nói chúng ta thất bại” của mình, ông Lâm Quang Thành cho biết: “Ở khu vực Đông Nam Á, những nước như Malaysia, Singapore, Indonesia hơn chúng ta về số lượng HCV, nhưng nhìn bề rộng, để có một lực lượng VĐV giành đến 36 huy chương ở 13 môn như chúng ta thì các nước không bằng”.

Ai cũng biết là ngoại trừ một chiếc HCV Wushu, thể thao Việt Nam có 10 HCB và 25 HCĐ ở các môn thể thao khác. 10 HCB có nghĩa là 10 lần chúng ta đã chạm đến cận kề vinh quang nhưng rốt cuộc đều thất bại. Nhìn về mặt cảm xúc thì 10 lần hy vọng rồi 10 lần buồn bã ấy quả nhiên để lại nhiều tiếc nuối, và ở một góc độ nào đó là để lại cả những hy vọng cho những cuộc so kè lần sau. Nhưng nên nhớ trong hoạt động thi đấu thể thao, sự hơn - thua nhiều lúc chỉ được đo bằng từng giây, từng tích tắc, và nếu không có một tầm nhìn cùng những sự chuẩn bị chu đáo thì cái khoảng cách “tưởng ngắn bằng giây” nhiều khi lại... kéo dài vô tận.

Lấy ví dụ như ở nội dung cử tạ, khi Thạch Kim Tuấn băng băng phá kỷ lục Asiad  với mức tổng cử lên tới 294 Kg, và khi những nhà hoạch định thể thao Việt Nam chắc mẩm Thạch Kim Tuấn sẽ có vàng thì phút cuối lại xuất hiện một VĐV người Triều Tiên đoạt mức tổng cử lên tới 298 Kg. Và lúc này thì chúng ta mới ậm ừ theo kiểu: “Mình đã giỏi lắm rồi, nhưng bạn còn giỏi hơn mình”.

Ở nội dung thi đấu biểu diễn Karatedo của “nữ hoàng Kata” Nguyễn Hoàng Ngân cũng thế: Khi Ngân oanh liệt lọt vào chung kết, và khi nội dung chung kết không có VĐV chủ nhà, đồng nghĩa với việc chúng ta không phải đối diện với nguy cơ bị trọng tài xử ép thì tất cả cũng chắc mẩm Ngân sẽ có vàng. Nhưng không có Hàn Quốc thì đã có Nhật Bản, trên sân đấu lại bất ngờ xuất hiện một VĐV Nhật Bản vừa trẻ, vừa khoẻ vừa có thần thái biểu diễn “ăn đứt” Hoàng Ngân. Những phóng viên chiến trường ở kỳ Asiad 17 kể lại rằng, hàng loạt lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam như “chết đứng” khi thấy Hoàng Ngân mất vàng ngoài tưởng tượng.

Trưởng đoàn Lâm Quang Thành (phải) bên "chiếc HCV duy nhất" Thúy Vi.

Trường hợp của Kim Tuấn, Hoàng Ngân nói rằng chúng ta dường như mới chỉ “biết mình” chứ chưa thực sự “biết người”, để rồi khi “đã thấy và đã biết” thì cũng là lúc đã phải trả giá đau. Vậy thì công tác nghiên cứu, thăm dò của đối thủ - một công tác không thể thiếu cho những “chiến trường thể thao” đã được thực hiện như thế nào?

Rõ ràng là có hơn một chiếc HCB SEA Games năm nay mà chúng ta “phải nhận” trong tư thế mà trước đó cứ nghĩ là mình sẽ “có vàng”. Và rõ ràng là không thể vin vào chuyện “chúng ta có tới 10 HCB, 15 HCĐ” để khẳng định rằng mình đang “phát triển bề rộng” tốt hơn so với những cường quốc thể thao trong khu vực như Malaysia hay Indonesia. Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động thi đấu thể thao là chiến thắng, và chỉ có một người chiến thắng rồi... chấm hết.

Phát triển kiểu gì?

Ở đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi thể thao Việt Nam thua kém trông thấy ở đấu trường SEA Games thì chúng ta cũng đã theo đuổi chiến lược: “Phát triển bề rộng”, mà rộng nhất là ở những môn thuộc nhóm “đi tắt đón đầu” vốn không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Nhưng sau kỳ SEA Games 22 mà chúng ta vươn lên vị trí số 1 toàn đoàn thì “tư duy bề rộng” và chiến thuật “đi tắt đón đầu” đã bắt đầu được thay thế bằng chiến lược phải phát triển chiều sâu vào những môn trong hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, bơi lội. Và thực tế thì cũng đã có những nguồn tiền khổng lồ được đổ ra cho những VĐV đặc biệt để đảm bảo đúng yêu cầu “phát triển chiều sâu” như vậy.

Vậy nên khi sự “phát triển chiều sâu” không (hoặc chưa) cho ra hiệu quả thì nên nhìn thẳng vào những tồn tại của mình để có thể khắc phục nó trong thời gian sớm nhất, thay vì lại đi tìm cứu cánh bằng cách vin vào cái mệnh đề: “Phát triển bề rộng”.

Chỉ khi thẳng thắn, dũng cảm thừa nhận thất bại, thậm chí dám chịu trách nhiệm sau thất bại thì thể thao Việt Nam mới hy vọng có ngày bứt lên!

Đoạt 4 HCV Indonesia vẫn thừa nhận thất bại

Với 4 HCV, 5 HCB, 11 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 17 toàn đoàn và thứ 3 trong khu vực (sau Thái Lan, Maylaysia) rõ ràng là những gì thể thao Indonesia làm được ở kỳ Asiad năm nay là ấn tượng hơn nhiều so với Việt Nam. Ấy vậy mà ông trưởng đoàn thể thao Indonesia vẫn thừa nhận thất bại và xin lỗi người hâm mộ nước mình vì: "Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là 5, chứ không phải 4 HCV".

Phan Đăng
.
.