Thế giới trong bàn tay

Chủ Nhật, 31/01/2016, 16:52
Khi tả một thị xã, thành phố địa danh nào đó nhỏ bé thân thuộc, người ta thường nói: “Bé như/bằng bàn tay”, “thuộc như lòng tay”. Thế giới này ai đi hết, ai dám nói thuộc, hiểu, thạo? Thế mà thế giới gần 200 quốc gia trên bề mặt trái đất, hành tinh duy nhất được coi là có sự sống quay quanh mặt trời, lại có thể ở trong lòng tay ta.


Trong thế giới này rất nhiều thế giới. Mỗi thế giới, kể cả thân quen nhất cũng chứa những bí mật, bí ẩn. Thế giới loài người hội tụ vô số kỳ vĩ, lạ lùng, bất ngờ và cũng khó hiểu nhất. Theo tiến trình phát triển, thế giới thay đổi bởi các thời đại, sự tiến bộ của các nền công nghiệp và những phát minh. Một trong những thành tựu lớn nhất của thế kỷ XXI là công nghệ tin học (IT). 

Từ đây cuộc cách mạng này tác động và giúp ích vô cùng lớn lao cho đời sống nhân loại. Sự tích hợp, tìm kiếm thông tin, tư liệu trở nên dễ dàng, hiệu nghiệm. Công nghệ tin học cùng với điện thoại di động, điện thoại thông minh, iPad... nối mạng toàn cầu khiến con người kết nối với nhau, đọc báo mạng, xem tivi bằng điện thoại, tương tác với chương trình trên TV hầu như mọi lúc mọi nơi. 

Khoảng cách địa lý tưởng vô nghĩa khi mỗi người có thể “gặp” người khác ở bên kia bán cầu chỉ bằng một cú bấm tay. Những thiết bị sử dụng cảm ứng khiến việc click, link nhẹ nhàng như múa, chấm và vuốt màn hình, chọn công năng sử dụng theo nhu cầu là xong. Điện thoại di động thành vật dụng phổ biến với mọi tầng lớp dân chúng, tất nhiên giá trị của máy thường do khả năng kinh tế của chủ nhân, song dù máy xịn hay chỉ để nghe - gọi thì mobile phone đã thành vật bất li thân không thể thiếu của đa số người đương đại. Sự tiện lợi, hiện đại của công nghệ khiến những gì dùng bằng tay, làm bằng tay, viết tay thành hiếm, xa xỉ. Còn những ai chạy theo công nghệ thì lại nhìn những người “phía kia” là lạc hậu. 

Vignette chương trình phim truyện của VTV với cuộn phim quay tràn ra những thước phim nhựa hai đường rìa phim có lỗ liên tiếp - biểu tượng của điện ảnh trăm năm - đã không còn là điện ảnh hiện thực. Nghệ thuật thứ bảy ngày nay đã dùng máy quay kỹ thuật số, chứ không quay phim nhựa rồi in tráng nữa. Kỹ thuật số (KTS) là phát minh thay đổi thế giới, nhờ KTS mà khả năng trữ, sử dụng và chia sẻ được phát huy tối đa, không ngờ, có khi cuốn sách dày, thậm chí cả giá sách lưu vào được USB dung lượng lớn. KTS sử dụng các giá trị xung điện biểu thị qua hệ nhị phân bằng số 1 và 0. 

Năm 1982, khi đĩa CD ra đời thay đĩa nhựa, nhân loại đã sững sờ. Tất nhiên vẫn còn nhiều người quý báu cất dành, sưu tập đĩa than đến bây giờ. CD có 50 triệu số 1 và 0 ở những vết khắc siêu nhỏ. DVD dung lượng lớn hơn 26 lần CD bởi các vết khắc nhỏ hơn 4 lần với 4 lớp cấu trúc xoắn nhỏ và dài hơn. KTS còn giúp nén phim vào đĩa, chụp ảnh. Ảnh kỹ thuật số dùng mã nhị phân nên xem, loại, sửa được ngay trên máy khi chụp. 

Phát minh KTS còn sinh ra máy chơi game với bộ cảm ứng tay cầm giúp người chơi tương tác màn hình. Thú vị nhất là nhờ truyền hình số, TV cab hàng trăm kênh thoải mái lựa chọn chương trình, thời gian xem theo ý thích nhờ khả năng ghi hình. Thẻ tín dụng cũng là bước nhảy vọt tác động đến ngành tài chính thế giới. Các nước đang phát triển đang hào hứng đuổi bắt, bị cám dỗ bởi công nghệ với nền tảng xã hội mà kiến trúc thượng tầng, hạ tầng kém xa các nước phát triển, những người mê hàng hiệu và sẵn tiền dám dễ dàng đặt mua iPhone 6S ngay mẻ ra lò đầu tiên và chắc mẩm mình ngang bằng người Mỹ về sự cập nhật hiện đại. 

Nhưng đó chỉ là “ngắt ngọn”. Đẳng cấp xã hội văn minh tiến bộ thực sự còn ở những hành xử đời sống, ứng xử với đồng loại, với môi trường, thiên nhiên, động thực vật, hành vi nơi công cộng, phép tắc trong nhà hát, rạp chiếu, công sở, bệnh viện và đặc biệt là một nền giáo dục ưu việt đề cao những giá trị tri thức nhân văn toàn diện cho đạo đức làm người. 

Với điện thoại 3G trong tay, bạn có thể thực hiện cuộc gọi miễn phí quốc tế qua viber, nói chuyện miễn phí bằng skype máy tính..., voicechat “xả láng” trong nước bằng zalo..., kết bạn với cả thế giới qua facebook, một công nghệ truyền tin, lây lan tin đồn cũng nhanh phát sợ. Rồi còn GPS định vị toàn cầu... tất cả khiến cho ta thấy ai cũng có thể biết được bí mật người khác, bị lộ thông tin cá nhân. Con người hiện đại ngày càng bận rộn, quay cuồng, thậm chí nghiện hoặc thành nô lệ của công nghệ. Người ta nhấn “like” rất nhanh trước một bình luận, bình phẩm vô thưởng vô phạt nào đó, song để tâm huyết hay có trách nhiệm thực sự với những hành động vì cộng đồng thì rất ít. 

Ngoài những ưu điểm vượt trội, thần kỳ, công nghệ mạng thoả mãn cho nhiều kẻ “ếch ngồi đáy giếng”, háo danh, vĩ cuồng, tự phong một ngày tung lên mạng hàng chục bài thơ, truyện rồi phong cho mình thành “nhà văn”, “nhà thơ”, dễ như nhiều bạn trẻ sau một đêm thành ca sĩ, nhạc sĩ. Sự khoác lác lừa đảo vô trách nhiệm cũng lắm cơ hội bùng phát, bởi mạng có thể ẩn danh, giấu mặt. Với đủ thứ hệ lụy ấy, giá trị của niềm tin ngày một bị thách thức. Người ta ngày càng vô cảm, ngờ vực nhau, thật giả đánh tráo từ nhan sắc, giới tính, thân phận, bằng cấp, đạo đức, nhân cách.

Năm mới đến, một số kẻ còn lợi dụng dịp này, mưu mô làm từ thiện bịp, tranh thủ sự hào phóng đầu năm của mọi người. Sự bất an, âu lo ngày càng tăng lên. Những quốc gia kinh tế, quân sự lớn mạnh, cũng phải đặt báo động ở mức cao nhất. Manchette Báo An ninh Thế giới lại trùng với vấn đề đang nhức nhối toàn cầu: An ninh thế giới hôm nay ra sao? - Thế giới hôm nay không an ninh, không hoà bình. Đến khi nào mới an ninh, hòa bình? - Im lặng.

Im lặng đêm giao thừa Pháp, Bỉ không bắn pháo hoa chào năm mới 2016 như thông lệ truyền thống, đề phòng bọn khủng bố tấn công hàng triệu người tụ tập tại trung tâm Paris và Bruxelles. Im lặng lắng nghe bài hát, những lời cầu nguyện cùng nến và hoa cho nạn nhân vô tội đổ máu vì bọn IS. Lũ ác quỷ hình người lộng hành tác quái dưới vỏ một nhà nước tự xưng đã cướp đoạt và nhấn mạnh vào sự bất an toàn cầu. Những tour du lịch, chuyến du học, kế hoạch làm ăn, công tác phải thay đổi, huỷ bỏ. Kiểm soát an ninh, thắt chặt ở nơi công cộng, nhà ga tàu hoả, tàu thuỷ, sân bay. 

Xã hội càng hiện đại, cái ác càng man rợ, tinh vi. Không chỉ là bom đạn mà còn bom hoá học, thực phẩm bẩn; hại nhau bằng đường ẩm thực, bằng chất độc hại trong sữa và đồ chơi trẻ em, vào đồ lót, mỹ phẩm, vào cả phần mềm máy tính qua đường email... Xã hội càng hiện đại, công nghiệp hoá, nhân loại càng khao khát phát triển bền vững, hướng tới hệ giá trị bản nguyên kinh điển và những vẻ đẹp đích thực, chân thật truyền thống, những mỹ tục, bản sắc văn hóa mỗi quốc gia được trao truyền từ đời này qua đời khác, qua đời sống, kiến trúc, nghệ thuật và văn hoá, là hộ chiếu tâm hồn của mỗi con người, mỗi quốc gia.

“Anh hoá” là đặc điểm sai lệch trong phát âm các danh từ bất kể của quốc gia nào (sai trầm trọng) của các biên tập viên, MC Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng đôla Mỹ và tiếng Anh phổ biến khắp hành tinh, xu hướng thực dụng trong việc lựa chọn nghề của mỗi học sinh gắn với khả năng việc làm và thu nhập từ lựa chọn của chính chúng và định hướng của cha mẹ, không để ý tới ước mơ, say mê và thực lực... cuốn hết vào vòng quay mưu sinh vụ lợi, sống gấp.

Trong lòng tay, từ ngón tay, một ngày mỗi người có thể cập nhật vô kể tin tức hay, dở, chán tẻ hoặc thú vị do người sử dụng truy cập gì, xem gì, thời lượng bao nhiêu. Việc chọn và lọc ấy do tri thức, quan niệm sống quyết định. Tôi luôn tiếc thời gian và không tin tất cả mọi thứ đều giải quyết bằng công nghệ, tìm qua google. Không gì thay thế được con người. Người thật còn phải thẩm lọc, thẩm định rồi mới tin huống hồ mọi sự ảo. Một kiếp, dù vĩ nhân hay kẻ tầm thường nhất đều chỉ có quỹ sống hạn định. Chẳng phép lạ và công nghệ nào khiến người trường sinh bất lão, tái sinh sau khi chết. Người ta thường ước sống thọ, sống lâu, còn tôi muốn sống nhiều. Sống nhiều để trao lại cho con tôi, dạy cháu thế giới không ở trong bàn tay mà bàn tay phải làm nên và kiếm tìm thế giới. Những ngón tay là chìa khoá từ sự chỉ huy của trung ương thần kinh, không chỉ mở khoá cơ học mà cần mở lại sự ấm áp tay nắm tay, thân ái. Tay nắm tay trong nghĩa bóng của sự sẻ chia với cộng đồng nhiều cấp độ, tay biết nâng niu từng bông hoa, thương từng cái cây lớn, nhỏ, giúp ích cho đời, đi vào ký ức người. Tay không làm điều ác, xấu; tay đan kết nhắc mình cố gắng; tay nắm chặt quyết tâm vượt qua thử thách; tay vẫy gọi; tay bắt mặt mừng, chào chúc ân cần năm mới Xuân sang; tay giúp ta khám phá và tận hưởng những sinh thú trần gian. Quyền năng của xúc giác không chỉ ở sự làm việc chăm chỉ và bền bỉ, đó còn là biết phát huy, lưu dấu “vân tay” và vào việc làm có ích, có ý nghĩa. Vân tay của mỗi nghệ sĩ trong sáng tạo là tác phẩm hay mang phong cách riêng có, của nhà khoa học là các công trình nghiên cứu, của nhà giáo tầm vóc là những bài giảng hấp dẫn, luận thuyết để đời và học trò thành đạt, là thành tích của những vận động viên khổ luyện để khai thác sức mạnh của con người, vân tay của phi hành gia ít khi được biết đến như ngôi sao showbiz song họ là những anh hùng bởi dũng cảm khám phá vũ trụ tìm kiếm tương lai của nhân loại khi trái đất mệt mỏi, già nua và dần cạn tài nguyên.

Quyền năng của xúc giác có thể giảm đi khi những ngón tay thô cứng dày vết chai, không phải giữ gìn tay mềm như nhạc công chơi đàn mà chúng ta cần giữ cho tâm hồn đừng chai, sạn sỏi theo năm tháng. Thế giới hoàn toàn thay đổi được, tốt đẹp lên từ bàn tay chúng ta. Bàn tay đặt vào tim biểu tỏ lòng thành, bàn tay mở ra thân ái với cuộc đời rộng lớn. Bàn tay chắp lại thành kính nguyện cầu. 

Ai cũng xin cho mình một hoặc nhiều điều khi sang năm mới nhưng hỡi ôi, hỡi cả những kẻ vô tâm và vô thần nhất cũng cần sự chở che của đấng siêu nhiên, của bề trên khi xin khấn, nguyện cầu, ao ước để sự thành tâm mong mỏi được nâng đỡ, độ trì giúp điều ước toại thành. Thật không tưởng về cảnh hơn 6 tỷ đôi tay cùng chung nguyện cầu cho thế giới rộng lớn và bé nhỏ, vĩ đại, mạnh mẽ và yếu đuối, thần kỳ và đáng thương này!

Và tôi, bạn và chúng ta ngay bây giờ, hãy nhìn vào lòng tay mình một cú đặc tả 5 ngón tay 5 châu lục, muôn cánh sao tụ về thành ngôi sao linh diệu trong tay ta, trong mắt mình. Bất giác bài hát Xin cho tôi của Trịnh Công Sơn, người mà sự nghiệp âm nhạc nổi bật nhất là những bài ca phản chiến và triết lý yêu thương cho loài người đã cất lên. 

Đây là lời xin của nhạc sĩ để được hiến dâng: “Xin cho tôi yên ngủ một ngày/ Xin cho đêm không có đạn bay/ Xin cho chim góp nhạc về trời/ Xin cho tôi là kiếp của mây/ Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời/ Để bao giờ trời đất yên vui/ Cho tôi đi xây lại chuyện tình/ Cho tôi đi nâng dậy hoà bình/ Cho tôi đi qua tận gập ghềnh/ Nhìn dòng máu trong tim anh/ Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn/ Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng/ Cho quê hương giấc ngủ thật hiền/ Rồi từ đó tôi yêu em/ Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài/ Cho tôi nghe lời hát cỏ cây/ Xin cho tôi xin cả cuộc đời/ Một hôm nào trẻ hát trong nôi/ Xin cho tôi xin chỉ một ngày”.

Có ngày ấy không? Câu hỏi echo thành tiếng vọng vượt mọi cách ngăn đến khắp nơi trên thế giới này cùng lời chúc mừng năm mới Happy new year, Bonne Année... lan mãi những ngón tay vàng, trắng, đen phát sáng theo hàng triệu cặp đồng tử trong veo đầy tin yêu rồi nhoà theo âm nhạc, những bản nhạc bất tử không biên giới.

Vi Thùy Linh
.
.