Thế giới năm 2014: Bức tranh màu xám

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:16
Năm 2014, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động lớn. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển được coi là dòng chảy chính chi phối quan hệ giữa các quốc gia, nhưng xung đột vũ trang, chủ nghĩa khủng bố, nguy cơ ly khai cùng khủng hoảng chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Tất cả tạo nên một bức tranh toàn cảnh nổi bật với gam màu xám chủ đạo, chứa đựng những bong bóng bất ổn đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và hòa bình nhân loại.

1. Cuộc chiến chống IS. Sau nhiều năm chủ nghĩa khủng bố tưởng chừng đã bị kìm hãm thì năm 2014 lại chứng kiến một biến thể hoàn toàn mới với tính tàn bạo và nguy hiểm được đẩy lên cực điểm.

Sự xuất hiện của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) tạo ra mối nguy không chỉ tại Iraq và Syria mà trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên truyền thông và dư luận thế giới chỉ thật sự choáng váng trước sự trỗi dậy của “khối u” IS khi chúng tung lên mạng đoạn video quay cảnh hành hình nhà báo Mỹ James Foley ngày 19/8.

Tiếp đó, đến lượt nhà báo Mỹ Steven Sotloff, các nhân viên cứu trợ người Anh David Haines, Alan Henning và rồi công dân Mỹ Peter Kassig bị sát hại. Tất cả chỉ để hiện thực hóa mục tiêu “tối thượng”: biến thế giới trở thành “nhà nước” của tất cả người Hồi giáo.

Giới truyền thông và quan sát quốc tế ghi nhận IS “đẳng cấp” và nguy hiểm hơn rất nhiều so với Al-Qaeda hay các tổ chức khủng bố khác khi chủ trương chiếm lĩnh lãnh thổ với hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan nhất. IS có nhiều nét của một đội quân chính quy với hệ thống chỉ huy tập trung và thống nhất, tính kỷ luật cao, sự thiện chiến và xây dựng một hệ thống kinh tế tự túc thời chiến nhờ nguồn tài chính cực kỳ dồi dào. Tổ chức này cũng tỏ ra giỏi “PR” và sử dụng thành thục các mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền khi con số chiến binh IS đang tiếp tục tăng cao. Không khó để nhận thấy rằng, nước Mỹ hoàn toàn bị động trước sự lớn mạnh và tàn ác của lực lượng IS.

Trước nguy cơ lợi ích quốc gia ở Trung Đông bị đe dọa, Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố để tập trung vào chống IS. Nhà Trắng tiến hành không kích lực lượng này tại lãnh thổ Iraq và cả Syria, đồng thời  hỗ trợ các lực lượng Iraq và người Kurd trực tiếp chiến đấu. Ngoài ra, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập tại Syria để lực lượng này có thể đánh lại IS, và cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho những người dân đang phải đi lánh nạn.

Nếu nhìn vào cách hành xử trong những năm gần đây của Mỹ thì có thể thấy rõ: chiến lược đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng không nằm ngoài chính sách can thiệp ra nước ngoài mà Washington đang áp dụng. Trong đó, nguyên tắc cơ bản là Mỹ không đưa quân ra nước ngoài mà chỉ lãnh đạo chiến dịch và cung cấp hỗ trợ các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ tại thực địa.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại lực lượng IS, Mỹ buộc phải xây dựng một liên minh toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia - điều khiến mọi người liên tưởng đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ phát động sau sự kiện 11/9/2001.

Đánh giá về chiến lược chống IS của Mỹ, giới chuyên gia quân sự nhiều nước nhận định: thực chất đây chỉ là “bình mới rượu cũ” và còn khá nhiều bất cập. Với thực trạng yếu kém của lực lượng an ninh Iraq hay tình trạng bất ổn ở Syria, việc Mỹ sử dụng chiến thuật không kích là chưa đủ, mà cần phải có phương án đưa bộ binh vào tham chiến mới có thể thu được kết quả đối với IS. Tuy nhiên, sau 10 năm “sa lầy” ở Iraq thì việc đưa quân quay trở lại chiến trường này là bài toán nan giải đối với Nhà Trắng.

Mặt khác, thực tiễn chống khủng bố của Mỹ và phương Tây thời gian qua cho thấy: việc chỉ thiên về các biện pháp quân sự mà thiếu các giải pháp đồng bộ để giải quyết gốc rễ của khủng bố (xuất phát từ những bất công, đói nghèo, các chính sách gây mất ổn định và tranh chấp lãnh thổ) khiến các hoạt động khủng bố ngày càng biến tướng và trở nên manh động hơn. Và hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy IS sẽ sớm bị tiêu diệt.

Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS).

2. Khủng hoảng Ukraine. Năm 2014, cuộc khủng hoảng ở đất nước bên bờ Biển Đen có bước ngoặt mới, phức tạp và nguy hiểm hơn. Các cuộc biểu tình lớn ở Ukraine diễn ra từ tháng 1, liên quan đến việc ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU), làm bùng nổ xung đột giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình.

Ngày 22/02/2014, việc bỏ phiếu phế truất Tổng thống Vikto Yanukovich để lập chính phủ mới thân phương Tây của quốc hội Ukraine đã đẩy nước này rơi vào bất ổn và chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết. Ở phía đông, chính quyền khu vực Crimea tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga; còn tại nhiều nơi khác (như Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk) đã bùng phát tư tưởng đòi ly khai khỏi Ukraine. Mặc dù, các bên của Ukraine và cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng xung đột giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai vẫn diễn ra khốc liệt, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân vô tội.

Ngày 21/3, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh chính thức sáp nhập Crimea vào nước Nga. Quyết định này khiến quan hệ Nga - Ukraine hết sức căng thẳng; đồng thời, tạo ra “cú sốc” trong cạnh tranh địa chính trị giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo các nhà quan sát, sở dĩ Ukraine rơi vào khủng hoảng trầm trọng và khó giải quyết là do nước này nằm trong chiến lược thâu tóm không gian “hậu Liên Xô” và tạo thế bao vây quân sự kiềm chế Nga của Mỹ và phương Tây. Đối với Nga, Ukraine là địa bàn chiến lược trọng yếu, là cầu nối để Nga xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu. Nga coi Ukraine là vùng đệm chiến lược mang tính sống còn khi mà vòng vây quân sự của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Nga đang ngày càng thắt chặt. 

Mỹ và phương Tây coi việc Crimea sáp nhập vào Nga là “không thể chấp nhận được” và liên tiếp tiến hành các biện pháp cấm vận để trả đũa đối với Nga. Họ tố cáo Nga vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định ở khu vực miền Đông Ukraine. Hiện tại, Mỹ và EU tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. NATO cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận ở gần biên giới Nga để phô trương sức mạnh và răn đe quân sự đối với Moscow.

Hệ quả là, nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng với thiệt hại lên tới 150 tỉ USD/năm. Giá đồng rúp sụt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, trong khi bộ tài chính Nga xác định GDP sẽ tăng trưởng âm vào năm 2015.

Về phần mình, Nga tuyên bố kiên quyết bảo vệ an ninh - lợi ích quốc gia trong đó có lợi ích của cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine. Lãnh đạo Nga cũng yêu cầu phương Tây và chính quyền Ukraine phải tôn trọng quyền lựa chọn chính trị của người dân miền Đông Ukraine, coi đây là điều kiện cần thiết để ổn định tình hình ở nước này. Dư luận lo ngại, mâu thuẫn gay gắt xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine có thể đẩy quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới, thậm chí là cuộc đối đầu “nóng” nguy hiểm hơn.

Phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” ở Hồng Công.

3. Gia tăng xung đột vũ trang. Đầu tháng 7, quân đội Israel thực hiện tiến công quân sự vào Dải Gaza để chống phong trào Hamas. Chiến sự diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 7 tuần) nhưng gây ra một thảm họa nhân đạo vô cùng nặng nề cho người dân Palestine với hơn 2.200 người chết, hơn 9.500 người khác bị thương - khiến Liên Hiệp Quốc lên án đây là tội ác chiến tranh. Ngày 5/8/2014, Israel và Hamas đã bất ngờ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, nhưng “nút thắt” của xung đột giữa họ vẫn chưa được hóa giải. Dư luận lo ngại, thỏa thuận ngừng bắn này chỉ là thời gian “nghỉ” để hai bên chuẩn bị cho một cuộc chiến mới, khốc liệt hơn và có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Ngày 18/9, trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, hơn 54% cử tri Scotland đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục là một phần của Anh. Ý định của Scotland tách khỏi Vương quốc Anh không chỉ nóng với Anh mà còn gây chú ý cho các nước châu Âu và thế giới, sẽ gây ra tác động tiêu cực lẫn bất ổn trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ, tài chính và cả nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Scotland sẽ tăng khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động.

Nhiều nước châu Âu lo ngại Scotland độc lập sẽ tạo ra “cơn lốc ly khai” cho nhiều vùng đất, từ Catalan (Tây Ban Nha) đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish (Bỉ). Bên cạnh đó, các nước châu Âu mà sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính-kinh tế còn chưa chắc chắn không muốn thấy thêm những biến động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường của các nước trong khối.

Cũng trong tháng 9, phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm” diễn ra sôi nổi tại Hồng Công, yêu cầu được bầu cử hoàn toàn tự do với ba lực lượng chính gồm tổ chức Chiếm trung tâm (OC), Liên đoàn sinh viên Hồng Công (HKFS) và nhóm Học dân Tư triều (Scholarism).

Vào lúc đỉnh điểm, phong trào này thu hút hơn 100 nghìn người tham gia. Sau 75 ngày chiếm đóng đường phố, ngày 11/12, cuộc biểu tình đã chấm dứt khi cảnh sát Hồng Công bắt giữ 247 người biểu tình và giải tỏa các điểm biểu tình cuối cùng. Tuy nhiên, các lãnh đạo sinh viên tuyên bố sẽ tiếp tục sự nghiệp dân chủ theo cách khác sau lễ giáng sinh.

Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề quốc tế nan giải khác, nhất là đảo chính quân sự tại Thái Lan và Burkina Faso; vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran; hay tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn trong tình trạng bế tắc...

Những động thái đó khiến cho tình hình an ninh thế giới năm 2014 ảm đạm hơn, và dường như chưa thể tìm được lối thoát. Nhiều nhà phân tích đánh giá: 2014 là năm mà an ninh - hòa bình thế giới bị thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho tới nay. Tình hình trên sẽ tác động tới năm 2015 như thế nào? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, nhưng chắc chắn rằng: Viễn cảnh tương lai, dù tích cực hay u ám, đều phụ thuộc vào hành động và nỗ lực của từng quốc gia, cũng như của cả cộng đồng quốc tế…

Việt Dũng – Lâm Anh
.
.