Thế giới 5 năm sau ngày bắt đầu cuộc chiến Iraq: Kém bình an hơn

Thứ Hai, 07/04/2008, 11:00
Ngày 20/3/2003, Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố khai hỏa ở một quốc gia xa xôi, lắm sa mạc nhưng cũng rất nhiều "vàng đen": Iraq. 45 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ quyết định đó. Trong những ngày này, nước Mỹ đang ngồi tính lại những được mất trong suốt 5 năm qua và câu trả lời nhìn chung không thể khiến ai cảm thấy vui.

Tốn kém vô độ

Chiến tranh là xương máu và cũng là tiền của. Theo đánh giá của người từng được nhận giải Nobel kinh tế năm 2001, GS Joseph E. Siglitz của Đại học Columbia (Mỹ) trong cuốn sách "Cuộc chiến ba nghìn tỉ USD" viết chung với GS Đại học Harvard Linda Bilmes, cuộc chiến Iraq đã làm mất của Washington tới 3 nghìn tỉ USD và thêm vào đó là 3 nghìn tỉ USD đối với các nước liên đới còn lại. Số tiền 3 nghìn tỉ USD có thể hình dung tương đương với tổng thu nhập quốc dân năm 2007 của một cường quốc kinh tế như CHLB Đức.

Khi mới bắt đầu cuộc chiến Iraq, Nhà Trắng dự trù ngân quỹ khoảng 50 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ cho ba tháng chiến sự ở Iraq. Mỗi một ngày kinh phí chiến tranh của Washington tương đương với việc tài trợ việc học tập của 160 nghìn sinh viên hoặc bằng tiền thuê thêm 14 nghìn cảnh sát…

Cuộc chiến Iraq có lẽ là cuộc chiến đắt giá nhất mà người Mỹ cho phép mình dính vào kể từ chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Chi phí cho binh lính liên tục tăng. Hiện nay, theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, chi phí cho một lính Mỹ đang tác chiến ở Iraq trong một năm vào khoảng 400 nghìn USD (trong chiến tranh thế giới thứ hai, mức chi phí này là 50 nghìn USD).

Thoạt đầu Lầu Năm Góc nghĩ rằng để đảm bảo an ninh ở Iraq, chỉ cần khoảng 70 nghìn lính thuộc liên quân quốc tế. Tuy nhiên, đầu năm 2007 đã phải tăng tới 157 nghìn lính Mỹ mới tạm làm giảm số lượng các vụ khủng bố. Một trong những hệ lụy của cuộc chiến Iraq là việc phải xem xét lại quan điểm chiến lược về phát triển lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, người được coi là một trong những "kiến trúc sư" chính của cuộc chiến Iraq, từng đoan chắc rằng, những cuộc chiến tranh trong tương lai chỉ có thể chiến thắng được nhờ ưu thế trong công nghệ thông tin và những loại vũ khí siêu chính xác.

Rốt cuộc là quân số Mỹ đã bị cắt giảm đáng kể và trọng tâm phát triển đã được đặt vào nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí mới và hiện đại hoá vũ khí, khí tài.

Tuy nhiên, cuộc chiến Iraq cho thấy, không thể không chú trọng tới bộ binh. Và thế là năm 2007, Washington đã thông qua quyết định tăng quân số bộ binh Mỹ lên thêm 92 nghìn người nữa và quân đội Mỹ sẽ phải có tới 547 nghìn người (thêm 65 nghìn), lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ phải tăng tới 202 nghìn người (thêm 27 nghìn).

Tháng 2/2008, tạp chí "Foreign Policy" đã tham khảo ý kiến của hơn 3.400 sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang Mỹ và đưa ra kết luận rằng, cuộc chiến Iraq đã phá huỷ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.

60% số sĩ quan cao cấp được hỏi cho rằng, lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hiện nay yếu hơn so với 5 năm trước (chỉ có 25% tin vào điều ngược lại). 42% cho rằng cuộc chiến Iraq làm giảm đáng kể năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, còn 88% cho rằng, hậu quả của cuộc chiến Iraq là quân đội và hải quân Mỹ sẽ bị kiệt sức.

Lắm nỗi dây dưa

Hiện nay, theo tờ "New York Times", trên lãnh thổ Iraq có tới 75 căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Tuy nhiên, không chỉ một mình Washington mới buộc phải đưa quân tới Iraq để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tới tháng 2 năm nay ở Iraq có khoảng 166,7 nghìn quân nhân của 26 nước, trong đó có 157 nghìn lính Mỹ, 4,5 nghìn lính Anh, 2 nghìn lính Gruzia, 900 lính Ba Lan, 650 lính Hàn Quốc và 515 lính Australia. Ngoài ra, ở Iraq còn có một số lượng không nhiều các quân nhân của một số nước thành viên NATO nhưng lại không nằm trong thành phần liên quân quốc tế.

Trong thời gian qua, một số quốc gia như Tây Ban Nha, Ukraina, Nhật Bản, Thái Lan, Honduras, Dominica, Hungary, Nicaragua, Singapore, Na Uy, Bồ Đào Nha, New Zealand, Phillippines và Island đã rút quân khỏi Iraq. Một số quốc gia khác cũng đã giảm đáng kể số lượng binh lính của mình tham gia liên quân quốc tế ở Iraq.

Giữa năm 2007 tại Iraq đã có khoảng 150-180 nghìn lính đánh thuê tư nhân có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho một số công trình hay cá nhân riêng lẻ (thí dụ, những công ty như thế cung cấp người bảo vệ cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).

Tính đến ngày 10/3 năm nay, tại Iraq đã có 3.973 lính Mỹ tử trận, 29.275 bị thương ở những mức độ khác nhau. Cứ 3 lính Mỹ trở về nước thì có 1 người bị mắc chứng lệch lạc thần kinh nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong thời gian qua, ở Iraq đã có 174 quân nhân Anh tử trận; 33 quân nhân Italia, 23 quân nhân Ba Lan, 18 quân nhân Ukraina, 13 quân nhân Bulgaria, 11 quân nhân Tây Ban Nha, 7 quân nhân Đan Mạch, 5 quân nhân El Salvador, 4 quân nhân Latvia, 3 quân nhân Rumania cũng đã tử trận ở Iraq. Australia, Estonia, Hà Lan và Thái Lan mỗi nước bị chết 2 quân nhân, còn Czech, Hungary, Hàn Quốc, Kazakhstan và Gruzia mỗi nước bị chết 1 quân nhân.

Trong số những lính đánh thuê và các viên chức dân sự có gần 600 người nước ngoài bị giết (họ mang hàng chục quốc tịch khác nhau).

Trong 5 năm diễn ra chiến sự ở Iraq đã có 127 nhà báo bị chết tại đây. 105 người trong số này là công dân Iraq. 12 người tới từ châu Âu. 2 người tới từ Mỹ. 84 nhà báo bị lực lượng nổi dậy giết; 43 người do tên bay đạn lạc.

Tính tới tháng 2/2008 tại Iraq đã có 306 công dân nước ngoài bị bắt cóc. 54 người trong số này đã bị sát hại...--PageBreak--

Nồi da nấu thịt

Cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động đã thực sự đẩy Iraq vào cảnh nội chiến. Bộ máy quân sự và an ninh của chính phủ Iraq buộc phải phình to dựa trên những trợ giúp riết róng của các thế lực bên ngoài. Số lượng cảnh sát Iraq hiện nay vào khoảng 200 nghìn người.

Lực lượng vũ trang và lực lượng cận vệ - gần 195 nghìn người; lực lượng biên phòng - 28 nghìn người (năm 1991, khi ông Saddam Hussein còn cầm quyền, quân đội Iraq đã có tới 900 nghìn người; năm 2001: gần 430 nghìn người).

Hiện nay an ninh ở Iraq còn được đảm bảo nhờ gần 91 nghìn dân vệ người Iraq mà giới quân sự Mỹ gọi là "những thường dân lo lắng" (concerned local civilians). Gần 72 nghìn người trong số này hoạt động trên cơ sở hợp đồng chính thức với Bộ Tư lệnh Lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq.

Những người Iraq này có quyền mang vũ khí và tùy nghi hành xử trong khu vực cư trú của mình, thực sự đóng vai trò cảnh sát vũ trang. Những dân vệ có hợp đồng này được nhận tiền lương tháng khoảng 300 USD. 19 nghìn dân vệ không có hợp đồng thì chỉ hoạt động trên cơ sở tình nguyện.

Có đánh giá cho rằng, hoạt động của các dân vệ cũng có thể dẫn tới tình trạng chia rẽ Iraq thành những khu vực sứ quân, nơi quyền lực thực sự thuộc về những thủ lĩnh địa phương mang nặng tư tưởng phân biệt sắc tộc và tôn giáo, ít chịu ảnh hưởng của chính quyền trung ương.

Các cuộc đọ súng và khủng bố ở Iraq liên tục diễn ra khốc liệt. Trong giai đoạn từ khi chế độ của ông Hussein bị xoá sổ, đã có hơn 8 nghìn quân nhân Iraq, cảnh sát và nhân viên an ninh bị chết. 96,3 nghìn dân thường bị giết cho tới tháng 2/2008. Trách nhiệm về những cái chết này thuộc về nhiều phía, trong đó không thể không nói tới những lực lượng nổi dậy ở Iraq.

Hiện nay, số lượng những phần tử chống lại chính quyền Iraq và liên quân quốc tế ở nước này rất khó xác định chính xác. Mỗi một nguồn tin đưa ra một số liệu khác nhau. Nhìn tổng thể, ở thời điểm cuối năm 2007 ở Iraq có khoảng từ 20 nghìn tới 25 nghìn tay súng tích cực tham chiến chống lại chính quyền. Cũng ở thời điểm cuối năm 2007 ở đây có khoảng 800-2.000 tay súng người nước ngoài trợ giúp cho lực lượng nổi dậy bản địa.

Tuy số này chỉ chiếm tỉ lệ không lớn trong lực lượng chống đối nhưng chính những phần tử ngoại quốc đó trên thực tế đã gây ra hầu như tất cả những vụ khủng bố theo kiểu đánh bom liều chết. Mỗi tháng có gần 40 người nuớc ngoài vượt qua biên giới vào Iraq một cách bất hợp pháp để giúp đỡ lực lượng chống đối. Phần lớn những người này xuất thân từ Arab Saudi, Libya, Morocco, Sirya, Algeria…

Trong giai đoạn kể từ sau khi chế độ của ông Hussein bị xoá sổ tới nay, đã có khoảng 55 nghìn phần tử nổi dậy bị tiêu diệt.

40% dân số Iraq trước chiến tranh, trong đó có nhiều kỹ sư, bác sĩ, đã rời Iraq sau khi chiến sự bùng nổ ở đây.

Lợi bất cập hại

Trớ trêu là ở chỗ, những lời buộc tội ông Hussein mà phương Tây, trước hết là Mỹ, đã vin vào để gây hấn với Iraq hoàn toàn là ngụy tạo. Chỉ sau khi binh lính Mỹ tràn vào đây, Iraq mới trở thành vườn ươm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Và thực sự cũng trở thành một cái bẫy đầy hiểm họa đối với cộng đồng quốc tế.

Thế giới hôm nay, chứ không chỉ riêng Iraq, đang trở nên kém bình an hơn trước. Những nỗ lực và tổn phí vừa qua đã không những không mang lại được những kết quả mong muốn mà còn gây nên vô số những hệ lụy đen tối cho nền an ninh chung.

Có một sự thật, tình hình ở Iraq hiện nay trên nhiều phương diện còn tồi tệ hơn so với thời cầm quyền của ông Hussein. Đang tồn tại khá nhiều đảng phái ở Iraq nhưng xã hội này còn xa mới có thể gọi là dân chủ.

Tâm lý bài xích sắc tộc và thù địch tôn giáo không ngừng gia tăng. Cộng đồng Thiên Chúa giáo không đông đảo lắm ở Iraq ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Phụ nữ Iraq hôm nay bị mất không ít quyền mà dưới thời ông Hussein làm Tổng thống, họ đã từng có.

Ở thời điểm tháng 12/2007 trong các nhà tù do chính quyền Iraq quản lý đã giam giữ khoảng 26 nghìn người Iraq. 24 nghìn người khác bị giam cầm trong các nhà tù do liên quân quốc tế quản lý… Trong bất cứ kết cục nào của cuộc chiến Iraq, những vết thương nội chiến ở đây chắc chắn sẽ còn lâu mới kín miệng.

Đúng như người Mỹ thường nói, không có bữa trưa nào miễn phí cả. Và chắc chắn cũng không có cuộc chiến tranh nào lại không để lại hiểm họa dài lâu. Cuộc chiến Iraq chắc chắn là một cuộc chiến buộc những ai đã gắp lửa bỏ tay người sẽ phải trả những cái giá đau đớn

Phùng Định Công
.
.