Thế giới 2015: Bão vẫn chưa qua

Chủ Nhật, 18/01/2015, 16:32
Năm 2014 với hàng loạt biến động đi qua để lại những tác động không nhỏ cùng nhiều dự cảm không mấy yên lành đối với tình hình thế giới. Điều này khiến dự báo về xu thế chung trong năm 2015 có phần kém tươi sáng. Các chuyên gia nhận định: Cơn bão khủng hoảng và bất ổn chính trị vẫn chưa thể qua đi, trong khi các yếu tố nền tảng tích cực đã xuất hiện để tạo đà cho nền kinh tế toàn cầu khởi sắc đôi chút.

Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: Năm 2015 cần phải trở thành “Năm hành động trên phạm vi toàn cầu”. Bởi lẽ, cộng đồng quốc tế sẽ đối mặt với những thách thức lớn, cùng nhiều sứ mệnh khó khăn để đáp ứng ngày càng thỏa đáng và tích cực mọi nguyện vọng của nhân loại, cũng như tìm kiếm hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài.

1. Cho đến nay, các cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu - đánh giá hoàn toàn dựa trên kết quả đạt được - tỏ ra không thành công lắm. Điều này đặt ra những câu hỏi về việc liệu các thỏa thuận quốc tế có thật sự hiệu quả. Dù đạt được thỏa thuận vào phút chót nhờ có sự nhượng bộ từ cả các nước phát triển và đang phát triển tại Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP-20) ở thủ đô Lima của Peru mới đây, song không hề dễ dàng để đi tới thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu tại COP-21 ở Paris (Pháp) vào tháng 12/2015.

COP-21 là hội nghị cuối cùng trước hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau tại Pháp, thay thế cho Nghị định thư Kyoto phần lớn chưa thành công, sẽ hết hạn vào năm 2020. Hiệp định mới sẽ phải là một văn kiện tổng quan, tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý nhằm đưa cả Mỹ và Trung Quốc - hai ống khói chính, chiếm lần lượt 25% và 15% tổng lượng khí thải của thế giới - tham gia, để có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng trái đất nóng lên hiện nay.

Trong khi đó, các nước tài trợ gần đây cũng cam kết cấp 9,3 tỷ USD viện trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh nhằm giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tuyên bố “khống chế nhiệt độ trái đất tăng không quá 2oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp” rất khó thực hiện do những bất đồng với các chính sách phát triển kinh tế.

Năm 2015 cần phải trở thành “Năm hành động trên phạm vi toàn cầu”.

2. Năm 2014 đã ghi dấu vụ dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử và lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự lây lan ra khắp thế giới của virus chết người này. Hơn 6 nghìn người thiệt mạng, gần 16 nghìn người bị lây nhiễm, và những con số này vẫn có thể gia tăng. Dịch bệnh đã gây ra tổn thất chưa từng có cho hệ thống y tế ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hàng trăm bác sĩ và y tá đã chết trên tuyến đầu ở chính những quốc gia không có nhiều nhân viên y tế.

Thế nhưng, nỗ lực vừa qua của cộng đồng quốc tế cho thấy con người đã phản ứng không đủ nhanh và thiếu tính tập thể. Dịch bệnh vì thế không chỉ xuất hiện ở những khu vực truyền thống như rừng núi mà đã bắt đầu lan đến thành thị, ra khỏi ranh giới của châu Phi. Trong lúc đó, các nước có liên quan thiếu phương tiện, tài chính, và đặc biệt là chưa đủ “quyết tâm chính trị”.

Bởi thế cuộc chiến chống Ebola cần phải được tiến hành một cách đa phương và tập thể. Nỗi hoảng sợ Ebola đang tan  biến dần không có nghĩa là vấn đề sức khỏe cộng đồng sẽ ít cấp thiết hơn.

Có một điều an ủi là Ebola sẽ được chú ý nhiều hơn trong năm tới. Các công ty thuốc đang ráo riết phát triển và thử nghiệm vaccine cùng nhiều loại thuốc điều trị. Vì thế năm 2015 có thể chứng kiến những loại thuốc hoặc sản phẩm phòng bệnh chưa từng có được tung ra thị trường.

Vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã ký một dự luật cho phép các công ty phát triển liệu pháp điều trị Ebola “có triển vọng” được ưu tiên xem xét bởi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc đơn xin cấp phép sẽ được xử lý nhanh chóng, trở thành một sáng kiến lớn để tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu phương pháp điều trị Ebola.

3. Khủng bố vẫn sẽ là một thách thức lớn của năm 2015. Các phương tiện Internet của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các tổ chức khủng bố chiêu mộ thành viên và tìm được nguồn ủng hộ tài chính. Chủ nghĩa khủng bố vẫn lan tràn với tốc độ nhanh chóng, thay đổi các đặc điểm và tính chất khiến nó trở nên ngày càng khó ngăn chặn hơn. Nhiều tổ chức mới lần lượt ra đời, phạm vi hoạt động và phương thức khủng bố được mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là thời kỳ mà tội phạm khủng bố quốc tế bắt đầu thể hiện rõ những đặc trưng như: tính quốc tế, tính chính trị và tính bạo lực.

Hiện nay, Mỹ và các nước đồng minh hiện đang đau đầu và tiếp tục phải dồn nguồn lực tài chính vào cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn rất nhiều so với các tổ chức khủng bố khác trước đây.

IS là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới.

Nhưng, IS - với tư tưởng cực đoan - sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai muốn “bóp chết” chúng, bất chấp các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như cuộc không kích quân sự của Mỹ và đồng minh. Ngoài ra, hàng loạt các vụ tấn công “mang dáng dấp khủng bố và có liên quan đến Hồi giáo” gần đây ở Australia hay Pháp đều cho thấy một sự thật: Không thể chặn đứng hoạt động của chủ nghĩa cực đoan.

Xu thế toàn cầu hóa mà tất cả các quốc gia đang tiến hành lại chính là môi trường lí tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển, gieo rắc tư tưởng cực đoan chi phối hoạt động của các tổ chức khủng bố địa phương. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng giải pháp quân sự là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi vì cái cần đạt đến đó chính là tái lập được hòa bình. Do vậy để giải quyết vấn nạn khủng bố, các nước phải có cách tiếp cận vấn đề này toàn diện hơn, trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến tư pháp.

4. Một điểm đáng chú khác của năm 2015 liên quan tới những căng thẳng chính trị. Đó là vấn đề Ukraine, cùng quan hệ giữa Nga và EU. Tình trạng chia rẽ của các nước EU về hồ sơ Ukraine đang ở giai đoạn: Có nước tỏ ra quá cứng rắn với Nga, có nước muốn đối thoại. Cần hiểu rằng, giải quyết khủng hoảng Ukraine cần có hai yếu tố chính. Thứ nhất, tự thân Chính phủ Kiev phải xây dựng được một chính quyền ổn định, đủ mạnh, dân chủ và hiệu quả. Thứ hai, các nước châu Âu phải có tiếng nói chung và phải làm sao đạt được “mối hợp tác có đi có lại” với Nga.

Khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng “mối bang giao” này là không bền vững bởi vì quan hệ đối tác giữa hai bên có vẻ không cân đối khi nền kinh tế Nga còn nhiều thua thiệt so với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu; một bên là cường quốc có nguồn tài chính dồi dào và khát năng lượng. Bởi vậy, trong cuộc chơi này, EU bị thua thiệt, các thị trường đã mất ở Nga khó lòng tìm lại được. Việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế dĩ nhiên có hại cho các nước phương Tây vốn là đối tác thương mại lớn của Nga.

Tại châu Á, tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và căng thẳng Trung - Nhật được giới chuyên gia cho là ngọn nguồn của các nguy cơ xung đột trong năm 2015. Xu hướng này một mặt phản ánh mâu thuẫn nội tại giữa các bên liên quan, mặt khác cho thấy những bước dịch chuyển chiến lược trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Bên cạnh đó, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được cho là nguy cơ thường trực trong năm 2015, bởi các nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như sự bất lực của các cơ chế quốc tế hiện nay.

5. Ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định duy trì mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh, gây ra nhiều hệ lụy cho các nền kinh tế trên thế giới. Nạn nhân chính là những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu và hầu như ước định ngân sách dựa vào giá dầu (như các nước vùng Vịnh, Iran, Iraq, Venezuela, Kazakhstan hay Nigeria). Riêng Nga tiếp tục lún sâu vào khó khăn, đồng tiền Ruble mất giá, kinh tế suy thoái nghiêm trọng không chỉ bởi giá dầu mà còn chịu chi phối từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo đó, chính phủ các quốc gia này có thể phải thực hiện các biện pháp không chính thống để thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ nền tài chính công. Thế nhưng “kẻ thua hôm nay có thể là kẻ thắng của ngày mai”. Những nước sản xuất dầu lớn, nếu đủ sức vượt qua được giai đoạn khó khăn này, sẽ thu được nhiều lợi ích sau khi giá dầu bình ổn trở lại.

Liên quan đến Liên minh châu Âu, các chuyên gia tập trung vào khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tăng trưởng khu vực này vẫn đang ì ạch, tình hình chưa có dấu hiệu lạc quan, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nợ công vẫn chồng chất. Trong bối cảnh đó thì chính sách thắt chặt chi tiêu công mà khu vực này đeo đuổi cần được thay thế bằng một chính sách khác để kích thích tăng trưởng. Rõ ràng, tình hình hiện nay cho thấy: Sự cẩn thận không phải là e dè, mà phải là sự can đảm - dám nghĩ dám làm.

Bên cạnh đó, thế giới sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của nạn thất nghiệp. Số người thất nghiệp trên thế giới không ngừng tăng lên do công nghệ cải tiến, việc làm sản xuất thủ công giảm nhanh chóng. Mặc dù kinh tế thế giới đang bắt đầu hồi phục sau khủng hoảng, nhưng số người có việc làm vẫn không tăng lên, thậm chí còn giảm đi. Cùng với đó là xu hướng bất bình đẳng thu nhập, với tâm điểm là châu Á trong năm 2015.

Trong khi người châu Á cho rằng giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là cải thiện hệ thống giáo dục, thì người châu Âu và Bắc Mỹ coi chính sách thuế là cách giải quyết tốt nhất. Những người không thuộc bộ phận có thu nhập cao, đặc biệt là giới trẻ, thường cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội, khiến họ trở thành lực lượng chính trong các cuộc xung đột. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và một xã hội hòa bình…

Doãn Anh Quân
.
.