Thế giới 2009 quá nhiều dang dở

Thứ Năm, 31/12/2009, 15:16
Theo nhà triết học kiêm nghiên cứu kinh tế học người Pháp Jacques Attali, viết trên tờ L'Express số ra ngày 23/12/2009, 12 tháng qua đã được ghi nhận với quá nhiều khó khăn và thất bại vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính.

Nhiều hội nghị quốc tế được tuyên truyền rầm rộ nhưng lại không mang lại kết quả cụ thể như trông đợi. Cộng thêm vào những khó khăn cũ là các mối nguy cơ mới khiến cho đời sống an ninh vật chất và tinh thần tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, đúng như ông Attali nhận xét, không thể không nhìn những tháng sắp tới với sự lạc quan.

Hoà bình và phát triển vẫn là mục đích chính của nhân loại trong hành trình đầy gian khó tới tương lai. Trong điều kiện thế giới vẫn bị sa lầy vào khủng hoảng, các vấn đề kinh tế và tài chính đã trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Những nỗ lực kích cầu ở nhiều quốc gia tuy đã mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng phía trước vẫn còn quá nhiều điều bất cập.

Tại Mỹ, bất chấp việc chính phủ đã thực thi mau lẹ quyết định tung ra gói cứu trợ trị giá 787 tỉ USD, nhưng nền kinh tế vẫn không khởi sắc được mấy. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã vượt qua mức hai con số. Thâm hụt liên bang lên tới mức kỷ lục là 1,4 nghìn tỉ USD… Thực tế này đã khiến cho ông Obama bị chính dân Mỹ đánh giá thấp về xử lý các tình huống kinh tế.

Theo kết quả thăm dò xã hội do tờ Nhật báo phố Wall và hãng tin Mỹ NBC tiến hành, chỉ có 40% số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ chính sách kinh tế của đương kim Tổng thống, trong khi 51% phản đối…

Khủng hoảng kinh tế đã phủ bóng ảm đạm lên lễ đón Giáng sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không ít quốc gia ở châu Âu đang phải đối mặt với một đợt khủng hoảng mới, đặc biệt trong lĩnh vực nợ nhà nước…

Trung tuần tháng 12/2009, chính phủ Hy Lạp đã buộc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đối phó với khủng hoảng nợ rất trầm trọng… Hiện nay, Hy Lạp bị xếp hạng tín dụng thấp nhất trong toàn bộ khu vực sử dụng đồng euro…

Đáng tiếc rằng, trong năm 2009 đã không có nhiều hiệu quả thực tế từ các cuộc gặp cấp cao trên trường quốc tế. Các Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20, diễn ra vào ngày 2-4 ở London và ngày 24/9/2009 ở Pittsburgh đã rất được dư luận quan tâm nhưng thực ra, mọi sự vẫn chỉ được thảo luận ở những nét chung nhất. Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu, diễn ra từ ngày 7 tới ngày 17/1/2009 tại Copenhagen với sự tham gia của 120 nhà lãnh đạo trên thế giới, đáng tiếc thay, cũng đã không đạt được một thỏa thuận thực chất.

Không ngẫu nhiên mà các nhà quan sát đều cho rằng, những luận đề chung chung như trong văn bản kết thúc hội nghị sẽ khó mang lại những tác động tích cực tới quá trình nóng lên trái đất rất đáng lo ngại hiện nay… Thậm chí lãnh tụ Cuba Fidel Castro còn cho rằng, thỏa thuận  về khí hậu đạt được ở Copenhagen là "không dân chủ"… Nhiều nước nghèo phản ứng vì cảm thấy mình bị gạt sang bên lề ở Hội nghị Copenhagen… Chính Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng phải công nhận rằng, văn kiện kết thúc Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu ở Copenhagen không đáp ứng được kỳ vọng của các nước tham gia…

Thêm vào đó, các nhà khoa học mới đây còn lên tiếng báo động rằng, băng đang tan chảy nhanh hơn dự kiến ở trên khắp trái đất từ các biển băng Bắc Cực đến Nam Cực và các khu vực núi cao ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Từ năm 1996 tới năm 2005, tốc độ tan băng của các dòng sông băng trên toàn cầu đã tăng gấp đôi. Tình hình quả thực là nghiêm trọng vì ai cũng biết rằng, biến đổi khí hậu, như đặc phái viên LHQ về quyền lương thực Olivier De Schutter từng phát biểu, là "quả bom hẹn giờ" đối với an ninh lương thực toàn cầu…

Nói một cách thẳng thắn, theo nhận định của tờ báo Mỹ The Washington Post, không chỉ năm 2009 mà cả thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đang trôi qua đã để lại không ít những nhiệm vụ còn dang dở. Tổng thống Barack Obama, mặc dù được trao giải Nobel hòa bình nhưng thực ra đã không làm được gì mấy từ những chương trình hoành tráng mà ông đã đề ra trước khi vào Nhà Trắng.

Không hẳn đã giã từ chủ nghĩa quan phương rất nổi trội dưới thời cầm quyền của người tiền nhiệm George Bush, ông Obama đã cố gắng đổi giọng sang hòa nhã để khôi phục lại các mối quan hệ đồng minh, dựa vào đối thoại nhiều hơn là đối đầu. Chính ông Obama đã nâng cấp sự can dự của Mỹ ở Afghanistan để hỗ trợ cho chính quyền đang gặp nhiều trắc trở ở nước này trước thế đi lên và hồi phục của lực lượng Taliban.

Hồi đầu tháng 12/2009, đã có quyết định đưa thêm 30 nghìn quân Mỹ tới Afghanistan, nâng tổng số người của liên quân quốc tế ở đây lên hơn 110 nghìn. Có những dự đoán cho rằng, việc tăng quân như thế của Washington có thể phần nào giúp trấn áp các đợt tấn công khủng bố của Taliban, như đã đạt được ở Iraq khi quân Mỹ gia tăng sự có mặt ở đó.

Đồng thời, ông Obama cũng cam kết về sự can dự sâu hơn của Washington vào nền kinh tế toàn cầu… Tổng thống Mỹ thứ 44 cũng ủng hộ ý tưởng lập ra nhóm G-22 để đóng vai trò như một uỷ ban thường trực điều hành những nóng lạnh trong nền kinh tế thế giới thay vì nhóm G-8 như trước kia…

Thế nhưng, những nỗ lực của Nhà Trắng xem ra không mang lại gì nhiều cho thế giới. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn rất cam go và không có nhiều tin mừng. Iraq và Afghanistan cho tới những ngày cuối năm 2009 vẫn là những điểm nóng trường niên, khiến cho quân đội Mỹ ngày càng lâm vào thế bị sa lầy ở đây. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng phải công nhận rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn rất dài lâu và rất khó nói tới một chiến thắng triệt để ở đây. NATO cũng đã tuyên bố rằng họ không có thời hạn chót cho việc rút quân khỏi Afghanistan, mặc dầu mức độ thương vong của liên quân quốc tế ở đây không ngừng tăng.

Lực lượng Taliban đã không chỉ làm cho Afghanistan trở thành chiến trường đỏ lửa mà ngay cả nhiều vùng lãnh thổ của nước láng giềng Pakistan cũng bị lôi kéo vào tình trạng bạo lực cực kỳ dã man và đẫm máu. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2007 tới nay đã hơn 2.700 người ở Pakistan bị chết trong các vụ tấn công khủng bố. Trong điều kiện bất ổn như vậy cộng với những khúc mắc chính trị nội bộ, các chuyên gia cho rằng, rất có thể sẽ lại diễn ra một cuộc đảo chính quân sự nữa ở Pakistan và điều đó càng tạo thêm khó khăn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.

Một nền hòa bình đích thực vẫn chưa được lập ra ở Trung Đông và quan hệ giữa Israel với Palestine nói riêng và với thế giới Arab nói chung vẫn hết sức căng thẳng và đầy nghi kị. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở dải Gaza  tiếp tục xấu đi nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Những nỗ lực nhằm thúc đẩy một nền hòa bình ở Trung Đông, nói như điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry, đang trong cuộc chạy đua quyết  liệt với thời gian và cả hai bên đối địch là Israel và Palestine đều cần phải tích cực và thiện chí hơn nữa. Oái oăm thay, cho tới hôm nay hai bên vẫn chưa nối lại đàm phán. Phía Palestine tuyên bố rằng, họ sẽ giữ thái độ như hiện nay nếu Israel chưa ngừng việc xây dựng khu định cư…

Quá trình phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt cũng tiếp tục đe dọa nền hòa bình thế giới. Đàm phán hạt nhân với Iran có nguy cơ rơi vào bế tắc…

Trong năm 2009 đã xuất hiện thêm nhiều khu vực mà nguy cơ bùng nổ xung đột đã đạt mức báo động. Châu Mỹ Latinh là một thí dụ. Những khúc mắc láng giềng đã cuốn không chỉ một quốc gia Mỹ Latinh vào những cuộc đe dọa lẫn nhau bất tận. Đảo chính vẫn là hiện tượng còn phổ biến ở đây. Tại châu Phi, tình trạng bạo lực vẫn ám ảnh nhiều nước và gây nên liên tục các cuộc khủng hoảng chính trị ở những cấp độ khác nhau…

Còn ở châu Âu, khu vực Cápcadơ với những mâu thuẫn giữa Moskva và Gruzia bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ thành đụng độ vũ trang như đã từng diễn ra tháng 8/2008, mặc dầu đã có những dấu hiệu hòa hoãn giữa hai bên ở thời điểm cuối năm 2009. Miền Nam Thái Lan cũng vẫn là nơi bất cứ lúc nào cũng có thể diễn ra những vụ bạo lực. Tính từ năm 2004 tới nay đã có tới hơn 4.000 người chết và hàng nghìn người bị thương kể từ khi lực lượng li khai dấy lên các vụ khủng bố ở đây…

Bức tranh toàn cầu trong năm 2009 không có nhiều màu sáng. Tuy nhiên, nói như ông Attali trong bài báo đã dẫn: "Tôi không thể không lạc quan khi nhìn vào những tháng sắp tới…". Chẳng gì thì tăng trưởng kinh tế đã lại xuất hiện ở những khu vực mà có tới hơn ba phần tư nhân loại cư trú. Hơn nữa, cũng chính trong năm 2009 có vẻ như ảm đạm nếu ta thoáng nhìn qua, đã tạo nên được không ít những phát minh khoa học đáng sửng sốt và đã làm ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời tràn trề tình yêu và tính nhân văn

Trần Thanh Tịnh
.
.