Thế chiến?

Thứ Năm, 02/10/2014, 09:30

“Chiến tranh, đó là sự điên rồ! Chiến tranh hủy hoại hy vọng và mơ ước của các thế hệ...” - Giáo hoàng Francis đã thốt lên như vậy ngày 13/9 trong buổi thuyết giảng tại Lễ tưởng niệm 100 năm ngày bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, được tổ chức ở nghĩa trang Áo - Hungarie lớn nhất tại Redipuglia, miền Đông Bắc Italia. Trước hơn 10 nghìn con chiên có mặt trong buổi lễ, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh rằng, trong thực tế đã bắt đầu một phần của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Chưa bao giờ Giáo hoàng Francis phải liên tục đưa ra những lời lên án chiến tranh và kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang nhiều như trong những tháng gần đây. Ông thực sự đã không thể tỏ ra bàng quan trước cảnh đầu rơi máu chảy đang diễn ra ở Ukraine, Iraq, Syria, Dải Gaza, cũng như ở hàng loạt quốc gia châu Phi... Trong bài thuyết giảng ngày 13/9 tại nghĩa trang ở Redipuglia, nơi chôn cất tới 1.000.187 người từng bỏ mạng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Giáo hoàng Francis đã lên án mọi cuộc chiến tranh ở mọi thời. Ông nhấn mạnh: “Chiến tranh thực phi lý. Kế hoạch duy nhất của nó là huỷ diệt... Lòng tham vô đáy, sự thiếu khoan dung, khát thèm quyền lực chính là nguyên do dẫn tới quyết định khai hoả và hành động này rất hay được biện minh bằng các vấn đề tư tưởng...”.

Bất công sinh loạn lạc

Thực tế cho thấy, thế giới hiện đại đang trên lối rẽ vào một cuộc chiến toàn cầu có thể còn nguy hiểm hơn hai cuộc thế chiến thảm khốc đã xảy ra trong thế kỷ XX. Có thể nói là nhân loại hôm nay vẫn đang tiếp tục sa lầy trên con đường phát triển không công bằng. Chính những sự bất công trong cơ hội mưu cầu hạnh phúc chính đáng đã đẩy thế giới vào những mâu thuẫn trầm kha và ngày một gay gắt hơn.  Washington nói riêng và phương Tây nói chung đã rất sai lầm khi muốn áp đặt một cách tuyệt đối những giá trị văn minh của họ cho toàn thế giới. Việc tuyệt đối hoá một lối tư duy này luôn làm nảy sinh những phản lực từ những lối tư duy khác. Tình hình trở nên nguy hiểm hơn khi những tín đồ thuộc những tôn giáo khác đạo Thiên chúa cảm thấy mình bị dồn vào đường cùng đã trở nên cuồng nộ tới cực đoan trong những kiếm tìm phương thức tự vệ và phản công để có cơ hội sống sót. Và không ngẫu nhiên mà sa trường chính yếu của cái gọi là khúc dạo đầu cho thế chiến thứ ba lại là khu vực Trung Đông, rốn dầu thế giới với rất nhiều tiềm năng vật chất và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thánh chiến.

Cần phải thấy rằng bầu không khí ngày một nóng bỏng trên thế giới hiện nay đã bắt đầu chính từ hoạt động của các tín đồ Hồi giáo cực đoan, nảy nòi và bành trướng thế lực chính với sự dung túng của phương Tây, đặc biệt là từ phía các cơ quan an ninh tình báo Mỹ. Những chiến binh Mujahideen trên chiến trường Afghanistan trong những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cầm súng chống lại các đơn vị quân đội Xôviết đồn trú tại đó đã nhận được những sự hà hơi tiếp sức không nhỏ từ các đối thủ của Moskva trong “chiến tranh lạnh”. Thế nhưng, khi cảm thấy mình đã bị phương Tây vắt chanh bỏ vỏ và thậm chí còn trở thành đối tượng để loại bỏ, các tín đồ Hồi giáo cực đoan này đã trở thành những kẻ báo thù quyết tử đối với phương Tây. Và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã được hình thành từ chính những chiến binh Mujahideen như thế, coi chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù không đội trời chung.

Trong tuyên ngôn năm 1998 của mạng lưới Al-Qaeda, được coi là thủ phạm chính trong vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001, đã nêu rõ: sát hại các công dân Mỹ, cả quân sự cùng dân sự, cũng như đồng minh của Washington, “là nghĩa vụ của mọi tín đồ Hồi giáo chân chính...”.

Trong số những nguyên nhân mà Al-Qaeda nêu ra để lý giải cho hành động khủng bố cuồng điên ngày 11/9/2001 có sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc gia Do Thái, cuộc chiến tranh chống lại Iraq, cũng như sự có mặt của binh lính Mỹ ở Arab Saudi. Washington bị buộc tội đã cướp bóc khu vực rốn dầu thế giới, áp chế các dân tộc bằng cách dung túng những chế độ độc tài, kiềm toả các nhà lãnh đạo hợp hiến...

Hiểm họa gia tăng

Trong khi đó, mặc dầu cái gọi là “chiến tranh lạnh” đã kết thúc sau khi Liên bang Xôviết tan rã và hàng loạt quốc gia Đông và Trung Âu thay đổi định hướng phát triển, nhưng những khác biệt về đặc thù và quyền lợi giữa các trung tâm quyền lực quốc tế lớn vẫn không mặc nhiên biến mất. Moskva đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt trong hơn hai mươi năm qua để có thể lấy lại phong độ vốn có của một đế chế và hiện đang tìm mọi cách để khôi phục lại vị thế xứng đáng của mình chứ không chịu lép vế một bề như trong những năm đầu tiên của thời hậu Xôviết. Trung Quốc và một số nước lớn đang phát triển khác cũng ấp ủ và dần dà triển khai những kế hoạch góp tay xây dựng trật tự thế giới mới không đơn cực sao cho có lợi cho mình nhất...

Không ngẫu nhiên mà hiện đang vang lên nhiều lời cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một cuộc “chiến tranh lạnh” mới... Ukraine có thể sẽ chỉ là mắt xích mở đầu cho một vòng xoáy bạo lực mới ở châu Âu, đe dọa sẽ tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ hơn những gì đã xảy ra trên bán đảo Balkan ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX...

Tất cả những xu hướng đó đã bồi thêm những lý do dẫn tới thực trạng thế giới không ổn định hiện nay...  Có thể dễ dàng thấy trong mọi sự cố khu vực đều có dấu ấn của những cạnh tranh toàn cầu từ các trung tâm quyền lực quốc tế lớn. Vẫn như trước kia, quyền lợi của nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung vẫn mâu thuẫn với nhiều phần trên thế giới. Và chính vì thế những mối đe dọa an ninh đối với Mỹ và phương Tây vẫn không giảm, chủ yếu do Mỹ và phương Tây vẫn không thay đổi cách hành xử của mình trên trường quốc tế.

Một thí dụ nhỡn tiền, đó là sự xuất hiện và trỗi dậy của phong trào Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Cận Đông (IS) sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt và mạng lưới Al-Qaeda từng do y đứng đầu có vẻ như suy giảm thanh thế. IS đã được thành lập trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống khủng bố mà Washington phát động tại Iraq, vào năm 2006. Khi mới manh nha, IS đã tuyên bố trung thành với Al-Qaeda nhưng rồi theo đà lớn mạnh tự thân, phong trào này đã đứng ra “làm ăn riêng”, thậm chí còn tuyên bố từ bỏ Al-Qaeda, mặc dù mục tiêu và phương thức hoạt động không khác nhau mấy. IS hiện hoạt động chủ yếu trên lãnh thổ Iraq và Syria.

Năm 2013, IS đã tham gia phe đối lập chống lại Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al - Assad. Từ đầu mùa hè năm nay, IS bắt đầu khuếch trương thanh thế bằng việc triển khai hàng loạt các cuộc tấn công vào miền Bắc và Tây Iraq. Chỉ trong vòng một tháng, IS đã chiếm được những thành phố  quan trọng ở như Mosul, Tigrut, tiến tới sát Baghdad... Số lượng thành viên tăng lên nhanh chóng, tới trên dưới 32 nghìn tên, trong đó có nhiều phần tử vẫn mang quốc tịch của các nước phương Tây. IS hành động rất táo tợn, hung bạo và khát máu với những màn trình diễn chặt đầu người đầy rùng rợn và man rợ được tung lên mạng Internet.

Lửa rừng khó dập

Cực chẳng đã, sau những phân vân khá lâu, ngày 10/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng cũng công bố kế hoạch chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) của mình. Trên quan điểm cho rằng, không thể có sự lựa chọn nào khác, ông chủ Nhà Trắng đã lại đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến mới.

Chiến lược Obama bao gồm:

- Tiến hành những trận không kích có hệ thống nhằm vào bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của lực lượng khủng bố ở Iraq, thậm chí có thể lần tới cả lãnh thổ Syria.

- Gia tăng hỗ trợ cho các tổ chức chống lại phe Thánh chiến cực đoan, đặc biệt là hỗ trợ cho Chính phủ Iraq. Ông Obama dự kiến sẽ cử tới Iraq thêm 475 cố vấn quân sự Mỹ, bên cạnh 800 cố vấn quân sự đang có mặt trên lãnh thổ Iraq. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng loại bỏ khả năng lại cho binh sĩ Mỹ trực tiếp tham chiến ở Iraq.

- Tăng cường các hoạt động an ninh tình báo nhằm phá vỡ các hoạt động tài chính cũng như tuyển người của IS.

- Triển khai các hoạt động nhân đạo cho các nhóm di dân tị nạn vì hoạt động của IS .

Trong bài phát biểu của mình trên truyền hình, Tổng thống Obama đã khẳng định rằng cuộc chiến chống khủng bố mới sẽ khác với hai cuộc chiến trước. Ông hứa hẹn sẽ làm mọi điều có thể để cuộc chiến này không bị kéo quá dài và sẽ tuân thủ theo chiến lược chiến tranh trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra những điểm yếu trong kế hoạch mới của ông Obama và không hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của lựa chọn quân sự mới. Iraq bây giờ không phải như năm 2003. Thế lực của nội các Iraq hiện nay cũng như thái độ của các nước Trung Đông mà Washington muốn dựa vào trong cuộc chiến mới chống lại chủ nghĩa khủng bố không hẳn đã như cần thiết.

Về phần cộng đồng người Cuốc, đang cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng ở miền Bắc Iraq để mở rộng ảnh hưởng của mình thì hoàn toàn không có gì đảm bảo là những lợi quyền mà họ nhận được sẽ góp phần vào việc bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Cuộc chiến chống lại IS sẽ rất nan giải nếu không có sự hợp tác thích đáng từ Damascus. Trong khi đó Mỹ và phương Tây đã loại trừ hoàn toàn khả năng bắt tay với Tổng thống Syria, Al Assad. Hơn nữa, lập trường của các nước Arab vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là Arab Saudi, quốc gia có thái độ chống lại Damascus quyết liệt nhất. Ai cũng biết chính Arab Saudi đã tài trợ chính cho các nhóm Jihad chống chính phủ ở Syria...

Thực tế cho thấy, những bế tắc trên chiến trường có thể trong thời gian rất gần sẽ buộc Tổng thống Obama phải sử dụng ngay cả lực lượng quân sự Mỹ trên chiến trường Trung Đông mới may ra có khả năng làm giảm bớt sự hoành hành của IS... Tiêu diệt tận tốc chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn đang tiếp tục là một nhiệm vụ ở mức bất khả thi...

Phạm Huy Dũng
.
.