Thế chân vạc ở Trung tâm dầu mỏ nhân loại

Thứ Tư, 02/01/2019, 10:39
Ngành công nghiệp dầu mỏ đang "hồi sinh". Nguồn cung ngày càng giảm, giá dầu trên thế giới tăng lên. Mỗi khi giá dầu biến động, tiếng nói của các đại gia trong ngành dầu mỏ vô cùng giá trị khi nó giúp cân bằng lại các chỉ số.


Cuộc cạnh tranh gay gắt

Những dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chậm lại là 2 nhân tố có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ thế giới. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa dầu đá phiến và các nguồn năng lượng tái sinh cũng sẽ đẩy giá dầu xuống thấp hơn.

Điều này được dự báo sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng của toàn bộ khu vực vùng Vịnh năm 2019. Câu chuyện về dầu mỏ, giá dầu lại được nhắc tới với sự lo ngại. Đi vào tìm hiểu tận gốc lịch sử mới thấy tầm quan trọng của các đại gia vùng đất nhiều dầu mỏ.

Mỏ dầu đầu tiên ở Trung Đông được phát hiện tại Masjid-e-Soleiman (Iran) vào ngày 26-5-1908, sau 35 năm tìm kiếm không có kết quả. 

Sau đó, các mỏ dầu lần lượt được phát hiện ở Iraq (mỏ Kirkuk vào năm 1927), ở Saudi Arabia (mỏ Dammam Dome vào năm 1938, và mỏ Gawar - có trữ lượng dầu khổng lồ - vào năm 1948). Kể từ đó, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào của khu vực này luôn là những thách thức ngoại giao.

Trong số những sự kiện quan trọng đánh dấu lịch sử ngoại giao-năng lượng của khu vực, cần nói đến thỏa thuận Quincy giữa Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt và Quốc vương Saudi Arabia Abdelaziz bin Abderrahmane Al Saoud (còn gọi là Ibn Saoud) được ký kết vào tháng 2-1945.

Thỏa thuận này khẳng định lợi ích chiến lược của Mỹ đối với khu vực Trung Đông và đảm bảo cho Mỹ có nguồn cung dầu mỏ ổn định là Saudi Arabia. Năm 1951, việc Thủ tướng Shah Mossadegh quốc hữu hóa Công ty dầu lửa Anh-Iran Anglo Iranian dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị toàn cầu nghiêm trọng gây lo ngại cho ngành dầu mỏ.

Năm 1960, Saudi Arabia, Iraq, Iran và Kuwait đã cùng Venezuela sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Năm 1973, Hội nghị thượng đỉnh OPEC được tổ chức tại Tehran, đánh dấu sự đảo chiều của tương quan lực lượng giữa các nước sản xuất dầu mỏ và các công ty dầu mỏ quốc tế đã thống trị thị trường dầu mỏ trong gần 50 năm. 

Một mỏ dầu của Iran.

Cuộc cách mạng Iran năm 1979 sau đó đã gây ra cú sốc dầu mỏ lần thứ hai, khiến ảnh hưởng của Iran trong lĩnh vực dầu mỏ giảm sút, do nước này bị cô lập ngoại giao. Mới đây, cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và sự can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự cân bằng địa chính trị của khu vực. 

Năm 2011, các cuộc cách mạng Arập gây mất ổn định cho khu vực trong một thời gian dài. Năm 2016, một ván bài năng lượng mới đã hình thành khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran.

Những người có nhiều dầu

Yếu tố nội tại của khu vực Trung Đông được quyết định nhiều bởi mối quan hệ giữa 3 cường quốc dầu mỏ là Saudi Arabia, Iraq và Iran. Tương quan lực lượng của 3 nước này phụ thuộc vào dân số, sự giàu có, trữ lượng và sản lượng dầu mỏ của họ, và nó chi phối vị thế của các nước khác trong khu vực. 

Iran là nước đông dân, 80,6 triệu người vào năm 2017, và không ngừng gia tăng - theo ước tính của Viện nghiên cứu dân số quốc gia (INED), sẽ đạt 93 triệu người vào năm 2050. 

Saudi Arabia và Iraq có số dân gần tương đương nhau: 32,6 triệu người và 39,2 triệu người. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn dân số Saudi Arabia là người nước ngoài. 

Dân số Iraq dự kiến sẽ tăng đáng kể, lên 77 triệu người vào năm 2050, so với chỉ 45 triệu người của Saudi Arabia. Theo INED, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của Saudi Arabia là 55.760 USD, vượt xa Iran (17.370 USD) và Iraq (17.240 USD).

Kể từ 10 năm qua, Saudi Arabia đã tích lũy được một lượng dự trữ tài chính đáng kể (732 tỷ USD năm 2014). Iran có dự trữ tài chính thấp hơn, ước tính khoảng 180 tỷ USD vào năm 2014. Còn Iraq, tình hình chính trị đã khiến nước này không thể có dự trữ tài chính. 

Năm 2014, dự trữ tài chính của Saudi Arabia tương đương khoảng 40 tháng nhập khẩu hàng hóa, so với 20 tháng của Iran và dưới 10 tháng của Iraq.

Tình hình kinh tế Iraq là đáng lo ngại nhất, vì mức nợ công cao của nước này. Theo số liệu của Coface (Công ty bảo hiểm ngoại thương của Pháp), năm 2015, tỷ lệ nợ công của Iraq chiếm 61,4% GDP, so với 42,4% của Iran và 5% của Saudi Arabia. Tuy nhiên, hầu hết các nước sản xuất dầu mỏ đã thực hiện các biện pháp để cắt giảm chi tiêu, đặc biệt cắt giảm trợ giá năng lượng. 

Như vậy, khả năng chống đỡ của Iran, Iraq và Saudi Arabia trước sự sụp đổ giá dầu rất khác nhau và vẫn là một thách thức lớn. Giống như các nước sản xuất dầu mỏ khác, 3 nước này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho nền kinh tế. 

Năm 2016, tài chính công chỉ ở trạng thái cân đối với giá dầu ở mức khoảng 96 USD/thùng ở Saudi Arabia, so với 76 USD ở Iraq và 70 USD ở Iran. Để so sánh, Kuwait và Nga có thể cân đối ngân sách công với giá dầu ở mức 52 USD và 85 USD/thùng.

Trữ lượng dầu mỏ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa 3 nước. Saudi Arabia nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất (267 tỷ thùng), nhiều hơn so với Iran (158 tỷ thùng) và Iraq (153 tỷ thùng). Tuy nhiên, nên nhớ rằng trữ lượng dầu mỏ của Iraq có thể lớn hơn nhiều, bởi phần lớn lãnh thổ Iraq vẫn chưa được khai thác. 

Về nguồn khí đốt, Iran có trữ lượng khí đốt đã được kiểm chứng lớn nhất thế giới (1.183 nghìn tỷ feet khối), nhiều hơn Nga (1.140 nghìn tỷ feet khối). Trữ lượng khí đốt của Saudi Arabia và Iraq ở mức khiêm tốn hơn (298 và 130 nghìn tỷ feet khối).

Mỗi nước dầu mỏ của vùng Vịnh có mức sản xuất dầu mỏ và tiềm năng phát triển khác nhau. Các chuyên gia cho rằng Saudi Arabia và Iraq là những nước mang lại nguồn lợi lớn cho các công ty dầu mỏ, vì họ chỉ cần khoan xuống là dầu mỏ phun lên.

Ngược lại, Iran cũng mang lại nguồn lợi cho các công ty cung cấp dịch vụ, vì cấu trúc phức tạp của các mỏ dầu đòi hỏi phải huy động công nghệ. Do thiếu các hoạt động đầu tư, tỷ lệ suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu của Iran cao hơn mức trung bình toàn cầu, ước tính khoảng 5%. 

Mỗi động thái thay đổi giá dầu mà OPEC đưa ra đều tác động tới toàn thế giới.

Do vậy, để duy trì mức độ sản xuất, cần phải liên tục huy động các khoản đầu tư đáng kể. Hơn nữa, kể từ cuộc cách mạng Iran vào năm 1979, nước này chỉ được tiếp cận hạn chế các công nghệ hiện đại.

Tương quan lực lượng giữa Iran, Iraq và Saudi Arabia không ngừng thay đổi kể từ khi OPEC được thành lập vào năm 1960. Hiện tại, thị phần của 3 nước sản xuất dầu mỏ vừa nêu lần lượt là 43,8%, 51,5% và 42%. 

Năm 1965, sản lượng dầu mỏ của 3 nước chỉ xấp xỉ 1,5 đến 2 triệu thùng/ngày, đứng cách xa sau Mỹ (9 triệu thùng/ngày), Liên Xô (5 triệu thùng/ngày), và thậm chí cả Venezuela (3,5 triệu thùng/ngày). 

Sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia sau đó gia tăng đột ngột nhờ những điều kiện đặc biệt thuận lợi ở trong nước, đạt 7 triệu thùng/ngày vào năm 1973 và đạt mức cao nhất 10 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1980-1981. 

Sau đó, Saudi Arabia đã giảm sản lượng khai thác để giữ giá dầu. Năm 1985, nước này đã quyết định tăng trở lại sản lượng khai thác để bảo vệ thị phần, gây ra cú sốc giảm giá dầu. Từ năm 1992, sản lượng khai thác của Saudi Arabia tăng lên, trung bình đạt 8,8 đến 10 triệu thùng/ngày, và đạt 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2016.

Sản lượng khai thác dầu của Iran có phần khiêm tốn hơn, tăng 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1973-1979, rồi giảm mạnh vào năm 1980 do cuộc cách mạng Iran và cuộc chiến Iraq-Iran. Sau đó, sản lượng khai thác của Iran được khôi phục, và đạt 4,6 triệu thùng/ngày vào năm 2016. 

Tương tự, sản lượng khai thác dầu của Iraq đã được đánh dấu bởi các cuộc xung đột địa chính trị vốn ảnh hưởng đến đất nước này: Cuộc chiến tranh Iraq-Iran, cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, các biện pháp trừng phạt quốc tế, sự can thiệp của Mỹ vào năm 2003.

Kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, sản lượng khai thác dầu mỏ của Iraq được khôi phục, đạt 4,5 triệu thùng/ngày vào năm 2016, tương đương mức sản lượng của những năm 1970.

Như vậy, Saudi Arabia sẽ duy trì vị trí trung tâm trên thị trường dầu mỏ với ưu thế nổi bật so với các nước thuộc OPEC, vào năm 2025 Saudi Arabia sẽ là một trong ba nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Iraq và Iran cũng sẽ lấy lại vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ.

Trong bối cảnh bất ổn nghiêm trọng ở Trung Đông, tranh chấp dầu mỏ đi kèm với xung đột ngoại giao sau khi Saudi Arabia và Iran cắt đứt quan hệ. 

Quyết định can thiệp quân sự của Saudi Arabia tại Bahrain vào năm 2011 và gần đây hơn là tại Yemen, cho thấy sự thay đổi chiến lược và sự bất ổn của khu vực khi Saudi Arabia còn lôi kéo các nước Arập Hồi giáo dòng Sunni, từ Maroc đến Pakistan... Về phần mình, Iran cũng nỗ lực tạo ra một "vòng cung Shiite" cùng với Iraq, chính quyền Alawite ở Syria và lực lượng Hamas ở Liban.

Sự mất đoàn kết chính trị và tôn giáo của khu vực đang trở nên ngày càng gay gắt trong bối cảnh tình hình chính trị trong khu vực và trên thế giới ngày càng phức tạp. Cuộc cạnh tranh không chỉ có dầu mỏ, các tài nguyên khác mà còn có cả các cuộc xung đột tôn giáo-chính trị. 

Hiện các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đều đã thực hiện chính sách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của họ và giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định các chính sách này có thể thành công.

Phúc Bình
.
.