Theo dòng chảy chính trị - kinh tế thế giới

Tháo ngòi nổ căng thẳng

Thứ Bảy, 02/05/2015, 09:41
Các sự kiện quốc tế thời gian qua cho thấy những điểm nhấn rất đáng chú ý, khi màu sắc chủ đạo là nỗ lực tháo gỡ những mâu thuẫn căng thẳng tại “các điểm nóng”. Có thể nói, xu thế hòa giải và hợp tác vẫn là hướng chính trong dòng chảy chính trị - kinh tế thế giới.

Không ít dấu ấn quan trọng đã được thiết lập, thông qua những cái bắt tay thân thiện, thay đổi chính sách ngoại giao hay động thái mới nhằm cải thiện mối quan hệ song phương đã đóng băng từ lâu nay. Tuy nhiên, hành trình đi đến những thỏa thuận lịch sử nhằm mang lại hòa bình, ổn định và phát triển hay ghi dấu ấn trên “bàn cờ chiến lược” toàn cầu vẫn luôn là những thách thức đối với mọi quốc gia.

Mong manh một thỏa thuận lịch sử

Trong bối cảnh Iran và phương Tây đã ký được thỏa thuận khung về hạt nhân, hướng tới một thỏa thuận cuối cùng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran, Iran bất ngờ “dịu giọng” tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Với trữ lượng dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nga, Iran đang có những nỗ lực nhằm tăng sản lượng khai thác khí đốt thông qua việc tăng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng thị trường cho ngành kinh tế mũi nhọn của nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Zarif khẳng định, Tehran hoàn toàn không có ý định thay thế hoặc thách thức Nga về việc xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu, song cam kết sẽ là một đối tác cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho các nước phương Tây. Bước tiến mới trong việc cải thiện quan hệ vốn nhiều mâu thuẫn và bất đồng giữa Iran và phương Tây được coi là động thái khép lại quá khứ, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập niên và hướng tới tương lai hợp tác giữa hai bên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc các nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nên duy trì cách tiếp cận thống nhất, tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cho dù Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) “hóa giải” được những bất đồng nêu trên, thì việc hoàn tất một “thỏa thuận lịch sử” giữa hai bên cũng như bình thường hóa quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo này với phương Tây, trên thực tế, vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài gian nan và rất nhiều thách thức.

Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba bên lề Hội nghị OAS 7 tại Panama là biểu tượng cho nỗ lực vượt qua sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ.

Thời gian qua, các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 bế tắc trong ba vấn đề quan trọng: thời hạn của thỏa thuận hạt nhân, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và một cơ chế áp đặt lại các lệnh trừng phạt trong trường hợp Iran không tuân thủ thỏa thuận. Dù đều coi việc đạt được thỏa thuận hạt nhân là “cơ hội nghìn năm có một” và sẵn sàng nhượng bộ để đáp ứng hạn chót vào ngày 30 - 6 tới, nhưng cả Mỹ và Iran vẫn sẵn sàng “kế hoạch B”.

Trong khi diện mạo thỏa thuận đó chưa hình thành, Tehran cảnh báo sẽ ngay lập tức nối lại các hoạt động hạt nhân, nếu phương Tây thiếu thái độ tôn trọng hoặc rút khỏi thỏa thuận. Nhà Trắng cũng tuyên bố áp đặt lại các lệnh trừng phạt (dù đến nay vẫn chưa được quyết định lộ trình gỡ bỏ) trong trường hợp Iran không nghiêm chỉnh thực thi các điều khoản thỏa thuận.

Quyết tâm… gác lại quá khứ

Quan hệ Mỹ - Cuba tiếp tục có dấu hiệu tan băng khi hai bên đạt được thống nhất về lộ trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Theo đó, La Habana đồng ý lùi việc Mỹ tiến hành bãi bỏ cấm vận nhằm vào đảo quốc này sang giai đoạn 2 của quá trình tái thiết lập quan hệ hai nước. Giai đoạn 1 của quá trình trên sẽ bao gồm chính thức tái thiết quan hệ và mở đại sứ quán tại mỗi nước. Giai đoạn 2 bắt đầu bằng việc bãi bỏ các lệnh cấm vận phi nghĩa mà Mỹ đã áp đặt đối với Cuba từ hơn nửa thế kỷ qua.

Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ bảy tại Panama vừa qua là biểu tượng cho nỗ lực vượt qua sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ. Có thể nói, sự tham dự của Cuba tại OAS 7 là một thông điệp mạnh mẽ mà các quốc gia châu Mỹ muốn nhắn nhủ với thế giới, nhất là trong bối cảnh hợp tác là một trong những thách thức lớn nhất của khu vực.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định quyết tâm đối thoại, đẩy mạnh nỗ lực cải thiện quan hệ song phương nhằm mở ra trang sử mới cho hai dân tộc. Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao của Washington và La Habana kể từ cuộc gặp tháng 4/1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh tụ Fidel Castro, khi đó là Thủ tướng Cuba.

Cuộc hội đàm Nhật - Trung được Thủ tướng Shinzo Abe miêu tả là “rất hữu ích”.

Theo giới quan sát, việc lãnh đạo hai nước gặp nhau dường như là một bước đi tất yếu khi quan hệ Mỹ - Cuba đang đạt được tiến triển nhất định. Với Cuba, cuộc gặp sẽ góp phần khai thông bế tắc trong bối cảnh nước này đang tập trung vào công cuộc cải cách và rất cần sự dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bản thân Chủ tịch Raul Castro cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để dẫn dắt Cuba trên con đường hiện đại hóa cùng sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế đất nước. Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ với Cuba là quyết tâm “gác lại quá khứ” giữa hai cựu thù, đồng thời là cơ hội mở ra giai đoạn mới trong hợp tác với các nước Mỹ Latinh.

Trong nỗ lực mới nhất, Tổng thống Obama đồng ý đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố, bước đi quan trọng hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương sau nhiều thập niên đối đầu. Thời gian qua, nhiều quốc gia thành viên OAS thất vọng khi cho rằng tổ chức này bị Mỹ chi phối và không đồng tình với chính sách của Washington đối với La Habana. Vì thế, triển vọng về sự xích lại giữa Mỹ - Cuba vừa làm dịu đi tâm lý chống Mỹ, vừa tạo không khí thuận lợi để Washington củng cố lại ảnh hưởng tại khu vực “sân sau”.

Rõ ràng, sau 54 năm bao vây, cấm vận và thù địch, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba không thể bỗng chốc trở nên nồng ấm ngay, bất chấp hai bên có rất nhiều thiện chí. Giới phân tích nhận định, những gì diễn ra tại Panama vừa qua đã phản ánh đặc trưng của quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ - Cuba: nhất trí về chủ trương đối thoại nhưng bất đồng trong thương lượng cụ thể. Đây là một quá trình rất dài và cần nhiều thời gian. Nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển đột phá thực sự, họ sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn và sớm đi đến đích cuối cùng.

Cái bắt tay đầy thiện chí

Tại Đông - Bắc Á, trong xu thế hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực, Nhật Bản khẳng định kiên trì chính sách đối ngoại hòa bình. Báo cáo chính sách đối ngoại thường niên (Sách Xanh Ngoại giao) năm 2015 giới thiệu một phần các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản trong kỷ nguyên hậu chiến, trong đó khẳng định việc Nhật Bản xây dựng xã hội dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người và thượng tôn luật pháp, đã trở thành một hình mẫu cho các nước châu Á. Đặc biệt, tài liệu này nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục con đường yêu chuộng hòa bình đã theo đuổi suốt 70 năm qua kể từ khi chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo đó, Tokyo kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận quốc gia, nhưng cũng khẳng định cải thiện và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng. Với Hàn Quốc, đó là quan hệ với “quốc gia láng giềng quan trọng nhất”; và với Trung Quốc, là quan hệ mật thiết giữa hai nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Điểm đặc biệt là, cách diễn đạt “hối lỗi sâu sắc” đã khẳng định Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng đối diện với những vấn đề lịch sử để lại, trong bối cảnh các nước láng giềng gây sức ép với Nhật Bản về hành động xâm lược trong quá khứ.

Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo Nhật - Trung đã tươi cười bắt tay trước phóng viên báo giới tại Jakarta, khi có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Á – Phi 2015 khai mạc ngày 22/4 vừa qua. Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp song phương từ khi nhậm chức, với mục tiêu hàn gắn mối quan hệ đã gặp nhiều sóng gió do tranh cãi về chủ quyền biển đảo và quá khứ chiến tranh. Và khác lần gặp gỡ cuối năm ngoái khi hai nguyên thủ tỏ ra rất lạnh lùng, từ cái bắt tay đầy thiện chí lần này, có thể thấy đã có những cải thiện nhất định trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Chủ tịch Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức lịch sử, xem đó là nền tảng chính trị cho mối quan hệ song phương. Nhật Bản nên phản hồi một cách nghiêm túc những mối quan ngại được nêu ra bởi các nước láng giềng châu Á và gửi đi một thông điệp tích cực sau khi có cái nhìn nghiêm khắc vào lịch sử.

Trong khi đó, Thủ tướng Abe luôn nhấn mạnh rằng mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc đang cải thiện, và nhất chí việc cần có thêm những đóng góp cho ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới, bằng cách thúc đẩy “mối quan hệ chiến lược cùng có lợi” giữa Tokyo và Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng cảnh báo các quốc gia hùng mạnh không nên có hành động áp đặt với các nước yếu hơn, một sự ám chỉ rõ ràng đến Trung Quốc…

Đỗ Lâm Anh
.
.