Thanh niên xung phong tròn 50 năm về trước

Thứ Sáu, 14/08/2015, 11:08
50 năm về trước, hàng vạn thanh niên xung phong miền Bắc lần lượt lên đường. Đúng lúc đó, từ một Ban Kiến thiết thuộc Bộ Giao thông vận tải, tôi được chuyển qua công trường 12A, có dịp sống với đội quân trẻ tuổi vừa đến tiếp sức cho đoạn đường chiến lược bị đánh phá ác liệt nhất thời đó.

Tôi về đến công trường khi đội quân thanh niên xung phong (TNXP) hơn ngàn người đã được bố trí ở những điểm xung yếu trên đoạn đường dài khoảng 80 cây số, từ Tân Đức đến Cha Lo. Đội TNXP mang phiên hiệu N.75 chia thành 9 đại đội, gọi tắt là “C”, gồm 1.163 thanh niên (trong đó có 411 nữ) các huyện của Quảng Bình, do đồng chí Đặng Thanh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Bình làm đội trưởng. (Đồng thời, Quảng Bình còn lập Đội TNXP N.73 gồm 7 đại đội, thời gian đầu phục vụ ở phía bắc đường 9, sau rút về bố trí dọc đường 15 từ Khe Ve đến phà Xuân Sơn).

Mỗi đại đội, công trường cử về một cán bộ kỹ thuật giữ chức “C. Phó”. Riêng tôi, về Phòng Bảo đảm giao thông, không giao chức “trưởng-phó” gì, nhưng có trách nhiệm quán xuyến, xử lý các sự cố, các vấn đề mới nảy sinh trên cả tuyến đường, nên có dịp ghé “thăm” và “hóng chuyện” ở nhiều đơn vị.

Sự kiện hơn ngàn thanh niên “bỗng chốc” tràn lên con đường ở nơi heo hút này quả là một niềm vui lớn đối với tất cả cán bộ, công nhân ở công trường 12A. Đội quân “Ba sẵn sàng” từ lúc rời quê hương cho đến lúc đặt chân đến trận địa mới lúc nào cũng vui như hội, là hình ảnh một đoàn quân hăng hái “trăm người như một”. Nhưng thực tế nghiệt ngã, từ đời sống cụ thể ngày ngày phải chui dưới những mái lán thấp tè ẩn kín dưới rừng cây ẩm ướt, thiếu giấy viết thư, xà phòng giày dép chưa kịp phát… cho đến cuộc chiến đấu trên mặt đường ngày càng ác liệt, chết chóc cận kề, đã khiến một số cán bộ, công nhân dao động. Kể cũng là điều dễ hiểu. Cả ngàn con người, hầu hết mới lần đầu rời làng quê, rời gia đình và sự chăm chút của bố mẹ, anh chị em, dấn thân vào một môi trường xa lạ, biết bao nhiêu là tâm sự và những đòi hỏi khác nhau.

Ngay trong cuộc họp đầu tiên với cán bộ toàn công trường ngày 17/7/1965 tại công trường bộ, hiện tượng “bi quan đào ngũ” đã được báo động. Một ngày sau, tôi đi lên Bãi Dinh xem hệ thống đường tránh đoạn từ La Trọng đi lên. Một tháng tôi xa công trường, sau mấy trận ném bom, cầu vòm Bãi Dinh “đẹp như tranh vẽ” đã bị đánh sập. Trên đường trở về La Trọng, lần đầu tôi tiếp xúc trực tiếp với TNXP.

“...Ghé đơn vị  làm ở Khe Cấy, tức C.TNXP Tuyên Hóa. Ở đây, tuy là lần đầu gặp gỡ, nhưng vẫn có cảm tình. Các chị em vui vẻ, hát hò luôn. Mấy cô gái rõ dáng học sinh, chụm đầu bên cuốn sổ tay, đọc cho nhau nghe những “danh ngôn” về tình yêu… C Tuyên Hóa cũng có những mặt xấu như tỷ lệ đào ngũ nhiều, cán bộ - cụ thể là C trưởng P. , một anh chàng có đôi mắt lờ đờ như người đau mắt, cũng như người qua nhiều đêm mất ngủ, rất nhát. Nghe có bom, không dám ra mặt đường, hoặc ngồi tít trên cao. P. cũng sợ lại gần ánh đuốc, sẽ dễ bị máy bay bắn. Tuy vậy, đại đa số anh chị em rất tốt. Chỗ ăn ở khó khăn đã chịu đựng được. Vừa mới lên đã đi lấp hố bom ở cầu La Trọng. Lấp xong thì lại chạy lên lấp hố bom ở Y Leng…”.

Đoạn nhật ký ghi vội, đơn sơ, nhưng đây là hình ảnh đầu tiên về một đơn vị TNXP mà tôi gắn bó mãi về sau. Trong cuộc chỉnh huấn cho đảng viên, cán bộ công trường đầu tháng 8/1965, đồng chí Bí thư Đảng ủy Phan Huy Đại đã phê phán gay gắt hiện tượng TNXP đào ngũ và thái độ hèn nhát của đại đội trưởng C.759. Nhờ thái độ phê bình gay gắt ấy mà đội quân non trẻ đã trụ vững trong cuộc chiến đấu ngày một khốc liệt hơn. Để “làm chứng”, xin trích đoạn Nhật ký 1 năm sau đó, khi tôi từ đèo Mụ Giạ trở về đoạn đường C.759 phụ trách.

…Mấy ngày trước, đi buổi trưa an toàn, vừa xem rõ tình hình đường sá; trưa nay lại đi. Tưởng lại phải đi một mình, nhưng vừa qua Bãi Dinh thì gặp 3 đồng chí công binh về xuôi. Cùng lúc, phản lực lao đến, hết tốp này đến tốp khác. Suốt chặng đường là những đoạn ngắn, vượt từ hầm này đến hầm khác. Cũng may là C.759 đã cho đào rất nhiều hầm kiểu “hàm ếch” bên ta-luy đường. Đoạn đường này suốt nửa tháng qua, ngày nào cũng bị bom. Nay người đi bộ cũng khó bước qua, phải tụt xuống khe, nhảy từ hòn đá này đến hòn đá khác.

Đến đoạn đó, thấy đất sụt chiếm hết đường, đi chưa qua, nghe tiếng máy bay, vượt tới gần cầu Ha Nông vừa gặp 4 phản lực lao đến. Cẩn thận, mình bỏ tất cả đồ đạc bên một gốc cây, chạy lại hầm thì một chiếc lao xuống cắt 2 quả bom. Ba anh em vừa tụt vào hầm thì tiếng nổ nhức tai, đất đá ném thình thịch trước hầm; cậu công binh còn ở ngoài, chạy vụt vào, thở không ra hơi và rên lên: “Chết thôi! Chết thôi!”. May sao, ba lần bom rơi nữa, nhưng không trúng hầm. Chạy ra, khói mù mịt, đồ đạc, kể cả ra-đi-ô đều bị đất vùi. Thì ra bom vây xung quanh, chỉ trừ cái hầm!

Mấy anh em tranh thủ chạy, vượt qua 2 hố bom lớn, mấy lần tránh máy bay vào những “hàm ếch” khi tốp bốn F.105 khác lao đến bắn đạn 20 ly, rốc-két sát chỗ nấp! Một lần nữa, bốn anh em thoát nạn! Thật đúng là “chặng đường máu lửa”! Trên con đường ấy, đã đi, không thể dừng lại, chỉ có tiến lên, dũng cảm bước nhanh, mới giành được chiến thắng cho công việc, giành được sự sống cho cá nhân mình!

Trèo dốc đến chỗ ở của C.759, thở không ra hơi, phải nghỉ mấy lần mới chống gậy lên tới lán C.759, đúng lúc Trần Đức Hàm và một đồng chí công binh, vai đeo súng, bên thắt lưng có một bọc bông băng cứu thương, xuống trinh sát đường…

Chiều, sau bữa cơm, lại thấy Hàm đi làm, vai vác một túm hàng chục dây cháy chậm, dài khoảng hơn 1 mét, đã lắp sẵn kíp nổ. Những cái kíp màu đồng sáng loáng, nổi bật bên màu dây trắng, rất đẹp. Dù đêm qua máy bay đi “xăm” - đây là chữ dùng của C.759 chỉ bầy ăn cướp ném bom theo tọa độ - ngay gần chỗ làm việc, hôm nay các chiến sĩ vẫn hăng hái ra trận địa. Cô Nguyễn Thị Thường hay hát, chân bị sái, bong gân, cũng đòi đi. Hai cậu y tá và C. trưởng Mai đau không ăn được cơm cũng đã ra mặt đường.

- Hồi trưa, lúc mới đặt chân đến khu vực C.759 đóng quân, mình vào đúng lán A.6 đầu tiên. Chị em đêm qua làm mãi đến 6 giờ sáng mới về đến nhà, nhưng đã ngủ dậy. Lán nhỏ, chỉ ở 6 người. Rất gọn, rất xinh, mới vào đã có cảm tình vì những tờ giấy khen dán bên vách, vì dãy khăn treo đều đặn, một dãy túi ríp, bót đánh răng có đề tên treo một góc. Ở giữa là 5 điều Bác Hồ dạy, viết rất lớn…

Sau đó, mình có dịp trò chuyện với Trần Đức Hè, “người quen” cũ. Nói vậy, vì Hè từng là  một trinh sát, liên lạc dũng cảm nổi tiếng và vừa được kết nạp vào Đảng ngày 1/4/1966. Còn nhớ những trưa, chiều, đêm, Hè cùng C. phó Quang đi lại như con thoi từ C.759 về công trường. Hè quê Phù Hóa, cùng xã với Kim Huế, đã tốt nghiệp lớp 7… Hè sôi nổi kể lại những lần chết hụt. Hè vừa nói, vừa cười, bộ mặt với nước da tai tái, đôi lông mày nhỏ, dài như một nét vẽ nhạt, cái mũi to cùng môi trên hơi nhếch lên, trông rất hồn nhiên. Khó có thể kể hết những hiểm nguy Hè đã trải. Lần hỏng đường nặng ở km 14, Hè ngồi chọc, đo mãi vào một hút bom.

Chỉ lát sau, bom nổ làm bung một quãng đường lớn. Một lần, Hè đi nắm tình hình dọc đường để về công trường báo cáo; qua Khe Cấy, nơi chúng vừa thả hơn 10 quả nổ chậm thì 1 quả vụt nổ bùng trên đồi; đang ngước xem, lại một quả nổ chỉ cách 10 mét! Dạo Hè bị sốt, bom rơi gần lán, anh em phải kéo Hè nằm xuống, trưa hôm sau, 4 người khiêng Hè đi bệnh xá, gặp máy bay ném bom, người khiêng vội “ném” Hè xuống rãnh bên đường đau điếng người; đất đá ném đầy tay chân, cánh tay sưng 5 ngày mới khỏi…

Tôi viết những dòng trên khi chưa hề nghĩ nơi mình vừa thoát chết là “tọa độ” đã được Bộ tham mưu không quân Mỹ chọn là nơi quyết chặt đứt hẳn đường 12A; và chỉ mấy ngày sau - ngày 3/7/1966, cuộc chiến bi tráng nhất trên đường 12A đã diễn ra ở đây. Cả một tiểu đội cảm tử của C.759 đã hy sinh cùng lúc và hơn chục người bị thương dưới những chùm bom tọa độ liên tiếp trút xuống, khiến một số thi hài mãi không lấy lại được…

Trước trận chiến khốc liệt đó, chưa ai nghĩ đến C.759 và Nguyễn Thị Kim Huế, A. trưởng A.6 rồi sẽ được phong anh hùng - những anh hùng TNXP đầu tiên - tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu năm 1967. Vậy mà lúc đó, tôi đã ở lại C.759 đến 5 ngày, gặp và hỏi chuyện rất nhiều chiến sĩ ở đây, như là có sự tiên báo rằng sẽ có một số chiến sĩ mà tôi không bao giờ còn được gặp lại nữa!

Cũng lạ, trong đêm 3/7/1966, Trần Đức Hè cũng như cả A.6  đã thoát khỏi cửa tử một cách… chỉ có thể nói là may mắn, như tôi đã thoát chết khi đi qua đoạn đường này trưa 18/6/1966. Nhưng thật xót xa, đầu năm 1968, khi C.759 được điều về trấn giữ đoạn đường bờ Nam sông Gianh, ngày 4/1, Hè đã hy sinh anh dũng khi phá bom nổ chậm và ngày 18/1, ba cô gái trẻ A. 6 Nguyễn Thị Mỹ Tình, Hoàng Thị Minh Thú, Trần Thị Minh Thế đã hứng trọn một chùm bom trên đoạn đường dốc lên rừng thông Ba Trại!

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay nhờ có linh tính mách bảo, tôi đã có mặt tại bờ nam sông Gianh đúng lúc đó, đã kịp đến đưa thi hài ba người bạn gái trẻ từng quen biết trên đường 12A lên đồi thông. Nhưng còn gì nữa đâu! Chỉ là những vụn tóc xen lẫn đất đồi đỏ thẫm… À, còn, còn lá thư của Minh Thú viết cho bố mẹ hồi đêm chưa kịp gửi, với những dòng chữ sáng ngời lý tưởng cao đẹp, tôi tìm thấy trong balô của cô, về sau đã được trưng bày trong Bảo tàng TNXP cả nước ở Ngã ba Đồng Lộc…

Tôi viết những dòng này, khi các cựu TNXP C.759 cũng như nhiều đại đội TNXP ở Quảng Bình từ khắp các miền đất nước đang lần lượt trở lại quê hương gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày lên đường cứu nước. Tròn nửa thế kỷ đã qua! Các chiến sĩ TNXP non trẻ ngày nào, nay hầu hết đã thành các cụ ông, cụ bà “đầu bạc răng long”, người có cháu con, nhà cửa đàng hoàng không ít và cũng có người bất hạnh, nhưng nụ cười, tiếng hát vẫn lấp lánh ngọn lửa tuổi thanh xuân hào hùng “ngày xưa”. Phải! Đã là TNXP, nếu không phải là liệt sĩ - những con người mãi mãi tuổi đôi mươi, thì cũng giữ nếp sống trẻ trung cho đến cuối đời!...

Nguyễn Khắc Phê
.
.