Xung quanh án tử hình của cựu chủ tịch tập đoàn Sinopec:

Tham tiền, tất sẽ sa cơ

Thứ Hai, 03/08/2009, 15:34

Mặc dù bị tuyên án tử hình, cho hoãn thi hành án 2 năm từ hôm 15/7, nhưng đến nay dư luận Trung Quốc vẫn bàn tán về hồi kết của cựu Chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc Trần Đồng Hải, cũng như những bài học rút ra từ phiên toà này.

Từ cán bộ đầy triển vọng...

Sinh ra (tháng 9/1948) trong một gia đình có bố (Trần Vỹ Đạt) từng là Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương ở Huệ Dân, TP Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, có thể nói, con đường công danh của Trần Đồng Hải khá thuận lợi. Chưa tới 30 tuổi (1976), ông đã là kỹ sư kinh tế cao cấp sau khi tốt nghiệp Học viện Dầu khí Đông Bắc, có kinh nghiệm phong phú trong công tác quản lý dầu khí nói riêng và quản lý nền kinh tế vĩ mô nói chung. Vì thành tích kể trên nên từ tháng 3/1983 đến tháng 12/1986, Trần Đồng Hải đã được bầu làm Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy Công ty Sản xuất dầu Trấn Hải, một công ty con của Sinopec Corp.

Từ tháng 12/1986 đến tháng 7/1989, Trần Đồng Hải lại được cử làm Phó Thị trưởng TP Ninh Ba, tỉnh Triết Giang. Sau đó làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tỉnh Triết Giang (từ tháng 7/1989 đến tháng 6/1991). Tiếp đến là Phó Bí thư, Thị trưởng TP Ninh Ba (từ tháng 6/1991 đến tháng 1/1994). Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sinopec Corp. (tháng 4/1998), Trần Đồng Hải được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (từ tháng 1/1994 đến tháng 4/1998). Đến tháng 2/2000, Trần Đồng Hải được bầu làm Phó Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. Kể từ tháng 4/2003 đến khi bị bắt (22/6/2007), Trần Đồng Hải là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp.

Giới truyền thông cho biết, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ là người đã tin dùng Trần Đồng Hải bởi ông coi con trai Trần Vỹ Đạt, người từng làm Bí thư TP Thiên Tân (một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương) là người được đào tạo cơ bản, có tư tưởng dám nghĩ, dám làm, cần cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trần Đồng Hải được đánh giá là một lãnh đạo trẻ có tư tưởng cấp tiến và quyết đoán. Kể từ khi lãnh đạo Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - Sinopec Corp.), Trần Đồng Hải đã đưa Sinopec Corp. trở thành nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, tập đoàn hàng đầu châu Á về khối lượng dầu tinh chế. Sinopec Corp. là tập đoàn dầu khí lớn thứ hai Trung Quốc, sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và kể từ trung tuần tháng 10/2000, cổ phiếu của Tập đoàn Sinopec Corp. đã chính thức lên sàn tại thị trường chứng khoán Hongkong, New York và London.

Lý Vy và Trần Đông Hải.

Với tư cách Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. nên Trần Đồng Hải luôn được mời tham dự các hội nghị quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Diễn đàn kinh tế Bác Ngao... Trong nhiều năm liền, Sinopec Corp. đều nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới do Fortune bình chọn. Năm 2005, Sinopec Corp. đứng đầu trong Top 500 doanh nghiệp Trung Quốc với doanh thu đạt 78 tỷ USD. Năm 2009, Sinopec Corp. được xếp thứ 17 trong số các doanh nghiệp lớn trên thế giới bởi có mức doanh thu gần 132 tỷ USD trong năm 2008.

Vì được coi là người có công lớn trong việc tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc của Sinopec Corp. nên trước khi bắt giữ Trần Đồng Hải, cơ quan chức năng đã phải cân nhắc rất cẩn trọng. Nếu xử lý không khéo, việc bắt giữ Trần Đồng Hải không những tạo cú sốc đối với các nhà đầu tư, mà còn gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Sinopec Corp. Tuy nhiên, sau khi thông tin về việc bắt giữ Trần Đồng Hải được tiết lộ, giá cổ phiếu của Sinopec Corp. đã lập tức giảm tới 8%.

Khi đưa tin về việc bắt giữ Trần Đồng Hải, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh, Trần Đồng Hải đã tham nhũng ở mức độ rất lớn, lạm dụng quyền lực để cung phụng người tình. Trần Đồng Hải tuy là cán bộ cấp cao, nhưng lại có cuộc sống xa hoa và phi đạo đức. Hành vi của ông ta đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng. Khi khai đình xét xử, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, trường hợp phạm tội của Trần Đồng Hải rất nghiêm trọng và đáng bị xếp vào khung hình phạt cao nhất.

Tô Thụ Lâm, tuy mới sinh tháng 3/1962 và là người Hắc Long Giang, nhưng đã được bổ nhiệm là người thay thế Trần Đồng Hải làm Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Sinopec Corp. Phó Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. Chu Nguyên được cử tạm thời giữ chức quyền Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp.

Mọi việc có lẽ bắt đầu từ câu nói "nổi tiếng" của Trần Đồng Hải - không biết tiêu tiền, làm sao biết kiếm tiền! Người của Bộ Giám sát và Văn phòng Chính phủ từng nhiều lần gọi điện thoại nhắc nhở "phong cách sinh hoạt" của Trần Đồng Hải sau khi biết tin "Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. chi tới 1,2 triệu NDT/tháng cho các buổi ăn uống, vui chơi giải trí".--PageBreak--

... Đến những sa ngã "khó tránh khỏi"

Sau khi bắt và xét xử Trần Đồng Hải, giới chuyên môn nhận thấy rằng, chính cơ chế "thoáng" tại Tập đoàn Sinopec Corp. đã tạo điều kiện để "ông Chủ tịch phạm tội". Nắm trong tay quyền lực lớn, lại am hiểu công việc, cũng như ngóc ngách chốn quan trường nên Trần Đồng Hải dễ dàng thao túng Tập đoàn Sinopec Corp.

Chỉ trong vòng hơn 9 năm (từ tháng 4/1998 đến tháng 6/2007), Trần Đồng Hải đã thăng liền 4 cấp, từ Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch đến Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. Nhưng cũng trong thời gian kể trên, Trần Đồng Hải đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ với số tiền lên tới gần 29 triệu USD. Ngoài ra, Trần Đồng Hải còn tạo điều kiện để người tình kiếm lời bất chính, từ làm ăn phi pháp trong hoạt động kinh doanh đến chuyển nhượng đất đai và các hợp đồng dự án khác. Khi Trần Đồng Hải tuyên bố "nghỉ vì lý do cá nhân" hôm 22/6/2007, dư luận đã có những đồn đoán khác nhau bởi theo quy định, ngày 23/5/2009 mới là thời điểm Chủ tịch Tập đoàn Sinopec Corp. chính thức nghỉ hưu. Có người cho rằng, vì doanh thu năm 2006 của Tập đoàn Sinopec Corp. lỗ 3,5 tỷ NDT (khoảng 436 triệu USD) nên Trần Đồng Hải phải từ chức.

Giới thạo tin cho biết, ngay từ tháng 5/2007, người của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đã tìm gặp Trần Đồng Hải để yêu cầu 4 việc. Thứ nhất, tranh thủ thời gian báo cáo rõ với tổ chức những việc làm sai trái. Thứ hai, phải khai báo thành khẩn để được hưởng khoan hồng. Thứ ba, không được bao biện, tìm người chạy tội. Thứ tư, không được rời khỏi Bắc Kinh hoặc xuất cảnh ra nước ngoài.

Là một người từng trải nên Trần Đồng Hải hiểu ngay mình phải làm gì nên đầu tháng 6/2007, ông ta đã thừa nhận 4 tội lớn. Thứ nhất, không rõ ràng trong việc thống kê, kế toán, trốn thuế. Thứ hai, “ăn vụng” có tổ chức và lạm dụng khoản tiền thuế. Thứ ba, lạm dụng công quỹ, tặng tiền mặt và cổ phiếu cho một số lãnh đạo và cơ quan hữu trách. Thứ tư, nhận quà biếu có giá trị lớn.

Sau khi nhận bản kiểm điểm của Trần Đồng Hải, trung tuần tháng 6/2007, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương lại hẹn gặp Trần Đồng Hải để thông báo. Theo đó, việc tự kiểm điểm bước đầu khá tốt, thái độ đúng mực, nhưng cần nói rõ hơn về "vấn đề kinh tế, tài chính". Tới lúc này, Trần Đồng Hải càng hiểu rõ mức độ nguy hiểm đang rình rập nên quyết định đào tẩu.

Trong 2 tháng (5 và 6/2007), Trần Đồng Hải đã gom tổng cộng 173 triệu NDT (khoảng 25,3 triệu USD) từ 51 tài khoản ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Thâm Quyến…

Ngày 20/6/2007, Trần Đồng Hải lấy lý do nghỉ ốm 5 ngày, công khai chia tay lãnh đạo Tập đoàn Sinopec Corp. để tối hôm đó ra sân bay, đáp chuyến tới Hongkong và từ đó bay đi Vancouver. 19h ngày 20/6/2007, Trần Đồng Hải có mặt tại sân bay Thủ đô Bắc Kinh, nhưng khi đang chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay thì người của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương xuất hiện. Tới khi đó, Trần Đồng Hải vẫn gân cổ nói "Các anh có nhầm không đấy, tôi đi công tác Hongkong. Việc này đã được Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương chấp thuận!". Chỉ tới khi nhìn thấy lệnh bắt của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, Trần Đồng Hải mới "tắt đài".

Ngày 28/6/2007, Trần Đồng Hải được chuyển tới giam giữ tại phòng tạm giam của cảnh sát vũ trang thành phố Thiên Tân. Sau khi Trần Đồng Hải bị bắt, cảnh sát đã tìm được một lượng lớn tiền mặt được cất giấu trong thùng nước xả toilet, bên dưới bể cá, bên trong mái ngói ở 2 ngôi nhà do ông ta sở hữu. Ngoài số tiền mặt (520.000 USD, 480.000 đôla Canada, 650.000 Euro và 5 cuốn sổ tiết kiệm), người ta còn phát hiện 5 cuốn hộ chiếu với những tên khác nhau. Điều đáng nói là cảnh sát còn tìm thấy một khẩu súng lục của Đức cùng 12 viên đạn được giấu trong đôi giày của Trần Đồng Hải.

Theo giới truyền thông, Trần Đồng Hải có quan hệ khá mật thiết với Úc Trí Phi, nguyên Tổng Giám đốc Trường Đua quốc tế Thượng Hải, người đã bị thẩm vấn từ hôm 18/10/2006 về việc xây dựng trường đua xe quốc tế công thức 1 (F1) mà không xin giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Được biết, trường đua này xây dựng từ năm 2000 với tổng kinh phí lên tới 350 triệu USD, đắt nhất thế giới, (đắt hơn trường đua đắt nhất thế giới tới 70 triệu USD). Được biết, chỉ trong 3 năm, Trần Đồng Hải đã hỗ trợ tới 60 triệu USD cho Úc Trí Phi xây dựng trường đua kể trên.

Có người cho rằng, vì đều là người Huệ Dân, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông nên Trần Đồng Hải mới có mối quan hệ mật thiết với Đỗ Thế Thành, nguyên Phó Bí thư tỉnh Sơn Đông kiêm Bí thư TP Thanh Đảo. Nhưng theo tờ Thượng Hải nhật báo, Trần Đồng Hải đã thông qua Lý Vy, người tình của mình để làm quen với Đỗ Thế Thành và từ nhân vật này, ông ta chơi thân với một số lãnh đạo cấp cao khác để "tiện giao dịch".

Sau khi bắt giữ Trần Đồng Hải, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương cũng quyết định cách chức Đỗ Thế Thành vì đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng (24/12/2006). Sau đó, Đỗ Thế Thành đã bị tòa tuyên phạt chung thân vì tội nhận hối lộ (2008). Lý Vy tuy sinh ra (24/9/1963) trong một gia đình ở TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam, nhưng lại học ở Thâm Quyến, sau đó chuyển đến Bắc Kinh sinh sống. Trong số những tình nhân của Trần Đồng Hải, nổi tiếng nhất là Lý Vy, người đàn bà nổi tiếng với biệt danh "người tình công cộng". Lý Vy sở hữu một công ty bất động sản ở TP Thanh Đảo và từng làm khuynh đảo thị trường nhà đất tại đây bởi bà ta thường mua được đất tại những dự án liên quan tới dầu khí với giá rẻ.

Ngày 15/7 vừa qua, TAND số 2 TP Bắc Kinh đã tuyên án tử hình, cho hoãn thi hành án 2 năm đối với Trần Đồng Hải vì phạm tội nhận hối lộ với tổng số tiền lên tới 195,7 triệu NDT (khoảng 28,8 triệu USD). Nếu bồi hoàn toàn bộ số tiền tham nhũng cho nhà nước và không phạm thêm tội trong thời gian bị giam giữ thì Trần Đồng Hải có thể thoát án tử hình sau 2 năm.

Tân Hoa xã đưa tin, mặc dù nhận một lượng tiền hối lộ lớn, đủ để lãnh án tử hình, nhưng do Trần Đồng Hải thành khẩn nhận tội, cung cấp thông tin về hành động phạm tội của những người khác và trả lại số tiền hối lộ nên được hưởng lượng khoan hồng

Quốc Trung (tổng hợp)
.
.