Tết đầu tiên lẻ bóng của vợ cố PGS Tôn Thất Bách

Thứ Tư, 23/03/2005, 07:53

Hà Nội những ngày chớm xuân, mưa phùn lắc rắc rơi trên những con phố dài ẩm ướt. Tôi bần thần trước cửa ngôi nhà của cố PGS.VS Tôn Thất Bách. Đã gần một năm bác sĩ Bách đột ngột đi xa. Trước thềm nhà, những chậu hồng vẫn nở hoa đỏ thắm. Hòn non bộ với những mầm cây chóc lá xanh non...

Tất cả vẫn còn đó vẹn nguyên dư ảnh của người quá cố, như một sự hiện hữu linh thiêng, quấn quýt cùng người ở lại...

 

Nhưng đằng sau cánh cửa ấy là một sự vắng vẻ đến nao lòng của một ngôi nhà có người vừa đi xa không trở về. Trên ban thờ chiếm gần một phần ba phòng khách ăm ắp mùi trầm hương thơm dịu. Bàn tay đảm đang của người vợ hiền thảo suốt mấy mươi năm lặng lẽ sau bóng “Tùng Quân” đã kịp cắm lên hai bên góc nhà của ban thờ là một cành mai mang những giọt nắng phương Nam làm sáng rực cả căn phòng cùng với những nụ đào hồng thắm của cái tết phương Bắc. Trên bàn là chiếc gạt tàn với mẩu thuốc như vừa lụi tắt...

 

Tất cả như vừa còn đó, vừa xảy ra, vừa dang dở như một người bước vội ra phía cửa. Không có ai ở nhà ngoài một người giúp việc mang luôn cả nỗi buồn của gia chủ. Cô gái nói với tôi: “Nếu chị muốn tìm cô Nga, vợ của thầy Bách, thì chị đến Bệnh viện Việt Đức. Kể từ ngày thầy Bách mất, cô Nga không mấy khi ở nhà. Bao nhiêu thời gian và tâm trí, cô ấy dồn hết cho công việc ở viện”.

Giờ đây là những ngày mà tết đang đến với từng ngôi nhà ấm áp sự sum họp. Dường như bất kỳ người phụ nữ Việt nào cũng mong muốn thu xếp thật nhanh công việc ở cơ quan để về với gia đình tổ chức lo tết cho người thân. Thế nhưng, với TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng khoa Truyền máu Bệnh viện Việt Đức, tết lại chính là khoảng thời gian trong những giấc ngủ nông kể từ ngày PGS Tôn Thất Bách ra đi, người phụ nữ này thường giật mình thảng thốt.

 

Trong cái diệu vợi của nỗi buồn mênh mang thăm thẳm không cùng là cái giật mình của công việc, của những gì còn dang dở ở nơi mà vợ chồng bà đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học. Tiếp tôi trong khoảng thời gian chật hẹp giữa một ca nghỉ trực, trong cái không khí tất bật nhưng nghiêm cẩn của một nơi mà sự sống và cái chết đang giành giật trong cuộc chiến gang tấc, tôi cảm tưởng như bà chỉ còn lại với một nỗi lo âu thường trực và sâu sắc về mọi chuyện xung quanh cái kho máu dự trữ của Khoa Truyền máu.

 

“Đã là bác sĩ trong bệnh viện, không ai không phải chịu những áp lực riêng. Mấy ngày tết, tôi lo nhất là làm sao đủ nguồn máu dự trữ ở trong kho để đáp ứng cho bệnh nhân. Ngày thường thiếu máu còn chạy được, chứ ngày tết thì kiếm đâu ra. Mấy hôm nay, sáng nào tỉnh dậy tôi cũng cuống cuồng với chuyện đó. Có khi trong giấc ngủ còn mơ thấy bệnh nhân sau mổ cần truyền máu mà trong kho không còn một giọt nào. Tỉnh dậy, cứ thế là toát hết mồ hôi, lại lao lên cơ quan, lại thúc giục các đồng nghiệp bằng mọi cách, phát huy hết những khả năng của mình để tìm kiếm và khai thác nguồn máu…".

 29 tết, chúng tôi ngồi ngay trong phòng trực của bà với bữa ăn trưa là hai hộp sữa đậu nành dành cho những người bận rộn nhất. Bà không kịp cởi chiếc áo choàng trắng mặc lúc sáng nay tham dự buổi lễ trao quà tết cho những tình nguyện viên hiến máu chuyên nghiệp để tôi chụp vội một bức ảnh…

Câu chuyện đời, chuyện nghề như từ ký ức xa xăm dội về, dẫu bà đang là người của hiện tại. Tôi có cảm tưởng như Bệnh viện Việt Đức là nơi neo giữ cuộc đời của bà trước đây, bây giờ và có lẽ là mãi mãi. Bà dồn hết tất cả cho công việc, tâm huyết với công việc. Bà nói về những niềm vui khôn tả khi vận động được nhiều người hiến máu nhân đạo. Mỗi một chuyến đi thành công, chắt chiu được những giọt máu nhân đạo về cho kho máu của bệnh viện, bà như trẻ người ra, không ăn cũng no, không có gì mới mà cứ vui như vừa được quà lớn.

 

Là một người vợ một tay gánh vác gia đình nhưng câu nói của người thầy và cũng là người bố chồng, GS Tôn Thất Tùng, luôn là động lực thúc đẩy sự phấn đấu của bà: “Dù con có là con dâu ta thì cũng không nên về công tác ở Bệnh viện Việt Đức khi mà con không cố gắng phấn đấu, không có những nghiên cứu, những báo cáo khoa học được giới y học thừa nhận”. Và thế là suốt 30 năm làm nghề, bà lặng lẽ đứng phía sau chồng, lặng lẽ tích cóp, cặm cụi nhặt nhạnh như con ong cần mẫn và chăm chỉ để đến năm 2003, bà đã bảo vệ xong chức danh Phó giáo sư - tiến sĩ với công trình khoa học tích lũy trong 30 năm làm nghề là: “Chức năng gan, ung thư gan, viêm gan B và HIV trong lĩnh vực truyền máu”.

 

Không thể nói rằng, người bạn đời lớn, đồng thời là người thầy của bà ra đi đã đem theo gần kiệt những thăng bằng và sức sống ở người đàn bà nhỏ bé mà can trường này. Đây là những ngày mà TS Nga đang cố gắng bằng tận cùng những sức lực của mình để tiếp tục công việc, để gánh vác cái gia đình mà suốt mấy chục năm qua bà đã một tay toan lo tần tảo dành cho chồng sự yên tâm tuyệt đối để cống hiến cho khoa học.

Mối tình của hai người cũng bắt đầu lãng mạn và trong sáng như bất kỳ một cuộc tình nào của sinh viên thời chiến. Thầy Bách lúc này đã là giảng viên của Trường đại học Y Hà Nội, bà Nga là sinh viên năm thứ 4. Họ quen nhau và phải lòng nhau trong những buổi ngoại khóa diễn văn nghệ của trường (thầy Bách ở trong đội kịch, bà Nga ở đội múa của trường). Mối tình sinh viên đẹp mà vô cùng bền chặt bởi sự đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu nhau trong công việc nghề nghiệp. Và kỷ niệm tình yêu của hai người là những ca mổ mà thầy Bách cầm dao, bà Nga truyền máu dưới gầm trời bom B52 bắn phá dữ dội...

 

Năm 1973, họ kết hôn, bà Nga về làm dâu trong một gia đình đặc biệt. Người cha của GS Tôn Thất Tùng từng là Tổng đốc Thanh Hóa. Mẹ của PGS Tôn Thất Bách cũng xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt… Gia phong trong nhà họ luôn được nghiêm cẩn duy trì. Làm dâu một gia đình như thế thực là một hạnh phúc lớn lao. Chính vì ý thức được như thế mà trong suốt mấy chục năm làm dâu hiền, vợ đảm, bà đã gắng gỏi hết sức mình để làm trọn đạo hiếu.

Trong ngày tết cận kề, giữa những ký ức vun vút cùng thời gian trở về, bà Nga lặng lẽ nhớ: “Tôi không bao giờ quên được quãng thời gian 10 năm về làm dâu thầy Tùng trong một gia đình có cuộc sống mang đậm phong cách Á Đông. Gia đình thầy Tùng sống chung với gia đình cụ Hồ Đắc Di. Cụ Di với thầy Tùng tôi là nghĩa thầy trò. Lúc đó cụ Di đang là Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, người đã giúp đỡ dìu dắt thầy Tùng tôi rất nhiều trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp.

 

Gia đình cụ Di có tới 3 thế hệ sống chung, gia đình thầy Tùng tôi lúc đấy cũng có 3 thế hệ. Nhà lúc nào cũng duy trì một bếp ăn tập thể cho khoảng 20 người con cái cháu chắt trong hai gia đình. Và những cái tết cổ truyền của đại gia đình là những ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. Sau này khi con cái đã lớn, gia đình tôi đã tách ra khỏi bếp ăn tập thể ấy, thì cả tôi và anh Bách không bao giờ khác đi trong những cái tết của riêng mình, và mãi mãi với những cái tết còn lại, cả khi anh Bách đã xa….”.

 

Bà Nga trầm ngâm nhớ về những cái tết trước, làm gì thì làm, bận đến đâu thì bận, tiết mục gói và luộc bánh chưng là công việc không thể thiếu trong đêm giao thừa của gia đình: “Anh Bách luôn là người chuẩn bị các thứ sẵn sàng để tôi gói bánh. Với anh Bách thì bánh chưng chỉ có vợ mình gói là khéo nhất, ngon nhất. Tôi gói bánh không cần dùng khuôn mà vẫn vuông thành sắc cạnh. Gói xong thì anh Bách sẽ là người phụ trách việc luộc bánh.

 

Đêm 30 tết, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa giữa sân. Cũng có khi, đang luộc bánh có điện thoại gọi vào bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhân, anh Bách lại phải đi, rồi qua giao thừa mới về được. Làm nghề này nên cả hai đều thấu hiểu và chia sẻ nghề nghiệp với nhau nên mọi khó khăn cũng qua đi. Những ngày đầu, khi hai đứa con còn nhỏ dại, trời nắng cũng như mưa, ngày nóng cũng như lúc đông hàn, một mình tôi cặm cụi, việc cơ quan thì bận, việc nhà chất đống.

 

Cũng có lúc tha hai đứa con giữa trời mưa như trút, nước mắt của mình cũng tuôn theo mưa vì tủi thân. Nhưng dù thế nào đi nữa, là một người vợ rất yêu chồng, tôi chỉ muốn làm tất cả để anh ấy luôn muốn trở về căn nhà của mình. Cho dù anh ấy vui vẻ đến đâu, buồn bã và mệt mỏi đến đâu thì điều đầu tiên anh ấy nhớ đến là vợ và các con, và nơi anh ấy cất bước chân về sẽ là tổ ấm của gia đình.

 

Suốt bao nhiêu năm làm vợ của anh ấy, tôi gắng gỏi hết sức lực để làm điều đó. Tôi biết, làm vậy, anh Bách sẽ vui và hài lòng về tôi, về gia đình. Anh ấy là người không nói nhiều, nhưng trước những gì tôi làm với thầy Tùng ngày xưa và cả với mẹ anh Bách bây giờ, anh Bách luôn cảm động. Mỗi lần trở về nhà, nhìn mắt anh ấy là tôi biết. Làm người phụ nữ, phải chịu khó, phải biết hy sinh, nhiều khi cả sự nhẫn nhịn và chịu đựng nữa. Nếu có một tình yêu lớn, người ta sẽ làm được tất cả và vượt qua tất cả…”.

Rồi như sực nhớ đã 29 tết, bà Nga chạy vội đến điện thoại gọi cho các con nhắc nhở các con chuẩn bị cho công việc gói và luộc bánh chưng trong ngày mai. Tôi biết, sáng nay, khi đến ngôi nhà của bà, trầm đã lên hương, đào mai đã thắm nụ hai bên bàn thờ PGS Tôn thất Bách. Lá dong xanh mướt cũng đã rửa sạch xếp đầy bên gạo nếp trắng tinh.

 

Bà Nga nói rằng, bà không muốn cái tết này khác đi so với những cái tết trước. Bà rất sợ, và không muốn mẹ của anh Bách phải buồn, không muốn làm cho các con phải hụt hẫng vì thiếu bố dù chúng nó đã trưởng thành. Bà muốn, tất cả phải vẹn nguyên như trước..                                               

 

Như Bình
.
.