Tất yếu một chính Đảng

Thứ Hai, 02/02/2015, 12:08
Có ý kiến đặt vấn đề: Vì sao thời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, nhân dân ta không có Đảng vẫn đánh thắng kẻ thù, giành lại độc lập dân tộc, dựng xây đất nước?

Cắt nghĩa điều này, các nhà sử học chỉ rõ, mỗi thời kỳ cách mạng có sự vận động khác nhau, trong đó sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu thế kỷ XX là một tất yếu lịch sử, là đòi hỏi khách quan của thời cuộc. Lý luận khoa học và thực tiễn chứng minh, với cách mạng giải phóng dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội tất yếu phải đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng, đó là Đảng Cộng sản.

1. Dòng chảy lịch sử minh chứng những nguyên lý, quy luật vận động có tính khách quan, hiển nhiên của thời đại. Thế kỷ XX, nhân loại chứng kiến sự hiện diện của chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng như những khúc ngoặt, biến cố trong chuỗi vận động phát triển của hình thái xã hội mới. Với dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản ra đời và xác lập vai trò lãnh đạo cách mạng là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử, phù hợp với quy luật vận động của thời đại và điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam.

Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930) ghi rõ: “Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng là cần phải có một Đảng cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong đấu tranh mà trưởng thành”. 81 năm sau, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết một trong năm bài học lịch sử quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng là: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Khi Đảng ta ra đời, dân tộc Việt Nam còn đắm chìm trong nô lệ và nhiệm vụ chiến lược mà lịch sử đặt ra cho Đảng là lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập đất nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả vĩ đại của cuộc đấu tranh đó, lật đổ ách thống trị đế quốc, phát xít cấu kết với giai cấp địa chủ phong kiến, cứu dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ, mở ra kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

30 năm sau, thắng lợi của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi đế quốc xâm lược chứng minh chân lý thời đại: một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh bại kẻ thù lớn mạnh và hung bạo nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng được Đảng lãnh đạo, nhân dân đoàn kết đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, được nhân dân thế giới ủng hộ. Chính bởi vậy, thành quả cách mạng Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, đa phương, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bắt tay vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá…

Thực tiễn khách quan của lịch sử minh chứng, những thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam giành được trong 85 năm qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố hàng đầu, quan trọng và quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất và nhân tố quyết định xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng - lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Giá trị lịch sử 85 năm qua thực sự là “pho lịch sử bằng vàng” của thời đại, chứng minh chân lý hiển nhiên: Đảng Cộng sản Việt Nam là lương tri, là trí tuệ của dân tộc, lịch sử có thể đổi thay nhưng công lao, vai trò trọng yếu của Đảng là vĩnh cửu.

Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, năm 1960 (Ảnh tư liệu).

2. Công cuộc đổi mới với nền tảng xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm và thực hiện không có tiền lệ trên thế giới. Chúng ta thực hiện xây dựng, kiến thiết đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh vô cùng thử thách, khi mà thành trì của chủ nghĩa xã hội đã thoái trào với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch ra sức chống phá, cùng với đó là tác động hai mặt của quá trình mở cửa, hội nhập.

Con đường từ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém, lạc hậu, lại chịu tàn phá nặng nề sau chiến tranh như ở Việt Nam là con đường hoàn toàn mới, con đường chưa hề có sự khai phá nào trong lịch sử. Đi trên con đường đó là thử thách vô cùng lớn đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Nhưng, như ông cha đã kế truyền, cũng là truyền thống lao động con người Việt Nam, “lối đi ngay dưới chân mình”, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Vì vậy, trong lãnh đạo, Đảng ta luôn ý thức vận dụng một cách độc lập, sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam.

Một trong những bài học sâu sắc được Đảng ta rút ra là phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tế, kết hợp nhuần nhuyễn sự kiên định về nguyên tắc với sự linh hoạt, sáng tạo về phương pháp, đó là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Chính trong thử thách, Đảng kiên định nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, căn cứ đặc thù kinh tế, xã hội và con người Việt Nam, căn cứ bối cảnh quốc tế hóa nền kinh tế và dòng chảy hội nhập để Đảng tiếp tục củng cố, bổ sung những vấn đề mới về lý luận, vừa vận dụng vào thực tiễn, vừa rút kinh nghiệm.

Công cuộc đổi mới là cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc nhất trong thời kỳ mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhanh theo hướng thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong hoàn cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên quy mô thế giới, Việt Nam vẫn tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2008 đánh dấu mốc quan trọng khi chúng ta đạt thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, vượt qua ngưỡng một nước chậm phát triển, bước sang nước có thu nhập trung bình thấp.

Đầu tháng 1/2015, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa XI), Trung ương tiếp tục thảo luận, làm rõ vấn đề này. Đánh giá về kết quả của 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015), Trung ương yêu cầu phải với tinh thần thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan.

Thấy rõ 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng thật sự có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hãy phát huy thắng lợi và truyền thống vẻ vang của Đảng và của dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, để làm tốt hơn những nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong hiện tại, vững bước tới tương lai.

Mục tiêu và nhiệm vụ lớn lao của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng và mục tiêu cao cả đó xuyên suốt toàn bộ hoạt động thực tiễn của Đảng và nhân dân ta.

An Nhi
.
.