Tập trận Nga - Trung 2009

Thứ Năm, 30/07/2009, 15:13
Từ ngày 23/7 tại khu vực biên giới LB Nga - Trung Quốc bắt đầu diễn ra cuộc tập trận kéo dài tới ngày 26/7 với tên gọi "Sứ mệnh hòa bình - 2009". Địa điểm được chọn là khu vực Khabarovsk (LB Nga) thao trường Taonan thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Mỗi bên có khoảng 1.300 quân nhân tham gia cuộc tập trận này, chủ yếu là thuộc lực lượng bộ binh và không quân.

Đây là lần thứ hai kể từ năm 2005, hai nước Nga và Trung Quốc phối hợp cùng nhau tập trận như thế. Tháng 8/2005 cũng đã diễn ra cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Sơn Đông và trên lãnh thổ Nga với sự tham gia của tàu chiến, máy bay và hơn 10.000 binh sĩ bộ binh và hải quân.

Theo tư liệu của website lenta.ru, hiện nay các lực lượng vũ trang của nước CHND Trung Hoa có khoảng 2.250.000 quân tại nhiệm và khoảng 800.000 quân dự nhiệm. Về số lượng quân tại nhiệm, Bắc Kinh đang dẫn đầu thế giới, vượt lên trên những quốc gia đang được đánh giá là có đông quân như Mỹ, Ấn Độ hay LB Nga...  Các lực lượng vũ trang Nga hiện nay chỉ bằng gần nửa về số lượng so với Trung Quốc...

Cũng theo tư liệu của người Nga, cơ cấu các lực lượng vũ trang Trung Quốc nhìn chung cũng rất quy chuẩn, dù có một số khác biệt so với quân đội của các nước khác. Lục quân là lực lượng đông nhất trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc: 1,6 triệu quân, tức là chiếm gần 70% tổng quân số. Hải quân Trung Quốc có khoảng 250  nghìn; không quân cũng có khoảng 250 nghìn. Có khoảng 90-120 nghìn quân Trung Quốc hiện đang phục vụ trong lực lượng pháo binh thứ hai của các lực lượng vũ trang, một quân chủng tương tự như lực lượng tên lửa chiến lược của các lực lượng vũ trang Nga.

Trong thời chiến, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ chỉ huy cả một bộ phận thuộc lực lượng cảnh sát, thực hiện những nhiệm vụ hỗ trợ khác nhau cho quân đội. Quân số của lực lượng cảnh sát này có thể lên tới gần 660.000 người.

Các lực lượng vũ trang Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 7.500  xe tăng, 5.500 xe bọc thép, 2.200 xe chiến đấu của bộ binh và khoảng 25.000 khẩu pháo.

Kho vũ khí của các lực lượng vũ trang Trung Quốc thực tế toàn là hàng nội, dẫu rằng không phải là bí mật gì nữa, đại đa số các loại vũ khí này đều được làm theo các mẫu của Liên Xô cũ và LB Nga hiện nay. Cụ thể, súng Type 56 của Trung Quốc thực ra chỉ là một biến dạng của súng Nga AK-47; còn súng Type 59 -  súng lục Makarov; hay súng Type 79 chỉ là bản sao của súng bắn tỉa Dragunov...

Cũng trong xu thế tương tự là các loại vũ khí nằm trong quyền sử dụng của không quân Trung Quốc, mặc dầu về mặt chính thức, lực lượng này đang được trang bị cả vũ khí khí tài do Nga, Canada, Mỹ, Israel và các nước châu Âu sản xuất.

Trong số các loại vũ khí của quân đội Trung Quốc nhưng sản xuất ở nước ngoài có các máy bay tiêm kích Nga Su-30 và Su-27, các máy bay vận tải quân sự của Nga như Il và Tu, các máy bay trực thăng i-8 và i-17,  máy bay Mỹ Sikorsky S-70 và các loại máy bay của châu Âu như Eurocopter AS 332 Cougar và Gazelle, các máy bay chở khách do Canada sản xuất như Bombardier Challenger 600. Nền công nghiệp quốc phòng của Israel đã cung cấp cho không quân Trung Quốc những máy bay không người lái Nagru.

Một trong những loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trong không quân Trung Quốc là máy bay tiêm kich J-7 (Jian-7), một dạng mô phỏng những máy bay Xôviết iG-21. Theo những nguồn tin công khai, không quân Trung Quốc hiện đang có tới hơn  500 máy bay J-7. Trong bảng xép loại, loại máy bay tiêm kích này được coi như tương đương với F-7. Chúng được bán ra cho hơn 15 quốc gia trên thế giới.

Trong kho khí tài quân sự Trung Quốc hiện nay còn có hơn 300  máy bay cường kích J-8, được chế tạo trên cơ sở máy bay chiến đấu Xôviết Su-15; gần 120-130 máy bay tiêm kích đa năng J-11, tương tự như máy bay Xôviết Su-27 SK. Ngoài ra còn có hơn 160 máy bay tiêm kích đa năng J-10, mà cơ sở để chế tạo nên chúng, như một số chuyên gia nhận xét, là kỹ nghệ của máy bay Israel Lavi...

Tổng số máy bay mà không quân Trung Quốc đang nắm giữ là khoảng gần 2.000 chiếc và theo đánh giá của một số chuyên gia, chính số lượng lớn như thế đã biến không quân Trung Quốc trở thành hàng đầu ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga.

Cũng theo đánh giá của một số chuyên gia, lực lượng hải quân cũng đông đúc như thế của Trung Quốc hiện nay lại bị tụt hậu về kỹ thuật một cách đáng kể so với các hạm đội của các cường quốc khác trên thế giới. Cũng theo tư liệu trên website Lenta.ru, đại đa số các tàu chiến của Trung Quốc hiện nay đã bị lỗi thời. Hải quân Trung Quốc hiện nay cũng có lực lượng lính thủy đánh bộ, lực lượng cảnh sát bờ biển và lực lượng không quân.

Trong tương lai Quân chủng Hải quân Trung Quốc sẽ nhận được thêm những loại tên lửa tầm xa có độ chuẩn xác cao mới, các tàu ngầm mới có độ tàng hình cao và những khả năng thực hiện nhiệm vụ ở những địa điểm cách xa nơi đóng quân cũng như các tàu chiến hạm mới. Những chiến hạm mới này có thể là hàng không mẫu hạm để chở những máy bay Nga Su-33 hay những mẫu máy bay tương tự như thế. Từ lâu Bắc Kinh đã quan tâm tới việc mua loại máy bay này dẫu hiện nay Moskva vẫn lần lữa với việc bán Su-33 cho Trung Quốc.

Lực lượng pháo binh thứ hai của các lực lượng vũ trang Trung Quốc - đó là lực lượng đông quân nhất nhưng cũng được giữ bí mật cao nhất trong quân đội Trung Quốc. Lực lượng này bao gồm 6 lữ đoàn, đóng ở những địa điểm khác nhau trên toàn lãnh thổ đất nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, kho vũ khí khí tài của lực lượng pháo binh thứ hai của các lực lượng vũ trang Trung Quốc hiện nay có thể đang ở mức từ 100 tới 400 đầu đạn.

Theo thông tin chính thức từ Bắc Kinh, ngân sách quân sự năm 2008 của nước CHDCND Trung Hoa ở mức 60,1 tỉ USD. Tuy nhiên, một bản báo cáo của Lầu Năm Góc lại cho rằng, năm 2008, ngân sách quân sự của Bắc Kinh ở từ khoảng 105 tới 150 tỉ USD. Theo Tân Hoa xã, người Mỹ đã bóp méo sự thật để thổi phồng lên cái gọi là "nguy cơ quân sự Trung Hoa".

Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 4/3/2009 đã thông báo rằng, trong năm tài chính 2009, Bắc Kinh sẽ tăng chi phí quốc phòng lên thêm 14,9%, tức là vào khoảng gần 70,2 tỉ USD. Bắc Kinh cho đấy là mức tăng hợp lý vì chỉ chiếm khoảng 1,4 % tổng thu nhập của nền kinh tế quốc dân (GDP), trong khi đó, chi phí quân sự của Mỹ chiếm tới 4% GDP, còn của Anh và Pháp, mỗi nước bằng khoảng 2% GDP...

Theo đánh giá của Washington, trong những năm gần đây, tiềm lực quân sự của Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể. Quân đội Trung Quốc đã đầu tư những khoản tiền lớn để mua các loại vũ khí hiện đại do nước ngoài sản xuất và đã phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa lên một tầm cao mới. Tuy vậy, khả năng của  người Trung Quốc sử dụng sức mạnh ở khoảng cách xa tạm thời vẫn còn hạn chế và những công nghệ đang được giới quân sự Trung Quốc xây dựng và áp dụng chủ yếu hướng tới những mục tiêu quốc phòng.

Cuối tháng 1/2009, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố bản báo cáo mà trong đó đã xác định những triển vọng phát triển nền quốc phòng của đất nước, cũng như những mục tiêu, chiến lược và các chi phí trong lĩnh vực này.

Theo đó, chính phủ Trung Quốc dự định sẽ chủ yếu tập trung vào công tác tin học hóa và cơ khí hoá các cơ chế quân sự và trong tương lai, Trung Quốc dự định sẽ thi hành chiến lược "phòng thủ tích cực". Cụ thể, Bắc Kinh không có kế hoạch thực thi cái gọi là đòn tấn công phủ đầu, không sử dụng trước vũ khí hạt nhân cũng như không tham gia vào cuộc chay đua vũ khí hạt nhân cùng với các nước khác...

Liên Trung
.
.