Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên diễn đàn quốc hội:

Tạo đà phát triển cho năm 2012

Thứ Hai, 12/12/2011, 15:58
Sáng 25/11, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Rất nhiều vấn đề nóng đã được Thủ tướng giải đáp một cách thuyết phục trước các đại biểu và cử tri cả nước, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Thẳng thắn nhìn vào sự thật để có giải pháp đột phá

Cập nhật tình hình KT-XH, Thủ tướng khẳng định, trong tháng 10 và 11 tình hình kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%.

Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15/11 đạt 98,5% kế hoạch; xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán có bước được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng so với năm 2010…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã giảm dần trong 6 tháng qua nhưng tính chung cả năm vẫn cao; lãi suất chưa giảm nhiều, thanh khoản của ngân hàng và của cả nền kinh tế còn khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên; nhu cầu ngoại tệ và sức ép về tỷ giá vào cuối năm là khá lớn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán trầm lắng…

Theo nhiều dự báo, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đẩy kinh tế khu vực này vào nguy cơ suy thoái, làm cho kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, giá dầu và giá lương thực có khả năng tăng mạnh. Các nhân tố đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

“Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, kiên định các giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều hành linh hoạt, sát thực tế; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên diễn đàn Quốc hội sáng 25/11/2011. Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng, để ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế; nông nghiệp và nông thôn cùng một số vấn đề xã hội bức xúc, Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp.

Đó là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo đảm quyền sở hữu vàng của người dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% và giảm dần trong những năm tiếp theo, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác, Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Trước thực tế trong 9 tháng đầu năm, có trên 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2010, Thủ tướng khẳng định tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.

Tập trung sức kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát năm 2012 về 1 con số để giảm lãi suất cho vay. Chính phủ sẽ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế và đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp ở mức phù hợp. Mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

Đặc biệt, Chính phủ sẽ rà soát các dự án bất động sản, có chính sách phù hợp, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sắp hoàn thành trong các lĩnh vực: xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên và các dự án đầu tư cho giáo dục, y tế.

Để cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí. Rà soát lại quy hoạch và các quy định về phân cấp đầu tư, bảo đảm mỗi dự án khởi công mới đều phải được cấp có thẩm quyền thẩm định và kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, tính cấp thiết, mục tiêu, quy mô, nguồn vốn trước khi quyết định đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với các dự án chuyển tiếp, phải rà soát để bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên; các dự án không tiếp tục cân đối được nguồn vốn phải chuyển sang thực hiện đầu tư dưới hình thức khác hoặc đình hoãn.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Cơ cấu lại để có hệ thống ngân hàng thương mại được quản trị tốt, hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường với đại bộ phận là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh; từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.  

Về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 - 2015, nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 - 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra. Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Về vấn đề giao thông, theo Thủ tướng: “Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao trách nhiệm và kỷ luật kỷ cương, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông”.

Về vấn đề tạo việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng cho biết, đây luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều chính sách, giải pháp cụ thể đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Năm 2011, cả nước tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm, đạt kế hoạch đề ra. Về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.

Đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình

Về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thềm lục địa của ta có chồng lấn với đảo Hải Nam - Trung Quốc và hai bên đã đàm phán từ 2006, sau đó tạm dừng do quan điểm còn khác nhau. Năm 2011 ta và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển. Ngoài vịnh Bắc Bộ là vấn đề giữa hai nước nên hai bên sẽ đàm phán để có giải pháp hợp lý. Chúng ta đang xúc tiến để phân định.

Khi chưa phân định, với chừng mực khác nhau, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường Trung tuyến, từ đó cùng đối thoại để đảm bảo an ninh, an toàn trong khai thác nghề cá.

Vấn đề thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam có đủ căn cứ, pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII”.

Thủ tướng khẳng định: “Lập trường nhất quán là quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chúng ta đàm phán bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc và luật biển”.

 Với quần đảo Trường Sa, sau giải phóng miền Nam (1975), chúng ta tiếp quản 5 hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Sau đó với chủ quyền của mình, chúng ta tiếp tục mở rộng để tiếp quản 21 đảo. Hiện ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo, Philippin 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo…

Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang nắm giữ số đảo nhiều nhất và cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên các đảo chúng ta nắm.

“Chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật biển, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các bên không làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực…”. Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ. Tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản ở khu vực này.

Thực hiện đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông, bởi đây là mong muốn của tất cả các bên liên quan, do biển Đông là tuyến đường chiếm dung lượng vận tải lớn (50% từ Đông sang Tây).

Thủ tướng khẳng định tới đây phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật biển 1982

Nguyễn Thiêm
.
.