Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: Đảo lộn và hoài nghi

Thứ Hai, 13/02/2017, 06:01
Chỉ trong vòng 20 ngày sau khi nhậm chức, gần như mỗi ngày một sắc lệnh được ký, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu công cuộc mà như một cách nói, là “xóa bỏ đi di sản của người tiền nhiệm” Barack Obama và đặt nền móng cho chính quyền mới.

Động thái của ông đã nhanh chóng gây ra làn sóng phản đối không chỉ tại Mỹ mà còn khắp thế giới, thể hiện qua hàng trăm cuộc tuần hành biểu tình thu hút hàng triệu người tham gia. 

Theo dự đoán, thời gian tới sẽ vô cùng căng thẳng khi chính quyền Trump phải đối diện với rất nhiều thách thức, từ nỗ lực hàn gắn những chia rẽ sâu sắc hiện nay của xã hội Mỹ cho đến “giảm chấn” những rạn nứt nội bộ trong chính quyền. 

Bên cạnh đó, Donald Trump phải tìm cách xoa dịu dư luận trước hoài nghi về vị thế tương lai của Mỹ trên trường quốc tế, khi mà dường như vị tân Tổng thống đang xây dựng những bức tường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhằm cô lập nước Mỹ.

Những bước đi đầu tiên

Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, sắc lệnh hành pháp đầu tiên Tổng thống Trump ký là “đóng băng” những hoạt động liên quan đến chương trình y tế Obamacare. Ngày 22-1, ông rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và chuẩn bị đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Giới quan sát cho rằng, động thái này cho thấy Mỹ có thể sẽ rút dần khỏi quá trình toàn cầu hóa. 

Tiếp đó, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cho xúc tiến thông qua dự án xây dựng hai đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access - nỗ lực phá bỏ những di sản về môi trường của chính quyền Obama.

Ngày 25-1, tân Tổng thống đã ký hai sắc lệnh hành pháp về việc tăng cường an ninh biên giới và trấn áp người nhập cư sinh sống trái phép ở Mỹ. Trong số đó, một sắc lệnh yêu cầu khởi công xây dựng bức tường dài 3.200km chạy dọc biên giới Mỹ - Mexico. Sắc lệnh thứ hai là cắt ngân sách liên bang dành cho các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép, thường do người của đảng Dân chủ điều hành. 

Chiến thắng của ông Trump được nhận định có khả năng làm đảo lộn trật tự quốc tế, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về vị thế tương lai của Mỹ.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump quyết định tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước (gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Sắc lệnh của ông Trump đã khiến nhiều người bị bắt tại các sân bay Mỹ khi vừa tới nơi dù họ có thị thực và các giấy tờ cho phép di trú hợp lệ khác. Nhiều người có thể cũng đã bị từ chối tại các sân bay ở nước ngoài khi họ đang định lên các chuyến bay tới Mỹ.

Từ đây, hàng loạt cuộc biểu tình lớn nhỏ thu hút hàng triệu người tham gia đã nổ ra để phản đối các sắc lệnh mới. Không ít thành viên đảng Dân chủ bất bình với những sắc lệnh của ông Trump, cho rằng những sắc lệnh này là động thái cấm người nhập cư Hồi giáo và người tị nạn đến Mỹ. 

Giờ đây, dư luận Mỹ đang chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu những sắc lệnh trên của ông Trump có lạm quyền hoặc đi ngược lại tinh thần của hiến pháp hay không.

Không chỉ quan tâm tới phá bỏ di sản của người tiền nhiệm, ông Trump sẽ tìm cách khởi động tạo dựng di sản của riêng mình. Ông sẽ thúc đẩy một dự luật về cơ sở hạ tầng trong đó cam kết ưu đãi thuế cho các nhà phát triển cơ sở hạ tầng. Mục tiêu của dự luật là để thể hiện ông nghiêm túc trong tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, khiến phe Dân chủ rơi vào thế khó nếu muốn phản đối ông. 

Về chiến dịch chống khủng bố, sẽ không ngạc nhiên nếu Donald Trump thực thi quyền lực tổng thống bằng cách phô trương sức mạnh chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông chỉ trích chính quyền Obama “quá yếu đuối” với khủng bố và không hành động đủ ở Syria để dập tắt IS. 

Với NATO, tổ chức này sẽ bị thử thách hơn bao giờ hết trong thời ông Trump – người đã công kích liên minh quân sự và có khả năng ủng hộ phe Cộng hòa giảm đóng góp tài chính cho NATO.

Thế giới đảo lộn

Việc cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống theo trường phái bảo thủ có thể khiến các trào lưu dân túy, chủ nghĩa dân tộc, phong trào đóng cửa biên giới đang manh nha tại châu Âu lan sang nhiều khu vực khác trên thế giới. 

Cam kết triển khai một chính sách chặt chẽ về kinh tế và quân sự của Tổng thống Trump khiến chính quyền nhiều nước đồng minh phải nghĩ đến một tương lai không có sự hỗ trợ từ Washington. Nếu chính sách này chấm dứt, tất cả các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á buộc phải xem xét lại cách thức tự phòng vệ.

Nguy cơ đảo lộn hoàn toàn mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác là rất rõ ràng. Mỹ sẽ bận rộn với việc giải quyết những vấn đề nội bộ và không thể gây sức ép đối với ông Putin tại các điểm nóng trên thế giới. Như vậy, Nga sẽ “rảnh tay” để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. 

Trong khi đó, Israel, một đồng minh thân thiết của Mỹ, cũng đang lo ngại về nguy cơ ông Trump sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông trước bối cảnh tại Syria đang rất hỗn loạn. Thậm chí, một số quốc gia có thể hưởng lợi từ chính sách hạn chế can thiệp của Mỹ cũng tỏ ra bất an về những hệ quả sắp tới. Hàn Quốc có thể tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nếu ông Trump hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và để Seoul phải tự mình đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng. 

Người dân biểu tình phản đối những sắc lệnh của tân Tổng thống.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu rơi vào giai đoạn lạnh nhạt và tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Liên minh châu Âu (EU) đứng trước nguy cơ sẽ phải tự tìm cách đối phó với hàng loạt vấn đề, từ quan hệ thương mại, biến đổi khí hậu, thách thức từ nước Nga, hay cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. 

Giới lãnh đạo EU đều thừa nhận làn sóng cấp tiến hoài nghi sự hội nhập châu Âu, được phản ánh qua chiến thắng của ông Trump, có thể hủy hoại mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trong khu vực.

Trên thực tế, ông Donald Trump đang khiến nhiều người phẫn nộ khi đề cao vai trò toàn cầu của Mỹ với mong muốn các nước khác phải e sợ và tôn trọng Mỹ. Các nước đồng minh cần phải trả tiền để Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự và trang bị vũ trang cũng như trả lương cho quân đội của mình trên lãnh thổ của những quốc gia này. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, niềm vui của ông Trump sẽ chẳng kéo dài bởi vì nước Mỹ giờ đây đang chia rẽ sâu sắc, và bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể thổi bùng “ngọn lửa” tranh cãi gây bất ổn xã hội.

Nội bộ lục đục

Cho đến thời điểm hiện tại, cái khó của ông Trump là vẫn chưa tạo được “chất keo kết dính” hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội nhưng ông Trump khó có được sự hậu thuẫn từ những chính trị gia theo quan điểm bảo thủ truyền thống. 

Họ cho rằng, những lời cam kết đề án chính sách mà Donald Trump đưa ra trong khi tranh cử đang là con dao hai lưỡi. Từ bỏ đồng nghĩa với bội tín, mà thực hiện sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất về tiền bạc. 

Có thể ông Trump đã đánh bại Clinton và những người nghi ngờ ông, nhưng chính quyền của ông không thể hóa giải sức nặng kinh tế. Một nền kinh tế trưởng thành như Mỹ không thể đột nhiên tăng trưởng ở mức 5% hoặc 6% mỗi năm như Trump đã hứa – đặc biệt nếu dân số trong độ tuổi lao động bị cắt giảm do chính sách trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp.

Đối với Trump, ông có thể giành được “một bàn thắng” nhanh chóng và dễ dàng nhờ hàng loạt tuyên bố mạnh mẽ, nhưng giải quyết rạn nứt nội bộ lại không đơn giản. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell vẫn thờ ơ với Trump, mặc dù Ryan đã ngay lập tức công nhận Trump tại quốc hội. 

Tại Thượng viện, Elizabeth Warren và Bernie Sanders được cho là sẽ gây trở ngại cho Trump bằng vô số những mánh khóe nghị trường như cản trở thông qua đạo luật mới liên quan đến cắt giảm thuế, chương trình bảo vệ sức khỏe và nhập cư. Và một số Thượng Nghị sĩ Dân chủ đang có thiên hướng chống lại ứng viên mà Trump đưa ra cho vị trí tại tòa án tối cao là Merrick Garland.

Tờ The New York Times nhận định, “kỷ nguyên” Donald Trump sẽ mở đầu cho bi kịch của đảng Cộng hòa, cho nước Mỹ và toàn thế giới. Donald Trump vốn dĩ gây nhiều sóng gió, thế nên ông không thể hy vọng rằng việc chinh phục người dân Mỹ và thế giới sẽ dễ dàng. 

Trump không cần quốc hội thông qua tất cả nghị trình của ông. Ông hứa sẽ xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, trong đó có những thứ mà ông gọi là “thủ đoạn chính trị để bảo vệ dân nhập cư bất hợp pháp và cam kết chống lại biến đổi khí hậu”. 

Có thể Donald Trump là chuyên gia trong chiến lược dân túy cổ điển, thu hút sự ủng hộ lớn từ bộ phận cử tri mang tâm lý nản chí và bị vỡ mộng về nước Mỹ. Tuy nhiên, liệu nó có đem lại thành công cho ông ở Washington hay không thì cần phải xem xét dài lâu…

Lê Nam
.
.