Tân Tổng thống Iraq Barham Salih: Tính tương đối của sự tuyệt đối
Tuyệt đối
Theo thông lệ, kể từ khi cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, quyền lực ở Iraq được chia đều cho 3 nhóm sắc tộc lớn nhất. Thủ tướng thường là người Hồi giáo theo dòng Shiite, chủ tịch quốc hội thường là người Hồi giáo theo dòng Sunni và tổng thống thường là người Kurd.
Muhammad Fuad Massum, Tổng thống tiền nhiệm của Barham Salih, là một người Kurd. Trước đó, Jalal Talabani cũng vậy. Và bây giờ, nối tiếp truyền thống, đến lượt Barham Salih.
Có lẽ, đó là một trong những lý do cốt yếu để tiến trình trở thành Tổng thống Iraq của ông lần này “thuận buồm xuôi gió” đến vậy. Sự đồng thuận và thói quen của chính trường đã tạo nên những kết quả bỏ phiếu vô cùng thuận lợi.
Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, nơi không có ứng viên nào nhận được 2/3 trong số 329 phiếu, Barham Salih là người dẫn đầu với nhiều sự ủng hộ nhất (165 phiếu, bỏ xa người kế tiếp là Fuah Hussein với 89 phiếu). Đến vòng thứ hai, vòng quyết định, Quốc hội Iraq thể hiện một sự đồng thuận gần như tuyệt đối dành cho ông: 219 trên tổng số 272 phiếu, trong khi đối thủ chính Fuah Hussein chỉ còn nhận được 22 phiếu.
Đó là ngày 2-10. Và kể từ lúc đó, tân Tổng thống Iraq có 30 ngày để thành lập nội các mới, trình Quốc hội thông qua. Ông không bỏ phí thì giờ. Chỉ trong vòng 120 phút sau khi tiếp nhiệm, ông đã chỉ định Thủ tướng cho mình: Abdul Mahdi, một chuyên gia kinh tế, một cựu quan chức Bộ Tài chính Iraq và là người Shiite.
Ngày đắc cử của vị chính khách lão luyện Barham Salih (bên phải). |
Barham Salih là ai?
Trước hết, đó là một chiến sĩ tranh đấu nhiệt thành cho tự do và độc lập của người Kurd.
Lần lại tiểu sử của ông, người ta thấy ngay từ năm 1979 Barham Salih đã từng bị bắt, bởi những hành vi kích động chủ nghĩa dân tộc người Kurd. Sau đó, ông rời Iraq sang Anh. Ông kết hôn với Sarbagh, một nhà hoạt động nữ quyền.
Nhưng, trước đó, Barham Salih đã gia nhập đảng Liên minh ái quốc người Kurd (Patriotic Union of Kurdistan - PUK) từ cuối năm 1976, nghĩa là khi mới 16 tuổi. Với quá trình tham gia hoạt động sớm như vậy, không có gì ngạc nhiên khi đến năm 2003, ông đã trở thành một trong những thủ lĩnh quan trọng nhất của PUK, lúc chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ (và người Kurd ở Iraq cảm thấy được giải phóng).
Barham Salih lên đường sang Mỹ, nhận cương vị lãnh đạo các hoạt động của PUK tại đây. Rồi ông trở về nước và lần lượt đảm nhiệm các vị trí cấp cao (như Phó Thủ tướng), trước khi chính thức trở thành Tổng thống Iraq.
Trên hết, đó là một chính khách lão luyện. Sức hấp dẫn của Barham Salih đối với đại chúng lan tỏa ngay từ chương trình hành động mà ông từng đưa ra trong quá khứ: thúc đẩy sự kết nối giữa Iraq với cộng đồng quốc tế, trong nỗ lực xây dựng thịnh vượng, dân chủ, hòa bình và ổn định cho không chỉ Iraq, không chỉ khu vực Trung Đông mà cho toàn thế giới.
Cũng không phải ngẫu nhiên, Barham Salih giành được nhiều sự ủng hộ đến thế. Ông từng không ít lần thể hiện sự khéo léo của mình, khi bày tỏ mong mỏi rằng quân đội Mỹ sẽ dần triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq, cũng như không quên khẳng định ước muốn được độc lập của rất nhiều người Kurd.
Ở một mức độ nào đó, Barham Salih từng hé lộ rằng ông thiên về giải pháp chính quyền liên bang cho Iraq. Ông, khi thành lập trường Đại học Mỹ (American University) ở quê nhà Sulaimaniyah, sẵn lòng chụp ảnh cùng bất cứ ai trong số hơn 1.400 sinh viên - những người gọi ông là “Tiến sĩ Barham” một cách gần gũi.
Ông đầy sức hút, khả kính và thân thiện. Và bây giờ, ông đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, nghĩa là có đủ quyền lực để cụ thể hóa những ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, cũng như mọi nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới, bài toán khó nhất dành cho Barham Salih vẫn là: Làm thế nào để cân bằng được mọi xung đột quyền lợi của các lực lượng chính trị hiện diện chung quanh ông? Nhất là khi Iraq, kể từ năm 2003 đến nay, chưa từng có được hòa bình và ổn định đích thực.
Có một kỷ niệm mà có lẽ chính tân Tổng thống Iraq cũng không muốn nhớ đến nhưng rất khó để quên được.
Năm 2002, ngay tại khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq, Barham Salih trở thành nạn nhân của một âm mưu ám sát, bởi chính tay những người Kurd thuộc Ansar al Islam - một nhóm người Kurd Hồi giáo cực đoan.
Theo The National, 3 vệ sĩ của ông đã bị bắn chết trong khi cố bảo vệ ông. Kẻ hành thích bị bắt và lòng thù hận của y giúp Barham Salih cảm nhận được rõ rệt khả năng tàn phá khủng khiếp của những kẻ cuồng tín.
Trước khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy như dông bão, Barham Salih đã cảnh báo về nguy cơ đối diện với những thảm kịch, khi những lời hứa về tương lai tươi sáng mãi không được thực hiện, mà những mầm mống tai họa vẫn còn được duy trì bởi lợi nhuận ghê gớm từ dầu hỏa, cũng như sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi nhuận đó.
“Hãy đối diện với thực tế: Iraq không còn phù hợp với một chính quyền trung ương” - ông Barham Salih từng nói như thế. |
Những câu hỏi mở
Điều hành một quốc gia hoàn toàn khác với việc điều hành một trường đại học, hay lãnh đạo một chính đảng. Barhim Salih hiểu điều đó và sẽ phải cố gắng vượt qua được những thách thức đó, bằng cách này hay cách khác. Song, có những mâu thuẫn và khúc mắc mà không phải chỉ cần cố gắng là giải quyết được.
Thí dụ, sau một thời gian rất dài, tới cả mười mấy năm, thúc đẩy tri thức, phong cách sống và những ước vọng tự do theo kiểu phương Tây ở quê nhà, cho những người Kurd đồng bào, đã đến lúc Barhim Salih đối diện với một lựa chọn: ông sẽ ưu tiên tính toàn vẹn lãnh thổ của Iraq hơn, hay tinh thần độc lập cũng như giấc mơ về một nước Kurdistan độc lập hơn?
Điểm mấu chốt là đây: Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Syria, hai nước láng giềng có cộng đồng người Kurd đông đảo sinh sống, đều rất “cảnh giác” cũng như sẵn sàng bóp nát bất cứ mầm mống ly khai nào của người Kurd.
Bất chấp việc các chiến binh người Kurd đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc chiến chống IS và bất chấp cả việc họ từng được Mỹ hậu thuẫn, giấc mơ lập quốc của họ cũng sẽ bị xem là một sự khiêu khích đối với các chính quyền.
Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều sẽ chẳng vui vẻ gì với bất cứ tín hiệu “mở cửa” mang tính “tiền lệ xấu” nào ở Iraq.
Bên cạnh đó, để kiến tạo sự đồng thuận trong chính quyền của mình, Barham Salih cũng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để dàn xếp với các lực lượng chính trị của phái Hồi giáo Shiite và phái Hồi giáo Sunni, trong một mối hiềm khích ngàn đời.
Điều này sẽ làm ông mất nhiều thời gian gấp bội so với việc đi tìm sự cân bằng cho lợi ích chung của quốc gia với lợi ích riêng của người Kurd.
Trong khi nước Mỹ đang nỗ lực tái thiết lập và củng cố tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, không loại trừ khả năng đưa binh sĩ trở lại đóng trú với quy mô lớn ở Iraq - điều mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng cố thay đổi - thì Baghdad cũng sẽ phải tính trước các nguy cơ bùng nổ trở lại của tâm lý “bài Mỹ” từng in hằn trong quá khứ. Hệ quả của thứ tâm lý ấy, không gì khác, chính là thứ vườn ươm màu mỡ cho thù hận, kích động và chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Như vậy, cho dù nhận được số phiếu bầu biểu thị sự tín nhiệm gần như tuyệt đối, bối cảnh hiện tại lại đang trở nên đầy cạm bẫy đối với tân Tổng thống Iraq.
Ông vẫn phải đối diện với những vấn đề cũ mà những người tiền nhiệm chưa giải quyết được triệt để, trong khi tình hình lại liên tục có những biến chuyển chóng mặt. Cả ngoại giao lẫn nội trị, xác suất thành công dành cho những quyết sách mới đều còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố bên ngoài.
Nhưng, làm sao khác được. Khi chính quyền trung ương không tập trung được quyền lực, khi quân đội của chính quyền ấy vẫn còn đang trong quá trình tái xây dựng, những ký ức kinh hoàng thời điểm cả đất nước Iraq bị nhấn chìm dưới sức tấn công của những ngọn cờ đen IS vẫn đầy ám ảnh.
Iraq đã đủ sức “tự lực cánh sinh” chưa? Và nếu vẫn còn phụ thuộc vào một sự “bảo hộ” nào đó, thì một nguyên thủ mới như Barham Salih sẽ có thể tạo nên được bước đột phá nào?