Taliban: Đang trỗi dậy nguy hiểm
- Taliban đánh bom xe Lãnh sự quán Đức, nhiều người chết
- Afghanistan: Taliban bắn pháo vào đám cưới, 12 người chết
- Taliban mở mặt trận tuyên truyền trên các mạng xã hội
Các vụ tấn công liên tục do Taliban tiến hành trên khắp Afghanistan thời gian qua tiếp tục gây rúng động dư luận trong nước và thế giới. Đáng quan ngại hơn, sự trỗi dậy của Taliban đẩy đất nước Afghanistan lún sâu hơn vào vòng xoáy bạo lực, bất ổn và nghèo đói, đồng thời gây thách thức không nhỏ đối với Mỹ và lực lượng đồng minh.
Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Taliban nhằm trực diện các quan chức và cơ sở của chính phủ và quân đội Afghanistan, cũng như tiền đồn của lực lượng liên quân quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ huy gây tổn thất lớn người và của.
Mới đây nhất, Taliban cho nổ bom nhằm căn cứ không quân của NATO tại Bagram thuộc tỉnh Parwan, cách thủ đô Kabul 50 km về phía bắc, làm ít nhất bốn người chết và 14 người bị thương. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ và NATO tại Afghanistan trong 15 năm qua.
"Người cũ" lên tiếng
10 năm trước, khi Mỹ mở cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào Afghanistan, lật đổ chế độ cầm quyền của Taliban, hàng ngàn chiến binh này quyết định từ bỏ quyền lực lui vào sống trong các vùng nông thôn hoặc khu vực rừng giáp biên giới với Pakistan.
Động thái này khiến Mỹ và liên quân do NATO cầm đầu nhanh chóng chiếm được chính quyền Afganistan. Ngày nay, tàn quân Taliban đông đúc đã phát triển thành lực lượng du kích tinh vi với những cuộc tấn công quy mô lớn trong thời gian qua khiến kế hoạch rút quân của Mỹ và NATO ra khỏi Afghanistan đang trên bờ vực phá sản.
Bạo lực tại nhiều vùng đất trên khắp Afghanistan, trong đó đáng chú ý là ở khu vực miền bắc và tỉnh Helmand ở miền nam, giữa quân đội nước này và Taliban, vẫn leo thang nghiêm trọng. Mặc dù được sự hậu thuẫn to lớn của quân đội Mỹ và NATO, nhưng quân đội Afghanistan vẫn không thể đánh bại Taliban.
Từ tháng 5, chính phủ Afghanistan đã mất kiểm soát hoặc ảnh hưởng đối với hơn 2% lãnh thổ. Nguy hiểm hơn, Taliban đã không ít lần giành được quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay quân đội chính phủ tại các địa bàn chiến lược. Cho đến nay, lực lượng này đã kiểm soát được nhiều phần lãnh thổ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2001.
Cách đây 15 năm, Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan với lý do tiêu diệt khủng bố do chính quyền Taliban khi đó chứa chấp mạng lưới al-Qaeda, chủ mưu vụ tiến công khủng bố ngày 11/9/2001 kinh hoàng tại Mỹ.
Taliban "án binh bất động", chờ thời cơ trỗi dậy và rồi trở thành một thách thức khó nhằn đối với quân đội chính phủ Afghanistan, cũng như lực lượng Mỹ và đồng minh. |
Với việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và nhiều thủ lĩnh khủng bố đầu sỏ khác, al-Qaeda đã bị suy yếu đi đáng kể. Tuy nhiên, Taliban vẫn chưa bị "nhổ tận gốc", mà "án binh bất động", chờ thời cơ trỗi dậy và rồi trở thành một thách thức khó nhằn đối với quân đội chính phủ Afghanistan, cũng như lực lượng Mỹ và đồng minh.
Năm 2006, Taliban bắt đầu manh nha tìm đường trở lại. Lực lượng này xâm nhập vào phần lớn các tỉnh miền nam - đặc biệt là tỉnh Zabul, Kandahar và Helmand. Đến năm 2008, Taliban bắt đầu lan rộng ra phía bắc thủ đô Kabul.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cuộc nội chiến tại Afghanistan vẫn chưa đi đến hồi kết thì Taliban lại ngày càng lớn mạnh, và ngang nhiên tuyên bố không tham gia đàm phán hòa bình với chính quyền Kabul chừng nào các lực lượng nước ngoài chưa rút hết khỏi lãnh thổ Afghanistan.
Đòi hỏi này là quá khó, chẳng khác nào đóng sập cánh cửa hòa bình đất nước, vì chính phủ Afghanistan hiện không thể tồn tại và vận hành nếu thiếu sự ủng hộ và tài trợ của Mỹ và các đồng minh.
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực và bất ổn triền miên tại quốc gia Nam Á buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải liên tục điều chỉnh sách lược để ứng phó tình hình thực tế và chấp nhận sẽ phải bàn giao lời hứa dang dở cho người kế nhiệm.
Chưa hết, ngay sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Taliban đã đánh tiếng kêu gọi tổng thống thứ 45 của nước Mỹ rút binh sĩ khỏi Afghanistan. Một khi Taliban trỗi dậy, quốc gia Nam Á sẽ còn bất ổn, kéo theo đó là tình trạng bạo lực, nghèo đói, khủng hoảng người di cư và sự thù địch giữa các tổ chức khủng bố, cực đoan với thế giới phương Tây.
Nhiều ý kiến nhận định, người Mỹ đã phạm hai sai lầm khiến Taliban trỗi dậy mạnh mẽ. Thứ nhất là họ quá tập trung vào các mục tiêu quân sự mà lơ là việc chăm lo cho sự ổn định và phát triển, và thứ hai là mở cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq năm 2003 và không quan tâm nhiều đến Afganistan.
Điều này càng làm gia tăng quan ngại về khả năng duy trì an ninh đất nước của các lực lượng an ninh nước sở tại. Trong bối cảnh trên, để bảo toàn thành quả đạt được và phải trả giá bằng biết bao xương máu, công sức và tiền của, Mỹ và NATO hiện vẫn triển khai 130 nghìn binh sĩ và nhân viên tại Afghanistan, với nhiệm vụ chủ yếu đào tạo và hỗ trợ lực lượng sở tại đối phó Taliban.
Hậu thuẫn bí ẩn
Sự xuất hiện của Taliban trở thành trung tâm gây tranh cãi. Dù nhiều lần phủ nhận, nhưng Pakistan vẫn bị xem là "kiến trúc sư" của triều đại cực đoan tại Afghanistan, bởi vì thế giới bên ngoài biết đến Taliban là vào năm 1994, khi lực lượng này được các nhà cầm quyền Pakistan nhờ bảo vệ một đoàn hộ tống có nhiệm vụ khai phá một tuyến đường thông thương giữa Pakistan và Trung Á. Mặt khác, rất nhiều tay súng Taliban từng được huấn luyện tại các trường tôn giáo ở Pakistan.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra vai trò của Pakistan, nơi cư trú an toàn cho tàn quân Taliban sau ngày bị Mỹ đánh bại năm 2001. Theo đó, dù công khai hay bí mật, chính lực lượng an ninh của Pakistan đã cho phép Taliban hoạt động và "sinh sôi nảy nở" tại Waziristan mặc dù họ có khả năng loại bỏ chúng.
Taliban sau đó bắt đầu xâm nhập vào Zabul, Kandahar và tỉnh Helmand từ các tỉnh Toba Kakar, Chaman, Quetta và Chaghai hay các khu vực phía tây nam của Pakistan.
Theo các nguồn tin, từ năm 2009, các chiến binh di chuyển đến vùng biên giới bằng xe của quân đội Pakistan. Điều này có lẽ nhằm tránh các cuộc không kích của Mỹ. Một nguồn tin quân sự Pakistan giấu tên đã thừa nhận về sự hợp tác này. Tuy nhiên, phía Pakistan đã bác bỏ điều này đồng thời cho rằng, đây chỉ là "một âm mưu, bịa đặt trắng trợn".
Dù nhiều lần phủ nhận, nhưng Pakistan vẫn bị xem là "kiến trúc sư" của triều đại cực đoan tại Afghanistan. |
Nhưng kể từ sau những cáo buộc gần đây của giới chức Mỹ cho rằng, một số cuộc tấn công ở Kabul có thể do Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) hậu thuẫn, vai trò thực tế của quân đội trong cuộc nổi dậy Afghanistan đang đặt ra nhiều nghi vấn. Nhiều nước phương Tây từ lâu đã nhận thức rằng, chìa khóa để lập lại hòa bình ở Afghanistan nằm trong tay quân đội Pakistan.
Thực ra, ISI vẫn có mối quan hệ mờ ám với Taliban để tranh thủ thu thập thông tin tình báo, và nếu tình thế thay đổi, ví như một ngày nào đó Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, thì ISI vẫn có thể tiếp tục hợp tác với chính quyền mới.
Theo nhiều nguồn tin, ISI không những tài trợ và đào tạo Taliban tại Afghanistan, mà còn có đại diện chính thức trong Hội đồng Lãnh đạo tối cao Taliban tại Pakistan. Một số người cho rằng bằng cách ngầm ủng hộ Taliban, lực lượng an ninh Pakistan muốn phá hoại ảnh hưởng của đối thủ Ấn Độ tại Afghanistan.
Taliban chủ yếu là người Pashtun, bộ tộc chiếm đa số dân ở Afghanistan và định cư ở 2 tỉnh của Pakistan là Tiền tuyến Tây Bắc (nay là tỉnh Khyber Pakhtunkhwa) và Baluchistan. Cho tới nay, Taliban vẫn nhận được sự ủng hộ của người Pashtun ở Pakistan.
Một số thủ lĩnh đang chạy trốn của chúng có thể tìm được nơi ẩn náu ở khắp đường biên giới dài và hiểm trở ở tỉnh Khyber, Baluchistan và các khu vực bộ tộc bán tự trị. Trong khi hầu hết các nơi ở Afghanistan khá yên bình trong thời gian qua thì khu vực biên giới Waziristan của Pakistan dường như sống cùng với các hoạt động của Taliban. Chính phủ Pakistan đã triển khai quân đội đến khu vực biên giới bất ổn này.
Năm 2002 và 2004, đã có những cuộc đụng độ giữa Taliban và quân đội Pakistan, song Taliban hầu như vẫn kiểm soát hầu hết các khu vực bộ lạc dọc theo biên giới Afghanistan của Pakistan.
Các quan chức phương Tây thừa nhận rằng, cho đến thời kỳ 2008-2009, lực lượng liên quân phía Nam không thể kiểm soát các khu vực quan trọng của Taliban như tỉnh miền trung Kandahar và tỉnh miền nam Henman. Đây là những nơi mà Taliban đã đặt các cơ sở chế tạo bom, lưu trữ vũ khí, vị trí phòng thủ quan trọng và là nơi bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc.
Kể từ sau khi Tổng thống Obama tuyên bố triển khai thêm quân đến chiến trường này trong năm 2010, liên quân đã có thể đánh bật Taliban khỏi vị trí cố thủ của họ ở Kandahar và Helmand. Nhưng cuộc nổi dậy đã lan rộng hơn đến các khu vực xung quanh thủ đô Kabul, và thậm chí cả các tỉnh vốn rất yên bình trước đây ở miền bắc Afghanistan. Hiện nay, Taliban tập trung vào các vụ đánh bom tự sát, và các cuộc tấn công bằng súng và bom…