Tại sao phải tĩnh?

Chủ Nhật, 07/07/2019, 10:36
Nói đến chuyện "tĩnh" như một tâm thế sống, và cao hơn - một tâm thế ứng xử của trí thức trước thời cuộc, hẳn người Việt Nam chúng ta sẽ nhớ ngay đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi ông là tác giả của câu thơ nổi tiếng: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao".

"Chỗ vắng vẻ" là chỗ nào? Và "chốn lao xao" là ở đâu? Giả như thế kỷ XVI đã có Internet thì rất có thể "chỗ vắng vẻ" mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắm đến là ở trong lòng mình, còn "chốn lao xao", không đâu khác chính là facebook. 

Phải giả tưởng như vậy để thấy rằng cặp phạm trù vắng vẻ - lao xao là một cặp phạm trù kinh điển, thời nào cũng có. Và ở bất cứ thời đại nào có vẻ như giới trí thức đều phải tìm cho mình một cách ứng xử hợp lý nhất trước cặp phạm trù này.

Những trang tiểu sử của Nguyễn Bỉnh Khiêm kể với chúng ta: mặc dù là một người thông minh, sáng dạ nhưng ông lại chủ động bỏ qua tới 6 khoa thi dưới triều Lê Sơ. Tại sao vậy? 

Có lẽ tại vì ở thời đại của ông, triều Lê Sơ lại một triều đại lao xao - một triều đại khủng hoảng - một triều đại suy tàn. Và ông kiên quyết giữ mình ở nơi "vắng vẻ", thay vì dấn thân vào chốn "lao xao", suy tàn, khó có đất để mình thi thố tài năng. Nếu đúng vậy thì ông đã chủ động chọn cho mình một tâm thế ứng xử với cái "lao xao" ngay từ rất sớm.

Nhưng khi nhà Mạc lên thay nhà Lê thì Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn bỏ qua 2 khoa thi đầu tiên ở thời nhà Mạc. Phải chăng vì ông hiểu, mặc dù triều chính đổi thay, nhưng cái bản chất "lao xao" đầy bất trắc thì vẫn còn nguyên đó? 

Phải đến thời Mạc Thái Tông - Mạc Đăng Doanh, khi triều chính bắt đầu ổn định thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra ứng thí, và tức thì đỗ Trạng Nguyên. 

Năm ấy trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 45 tuổi - cái tuổi đủ trải nghiệm, đủ già dặn, đủ chín chắn để xác quyết một con đường. Ở tuổi 45, khi chính thức quyết định từ bỏ "nơi vắng vẻ" lâm tuyền để dấn thân vào "chốn lao xao" triều chính, chắc chắn là Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn tận hiến ở cái "chốn lao xao" ấy lâu dài.

Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ...

Nhưng cuộc đời không đơn giản thế! Khoảng 8 năm sau, khi Mạc Thái Tông qua đời, Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) lên ngôi, triều đình biến loạn thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại lập tức từ quan, nghĩa là bỏ nơi "lao xao" về nơi "vắng vẻ". 

Giọt nước tràn ly dẫn tới sự thay đổi này là việc tờ sớ xin trị tội những kẻ lộng thần của ông đã không được thông qua. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có mối quan hệ với nhà vua, với cung đình, theo cách này hay cách khác. 

Theo nhiều nguồn lịch sử thì phải đến năm 73 tuổi ông mới từ quan thực sự, quy ẩn thực sự, gắn bó thực sự với "nơi vắng vẻ" quê nhà. Cụ thể là trong hơn 20 năm cuối đời, ông đã dựng am Bạch Vân tại quê nhà, và vẫn được người đời biết đến với hiệu Bạch Vân cư sĩ.

Như vậy, đọc câu thơ nói về mối quan hệ giữa "nơi vắng vẻ" và "chốn lao xao" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hậu thế nghe trong đó một thái độ dứt khoát, mạch lạc, rõ ràng. 

Nhưng thực tế cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói riêng và những trí thức phong kiến nói chung thì mối quan hệ đó không giản lược, đơn tuyến, một chiều như vậy. Lao xao và vắng vẻ - dấn thân và quy ấn - dại và khôn - động và tĩnh, nó là cả một cuộc giằng xé nội tâm, diễn ra trong những khoảng thời gian kéo dài.

Một số nhà nghiên cứu gọi những trí thức mà cuối cùng chọn "nơi vắng vẻ" làm chốn dung thân như Nguyễn Bỉnh Khiêm là mẫu... những nhà nho ẩn dật.

Có thể nói, nếu những nhà nho hành đạo và những nhà nho tài tử luôn tồn tại trong trạng thái động thì những nhà nho ẩn dật như Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tồn tại chủ yếu ở trạng thái tĩnh. 

Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Tấn thì ngay trong loại hình nhà nho ẩn dật cũng lại có nhiều trường phái ẩn dật khác nhau. Có người ngay từ đầu đã chọn ẩn dật như một lẽ sống, tuyệt đối không màng đến chốn lao xao. 

Có thể nói, mặc dù là nho sĩ nhưng họ lại là tín đồ trung thành của tư tưởng Lão - Trang cổ điển (Nguyễn Dữ, Nguyễn Hãng, Nguyễn Huy Vịnh). Lại có những người quyết định ẩn dật vì bất đắc chí với triều đại, và không đành lòng với những gì nhìn thấy ở "chốn lao xao" (Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến).

Theo Lê Văn Tấn thì với riêng ba trường hợp Chu Văn An - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thiếp, những nhân cách ưu tú, chói lọi của lịch sử trung đại thì hành vi ẩn dật của họ lại là  một sự ẩn dật đặc biệt - một sự ẩn dật cao đạo - một sự ẩn dật khiến triều đình phong kiến Trung ương vẫn phải nể trọng và thường xuyên tham vấn.

Và như thế, câu chuyện về những nhà nho ẩn dật với "điển hình Nguyễn Bỉnh Khiêm" gợi người hậu thế phải suy nghĩ nhiều về cách chọn lựa tâm thế tồn tại của người trí thức trong xã hội phong kiến. Lúc nào có thể chọn tâm thế động, để đặt hy vọng vào "chốn lao xao", lúc nào có thể chọn tâm thế tĩnh, để rút về "nơi vắng vẻ"? Lúc nào thì chọn lựa là dại? Lúc nào thì chọn lựa là khôn? 

Với câu thơ mang tính tổng kết cho cả một cuộc đời chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm, những câu thơ như những suy nghiệm cuối cùng sau mọi thăng trầm của một trí thức lớn, đặt trong mối liên hệ với một thời đại không như mình mong đợi thì chúng ta hiểu rằng "về nơi vắng vẻ" tưởng "dại" mà "khôn", còn  ở lại "chốn lao xao" tưởng "khôn" mà "dại".

Ở đây, rõ ràng các cặp phạm trù vắng vẻ/lao xao, dại/khôn, tĩnh/động xuất hiện trong trạng thái tương phản, loại trừ nhau, trong tính tương đối tất yếu của nó. 

Câu hỏi đặt ra: Có bao giờ chúng không loại trừ nhau, mà nằm ở trong nhau, hoà quện vào nhau, chuyển hoá cho nhau? Tức là ở ngay chốn "lao xao" mà lòng vẫn tĩnh, và ở chốn "vắng vẻ" mà tâm vẫn "động"? Lịch sử thiền tông Trung Hoa kể lại câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng một hôm đi tới một ngôi chùa, thấy hai vị tu hành đang tranh luận quanh câu hỏi: Vì sao lá cờ lại bay. Một vị thì bảo:

- Là vì có gió. Chính nhờ gió mà lá cờ bay.

Vị kia phản bác:

- Nhưng gió là cái quái gì, ta nào có nhìn thấy đâu. Ta chỉ có thể nhìn thấy lá cờ, vì vậy lá cờ bay là do tự nó chuyển động mà bay.

Hai vị tu sĩ tranh luận quyết liệt không phân biệt thắng thua thì Lục Tổ Huệ Năng đi tới và bảo:

- Chẳng phải do gió, cũng chẳng phải do bản thân lá cờ.

- Vậy thì tại sao lá cờ bay?

- À, vì tâm của hai vị đang bay. Chính tâm của hai vị đang bay nên hai vị mới thấy lá cờ bay.

Nghe Lục Tổ Huệ Năng giải thích, hai vị tu sĩ bừng tỉnh, và hiểu rằng căn cốt vấn đề nằm ở tâm. Nếu tâm mà động thì vạn vật dẫu đang tĩnh cũng giống như đang động. Nếu tâm mà tĩnh thì vạn vật đang động cũng như đang tĩnh. Vì thế vấn đề lớn nhất ở đây là phải "khai tâm", phải làm chủ cái tâm. 

Tinh thần phật giáo trong câu chuyện này lại mở cho chúng ta những suy ngẫm khác về động và tĩnh,  khôn và dại, vắng vẻ và lao xao. Hoá ra, nếu đã tập luyện đến trạng thái "tĩnh tâm" thì chẳng cần về nơi "vắng vẻ" lòng vẫn bình yên, vắng vẻ. Ngược lại tâm không yên thì ngay cả khi ở giữa nơi "vắng vẻ" cũng khó tránh khỏi... cảm giác lao xao.

Đời sống hiện đại với sự lên ngôi của "chủ nghĩa hỗn độn" không dễ dàng cho phép con người có những chọn lựa đơn tính, rõ ràng giữa cái này với cái kia. Đời sống hiện đại ràng buộc con người trong mối quan hệ giữa cái này với cái kia, và đấy thường xuyên là mối quan hệ không dễ gì thoát bỏ. 

Do vậy, con người hiện đại có xu thế đi tìm cái này ở trong cái kia, tận dụng tốt nhất ưu điểm của cái này, và khắc phục tốt nhất nhược điểm của cái kia. Chẳng hạn: cuộc sống ở thành phố nghiêng về động, cuộc sống thôn quê nghiêng về tĩnh. Nhưng con người hiện đại không thể dễ từ bỏ cái động trở về cái tĩnh bằng cách cắt đứt mối quan hệ của mình với thành phố. 

Một ví dụ khác: đời sống trên mạng xã hội là động, đời sống trong sâu thẳm lòng mình là tĩnh, nhưng con người hiện đại cũng không thể dễ dàng bỏ cái động, tìm về cái tĩnh bằng cách đoạn tuyệt mạng xã hội một cách cực đoan.

Cái tĩnh luôn cần thiết. Dẫu là thời đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ XVI hay thời đại 4.0 của con người hiện đại thì một trạng thái tĩnh tại luôn giúp con người thuận lợi hơn trong hành trình tìm ra bản chất một vấn đề và tiệm cận một chân lý. 

Nhưng khác thời của Nguyễn Bỉnh Khiêm, con người hiện đại không thể tìm kiếm sự tĩnh tại bằng cách khước từ tất cả những gì tương phản, trái chiều với nó. Người ta chỉ có thể tìm kiếm, tạo dựng trạng thái tĩnh ngay trong cái động, tìm kiếm sự "vắng vẻ" (bên trong) ngay giữa cái "lao xao" bên ngoài.

Không làm được như thế, con người hiện đại sẽ không giải quyết được những mâu thuẫn tâm lý của chính mình.

Phan Mỹ Chí
.
.