Syria: Chiến tranh không phải trò đùa

Thứ Sáu, 13/09/2013, 09:09
Có thể khi bạn đọc cầm tờ báo này trên tay, Syria đã bị chìm trong những trận không kích “có giới hạn” của máy bay Mỹ và đồng minh. Có thể ở thời điểm đó Nhà Trắng vẫn loay hoay tìm phương án giải quyết để không mâu thuẫn đến đảo ngược tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở St. Peterburg (Liên bang Nga): Không thể giải quyết vấn đề Syria bằng con đường vũ lực… Trong bất luận trường hợp nào, tình hình xung quanh Syria đã bước vào giai đoạn nóng chưa từng thấy từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Tình hình Sirya quả thực đã ở trong giai đoạn cực kỳ cấp bách. Phương Tây đã chuẩn bị không ít lý do để cuộc can thiệp mới vào Syria ít nhiều không vô căn cứ. Thậm chí ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, theo nhận xét của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng đã nói dối Quốc hội về vai trò của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Syria trong buổi thuyết trình trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày thứ tư 4/9 vừa qua. Để thêm phần lôi cuốn, ông Kerry cũng đã nói với các ông nghị Mỹ rằng có không dưới 34 quốc gia chính thức ủng hộ Mỹ tấn công vào Syria (tuy nhiên, ông lại không nói rõ cụ thể đó là những quốc gia nào).

Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện giờ không giấu giếm ý định sử dụng những đòn tấn công quân sự nhằm lật đổ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad. Cho tới cuối tuần qua, thủ lĩnh cả hai phe nghị sĩ trong Thượng viện Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với trù liệu sặc mùi khói súng này của Nhà Trắng. Cũng trong ngày thứ tư 4/9, Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn với 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống nghị quyết cho phép Tổng thống Obama thực hiện một hành động quân sự tại Syria. Nghị quyết sẽ được chuyển lên toàn thể Thượng viện ngày 9/9. Dường như mọi việc đều đã được chuẩn bị sẵn sàng…

Ngày 5/9, nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power tuyên bố chấm dứt các nỗ lực hợp tác với LHQ về vấn đề Syria. Điều đó thể hiện rõ ràng rằng Washington sẽ không tìm kiếm sự phê chuẩn của LHQ và sẽ đơn phương quyết định vấn đề tấn công Syria sau khi Thượng viện Mỹ cho câu trả lời chính thức về vấn đề này ngày 11/9.

Cũng trong ngày 5/9, theo nguồn tin từ Nhà Trắng mà kênh Truyền hình CNN đã dẫn ra, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị khả năng sử dụng các máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52 trong chiến dịch quân sự chống Syria. Các tên lửa hạng nhẹ có thể được phóng từ máy bay, tàu chiến và hoặc tàu ngầm… Theo dự đoán của tờ The Wall Street Journal, các máy bay ném bom chiến lược này sẽ hỗ trợ cho các tàu khu trục Mỹ đang có mặt ở Địa Trung Hải. Cho tới thời điểm hiện tại đang có 5 tàu khu trục Mỹ được trang bị tên lửa có cánh quanh quẩn  ngoài khơi gần bờ biển Syria… Đồng thời ở đây cũng có khá đông các con tàu Nga… Trong lúc đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại St. Peterburg, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc gia tăng số mục tiêu ở Syria mà tên lửa Mỹ có nhiệm vụ phải tiêu diệt trong trường hợp bùng nổ chiến tranh.

Tuy nhiên, ngay cả trong chính xã hội Mỹ cũng không phải ai cũng đồng tình ủng hộ việc Washington trực tiếp can thiệp vào Syria. Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, một cuộc thăm dò của tờ The Washington Post và Đài Truyền hình ABC mới đây nhất cho thấy, 59% người Mỹ chống đối việc thực hiện những vụ tấn công Syria bằng phi đạn, trong lúc chỉ có 36% tán thành. Cũng theo cuộc thăm dò này, tỉ lệ tán thành từ 36% tăng lên tới 46% nếu hành động này có sự tham gia của các nước khác, như Anh và Pháp.

Một cuộc thăm dò khác do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy số người phản đối việc tấn công Syria vượt xa số người tán thành, với tỉ lệ 48% trên 29%. Bản thân ông Obama cũng từng ý thức được nguy cơ nước Mỹ có thể bị sa lầy nếu tung ra cuộc can thiệp đắt giá và khó khăn vào Syria trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Chính trường quốc tế hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng trong thái độ đối với việc phát động một cuộc chiến tranh chống lại Syria.  Quốc hội Anh quốc đã thông qua quyết định và bỏ phiếu chống can thiệp quân sự vào Syria. Một số nước phương Tây, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức và thậm chí Liên minh NATO, đã bày tỏ sự phản đối về việc can thiệp quân sự vào Syria. Trong thư gửi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người chủ toạ của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại St. Peterburg (Liên bang Nga), Đức Giáo hoàng Francis cho rằng, G-20 cần phải tìm ra lối thoát và không được để xảy ra cảnh đổ máu ở Syria: “Lãnh đạo G-20 không thể thụ động trước gương mặt của thảm hoạ mà nhân dân Syria đang phải gánh chịu, đe doạ gây nên những khốn khổ mới cho khu vực đang rất cần hoà bình này. Tôi kêu gọi tất cả hãy cùng vượt qua những bất đồng và từ bỏ mọi giải pháp mang tính bạo lực...”. Thực tế cho thấy, tại St. Peterburg, trong thời gian làm việc cùng nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh, nhiều nhà lãnh đạo các nước thuộc G-20 đã bộc lộ thái độ hoài nghi đối với việc phát động chiến tranh chống lại Damascus. Trước đề nghị của Tổng thống nước chủ nhà Putin về việc bày tỏ quan điểm về vấn đề này tại bữa ăn tối - làm việc trong ngày 5/9, thay vì tìm cách khai thông bế tắc, đã chỉ nhắc lại lập trường của nước mình trong mỗi bài diễn văn kéo dài 10 phút, cho thấy rõ những bất đồng sâu sắc trong nhóm về kế hoạch quân sự của Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad… Nếu tính về số lượng thì chỉ có khoảng một nửa những quốc gia thành viên G-20 ủng hộ cuộc chiến tranh chống lại chính thể của Tổng thống Al-Assad… Cũng phải nói rằng, chủ đề Syria đã không nằm trong nội dung làm việc chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại St. Peterburg…

Ngày 5/9, Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Jihad Al-Laham ngày 5/9 trong thư gửi Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP)  Martin Schulz đã hối thúc sử dụng quyền lực của mình để ngăn chặn mọi hành động “vô trách nhiệm” nhằm vào quốc gia này. Ông Al-Laham đã mời EP tới thăm Syria hoặc cử đại diện kiểm tra kết quả cuộc điều tra của LHQ về việc sử dụng vũ khí hóa học ở nước này để “làm rõ vụ việc cũng như tìm ra lực lượng chịu trách nhiệm chính”.

Theo lời Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, Hoa Kỳ đang phạm sai lầm liên quan đến Syria và chắc chắn sẽ phải trả giá nếu có bất kỳ hành động quân sự nào. Một nguồn tin của Mỹ cho biết, dường như Tehran đã chuẩn bị cho cuộc khủng bố nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Iraq, một khi Washington khai hỏa chống Syria… Còn chỉ huy lực lượng đặc biệt Quds trực thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran, thiếu tướng Qasem Soleimani, khẳng định Tehran sẽ hỗ trợ Syria tới cùng. Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour tuyên bố rằng Ai Cập phản đối quyết định đơn phương tấn công quân sự của Hoa Kỳ nhằm vào Syria…

Trao đổi với báo chí về cuộc khủng hoảng Syria tại Vladivostok ngày 31/8, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhớ lại điều gì đã xảy ra trong thập niên gần đây, bao nhiêu lần Hoa Kỳ đã khởi xướng các cuộc xung đột vũ trang tại các khu vực khác nhau trên thế giới? Và lẽ nào điều đó đã giải quyết được vấn đề gì, dù chỉ là một?”.

Theo ông Putin, ở Afghanistan cũng như ở Iraq, sự có mặt về quân sự của Washington đã không mang lại bình yên và dân chủ mà ngược lại, “không có nền hòa bình dân sự và cân bằng tối thiểu…”. Chính vì thế, một lần cắt bảy lần đo, Mỹ cần “phải xem xét tất cả những việc này trước khi ra quyết định thực hiện tiến công ném bom - tên lửa mà sau đó sẽ có những nạn nhân, trong số đó có dân thường…”.

Các chuyên gia độc lập cho rằng, chiến tranh ở Syria có thể sẽ làm tổn phí tới hàng trăm triệu USD. Theo những tính toán bảo thủ nhất thì con số này sẽ lên quá 200 triệu USD. Chỉ tính riêng mỗi quả tên lửa Tomahawk cũng đốt của Lầu Năm Góc tới 1,5 triệu USD.

Damascus đang tỏ ra rất kiên cường trước những đe dọa quân sự từ phương Tây. Ngày 5/9, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga, tướng Muhammad Isa của quân Chính phủ Syria cho biết các khí tài quân sự ở Syria đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và những đơn vị quân đội tăng cường đã được triển khai bảo vệ các mục tiêu chiến lược trước nguy cơ về một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Thực tế đã luôn cho thấy, bắt đầu một cuộc chiến tranh đã khó nhưng kết thúc nó còn khó hơn nhiều. Là một người rất am hiểu tình hình, Tổng thống Nga Putin đã dự đoán về triển vọng tình hình xung quanh Syria: “Quân đội Chính phủ Syria đang tiến công. Cái gọi là những người nổi dậy đang ở trong tình thế phức tạp. Họ không có loại vũ khí như trong quân đội chính phủ: không có không quân, không có thiết bị kỹ thuật tên lửa, không có các hệ thống tên lửa và pháo binh hiện đại…. Những nhà tài trợ cho cái gọi là những người nổi dậy và những người đang sau lưng những nhà tài trợ này phải làm gì? Trợ giúp họ trên bình diện quân sự chăng? Như thế nào? Hay cố lấp đầy cái hố không đáy năng lực của họ. Không thể cung cấp cho họ máy bay và các hệ thống tên lửa - không thể huấn luyện họ được. Chỉ có một lối thoát - tự mình thực hiện đòn tiến công. Nếu điều này sẽ xảy ra, khả dĩ đó sẽ là một điều vô cùng buồn thảm..”.

Thế giới đang đứng sát ngưỡng của điều vô cùng buồn thảm đó. Mà chiến tranh thì không bao giờ là một trò đùa…

Nguyễn Hữu Huy
.
.