Sương mù và đêm đen

Thứ Hai, 11/11/2019, 13:40
Nói về những tội ác của chế độ Đức Quốc xã - một trong những thứ tai ách khủng khiếp nhất mà nhân loại từng phải trải qua trong suốt chiều dài lịch sử - là điều có vẻ khá thừa thãi và nhàm chán.

Tuy vậy, cũng sẽ vẫn chỉ là sơ sài và phiến diện, nếu các câu chuyện chỉ xoay quanh người Do Thái, các trại tập trung, những phòng hơi ngạt hay những cuộc thí nghiệm "sống" trên cơ thể người. Tính áp chế tàn bạo của chế độ ấy không chỉ có vậy. Nó khiến cho sự sụp đổ của Đệ tam đế chế nước Đức trở thành một lẽ tất yếu.

Lệnh "Đêm đen và sương mù"

Đó là mệnh lệnh kinh tởm nhất, vô nhân đạo nhất và giàu tính khủng bố nhất mà Heinrich Himmler ban hành thay mặt Adolf Hitler, trên những vùng lãnh thổ bị quân đội Đức chiếm đóng ở mặt trận phía Tây - những nơi mà trên lý thuyết "không gian sinh tồn" của mình, lãnh tụ phát-xít Đức vẫn tỏ ý "nương nhẹ" hơn là ở các vùng đất phía Đông của người Nga cũng như các dân tộc Slave.

Mệnh lệnh này bắt đầu có hiệu lực ngày 7-12-1941, và nó nhắm vào những dân thường không may. Theo tác giả William L.Shirer trong cuốn "Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba", cái tên ấy đã bộc lộ ngay ý định của kẻ đứng đầu lực lượng SS: Bắt giữ những kẻ có khả năng gây nguy hại cho an ninh của Đức, nhưng không hành quyết ngay, mà khiến họ mất tích trong đêm đen và sương mù, tại một vùng hẻo lánh nào đó. Gia đình nạn nhân sẽ không thể nhận được tin tức gì về số phận của họ, ngay cả chỗ chôn xác.

Ngày 12-12-1941, thống chế Keitel ra một chỉ thị làm rõ sắc lệnh: Trên nguyên tắc, hình phạt dành cho những tội trạng chống nhà nước Đức Quốc xã là tử hình. Mọi án tù được tuyên cho những tội trạng ấy, ngay cả khổ sai hoặc chung thân, cũng đều là biểu hiện của sự yếu đuối. Hiệu quả răn đe chỉ có thể đạt được qua án tử hình, hoặc qua những hình thức mà nhân thân của can phạm cũng như dân chúng không biết được số phận của y.

Cuộc thảm sát Distomo, Hy Lạp do lính Đức thực hiện.

Tháng 2-1942, Keitel - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy tối cao quân lực Đức Quốc xã, nghĩa là "cận thần" gần gũi nhất, tùy viên cao cấp nhất về mặt quân sự luôn ở cạnh Hitler - mở rộng "Lệnh Đêm đen và Sương mù" (Natch und Nebel): Tám ngày sau khi can phạm bị bắt giữ, nếu không tuyên án tử hình, phải bí mật chuyển tù nhân đến Đức, để "tù nhân biến mất mà không để lại dấu tích gì" và "không ai biết tin tức gì về nơi chốn hoặc số phận của họ".

Tại Tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh Nuremberg sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, những lớp màn bí mật được vén lên một cách dễ dàng và nhanh chóng đến không ngờ. 

William L.Shirer - người trực tiếp chứng kiến phiên tòa, sau đó bỏ ra thêm gần sáu năm nghiên cứu các tài liệu liên quan để hoàn tất tác phẩm của mình - kể lại: Otto Ohlendorf - kết thúc chiến tranh với vai trò chuyên gia ngoại thương tại Bộ Kinh tế, nhưng thực ra lại là một trong những nhân vật chủ chốt của Amt III (Cục Tình báo nội bộ) - khai rằng ông ta làm việc một năm ở Berlin, trong tư cách là người cầm đầu "Đội đặc nhiệm D". 

Người thẩm vấn - Thiếu tá Whitney R.Harris của Mỹ - hiểu rõ Đội đặc nhiệm D là gì. Ông hỏi: "Trong năm đó, anh và đội của anh đã giết bao nhiêu đàn ông, phụ nữ và trẻ em?".Ohlendorf nhún vai, trả lời không chút chần chừ: "Cỡ chín chục nghìn người!".

Đội đặc nhiệm D của Ohlendorf có địa bàn hoạt động là phía Nam Ukraine. Nhiệm vụ chính của chúng là thủ tiêu người Do Thái - với những thảm trạng kinh khủng đã được đề cập rất nhiều trên mọi phương tiện truyền thông. Nhưng bên cạnh đó, chúng còn đảm nhiệm những nhiệm vụ khác, theo kiểu "Sương mù và đêm đen".

Thống chế Wilhem Keitel.

Nỗi sợ hãi của kẻ bạo tàn

Le Phare (Hải đăng), tờ báo Pháp đóng vai trò cơ quan ngôn luận của chính phủ bù nhìn Vichy đăng bố cáo trên số ra ngày 22-10-1941: "Các can phạm hèn nhát nhận tiền của Luân Đôn và Moskva đã hạ sát chỉ huy trưởng quân sự tại Nantes. Cho đến giờ, vẫn chưa bắt được những kẻ sát nhân. Để chuộc lại tội ác này, đã có lệnh bắn 50 con tin. Sẽ bắn thêm 50 con tin nữa, nếu đến nửa đêm 23-10 vẫn không bắt được thủ phạm".

Có rất nhiều bố cáo kiểu như thế liên tục xuất hiện ở các vùng lãnh thổ bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng, từ Pháp, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Czech đến Liên Xô. Thậm chí, có hẳn một "tỷ lệ sàn" bất di bất dịch: Cứ một người Đức bị giết, thì hành quyết 100 con tin. Những con tin ấy, không phải người Do Thái, không phải các chính ủy Xô-viết, mà là những thường dân vô tội.

Trong sâu thẳm, điều này vừa thể hiện tư tưởng sắt máu nhất quán của chủ nghĩa phát-xít Đức, vừa hé lộ rằng đội quân viễn chinh có lúc gần như không thể bị ngăn chặn ấy cũng có những điểm yếu chí mạng. Và thực ra, các huyền thoại về tinh thần mã thượng quân nhân của một vài sĩ quan cao cấp nào đó được thêu dệt hay tô vẽ, thí dụ như Rommel, cũng chỉ là những ngoại lệ.

Thường dân - những con tin ưa thích của quân đội Đức

Bành trướng lãnh thổ quá nhanh, nước Đức Quốc xã không có đủ công cụ để kiểm soát thật tốt những gì đã giành được. Răn đe bằng bạo lực và khủng bố là phương thức dễ tiến hành nhất, và được áp dụng triệt để nhất. Nhưng, cho dù cố gắng hủy diệt mọi ý chí phản kháng, kháng chiến quân Pháp vẫn hoạt động mạnh mẽ, du kích Czech vẫn hành thích được tổng trấn Heydrich (người được xem là sẽ kế vị Himmler), và các lực lượng vũ trang nhân dân Liên Xô thì lại càng lúc càng giáng trả những đòn mạnh mẽ.

Cũng như sự nhầm lẫn thường gặp của đám đông là chiến tranh chỉ bao gồm những gì diễn ra trên chiến trường, các chỉ huy cấp cao của quân đội Đức cũng suy nghĩ một cách khá đơn giản, rằng khủng bố và hăm dọa có thể đem lại trật tự. Keitel, ở phiên toàn Nuremberg, khai rằng vào ngày 1-10-1941, chính y đã ra chỉ thị mật: "Quan trọng là phải bắt giữ những nhân vật có tiếng tăm, hoặc nhân thân của họ". Kế đó, tướng Von Stuelpnagel - chỉ huy ban quân quản Đức ở Pháp - cũng từng nhấn mạnh: "Bắn người càng có tiếng tăm, thì càng dễ răn đe kẻ chống đối".

Trong lịch sử chiến tranh cận đại, hiếm có đội quân nào bắt giữ con tin (nghĩa là thường dân) trên diện rộng một cách triệt để, có hệ thống và xử lý họ lạnh lùng như vậy. Đặc biệt, ở phạm vi hẹp của những vùng lãnh thổ Tây Âu, nơi Hitler vẫn "hạ cố" ghi nhận sự gần gũi về chủng tộc, những hoạt động này vẫn cứ diễn ra đều đặn. Tất cả chỉ khơi sâu thêm mối thù hận của những kẻ bị trị, và chỉ khiến công cuộc "bình định" gặp thêm nhiều trắc trở. Ở cả Đông Âu lẫn Tây Âu, cuối cùng, quân đội Đức vẫn là những kẻ bị bao vây và cô lập.

Đức Quốc xã đã không chỉ phạm những tội ác tày trời với người Do Thái. Đức Quốc xã đã gây thù chuốc oán với lòng kiêu hãnh cũng như tinh thần ái quốc của quá nhiều dân tộc.

Và như lời trăn trối ở chân giá treo cổ của Hans Frank - Toàn quyền tại Ba Lan: "Hàng nghìn năm sẽ qua đi, nhưng những tội lỗi của nước Đức (Quốc xã) sẽ không thể gột sạch"…

* Tổng cộng, Đức Quốc xã hành quyết khoảng 29.660 người Pháp, chưa kể 40.000 người "qua đời" trong các nhà giam. Số người bị hành quyết ở Ba Lan là 8.000, ở Hà Lan là khoảng 2.000. Còn ở những vùng lãnh thổ khác bị chiếm đóng, các con số này là không thể thống kê. 

* Các đội đặc nhiệm bắt đầu được Himler và Heydrich tổ chức để đi theo quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939. Sau đó, chúng phát triển nhanh chóng, đảm nhiệm "giải pháp cuối cùng", nghĩa là giết người hàng loạt. Có bốn đội đặc nhiệm như vậy (A,B,C,D), hoạt động cho đến tận khi chiến tranh sắp hạ màn. Trong đó, đội D là đội hoạt động kém hiệu quả nhất.

Đông Quân
.
.