Sự thật nào cho Chernobyl?

Chủ Nhật, 07/07/2019, 10:32
Ngày 26 tháng 4 năm 1986. Cũng như tất cả mọi ngày trên thế giới này, luôn có đủ thứ xảy ra. Arnold Schwarzenegger kết hôn. 


Nhà văn vĩ đại thế kỷ 20 là Jorge Luis Borge cũng làm đám cưới. Nam diễn viên nổi tiếng với cả trăm bộ phim trong sự nghiệp là Broderick Crawford qua đời. Pháp tổ chức thử nghiệm hạt nhân. Nhưng, tất cả những điều đó, cuối cùng đều lu mờ trước một vụ thảm họa chưa từng bao giờ diễn ra trên Trái Đất.

Lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy điện nguyên tử cách thành phố Chernobyl 18 km phát nổ. Chính xác là vào lúc 1 giờ 23 phút 58 giây. Một đêm không ngủ với cư dân Chernobyl. Và nối tiếp là hàng trăm những đêm mất ngủ khác, để sơ tán, để chịu đựng nỗi đau, để mãi mãi ám ảnh về chất phóng xạ, để làm lại từ đầu.

Sau 33 năm, đề tài Chernobyl một lần nữa lên cơn sốt với bộ phim truyền hình Chernobyl do hãng HBO (Mỹ) thực hiện, một phần dựa trên tác phẩm “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” của tác giả đoạt giải Nobel Văn Học năm 2015, Svetlana Alexievich (đã được NXB Phụ Nữ phát hành năm 2016, dịch giả Nguyễn Bích Lan) - một tuyển tập ghi lại hàng trăm cuộc phỏng vấn với những nạn nhân, nhà chức trách, lính cứu hỏa, bác sĩ, nhà khoa học,... - những nhân chứng còn lại của thảm kịch ấy. 

Chernobyl ngay lập tức trở thành chương trình truyền hình đạt điểm số cao nhất trên Imdb. tạo nên những làn sóng quan tâm vô tiền khoáng hậu, thậm chí, biến “thành phố ma” chỉ có vài cư dân cư ngụ bất hợp pháp trở thành tâm điểm du lịch.

Nhưng đã từng có ai thực sự hiểu gì về Chernobyl?

Chính trong “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”, Sergei Vasilevich Sobolev - Phó ban điều hành Hiệp hội bảo vệ Chernobyl đã nói rằng: “Họ viết hàng chục cuốn sách. Năm tập sách dày cộp cùng những lời chú thích. Nhưng sự kiện đó vẫn vượt ngoài bất cứ sự miêu tả mang tính triết học nào. Ai đó đã nói với tôi hoặc tôi đã đọc ở đâu đó rằng vấn đề Chernobyl trước hết là vấn đề tự hiểu.”

Và ông cũng nói, khi đi quanh một bảo tàng hiếm hoi ở Kiev, rằng vào thời điểm đó, không có lấy một phóng sự nào hay một bộ  phim nào nói về bi kịch Chernobyl. Vậy thì giờ đây, khi câu chuyện về Chernobyl được kể lại thành một thiên sử thi cay đắng, tàn nghiệt mà hào hùng, thì nó có cho người ta biết nhiều  hơn những gì người ta đã biết?

Chernobyl ngày nay được ví như một “thành phố ma”.

Cuộc truy nguyên sự thật

“Đầu tiên, vụ tai nạn đang được kiểm soát.”, “Có chút phóng xạ nhẹ, nhưng liều lượng rất hạn chế.”, “Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, có thể xảy ra với một chút phóng xạ”, sau khi nhà máy phát nổ, một cuộc họp khẩn được tiến hành, nhưng đó là tất cả những gì họ nói, theo những gì tập 1 của Chernobyl khắc họa. Thế rồi, một người đàn ông gõ cây gậy của mình xuống sàn nhà: “Ta sẽ cô lập toàn thành phố. Không ai sẽ rời đi. Cắt đường dây điện thoại. Không để những tin tức sai lệch lan truyền”.

Một phân cảnh khiến người xem lặng người, vì không nhẽ, cái giá của sinh mạng lại không bằng một chút danh dự của một nền khoa học, nhưng điều đó có thật sự đúng hay không?

Trong cuốn hồi ký “Đời tôi” đồ sộ của nguyên Tổng bí thư Mikhail Gorbachev - nhà lãnh đạo vĩ đại của Liên bang Xôviết vào đúng thời điểm Chernobyl xảy ra (cuốn sách mới được Omega và NXB Khoa học Xã hội phát hành tại Việt Nam năm 2018, dịch giả Phạm Hồng Anh), ông dành một phân đoạn dài về Chernobyl: “Cuộc đời tôi chia thành hai phần - trước và sau sự cố Chernobyl”. Theo cách chân thành nhất của một người đã bước sang sườn dốc bên kia của cuộc đời và không còn mục tiêu chính trị nào cần theo đuổi, ngài Gorbachev thừa nhận rằng: “Chernobyl thực sự đã mở mắt cho tôi trong nhiều chuyện”.

Và, sự quan liêu, sĩ diện, vô trách nhiệm của những quan chức thời ấy là có thật. Ngài Gorbachev viết tiếp: “Khi nghe thông tin về sự cố tại Nhà máy năng lượng nguyên tử Chernobyl ngày thứ nhất, Bộ Chính trị có những phản ứng dễ dãi đến ngạc nhiên đối với những gì đã xảy ra từ những người có trách nhiệm. Tôi ngạc nhiên khi nghe thấy Chủ tịch AH CCCP Anatoly Alexandrov và Bộ trưởng Chế tạo máy cỡ trung Efim Slavsky đưa những ý kiến như thế này tại các cuộc họp của Bộ Chính trị: “Chuyện nhỏ thôi. Việc này đã từng xảy ra trước đây tại các lò phản ứng công nghiệp và họ cũng đã xử lý được. Để tránh bị nhiễm xạ, chúng ta phải uống nhiều nước, ăn thứ gì đó và đi ngủ.”  Những tham khảo hết sức vô trách nhiệm đó tới “kinh nghiệm cá nhân” không thích hợp với các nhà khoa học và nhà quản lý nổi tiếng như họ”.

Và trong bộ phim Chernobyl của người Mỹ, Gorbachev cũng được mô tả như, có lẽ là, vị quan chức đầu tiên dám đối diện với sự thật và thực sự muốn biết được sự thật. Khi giáo sư Valery Legasov - người sau đó sẽ trở thành nhà khoa học chủ chốt trong công tác điều tra và xử lý thảm họa Chernobyl - tiết lộ những điều bàng hoàng đối lập toàn bộ những báo cáo “chẳng có gì nghiêm trọng”, “mọi việc đã được kiểm soát” của các bộ ban ngành, và bị những chính trị gia khác át giọng thì Gorbachev chính là người đã yêu cầu để Legasov được nói.

Còn về hậu quả của Chernobyl thì sao? Liệu có đúng như người Mỹ mô tả, rằng người Nga cố gắng tìm cách che đậy tấn kịch thực sự của nó hay không? Về điểm này, ta cũng hãy thử nhìn bằng con mắt của vị lãnh tụ Gorbachev - người đã  đưa ra mô hình “glasnost” đề cao quyền tự do ngôn luận. 

Vẫn trong hồi ký của mình, Gorbachev thẳng thắn nói về việc glasnost đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt ngay trong nội bộ chính phủ, khi mà những người cầm quyền “không phải lúc nào cũng chịu được thử thách của glasnost”, và tuy rằng trước đây những vấn đề môi trường ở Baikal, biển Aral, việc giảm diện tích rừng vẫn thường xuyên được nhắc đến, nhưng “người dân không biết gì về quy mô của thảm họa đối với thiên nhiên của chúng ta”.

Dẫu vậy, vào thời điểm Chernobyl bùng nổ, glasnost đã được triển khai, và dù quan điểm chia rẽ nhưng theo Gorbachov, ông cuối cùng đã nói trong cuộc họp nội bộ ngày 3/7, rằng sẽ  “không che giấu sự thật trong bất cứ trường hợp nào”, bởi vì “chính sách hèn nhát là chính sách nhục nhã”.

Chernobyl của người Mỹ dù rất chân thực và mô tả một cách xúc động những thân phận người bất hạnh mà sáng ngời lòng can đảm, nhưng nó lại vẫn đóng khung trong những định kiến của người Mỹ về nước Nga. 

Chẳng hạn, một phân cảnh khi nhà khoa học người Belarus Ulyana Khomyuk (chỉ là một nhân vật giả tưởng) bước vào văn phòng một vị quan chức thông báo những chỉ số Roentgen khủng khiếp mà bà đo đạc được thì người đàn ông trong căn phòng chỉ bình thản rót một ly vodka và nói: “Dành cho những người lao động trên toàn thế giới.”

Những motip như vodka hay KGB xuất hiện nhan nhản trong phim, đó chỉ là những tưởng tượng mà người Mỹ yêu thích khi nghĩ về người Nga mà thôi. Cũng như khi người Trung Quốc xuất hiện trong phim Mỹ thì kiểu gì họ cũng hoặc là anh chàng mọt sách, hoặc là một cao nhân bí ẩn giỏi kungfu. Và, không thể có vodka hay những chiếc ly uống rượu trong bối cảnh đó, đây không chỉ là ý kiến của kỹ sư Oleksy Breus, người đã làm việc tại nhà máy hạt nhân Chernobyl, mà cũng là ý kiến của nhà báo người Mỹ gốc Nga Masha Gessen trên tờ New Yorker.

Di sản để lại là một cuộc chiến truyền thông

Chiến tranh Lạnh hình như chưa bao giờ thực sự hết lạnh. Gần đây, ở Việt Nam có xuất bản cuốn sách “Đối thoại với Putin” (Nhà Xuất bản Thông tấn) - một tập sách ghi lại 5 cuộc trò chuyện giữa Oliver Stone, một đạo diễn người Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm chính trị sắc sảo, và tổng thống Nga đương nhiệm. 

Trong một cuộc trò chuyện, Putin tiết lộ rằng, đã từng có lần ông ngỏ ý hỏi về việc liệu Nga có thể gia nhập NATO được không. Tất nhiên, yêu cầu của ông không ai hồi đáp. Putin hóm hỉnh nhận xét, NATO được lập ra để chống lại chúng tôi, họ mà kết nạp chúng tôi thì còn lí do gì để tồn tại nữa.

Poster bộ phim Chernobyl đang trở thành hiện trượng truyền hình hiện nay.

Để thấy rằng cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ còn hơn cả một sự cạnh tranh, nó là lí do cho sự tồn tại của sự phân chia quyền lực, của vị thế thống trị mà một đất nước áp đặt lên nhiều đất nước khác.

Khi Chernobyl của HBO lên sóng và tạo nên một hiện tượng toàn cầu từ Đông sang Tây, Nga ngay lập tức thông báo họ cũng đang làm một bộ phim về Chernobyl để trả đũa lại những thông tin được truyền bá trong tác phẩm của nước Mỹ. Thậm chí, bộ phim của Nga được tiết lộ là sẽ đề cập tới sự can thiệp của CIA như là nguyên nhân của thảm kịch Chernobyl.

Chernobyl đã từng là một đại thảm họa. Giờ đây, Chernobyl là chất liệu cho cuộc chiến truyền thông vẫn luôn dai dẳng giữa hai cường quốc.

Chernobyl của HBO là một bộ phim trực diện và thẳng thắn hiếm có về một sự kiện nhạy cảm. Nhưng liệu nó chỉ đơn thuần là một bộ phim trong sáng với mong muốn tái hiện lịch sử, hay còn có những động cơ chính trị khác? Tại sao phải tạo ra một nhân vật không có thật chỉ để ông ta ngạo mạn gõ gõ cây gậy xuống nền nhà và nói: “Ta sẽ cô lập toàn thành phố. Không ai sẽ rời đi. Cắt đường dây điện thoại. Không để những tin tức sai lệch lan truyền”.

Tại sao phải xây dựng tình huống một quan chức uống rượu vodka ngay khi nghe tin hàng trăm ngàn người sẽ chết nếu không được sơ tán kịp thời? Tại sao phải biến kỹ sư trưởng Anatoly Dyatlov thành kẻ phản diện cố chấp và tham vọng, hay đưa Valery Legasov tới nói những lời “công đạo” trong một phiên tòa mà thực tế ông đã không tham gia? Theo cách ấy, bản thân Chernobyl của HBO cũng là một cuộc tuyên truyền.

Trong một bài Góc nhìn trên tờ The Guardian vài năm trước,  nhà báo chính trị Piers Robinson đã đặt một tiêu đề thực sự khiến ta phải nghĩ: “Truyền thông Nga có thể thiên kiến - nhưng truyền thông phương Tây cũng y như vậy.”

Truyền thông hiện đại phức tạp đến mức, không một ai có thể nói rằng, tất cả những gì viết ra hoàn toàn là suy nghĩ độc lập của mình? Bạn luôn thuộc về một chuỗi liên kết nào đó, như người Mỹ dù cố công làm một bộ phim chân thực đến đâu thì vẫn bị kìm kẹp trong định kiến của họ về người Nga, và một nửa sự thật thì vẫn chưa phải là sự thật.

Mà sự thật tối hậu luôn được làm nên từ rất nhiều những sự thật khác nhau.

Hiền Trang
.
.