Tổng thống Pháp Francois Hollande:

Sứ giả hòa bình và chuyến đi lịch sử

Chủ Nhật, 31/05/2015, 11:02
Vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande thực hiện chuyến công du lịch sử tới La Habana trong thời gian cầm quyền. Ông là nguyên thủ Pháp đầu tiên - và cũng là lãnh đạo phương Tây đầu tiên - tới Cuba kể từ khi Mỹ và Cuba thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Trong thời gian thăm Cuba, Tổng thống Pháp Hollande đã tiến hành nhiều hội đàm với Chủ tịch Raul Castro để tập trung thảo luận việc tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Chuyến đi này cũng cho thấy Pháp mong muốn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình đối thoại thúc đẩy quan hệ giữa phương Tây với Cuba, vốn bị đóng băng từ năm 1996.

Vua ngoại giao kinh tế

Tổng thống Pháp Francois Hollande đang thể hiện tham vọng trong một cuộc đua nhằm tranh giành ảnh hưởng trên thế giới. “Miếng bánh” Cuba dường như trở nên vô cùng hấp dẫn từ sau khi Washington và La Habana có những động thái bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm của ông Hollande tới Cuba không có gì là bất ngờ, khởi nguồn cho tham vọng của Pháp với đối tác Cuba và một kịch bản mới nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chính quyền Hollande đề ra từ sau khi ông lên cầm quyền.

Sự kiện này mang tính lịch sử bởi lẽ Francois Hollande là Tổng thống Pháp đương nhiệm đầu tiên đến thăm Cuba, và ông cũng là nhà lãnh đạo phương Tây cấp cao đầu tiên đặt chân đến Cuba kể từ sau khi Mỹ và Cuba thông báo tiến trình bình thường hóa quan hệ cách đây vài tháng. Vì vậy, chưa bàn đến các lợi ích kinh tế, đây trước hết là một chuyến thăm với ý nghĩa chính trị và ngoại giao rất lớn với cả Pháp và Cuba.

Cuba và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1902. Hơn một thế kỷ qua, quan hệ kinh tế - thương mại song phương vẫn ở mức rất khiêm tốn. Hiện có khoảng 60 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Cuba. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2014 đạt khoảng 280 triệu euro, trong đó Pháp xuất sang Cuba khoảng 157 triệu euro. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác của cả hai bên vẫn còn rất lớn.

Ông Hollande nhấn mạnh rằng chuyến đi này nhằm hỗ trợ Cuba trong tiến trình mở cửa. Nhưng nói một cách nôm na, cho dù Điện Elysee không nói như vậy, cuộc viếng thăm này còn có mục đích làm ăn: Cuba mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài. Tóm lại, Cuba là một thị trường và La Habana không muốn chỉ có các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường này.

Do vậy, ông Hollande không đi một mình tới thăm Cuba. Tháp tùng Tổng thống là 30 lãnh đạo các doanh nghiệp, hứa hẹn mở ra những cánh cửa hợp tác mới cho hai nước. Trong số họ có lãnh đạo Hãng hàng không Air France, Tập đoàn khách sạn Accor, Tập đoàn đồ uống Pernod Ricard. Cả ba tập đoàn này hiện đã hoạt động ở Cuba song đều muốn mở rộng kinh doanh tại đây khi họ tiên đoán về tiềm năng của Cuba sau khi cấm vận kinh tế được bãi bỏ.

Bằng chuyến thăm tới Cuba, Tổng thống Francois Hollande đã có cơ hội tập trung thảo luận việc tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước với Chủ tịch Raul Castro, cũng như ký hàng loạt các hiệp định mà theo ông Hollande là tập trung vào việc cải thiện tiếp cận thị trường Mỹ Latinh.

Ở một khía cạnh khác, Cuba cũng rất trông đợi vào chuyến thăm này của ông Hollande. Chuyến thăm này đánh dấu sự phá vỡ đầu tiên của tảng băng trong quan hệ giữa Cuba với phương Tây. Về mặt chính trị - ngoại giao, việc ông Hollande đến thăm Cuba sẽ nâng cao vị thế cho đảo quốc này. Về mặt kinh tế, Tổng thống Hollande cũng hối thúc Cuba mở cửa nền kinh tế, và cho biết các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào đảo quốc này.

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp, ông Hollande nói: “Dĩ nhiên chúng tôi muốn giảm nhẹ các chế tài trừng phạt, để các công ty của chúng tôi có thể quản lý các nguồn lực của họ thoải mái hơn... Nhưng đó không phải là vì tư lợi, mà là để nuôi dưỡng quá trình đầu tư ngày càng gia tăng”.

Một trong những chủ đề rất được Cuba quan tâm và bàn thảo với Pháp là việc xem xét lại các khoản nợ của Cuba. Chuyến thăm của ông Hollande là cơ hội để hai bên đàm phán về khoản nợ này, có thể là xóa nợ một phần hoặc giãn nợ. Ngoài ra, Cuba có thể trông đợi vào một số hợp đồng kinh tế với các tập đoàn Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế hay nông nghiệp - những lĩnh vực mà Pháp và Cuba có nhiều điểm mạnh tương đồng. Chính quyền Hollande cũng ưu tiên đi tiên phong đầu tư vào Cuba trong lĩnh vực khách sạn, du lịch hay cơ sở hạ tầng để nhanh chóng tận dụng lợi thế du lịch to lớn của Cuba.

Có thể nói, Tổng thống Francois Hollande đã “hoàn tất một câu chuyện lịch sử”, thúc đẩy các lợi ích của Pháp và châu Âu ở Cuba trong lúc quốc gia này đang dần dần cải cách về kinh tế và xã hội. Với việc rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp Pháp tháp tùng, ông không muốn chậm bước trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với Cuba. Cùng với chuyến thăm tới các nước vùng Vịnh vừa qua, ông Hollande sẽ đem lại cho nước Pháp những hợp đồng xuất khẩu với giá trị lớn, đưa ông trở thành “vua của nền ngoại giao kinh tế” với thuật ngữ “ngoại giao kiểu Hollande”.

Đi đầu về ngoại giao

Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước luôn phản đối lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cuba. Kể từ năm 1991, Pháp luôn bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc chống lại lệnh cấm vận này. Sau khi Francois Hollande lên cầm quyền, Pháp vẫn tiếp tục theo đuổi xu hướng thực hành một chính sách đối ngoại độc lập và luôn muốn duy trì vị thế của mình như một cường quốc trong quan hệ quốc tế. Pháp là nước có các phái đoàn ngoại giao lớn thứ hai thế giới (chỉ xếp sau Mỹ), và ở khắp mọi nơi, Pháp đều muốn để lại dấu ấn của mình.

Lợi thế của Pháp so với các nước phương Tây khác, chính là quan hệ ngoại giao khá thân thiện với Cuba trong nhiều năm qua. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Francois Hollande đều cho rằng Cuba chiếm một vị trí khá đặc biệt trong các đảng cánh tả của Pháp. Đó là huyền thoại về một cuộc cách mạng, lịch sử một nước nhỏ bé đương đầu với một cường quốc lớn, giáo dục, y tế cho toàn dân. Tất nhiên, Cuba không phải thuộc cánh tả theo quan niệm của ông Hollande, người theo xu hướng xã hội dân chủ ôn hòa.

Trong thời gian thăm Cuba, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm với Chủ tịch Raul Castro (phải) về việc tăng cường phát triển quan hệ song phương.

Nhưng nhìn từ Cuba, thì Pháp là bạn bè, hơn nữa hiện tại lại có Tổng thống thuộc đảng Xã hội. Thậm chí, Cuba từng là đề tài tranh luận và là đất nước thu hút khá nhiều sự quan tâm của các đảng cánh tả Pháp, trong đó có đảng Xã hội cầm quyền của ông Hollande.

Trong Liên minh châu Âu (EU), ông Hollande muốn chứng minh cho các cường quốc khác thấy rằng: Pháp là lãnh đạo về đối ngoại và quốc phòng, bất chấp vị thế đang lên của Đức. Vì thế, ông luôn rất chủ động trong mọi vấn đề Cuba, và tiến hành các bước đi tiên phong để khẳng định vai trò của nước Pháp. Chuyến đi này của ông Hollande đã cụ thể hóa tuyên bố của EU về việc khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba được đưa ra vào năm ngoái.

Thông qua cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Cuba, ông Hollande cũng gửi thông điệp đến nhiều bên. Với Mỹ, đó là một thông điệp hợp tác; trong khi đó, với các nước khác như Trung Quốc, Brazil, hay những cường quốc mới nổi đang rất nóng lòng đầu tư vào Cuba, ông Hollande “mạnh tay” khẳng định Pháp sẽ không chịu rơi vào cảnh chậm chân.

Nhật báo chuyên về kinh tế tài chính Les Echos có bài “Hollande tiếp bước Obama để nối lại quan hệ với Cuba”. Bài báo cho rằng nước Pháp của Hollande muốn thúc đẩy quan hệ với Cuba và tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Pháp tại đất nước này. Chuyến thăm của ông Hollande không chỉ giúp tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa Pháp với Cuba, mà còn tạo động lực cho việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Cuba vốn bị đóng băng từ năm 1996. Francois Hollande trên con đường chinh phục “các thị trường”. Theo đó, ông Hollande thực hiện chuyến đi lịch sử tới Cuba để bảo vệ lợi ích của Pháp và châu Âu tại đất nước đang khát khao mở cửa kinh tế này. 

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Hollande tới Cuba cũng có ý nghĩa quan trọng bởi ông là nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên tới Cuba. Một mặt, sự kiện này cho thấy sự ủng hộ của Paris đối với đồng minh Washington trong việc xích lại với La Habana, mặt khác chuyến thăm còn chỉ rõ Pháp đang có những bước đi cạnh tranh với Mỹ trong quan hệ kinh tế - thương mại với Cuba.

Tổng thống Pháp nói rằng việc nới lỏng cấm vận kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ qua sẽ giúp cải thiện nền kinh tế Cuba - “nạn nhân của lệnh cấm vận” của Mỹ từ năm 1962 tới nay. Ông cho rằng, việc bãi bỏ cấm vận là điều chủ chốt để mở cửa nền kinh tế Cuba với phần còn lại của thế giới, và cho rằng mặc dù quan hệ Cuba - Mỹ đã cải thiện, song vẫn còn rất nhiều rào cản.

Chuyến thăm của ông Hollande diễn ra vào một thời điểm đặc biệt quan trọng nhưng cũng ẩn chứa những điều bất định, trong bối cảnh Mỹ tìm kiếm khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba, còn các nước châu Âu thì đổ xô đến tăng cường quan hệ với Cuba. Tổng thống Hollande cho biết Pháp sẽ làm mọi điều có thể để được chứng kiến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt “đã gây hại nặng nề cho sự phát triển của Cuba”. Bởi vì với ông, “có những mối liên hệ lịch sử và tình cảm rất sâu sắc giữa nhân dân Pháp nói riêng, và nhân dân các quốc gia phương Tây nói chung, với nhân dân Cuba”…

Trần Quân
.
.