Sinh nhật của người đang yêu

Thứ Hai, 17/04/2017, 09:36
Có phải vì yêu mình mà thi sĩ tình yêu thấy các loài hoa đẹp nhất như đang dồn về tháng Tư để nở. Loa kèn, loài hoa muốt trắng tinh khiết, thanh cao rộ nở vào tháng cuối mùa Xuân.

Mỗi sinh nhật, tôi đều nghe đất trời, tạo vật gọi tên mình, đồng thanh tiếng vọng bản nguyên trong tâm hồn hoà thanh muôn tiếng thánh thiện từ 6 cánh loa kèn mở sáng…

Người sinh ngày 4-4 biết rất nhiều tài danh cùng được ra đời vào tháng Tư. Những ngôi sao chiếu mệnh, sự thụ tạo và ra đời của mỗi sinh linh là kết tinh gen ADN của mẹ cha, dòng họ cho đứa bé sơ sinh hiện diện ở thế giới này, trong hành tinh Trái đất. Loài thượng đẳng nhất trong các loài của trần gian là hiện thân của những kì diệu, trong đó có Tình yêu. 

Không chỉ riêng người mới biết yêu, có tình yêu, nhưng chỉ với con người, ở loài người, tình yêu mới thăng hoa và sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật, công trình vĩ đại hội tụ bởi trí tuệ, sáng tạo, khát vọng. Chữ Yêu và Tình yêu, trong ý nghĩa sâu sắc, mang nội hàm rộng lớn và đa dạng.

Giữa thời đại nhiễu loạn giá trị ảo, giả, rởm có khi lấn át sự thật, cảm xúc - tình cảm cũng bị lợi dụng và đánh tráo, thì ý nghĩa của sự trong sạch và chân thật là của hiếm. Những gì đích thực luôn cần chăm chút, nâng niu, gìn giữ. 

Ảnh trong bài: Đình Nguyễn.

Tôi không tin những ai yêu người khác quên/coi nhẹ bản thân, phải biết yêu mình từ chính ngày sinh nhật, ngày ta được chào đời, hiện diện trần gian. Song đâu phải ai cũng có ngày sinh nhật thật, không hiếm người không biết giờ, ngày, tháng sinh chính xác, do cha mẹ lạc hậu, không để tâm, hoàn cảnh… 

Lại khá nhiều người cố ý giấu sinh nhật thật; hoặc công bố ngày sinh, nhưng kiên trì che giấu năm sinh, hòng giấu tuổi. Nhạc sĩ Phú Quang có ca khúc Sinh nhật đen. Ông kể tích sáng tác ca khúc này. Do ông ra đời tại Cẩm Khê, Phú Thọ khi gia đình tản cư thời kháng Pháp. 

Sinh con út vào 8 tháng 7, nhưng 13 tháng 10 mẹ ông mới ra Ủy ban xã làm giấy khai sinh, ông cán bộ xã máy móc bắt người phụ nữ 46 tuổi phải lấy ngày khai sinh làm ngày con ra đời, không thì ông ấy không làm giấy cho vì “tội ra muộn”. 

Thế nên trên giấy tờ, nhạc sĩ những tình ca về Hà Nội sinh 13/10/1949. Còn tôi - kẻ thật thà, ngày sinh chính xác ghi trên mọi giấy tờ tuỳ thân, trên bìa gấp các cuốn sách cá nhân, và ở những nơi cần công bố chi tiết về tác giả. Vậy có phải là sinh nhật trắng không?

Sinh nhật trắng vào mùa hoa trắng năm nay của tôi lại có sự kiện đặc biệt, đúng ngày Hội Nhà văn Việt Nam (VN) kỉ niệm 60 năm ra đời. Kẻ say mê và theo đuổi văn chương suốt đời lại trùng sinh nhật đúng ngày sự kiện quan trọng của Hội nghề nghiệp lớn nhất nước, thường nghĩ như được run rủi một phần thưởng đặc biệt cho riêng mình. 

Mỗi năm đi qua, tuổi đời tăng lên, cuộc sống và thế giới xung quanh đổi khác, nhận ra và không nhận ra, song không có gì mãi bất động. Bởi vậy, sứ mệnh của kẻ sáng tạo nhất thiết phải đổi mới, lặp lại chính là sự cũ kỹ, ngán ngẩm nhất. 

Một trong các yếu tố quyết định đối với cây bút chuyên nghiệp và đam mê thực sự với nghệ thuật là phải biết gọi cảm hứng đến, không ngừng bồi tụ hiểu biết và tri thức, đòi hỏi cao ở bản thân, tự thúc giục và khắt khe với chính mình, phải yêu và biết yêu không ngừng. 

Năm 2008, tôi xuất bản tập thơ song ngữ Việt - Anh ViLi in love và trình diễn tại Vancouver, Canada vào mùa Đông năm ấy. Tất cả những chuyến đi nước ngoài của tôi tính đến nay, đều với mục đích khuếch tán vẻ đẹp của ngôn ngữ và tâm hồn Việt. Là nhà thơ VN đầu tiên có tour trình diễn thơ ở 7 nước châu  Âu, dấu mốc sự kiện là điểm nhấn, kí ức đẹp đẽ, vô giá thời tuổi trẻ. 

Từng con phố cổ, từng mét đường đá đen ghi giữ dấu vết của những nhân vật lớn nơi kinh đô Ánh sáng Paris. Tôi rất ấn tượng với vòm ga tàu điện ngầm Sorbonne, và các ga kề đấy có thời gian trưng chữ ký của các văn hào, thi hào lớn của nước Pháp và thế giới như: O.Balzac, V.Hugo, M.Proust, Molière, được du khách khắp nơi chiêm ngưỡng, chụp ảnh và nhìn ngắm. 

Chữ ký của mỗi nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng là bản sắc, phong cách và thông điệp qua mỗi tác phẩm. Chữ ký từ huyết mạch lưu đời còn lớn hơn chữ ký trên ngân phiếu, tấm sec của đại gia, tài phiệt, ông trùm quyền lực, bởi nó không chỉ là vật chất biểu thị sự giàu có, mà là tài sản của xã hội, của nhân loại, tài sản vô giá để lại cho con, cháu… 

Một sức sống bất tận, một sức sống không thời gian khi tác giả qua đời. Tôi thầm mong sẽ có ngày cùng các con sang Pháp, trở lại các thành phố cổ kính ở châu  Âu. Không gì đáng quý và sống lãi hơn bằng sự thông hiểu, mở mang khi được đi nhiều, biết nhiều nơi đẹp, đầy văn minh, các loại hình nghệ thuật được đề cao, tôn kính. 

Sự mở rộng sâu kiến văn qua nhiều kênh, trong đó chủ lực là đọc - xem - đi là cách để tôi nuôi xúc cảm, có những gợi ý sáng tạo và nảy nở ý tưởng để viết. Dù suy giảm độc giả và suy thoái những giá trị, tôi vẫn tin vào quyền năng vô bờ của văn chương và muốn dồn sức lực của mình cho sáng tạo sau thời gian làm thiên chức của gia đình.

Có quá nhiều ý tưởng, dự định, tâm huyết chờ tôi với trang giấy gọi mời. Dù viết tay hay đánh máy, chữ phải mang ADN của chính mình, chữ nảy chồi, sinh sôi từ thiên lương hướng đến những gì cao khiết, tinh sạch và nhất định không thể tầm thường, mà phải vượt trên bình thường, là sự siêu thường, chưng cất mọi tinh tuý, đẹp đẽ của cuộc đời. Trắng tổng hợp của mọi sắc màu, màu giấy trắng có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi. 

Không được phép lãng phí giấy. Giấy viết, giấy in sách làm từ cây, viết dở, viết chán là gây lãng phí thời gian của người đọc, nếu không nói là ăn cắp niềm tin, cảm hứng của họ, là một kiểu “lâm tặc”, bởi phá rừng, bởi những cây hạ xuống làm nên những trang giấy uổng phí.

Mấy ai trên đời không thích quà tặng, dù cách biểu thị khác nhau. Chẳng riêng nghệ sĩ, mọi ngành nghề, công việc có ích trên đời đều do người lao động đã chăm chỉ, tận tâm làm ra sản phẩm, thành quà tặng cho cộng đồng, xã hội. 

Thành phần lao động trí não, nhất là nghệ sĩ sáng tạo thì vất vả, cực nhọc triền miên, đi với nhiều thiệt thòi vì giảm sút về sức khoẻ và tuổi thọ, khi dồn chất xám, sức lực, cắt giấc ngủ và thời gian cho bản thân, gia đình mỗi khi phải tập trung cho tác phẩm ra đời. Sự hao tổn ấy là cuộc đánh đổi đắt giá. Thiếu gì nghệ sĩ nửa vời, háo danh, chỉ khoác lên mình danh từ nghề nghiệp làm đồ trang sức để ra vẻ, khoe khoang. 

Không quá lời khi nói: kẻ không bao giờ sờ vào cuốn sách, nghe một bản nhạc, cả đời không biết đến nhà hát, rạp chiếu phim, lại xem thường nghệ thuật, coi rẻ nghệ sĩ là đám đông u tối, nghèo khổ về tinh thần, nếu không muốn nói là thiểu năng văn hoá. Sẽ khuyết tật tâm hồn nếu không biết yêu, không có đắm say gì suốt cuộc đời, không có gì để quan tâm, hào hứng chờ đón, ngoài sự tự bủa vây tham lam, dục vọng.

ViLi lúc nào mà chẳng đang yêu, từ tuổi trẻ ngao du châu  Âu, đến lúc làm đêm diễn cuộc đời ở Nhà hát Lớn. Lùi thời gian từ tập ViLi in love về 10 năm trước, năm tôi sáng tác Người dệt tầm gai, cũng là năm sản xuất phim nghệ thuật kinh điển gây chú ý khắp thế giới Shakespeare in Love

Phim của đạo diễn John Madden, dẫn đầu về 13 đề cử và 7 giải Oscar tại lễ trao giải Oscar lần thứ 71 (3-1999, gồm: giải Phim truyện hay nhất, Phim hay nhất, Hình ảnh đẹp nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp nhất). 

Cho đến giờ, gần 20 năm kể từ lần đầu xem tuyệt phẩm ấy, tôi vẫn còn giữ nỗi xúc động khi nghĩ đến cảnh chàng trai Shakespeare nhúng bút vào lọ mực, mực cáu đen kẽ ngón tay, viết ngày đêm vở kịch, từ lúc mở đầu không như ý, tới lúc gặp nàng thơ của mình, và tình yêu nồng cháy của họ là nguồn cảm hứng lớn để Shakespeare có chất liệu tạo nên kiệt tác Romeo và Juliet. 

Chuyện tình lãng mạn xảy ra tại London, mùa Hè năm 1593.  Nàng Viola de Lesseps (Gwynet Paltrow), tiểu thư con nhà giàu đã cải trang nam giới để đến với chàng trai kiệt xuất, tác giả của những vở kịch mà nàng vô cùng yêu thích. Cảnh hai người yêu nhau trong phòng viết của Shakespeare (Joseph Fiennes) là một trong những cảnh gây ấn tượng nhất qua hàng trăm bộ phim điện ảnh giá trị mà tôi đã từng thưởng thức. 

Đến giờ, người đàn ông sinh và mất tháng Tư, cách tôi hơn 400 năm ấy, vẫn là người đang yêu. Bởi du khách và các lứa đôi khắp thế giới khi đến Anh, đều nhắc và tìm đến những nơi có dấu ấn của ông, đến ban công nơi nhân vật của ông hò hẹn.

Loa kèn không dịu dàng bên thiếu nữ áo dài trắng, như Tô Ngọc Vân đã vẽ sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), danh họa gọi loa kèn là huệ tây (lys). Loa kèn là loài hoa mang âm thanh, tiếng gọi, sự thuần khiết mãnh liệt, tinh tế và cổ điển, gần gũi, giản dị mà hiện đại. Hương thơm từ nhuỵ vàng, diệp lục từ lá xanh, và màu trắng của loa kèn luôn làm tôi thích thú, tựa màu trắng của những trang giấy mới.

Mỗi đời người bao lần sinh nhật? Không ai khẳng định được số lần ấy, như không thể biết trước số năm sống của mình. Nhưng ta định đoạt được mình sinh ra, sinh tạo gì.

Mỗi xúc động, mơ mộng thơ ngây, niềm hào hứng cuồng say săn tìm cái đẹp là ý nghĩa, động lực sống của tôi, hằng sống như người đang yêu, đang được yêu. Tin vào chính mình, vào những gì mình cảm động, hướng tới thì mới kết nối, truyền lưu được niềm tin trong lòng độc giả.

Từ khi còn trẻ đến khi bước vào tháng sinh nhật tuổi 37, có hai con, hai tác phẩm lớn nhất đời mình, tôi vẫn nghĩ: phải có những tác phẩm sáng giá để lại cho con. Mỗi lần cho ra đời một tác phẩm hay, nhà thơ, nghệ sĩ như được sinh ra lần nữa.

Tác phẩm là căn cước, hộ chiếu tâm hồn của nghệ sĩ. Không gì nguỵ tạo, giấu che, đổi khác được bản thân tác giả qua câu chữ, nếu có sự dối trá của lương tri và trái tim. 

Hãy nghĩ sau mỗi đêm thức để viết, thức chăm con, mỗi sớm mai mình như được sinh ra, sinh những cảm xúc, ý nghĩ, cảm hứng mới, không khi nào để nguội tắt lửa tình của người đang yêu, như Shakespare, kịch tác gia vĩ đại, cha đẻ 38 vở kịch (đã dịch ra nhiều ngôn ngữ và diễn qua nhiều nước trên thế giới), là thi sĩ tài danh với khoảng 154 bài thơ sonnet, đã viết: “Anh thì sao? Sống gần em là thế/ Mà chẳng viết được gì đáng kể/ Nhưng anh nhầm: Tình yêu là đứa trẻ/ Đang sức lớn, đòi người yêu cũng thế/… Nếu tôi sai và thơ tôi nói dối/ Thì tình yêu và thơ không có nổi/ Tình yêu có thể làm nóng suối/ Mà nước chẳng làm lửa tình tôi nguội. (Sonnet 106).

Không ai chống được quy luật sự tàn phá của thời gian. Không ai, chẳng vĩ nhân, mĩ nhân nào tìm nổi phép lạ để trẻ mãi không già. Sự khốc liệt, căng thẳng của cuộc sống dễ bào mòn, biến đổi suy nghĩ, quan niệm, tính cách, lối sống của  chúng ta. Hình như nghệ sĩ đích thực có thể chống lại các giới hạn bằng đức tin và ước mơ, vì sự lãng mạn tuyệt vời cho họ, năng lượng sáng tạo và sống sau khi chết nếu để lại tuyệt tác. 

Bây giờ, sau 21 năm cầm bút, tôi vẫn đầy thao thức mỗi khi nghĩ ra được một tứ thơ hay, một câu từ mới. Vẻ đẹp của thi ca luôn mong manh và thiên thần với bao rung động trong trẻo, bay bổng và sức mạnh nhiệm màu nhất. 

Giống sự kì diệu của cái đẹp miêu tả cô bé Nga chớm tuổi dậy thì trong trắng với làn da màu hồng mà tôi đã đọc Hơi thở nhẹ của Ivan Bunin qua bản dịch tuyệt vời của Phan Hồng Giang, thời thiếu nữ ngày nào. 

Vi Thùy Linh
.
.