Sau bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ: Cuộc chiến mới đã bắt đầu

Thứ Tư, 28/11/2018, 10:22
Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã khép lại khá lâu, với những kết quả không có gì bất ngờ đối với giới quan sát quốc tế. Và, bây giờ là thời điểm các phe phái tận dụng những gì đã giành được trên các lá phiếu, cụ thể hóa nó thành những trận “minh tranh ám đấu” trên chính trường.

“Phát súng” đầu tiên

Quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn luôn bị thách thức bởi phe đối lập. Nhưng, có lẽ việc ngày 19-11, thẩm phán Jon Tigar của Tòa án Liên bang tại San Francisco lên tiếng chính là phản ứng mang tính chính trị đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử vừa khép lại.

Trong phiên sơ thẩm hôm ấy, thẩm phán Jon Tigar đã yêu cầu một quan chức Bộ Tư pháp chứng minh sắc lệnh (về hạn chế dòng người nhập cư trái phép từ Mexico) là đúng đắn và dựa trên dẫn chứng xác thực, đồng thời hé lộ rằng ông đang cân nhắc việc tạm đình chỉ sắc lệnh này.

Jon Steven Tigar, sinh ngày 8-10-1962, được bổ nhiệm ngày 18-1-2013 bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, không nghi ngờ gì nữa, là một nhân vật thuộc phe Dân chủ. Ông có đầy đủ lý do để phản đối sắc lệnh mà đương kim Tổng thống Donald Trump có quyền hạn chế người nhập cư bất hợp pháp, nếu nhận thấy tình trạng này đe dọa lợi ích quốc gia.

Đây là sắc lệnh nhận được sự hoan nghênh và đồng thuận của không ít giới chức Mỹ, cũng như đông đảo công dân Mỹ (kể cả các công dân Mỹ gốc Việt) có chung một đòi hỏi: Đồng tiền đóng thuế của họ phải được “tiêu xài” đúng mục đích thực tế - nghĩa là nâng cao đời sống của họ, chứ không phải dành để “phung phí” vào những mục tiêu khác, phục vụ những nhóm người khác không đóng góp gì vào ngân quỹ nước Mỹ.

Trong sóng gió chính trường.

Song, sắc lệnh ấy cũng bị phản đối dữ dội bởi cả những người có khuynh hướng nhân đạo, những nhà hoạt động xã hội lẫn những chuyên gia luật pháp. 

Phản ứng của Jon Tigar là tiếng đồng vọng với những lời kêu gọi ấy, những người chỉ ra rằng sắc lệnh kia không chỉ quá khắc nghiệt, mà còn xung đột với Luật Nhập cư và Quốc tịch Mỹ. Bởi vì, theo luật này, tất cả những người nhập cư đến Mỹ từ các quốc gia khác, dù nhập cư bằng hình thức nào, đều có quyền được xin tị nạn.

Như vậy, vướng mắc chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề mà ông muốn giải quyết “rốt ráo” này là ông không có đủ công cụ pháp lý. Ông chỉ có thể ra sắc lệnh, còn nếu muốn sửa đổi luật, ông lại phải đạt được sự đồng thuận cao tại Đồi Capitol (nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ).

Và hiện tại, đó là điều không tưởng. Hay nói đúng hơn, với mọi Tổng thống Mỹ, điều đó gần như là sứ mệnh bất khả thi. Đó luôn là “chiến trường” để hai phe Dân chủ và Cộng hòa giao tranh, với những thứ vũ khí vô hình nhưng đầy khả năng hủy hoại.

Trước mắt, hàng nghìn người di cư từ Mỹ latinh đã áp sát biên giới Mỹ - Mexico. Bất chấp biên giới đóng chặt, bất chất 4.800 binh sĩ Mỹ đã được huy động, bất chấp có nguồn tin hé lộ rằng số binh sĩ ấy đã được Nhà Trắng “bật đèn xanh” trao quyền hành động, đoàn người vẫn cứ tiến lên, tìm kiếm một cơ hội đổi đời.

Cơ sở để họ tin rằng họ được phép bước chân vào lãnh thổ Mỹ chính là Luật Nhập cư và Quốc tịch Mỹ. Hậu thuẫn cho họ là những sự thôi thúc của lòng trắc ẩn cùng các lý do nhân đạo. 

Những hình ảnh theo chân họ khắc họa niềm tin, hy vọng, nỗi khổ não và cả tương lai bi thảm nếu không phải chấp nhận đã tràn ngập các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế suốt cả tháng qua. Nếu họ bị chặn lại? Nếu họ bị đàn áp? Nếu họ phản ứng? Nếu quân đội Mỹ buộc phải sử dụng vũ lực với họ?...

Khó có thể đong đếm được hết những hệ quả tiếp nối, đối với hình ảnh của chính quyền Mỹ. Thế nhưng, như tất cả đều biết, đương kim Tổng thống Mỹ là một người kiên định. Kiên định đến mức đôi khi trở nên cực đoan.

Biên giới Mỹ - Mexico nóng bỏng với những đoàn người nhập cư.

Chiến trường tiếp diễn

Có điều, câu chuyện về đoàn người nhập cư hàng chục nghìn người (với khoảng 2.300 trẻ em) ấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong một bức tranh toàn cảnh đầy mâu thuẫn của chính trường Mỹ. Đó sẽ chỉ là một trong những công cụ để các chính trị gia đối lập tước bớt quyền lực của ông Donald Trump, hay ít nhất cũng làm ông chệch hướng.

Đảng Cộng hòa của ông, sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đã củng cố được ưu thế ở Thượng viện. Bù lại, họ đánh mất đa số cũng như quyền kiểm soát Hạ viện vào tay các đối thủ đảng Dân chủ. Ngài Tổng thống khẳng định rằng đây là “một thắng lợi to lớn” dành cho đảng Cộng hòa, bởi “điều này gần như chưa bao giờ xảy ra”. Song, thực tế là ở những động thái tiếp theo, ông đã phải sẵn sàng cho những cuộc “giao tranh” mới.

Ví dụ, trong khâu điều chỉnh nhân sự nhằm mục tiêu “trở nên linh hoạt hơn”, quyết định loại bỏ Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bị các nghị sĩ phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Họ xới lên một câu chuyện cũ còn chưa khép lại, để nhấn mạnh rằng quyết định này hoàn toàn có thể làm ngưng trệ cuộc điều tra liên bang về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khi ông Donald Trump đắc cử.

Ví dụ, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự tính tăng lãi suất theo lộ trình cho phép nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng, trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát, dựa trên những chỉ dấu tích cực về tăng trưởng từ thực tế, thì Tổng thống Donald Trump lại chỉ trích gay gắt quyết định này. Ông “kết tội” FED đi ngược lại những nỗ lực kích thích tăng trưởng của mình, khi mà tỷ lệ lạm phát vẫn còn ở mức thấp.

FED và tính độc lập của nó, xưa nay, vẫn luôn là truyền thống bất di bất dịch bảo đảm tính ổn định của nền kinh tế Mỹ. Tất yếu, khi có một tổng thống muốn tác động và thay đổi truyền thống đó, những sức phản chấn sẽ xuất hiện.

Hai ví dụ trên và cả câu chuyện về người nhập cư, có lẽ đã là đủ để phác họa sự khốc liệt trên chính trường Mỹ. Nhìn lại quá khứ, bất cứ ai, không cần phải là một chuyên gia, cũng có thể cảm nhận được rằng quãng thời gian sắp tới sẽ khó khăn đến đâu đối với đương kim Tổng thống Mỹ.

Kể cả khi ông vẫn duy trì được sức hút đáng nể của mình đối với số đông quần chúng, nhờ những cải thiện về mặt kinh tế - xã hội, chính trường vẫn tiềm ẩn những cạm bẫy khác. Tương tự người tiền nhiệm Barack Obama, việc để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe đối lập có thể là tiền đề của không ít trắc trở.

Ở nhiệm kỳ sau của mình, không ít lần, cựu Tổng thống Barack Obama đã phải nhượng bộ để tránh việc chính phủ phải tạm đóng cửa (do Quốc hội không thống nhất được ngân sách hoạt động). 

Cũng có những lần, điều đó vẫn cứ trở thành hiện thực. Có những lần khác, ngài Obama thậm chí phải dọa sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống để chống lại các dự luật đi ngược với đường lối của mình mà phe Cộng hòa đề xuất. Nhưng, rốt cuộc, khi ra đi, ông vẫn không thể bảo vệ nổi “đứa con tinh thần” mang tên Obamacares (Gói hỗ trợ xã hội về y tế). 

Tất cả những nguy cơ đó, từ không thể thông qua dự luật mới đến không có ngân sách cho chính phủ hoạt động, đều có thể lặp lại với đương kim Tổng thống Donald Trump. Ông sẽ phải vượt qua được những thách thức ấy, không chỉ bằng sự cứng rắn mà bằng cả khả năng chấp nhận thỏa hiệp cũng như sự khôn khéo trong đàm phán.

Bởi vì, 2 năm nữa thôi, đã lại là một cuộc chạy đua mới vào Nhà Trắng. Nếu thực sự muốn hoàn tất những gì mình đã khơi dậy, ông cần phải tiếp tục ngồi ở đó, trung tâm quyền lực.

Nhưng, tháng 12-2016, ngay khi ứng cử viên Hillary Clinton chấp nhận thất bại, đã có những cảnh báo từ giới phân tích: “Đảng Dân chủ sẽ trở lại, sẽ học từ thất bại, và sẽ làm tất cả những gì có thể để cản đường Donald Trump”...

Đông Phong
.
.