Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11):

Sang sông thì bắc cầu kiều

Thứ Bảy, 15/11/2014, 10:21

Ở đời mỗi chúng ta ai chẳng đã từng một lần đi học. Người học nhiều, người học ít; dài hạn hay ngắn hạn; học trên ghế nhà trường hay ở những lớp dạy nghề, truyền nghề…, tất cả đều lưu lại trong mỗi người một kỷ niệm khó quên về những người thầy, người cô đáng kính. Ngày nay, trong xã hội học tập: con đi học, cha mẹ đi học và thầy cô cũng tiếp tục học. Chiếc “cầu kiều” trong ca dao xưa vì thế không chỉ là lời răn của cha mẹ mà đạo thầy trò đã trở nên rộng và gắn kết sâu hơn với nhiều thành viên trong gia đình…

1.      Bồng bồng mẹ bế con sang
        Đò dọc quan cấm,
                        đò ngang không chèo
        Muốn sang thì bắc cầu kiều
        Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Không rõ câu ca trên có từ khi nào nhưng dụng ý răn dạy của các bậc cha mẹ đã khái luận rất rõ quan điểm “muốn con hay chữ” thì “yêu lấy thầy”. Các cụ cũng xếp vai trò của người thầy chỉ đứng sau cha mẹ khi đúc kết “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Ở khía cạnh khác, “ơn thầy” là khái niệm không thể đong đếm nhiều ít bởi ý nghĩa và giá trị cao đẹp “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Từ ý những câu ca cho thấy người xưa đã trọng đạo thầy trò trong ba môi trường giáo dục (gia đình - nhà trường - xã hội), lấy đạo lý, trí thức, lễ văn của nhà giáo trong mối liên hệ giáo dục con người. Cũng bởi truyền thống ấy mà sự học, sự giáo dục ở ta dù mỗi thời một sắc thái khác nhau nhưng đều kế tục trên nền tảng sâu bền, lấy sự dạy chữ, rèn người làm trọng trong sự hình thành, phát triển nhân cách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi “đi tìm hình của nước”, Người đã làm nghề dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Trong cuốn Búp sen xanh, đoạn nói về ngày chia tay mái trường, nhà văn Sơn Tùng nhắc đến lá thư để lại của thầy Nguyễn Tất Thành: “Thầy biết là các trò rất yêu mến thầy. Nhưng thầy không thể ở lại trường Dục Thanh dài hơn nữa, dạy thêm cho các trò những bài học, kể thêm những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa cho các trò nghe. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập, tự do kêu gọi thầy dấn bước ra đi”. Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ có rất nhiều bài viết, bài nói chuyện căn dặn các thầy, cô giáo và học sinh.

Tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và hội nghị sư phạm vào tháng 7/1956, Bác Hồ nói về trách nhiệm của thầy cô giáo: “Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò”. Bác động viên thầy, cô giáo và cán bộ, nhân viên ngành giáo dục rằng: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất”. 

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước khi trở thành vị tướng lỗi lạc thì ông từng là giáo viên môn Lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội. “Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo” - đó là lời khẳng định của Đại tướng với phóng viên Báo New York Time năm 1990.

Xem thế thì nghề vẻ vang - nhà giáo vốn đã là cơ duyên, một điểm hẹn ý nghĩa trong hành trình những tên tuổi vĩ đại của dân tộc.

Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội.

2. Tôi nhớ những câu thơ của Vũ Đình Minh trong cuốn sách ố vàng nói về nỗi nhớ những ngày dạy học ở rẻo cao:

Bạn ở Nà Giàng mùa đông về sớm hơn
Học trò có nhớ mang rơm cho các
                                    thầy trải ổ
Cái lạnh căm căm tỏa từ hang đá
Cái lạnh run tay tỏa từ trong mưa…

Không rõ bài thơ này Vũ Đình Minh viết năm nào nhưng ý thơ gợi lại bao gian khó của thầy và trò thời bao cấp. Hình ảnh “học trò có nhớ mang rơm cho các thầy trải ổ” không hề là sự nói quá khi mà các trường học ở miền núi thời kỳ đó đều được làm từ tranh tre vách đất, mỗi thầy, cô giáo ở lại khu nội trú trường học sang mùa đông giá rét đều phải “trải ổ” gồm rơm, lá chuối khô, tạo thành “nệm thiên nhiên” ngay dưới lớp chiếu cói mỏng tang.

Bây giờ giáo dục là quốc sách, trong mỗi gia đình là thượng sách. Xã hội học tập, con đi học, cha mẹ đi học, thầy cô cũng tiếp tục học khiến chữ “cầu kiều” không chỉ là lời răn dạy của cha mẹ dành cho con. Lịch sử giáo dục nước nhà kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới nay đã kiểm nghiệm qua 3 cuộc cải cách với rất nhiều thay đổi. Tháng 5/1950, cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất được thực hiện. Cuộc cải cách giáo dục thứ hai diễn ra vào tháng 3/1956, hệ thống giáo dục cũ được sáp nhập thành hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba bắt đầu vào năm 1979 với mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, thống nhất trong cả nước từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học. Ngày 4/11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 29-NQ/TW với mục đích đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Muốn có trò giỏi, cần những người thầy giỏi. Chiến lược đào tạo thầy giỏi đã được bắt tay kể từ sau đổi mới, trong đó bằng cấp, trình độ là một thước đo. Tới nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính riêng tại các trường đại học, cao đẳng, số người có học hàm giáo sư là 517 người, phó giáo sư là gần 3.000 người. Tổng số giảng viên có học vị tiến sĩ là 9.562 người. Còn tính chung, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Tuy nhiên, đó là nhìn về số lượng. Một trong những kiểm chứng là đánh giá thông qua các sáng chế, phát minh khoa học và ấn phẩm khoa học. Theo thống kê của Viện Thông tin khoa học (ISI), chỉ tính 15 năm (1996-2011) Việt Nam mới có hơn 13 nghìn ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của Malaysia và 1/10 của Singapore. Về sáng chế, trong 5 năm 2006 - 2010, cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại cục sở hữu trí tuệ. Việt Nam có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế, trong khi Singapore có 647 bằng sáng chế, Malaysia 161 bằng sáng chế, Thái Lan có 53 sáng chế… Đó là những thông số rất đáng suy ngẫm.

Ba cuộc cải cách kéo dài hơn 60 năm nhưng sự đổi mới vẫn phải tiếp diễn. Ngày 18/10/2014, trong buổi gặp gỡ, trao đổi với giáo viên, học sinh tỉnh Đắc Nông, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đặt câu hỏi: “Vì sao phải đổi mới?”. Theo ông, qua 3 lần cải cách giáo dục, Trung ương rút ra những lần cải cách đó không đụng chạm đến phương thức giáo dục: “Phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn như 50-60 năm qua, tức là tiền bối dạy sao, ta dạy lại thế hệ sau như thế. Vẫn cứ một phương thức quen thuộc là thầy đọc - trò chép, đến ngày thi, học sinh lại chép lại những điều học thuộc”. Và phương thức ấy đã đến lúc cần thay đổi.

3. Trong Lễ khai giảng năm học 2014-2015, Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đem đến một thông điệp hoàn toàn mới cho học sinh. Không phải là bài diễn văn truyền thống, thầy Văn Như Cương thổi vào học trò tình yêu quê hương, đất nước từ những vấn đề nóng bỏng hôm nay: “Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt…”.

Khi mà nhiều người đang lật tìm từ Đông sang Tây xem mô hình giáo dục nào là hiệu nghiệm để có thể vận dụng thì chính những cách làm xuất phát từ thực tiễn, từ nền tảng văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt như nêu trên là cách đi gần nhất và sát nhất. Hóa ra, một chân lý nhắc lại không thừa: Lối đi ngay dưới chân mình. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nghĩ về tình thầy trò, nhớ ca dao, tục ngữ ngợi ca đạo hiếu thì vận lại triết lý ấy ý nghĩa lắm thay!

An Nhi
.
.