Sách in vẫn còn ăn khách

Thứ Hai, 18/02/2013, 15:09
Theo tác giả Nicholas Carr trong bài đăng trên báo Mỹ The Wall Street số ra đầu tháng 1/013, thời hoàng kim của sách điện tử đã chìm vào dĩ vãng.  Doanh số bán hàng của loại sách này đã không còn ở mức ngất ngưởng nữa. Độc giả hiện nay lại vẫn muốn lần giở từng trang sách in trên giấy để đọc.

Những người hâm mộ sách in đừng buồn! Những tin cảnh báo về cái chết của sách in trên giấy dường như đã bị phóng đại quá đáng… Cuộc khảo sát mới được tiến hành gần đây cho thấy, trên thực tế, trong năm 2012 chỉ có 16% người Mỹ đã mua sách điện tử.

Năm năm trước đây, khi nhà bán lẻ trực tuyến Amazon cho ra mắt sách điện tử Kindle của mình, không ít các chuyên gia và những người hay té nước theo mưa đã đồng loạt lên tiếng dự báo rằng, tương lai của ngành xuất bản là ở trong công nghệ kỹ thuật số. Các giả định về việc con người sẽ sớm chuyển từ đọc trên trang giấy sang đọc trên màn hình, rất khác nhau.

Tuy nhiên, các chuyên gia đó đã thống nhất với nhau ở một điểm: tất cả họ đều tin rằng, công nghệ số, sau khi đã thâm nhập vào thế giới của âm nhạc, hình ảnh và lập bản đồ, cuối cùng sẽ giành tiếp chiến thắng cả trong thế giới sách. Theo dự báo ở thời điểm năm năm trước đây từ một phương tiện truyền thông, tới năm 2015 các cuốn sách in theo kiểu thông thường sẽ biến mất.

Thế nhưng, sau khi e-book đã đột nhập vào cuộc sống của chúng ta tới cả một thập niên rưỡi, thì ở thời điểm hiện tại, đột nhiên lại xuất hiện những dự báo lạc quan hơn về tương lai của sách in thông thường. Những tập sách in bìa cứng thông thường hóa ra là có sức sống rất bền dai. Không ngẫu nhiên mà doanh số bán hàng của sách điện tử gần đây đã bị giảm đáng kể.

Các cuốn sách điện tử hiện không còn được cần tới nhiều nữa vì khách hàng đang có nhu cầu mua những máy tính bảng đa chức năng. Trong tương lai không loại trừ rằng, sách điện tử không thể xóa bỏ các ấn phẩm in truyền thống: rốt cuộc với chúng sẽ xảy ra điều đã từng xảy ra với họ là về các vấn đề tương tự như với sách âm thanh. Chúng sẽ được sử dụng như những công cụ bổ sung cho các cuốn sách thông thường, và sẽ tồn tại song hành cùng nhau.

Minh họa: Tô Chiêm.

Người Mỹ hiện nay gắn bó thế nào với những cuốn sách cổ điển? Hãy thử xem kết quả một cuộc thăm dò xã hội do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành vào tháng cuối năm 2012. Theo các dữ liệu vừa được công bố, trong năm qua, số lượng người lớn đọc sách điện tử chỉ tăng nhẹ từ 16% lên 23%. Tuy nhiên, cuộc khảo sát đó cũng chỉ ra rằng, có tới 89% lượng độc giả  được hỏi ý kiến trả lời rằng trong năm 2012, họ đã đọc ít nhất là một cuốn sách in. Còn tỉ lệ những người trong năm qua đọc ít nhất là một cuốn sách dưới dạng điện tử chỉ ở mức 30%.

Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà xuất bản Hoa Kỳ, trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng hàng năm của e-book đã giảm mạnh - khoảng 34%. Tự thân mức độ đó không phải là tồi, nhưng nếu so với các con số có ba chữ số đặc trưng cho sự tăng trưởng doanh số bán hàng trong bốn năm trước đó, thì mức độ suy giảm này có thể được xem như là một sự  tụt dốc…

Sự bùng nổ ban đầu trên thị trường sách điện tử nói chung hiện đang bắt đầu bị đánh giá như một hiện tượng lệch chuẩn. Những người thoạt tiên đã rất tích cực vận động cho việc giới thiệu các công nghệ này (họ chỉ là số ít, nhưng lại rất nhiều nhiệt tình), ngay lập tức đã chuyển sang các công cụ tiện ích này và nhanh chóng quen thuộc với chúng. Nhưng ta cũng không nên mong đợi một sự phổ biến tương tự như vậy trong tương lai. Như cuộc thăm dò ý kiến công chúng vào năm 2012 do Trung tâm nghiên cứu thị trường Bowker tiến hành, trên thực tế, chỉ có 16% người Mỹ đã mua sách điện tử. Và, rất đáng ngạc nhiên là, 59% số người được hỏi ý kiến đã nói rằng họ “không có ý định” để mua chúng…

Ở thời điểm hiện tại, có thể số lượng sách điện tử bán được bị giảm bởi người tiêu dùng đang chuyển sự quan tâm sang các máy tính bảng. Theo nhận định của các chuyên gia  nghiên cứu thuộc Công ty IHS iSuppli, trong năm 2012, doanh số bán hàng của sách điện tử đã giảm 36% trong bối cảnh nhu cầu mua máy tính bảng tăng mạnh. Sách điện tử đã bị sức hấp dẫn của nó, trong khi nó phải cạnh tranh với những hình thức giải trí khác dễ nhá hơn như games, phim ảnh và các mạng xã hội đang ngày một trở nên dễ tiếp cận hơn nhờ những thiết bị mới như iPad và Kindle Fire. Ngoài ra, các  e-book sau khi đã đọc xong rồi thì không thể được bán hay tặng cho bất cứ ai khác, và đây cũng là yếu tố càng khiến nó bị giảm giá trị.

Tuy nhiên, ngoài những lý do mang tính thực dụng dẫn tới sự suy giảm nhu cầu về sách điện tử, rõ ràng, vẫn còn có những nguyên nhân khác nữa. Có lẽ chúng ta đã hiểu chưa đúng lắm về bản chất của sách điện tử.

Ngay từ đầu, người mua sách điện tử đã có xu hướng nghiêng về sách văn học giải trí và sự dịch chuyển về hướng thể loại sách này đã không hợp lý. Số lượng tiểu thuyết đã chiếm gần hai phần ba tổng doanh số. Trong danh sách best-seller của các sách điện tử chủ yếu thuộc dạng tiểu thuyết kinh dị hoặc diễm tình. Rõ ràng là, những cuốn sách như thế thì đọc từ màn hình tiện lợi nhất mà thông thường, trên thị trường sách in dành cho người đọc đại chúng, thường được bán dưới dạng bìa mềm trong các siêu thị và tại các sân bay.

Về hình thức thiết kế thì loại sách này thuộc loại “mì ăn liền”, đọc xong một lần là bỏ đi. Khi chúng ta đọc loại sách này tới trang cuối cùng, gập chúng vào rồi, thì chúng ta hoàn toàn không muốn đọc lại nữa, cũng không muốn lưu giữ lại làm gì. Đôi khi chúng ta thậm chí cảm thấy xấu hổ nếu để lộ cho những người khác biết là chúng ta đã đọc chúng.

Vì vậy, phiên bản điện tử của những tác phẩm như thế được coi là thuận tiện hơn vì chúng cho phép chúng ta thoát khỏi sự tò mò của những người xung quanh về thị hiếu văn chương của mình. Và  phải nói rằng, nếu không có dạng sách điện tử, thì có lẽ đã không xuất hiện một “kiệt tác” như Năm mươi sắc thái màu xám, cuốn tiểu thuyết  diễm tình của nữ văn sĩ Anh E.L.James. Được xuất bản vào năm 2011, nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ và Vương quốc Anh năm 2012, cuốn sách đã phát hành được hơn một triệu bản dưới dạng điện tử.

Những độc giả kỹ tính hơn và thích đọc những loại sách nghiêm túc, kể cả sách sáng tác hay sách tư liệu, thì không dễ chuyển sang dạng sách điện tử dễ như vậy. Rõ ràng là đối tượng độc giả này bị cuốn hút bởi trọng lượng và độ bền, với những cảm xúc mà chúng ta có được chỉ khi cầm trên tay những cuốn sách in trên giấy.

Nói cách khác, sách điện tử có thể sẽ lại là một thứ sách “mì ăn liền”, có điều đã được chuyển hình thức từ dạng bìa mềm dùng một lần sang dạng thức khác của công nghệ số, tiện hơn và nhẹ hơn.  Điều này phù hợp với kết luận mới được đưa ra gần đây rằng, nếu mọi người bắt đầu mua sách điện tử thì điều đó không có nghĩa là họ ngừng mua những cuốn sách in thông thường. Thật vậy, theo các nhà phân tích từ Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 90% những người đọc sách điện tử vẫn tiếp tục đọc những cuốn sách in trên giấy theo phương thức truyền thống. Có lẽ hai hình thức sách này được thiết kế để phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Đã trụ lại được hơn năm thế kỷ trong một thế giới kỹ thuật đầy những sự kiện sôi động và phức tạp, sản phẩm trí tuệ của nhà sáng chế Guttenberg chắc cũng sẽ vượt qua được đợt tấn công hiện nay của công nghệ số. Trong cuốn sách thông thường được in ra và đóng lại một cách cẩn thận vẫn có một cái gì đó khiến chúng ta cầm lên đọc với một niềm hứng khởi không gì so sánh nổi…

Đọc sách tốt cho não bộ

Đọc sách có thể làm cho bạn  trở nên thông minh thêm. Hơn nữa, nó giúp bạn rèn luyện khả năng nhận thức của não bộ mạnh mẽ hơn bất cứ một hoạt động trí tuệ nào khác.

Tuy nhiên, kết luận không phải là quá đơn giản, nó không phải là một cái gì đó tương tự như câu “học theo sách thì có ích”. Một nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford đã yêu cầu một nhóm các thạc sĩ văn học đọc tiểu thuyết của nữ văn sĩ Jane Austen khi ngồi bên trong máy chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI). Kết quả cho thấy, việc đọc  để phân tích tác phẩm văn học và đọc  giải trí tạo ra những hình thức tác động khác nhau tới hệ thần kinh và hình thức nào cũng hữu ích (ở những mức độ khác nhau) đối với bộ não con người.

Công trình nghiên cứu trên đã được tiến hành dưới sự giám sát của các nhà khoa học ở Đại học Stanford, chuyên về tìm hiểu các hoạt động nhận thức và thần kinh của não bộ. Tuy nhiên, ý tưởng của nghiên cứu này thuộc về nữ chuyên gia về văn học tiếng Anh Natalie Phillips, người đang cố gắng để tìm ra ý nghĩa thực sự của việc nghiên cứu văn học là những gì. Câu hỏi đặt ra là: ngoài việc thu nhận tri thức và các khía cạnh văn hóa, sự kiện lịch sử và dữ liệu  nhân văn liên quan đến một tác phẩm cụ thể, thì liệu việc đọc sách có mang lại lợi ích hữu hình nào đó cho người đang được đánh giá không?

Hóa ra là, quá trình này có thể được  ghi nhận, ít nhất là xác định chu kỳ lưu thông máu trong não khi đọc sách. Các thí nghiệm đã được tiến hành theo cách để những ngươi tham gia ngồi ở trong phòng có đặt máy MRI có thể đọc một chương từ tiểu thuyết “Công viên Mansfield” của Jane Austen (Mansfield Park), hiện  trên màn hình MRI. Những người tham gia thí nghiệm được đề nghị đọc theo hai cách: đọc để giải trí đơn thuần và đọc để tìm hiểu nội dung, bút pháp như để chuẩn bị trả thi về tác phẩm này.

Máy MRI cho phép các nhà khoa học quan sát sự lưu thông máu trong não, và điều mà họ phát hiện ra khiến họ có vẻ đặc biệt thú vị: khi chúng ta đọc sách, máu lưu thông đến các vùng não nằm ở bên ngoài các khu vực chịu trách nhiệm cho các chức năng điều khiển. Máu đến các khu vực liên quan đến mức độ tập trung suy nghĩ. Không có gì đáng ngạc nhiên trong việc này vì để đọc sách cần phải tập trung.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi đọc sách để phân tích nó thì cần thực hiện một số chức năng nhận thức phức tạp mà thông thường không được khởi động. Theo các nhà khoa học, khi đọc bằng cả hai phương pháp trên, chức năng nhận thức liên kết không chỉ với công việc hoặc giải trí đều được khởi động.

Hơn nữa, nghiên cứu trên cũng cho thấy, chỉ cần chuyển từ việc đọc giải trí sang đọc để phân tích tác phẩm đã đủ làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động thần kinh của não bộ và tích chất quá trình lưu thông máu chảy trong não. Có lẽ các kết quả nghiên cứu trên sẽ có thể giúp kết luận về cơ chế ảnh hưởng của việc đọc sách tới não và tăng cường chức năng của nó như khả năng tập trung và nhận thức...

Trần Thanh Tịnh
.
.