Sách bestseller như là hàn thử biểu tâm hồn

Thứ Tư, 30/12/2015, 07:32
Một cuốn sách bestseller là một cuốn sách viết cho số đông. Vì thế, trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng sách bestseller phản ánh tình trạng đời sống tinh thần của một cộng đồng người. Còn trong trường hợp bestseller trên quy mô thế giới, nó phản ánh tình trạng đời sống tinh thần của nhân loại.


Sách bestseller dĩ nhiên không chỉ là sách văn học và cũng không phải luôn luôn được bán để lấy tiền. Kinh thánh là bestseller khi tôn giáo ngự trị. Những cương lĩnh chính trị có thể trở thành bestseller khi làn sóng cách mạng dâng lên. Sách khiêu dâm cũng có thể trở thành bestseller, đặt biệt ở những xã hội mới thoát khỏi sự kìm nén tình dục. Ở đây tôi muốn bàn về bestseller văn học vì nó dường như bao hàm tất cả. Nó là bestseller của tâm hồn con người. 

Vậy bestseller hôm nay viết về cái gì, với đặc điểm gì? Những câu hỏi này đồng nghĩa với câu hỏi, loài người hiện nay đang bị ám ảnh về điều gì, và điều đó được thể hiện bằng cách nào? Những câu hỏi này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, nhiều thời gian và công sức để viết ra. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự trở về với những đề tài và hình thức nguyên thuỷ. Điều này có thể thấy rất rõ ở các tác phẩm của nhà văn Brazil Paulo Coelho.

Loạt sách của ông thật ra là những cổ tích hiện đại. Trước hết, xin hãy nói về nội dung, ít nhất là theo nghĩa truyền thống. Nhà giả kim, chẳng hạn, là một bản phóng tác câu chuyện trong Một nghìn một đêm lẻ: người đàn ông nọ mơ thấy kho báu bèn khăn gói đi tìm. Ông ta vượt qua rất nhiều núi non hiểm trở, chịu đủ mọi hiểm nguy, cho đến khi bị nhầm là đồng bọn của một toán cướp và bị tống giam. 

Trong nhà giam, ông ta kể lại cho tên cướp ý định của mình. Tên cướp cười ha hả, nói rằng đó là một niềm tin ngu xuẩn, bởi hắn cũng nhiều lần mơ thấy kho vàng như thế. Rồi hắn kể một cách tỉ mỉ chỗ giấu vàng. Đến lúc đó người đàn ông chợt nhận ra rằng tên cướp đang mô tả sân nhà mình. Kho vàng chính là ở đó.

Nhà văn Paulo Coelho.

Câu chuyện trong Quỷ dữ và nàng Prym là một ví dụ khác - đó cũng là một mô típ quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian, mô típ cái ác xuất hiện và thử thách con người. Những người dân Viscos nhận được lời thách thức: hoặc là làm điều ác để nhanh chóng trở nên sung sướng, hoặc là từ chối để duy trì cuộc sống bằng phẳng, già nua, cũ kỹ. Cả cuốn sách là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cũng là cuộc đấu tranh lâu dài nhất trong lịch sử loài người.

Về hình thức tác phẩm, chúng ta cũng nhận thấy truyện của Paulo Coelho rất gần với chuyện cổ tích. Mặc dù bối cảnh là hiện đại và các tình huống được ông xây dựng rất kỹ lưỡng và mạch chuyện thường lắt léo khó đoán trước, chắc chắn Paolo Coelho khác xa với những nhà cách tân, dù là các nhà Tiểu thuyết mới của Pháp với quyết tâm tiêu diệt cốt truyện và nhân vật, hay các tác gia Hậu hiện đại ưa cắt dán và giễu nhại.

Sự trở về với nội dung và hình thức nguyên thủy có liên quan gì đến con số hàng chục triệu bản sách được bán ra khắp thế giới hay không? Tôi cho là có. Mặc dù vẫn còn một số người thích thú với những trò phiêu lưu mạo hiểm của lịch sử và với lịch sử, đa số nhân loại đã ý thức được tính bất ổn và thậm chí đồi bại của nền văn minh nhân loại. 

Thật vậy, chúng ta làm ra máy móc để khai thác thiên nhiên, chúng ta làm ra thuốc để kéo dài sự sống của mình, đồng thời ngăn cản con cháu chúng ta ra đời, mặc dù chúng ta già nua, ốm yếu. Mục đích của tất cả những điều này là để được ăn nhiều hơn, chơi nhiều hơn, hưởng lạc nhiều hơn mà không cần biết đến nhu cầu của những thế hệ tương lai, không cần biết rằng chúng ta  đang làm suy yếu chính con người với tư cách một loài. 

Trong một bài tiểu luận tôi đã từng nói rằng hàng ngàn năm nay những con vi khuẩn không tiến hoá, nhưng nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra trên trái đất, chúng vẫn có nhiều khả năng sống sót. Còn con người, với tư cách một loài, liệu chúng ta có bao nhiêu cơ hội? Bản chất của nền văn minh nhân loại là tính ích kỷ: chúng ta hy sinh lợi ích của loài vì sự hoan lạc của các cá thể.

Những điều này, về thực chất, chính là thông điệp của Paulo Coelho. Nhưng trên thực tế con người đã chọn cái ác, cái ác đối với thiên nhiên và với những thế hệ tương lai. Sự trở về với những huyền thoại cổ xưa rõ ràng là một cách thức tỉnh con người. Nó hướng suy nghĩ của chúng ta về những giá trị cao đẹp mà chính sự phát triển của nền văn minh nhân loại đã làm lu mờ.

Tương tự như vậy, sự trở về với hình thức truyền thống cũng là trở về với cách cảm nhận nguyên thuỷ về thế giới. Cách cảm nhận ấy bắt đầu từ ba câu hỏi: 1- Có điều gì xảy ra? 2- Điều đó xảy ra với ai/cái gì, hoặc bởi ai/cái gì? 3- Vì sao chúng ta biết những điều đó?

Câu hỏi thứ nhất đòi hỏi chúng ta xác định các sự kiện và quan hệ giữa các sự kiện ấy. Nó đề cập đến câu chuyện và hình thức ngôn ngữ của câu chuyện, tức là cốt truyện. Câu hỏi thứ hai liên quan đến những người hoặc vật bị tác động bởi, hoặc can dự vào các sự kiện. Nó đề cập đến nhân vật. Cuối cùng, câu thứ ba đòi hỏi chúng ta xác định cách thức các sự kiện được chứng kiến và truyền đạt lại. Nó đề cập đến hình thức tự sự, bao gồm người kể chuyện, kỹ thuật kể chuyện, điểm nhìn...

Mặc dù các nhà cách tân ra sức thuyết phục, và đôi khi chúng ta cũng tin, rằng tiểu thuyết không cần có cốt truyện và nhân vật, rằng sự vô nghĩa và hỗn loạn trong tác phẩm phản ánh sự vô nghĩa và hỗn loạn của thế giới, trên thực tế cốt truyện và nhân vật, cũng như ý nghĩa và trật tự, là đích chúng ta hướng tới trong tác phẩm. Những cơn bốc đồng, hay thậm chí điên cuồng, đôi lúc có thể khiến chúng ta thăng hoa, nhưng cuộc sống hài hòa mới là trạng thái an ủi tâm hồn. 

Chính vì thế, văn học phá cách luôn luôn có ích độc giả. Và ngay cả các tác giả cách tân nhiều khi cũng bỏ cuộc. Alain Robbe-Grillet, chẳng hạn - sau một thời gian làm thủ lĩnh “Tiểu thuyết mới”, ông lại quay về viết những tác phẩm truyền thống, hiền lành.

Sự trở về với nội dung và hình thức truyền thống trong những tác phẩm bestseller không phải là nhận xét của riêng tôi. Nhà văn Serbia Dubravka Ugresic cũng có một nhận xét tương tự trong tiểu luận rất thú vị mang tên Eco among the Nudists (Eco giữa những người Khoả thân chủ nghĩa). 

Bà kể, có lần đến thăm một hòn đảo nhỏ của du khách Khoả thân chủ nghĩa giữa biển Adriatic. Hàng ngàn người trần truồng đáng lẽ có thể ngáp, sỉ mũi, gặm bánh mì, gãi mông hay làm tình thì lại cầm trên tay cùng một cuốn tiểu thuyết, cuốn Tên của hoa hồng của Umberto Eco. Nữ nhà văn Serbia chợt phát hiện sự tương đồng của sách bestseller và chủ nghĩa khoả thân. 

Giống như sách bestseller, “Những người khoả thân chủ nghĩa cố gắng trình diễn tính tự nhiên mà cả loài người đã đánh mất từ lâu - theo nghĩa là họ ngây thơ một cách có ý thức. Người khoả thân chủ nghĩa là phi giới tính và không ham muốn (chỉ có những người không ham muốn mới có thể khoả thân dạo chơi!). Người khoả thân chủ nghĩa có quan điểm giáo điều về cơ thể, họ không biết giễu cợt và hài hước (thật khó mà hình dung một người khoả thân chủ nghĩa giễu cợt). 

Người khoả thân chủ nghĩa thực hành ý thức hệ của họ một cách tập thể (khỏa thân một mình có thể coi là đồi bại). Người khỏa thân chủ nghĩa đảo ngược các chuẩn mực xã hội với một vẻ mặt nghiêm túc ngay thẳng. Người khỏa thân chủ nghĩa là những người thao tác điêu luyện và những nhà giả kim thành công, bởi đằng sau sự trần truồng khoả thân chủ nghĩa, cái ý thức hệ về sự phủ nhận ý thức hệ ấy, là cả một seri những giá trị gắn với chủ nghĩa khỏa thân theo một cách nào đó và có vẻ như không hiển lộ. 

Chủ nghĩa khỏa thân hàm ý tinh thần hòa bình (không áo quần và không vũ khí!), những giá trị gia đình (người khoả thân chủ nghĩa luôn luôn đi cùng gia đình), sự khai sáng (một thân thể trần truồng là một thân thể lành mạnh và đạo đức), ý thức cao độ về môi trường (thiên nhiên không làm ô nhiễm thiên nhiên!), lòng tốt và chân thành (một người khoả thân không thể có âm mưu!), đức tin vào lòng nhân từ của trật tự thần linh (chúng ta trần truồng như khi được Chúa Trời sinh ra!), sự hài hòa và trong trắng (như Adam và Eva trong Vườn Eden), sự phục tùng và phản-trí thức (Adam và Eva trong trắng và trần truồng cho đến khi họ cắn quả táo từ cây hiểu biết)”.        

Ugresic tin rằng bà đã phát hiện ra bí quyết của các cuốn sách bestseller. Để kiểm tra  phát kiến của mình, mùa hè năm sau bà lại đến hòn đảo. Và bà lại chứng kiến hàng người trần truồng đọc sách. Lần này là cuốn Nhà giả kim của Paulo Coelho.

Ugresic có lý không? Tôi nữa, tôi có lý không? Điều đó mong các bạn đánh giá. Về phần mình, Paulo Coelho nói rằng ông không dạy độc giả điều gì, “tôi chỉ kể cho họ những câu chuyện tôi biết”.

Và ông nói thêm, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí The Guardian rằng “dù trong văn học hay tình yêu, quá trình sáng tạo cũng phải tuân theo chu trình của thiên nhiên”.

Ngô Tự Lập
.
.