Rưng rưng thương nhớ tết quê
Quê tôi ven sông Ngàn Mọ. Dân làng quanh năm làm ruộng, câu cá, mò cua bắt ốc để sống. Đầu làng, có một chợ Bến nhỏ, chợ tồn tại khi xưa, lâu lắm rồi, thời phong kiến địa chủ, dân làng họp chợ để có thức ngon vật lạ thì nhà quan tới mua. Nhưng khi tôi lớn lên, chợ Bến không còn, hỏi người làng, mọi người cũng thở dài ngước mắt lắc đầu, chợ Bến đã không tồn tại từ lâu lắm. Chợ Bến bây giờ chỉ còn là một cái bến trống thoai thoải, chiều nào cũng là nơi cả làng đổ ra tắm táp, giặt giũ cho cả người và cả trâu bò, rồi gánh nước về đổ đầy chum đầy lu để sinh hoạt. Cả làng chỉ có một dòng sông để lấy nguồn nước cho tất tật mọi sinh hoạt.
Một năm, may lắm, nhà ai có giỗ, có việc ma chay cưới hỏi, hay là vào ngày Tết thì người làng mới đi 5 - 7 cây số ra chợ huyện, chợ thị xã Hà Tĩnh để sắm một bữa cỗ nghèo. Chỉ thế thôi, một năm, người dân quê tôi xưa ấy chỉ đi chợ có vài lần. Vài lần đám trẻ con trong nhà được ăn thịt mỡ, được ăn bánh chưng, hay xôi nếp đỗ. Còn lại quanh năm chỉ có rau lang làm rau, khoai lang làm cơm, bữa no bữa đói, bắt được con tép con cá thì rang mặn lên ăn mấy bữa. Nền kinh tế tự cung tự cấp, tự túc đã ăn sâu vào mỗi nếp nhà, mỗi gia đình. Gia đình nào cũng có vạt rau muống, có lưới thả cá, có nơm úp cá và rớ để cất tép. Không có một đứa trẻ nào ở quê lên 5 lên 6 mà không biết bám mương, bám hồ để đi cất tép làm thức ăn cho gia đình.
Làng tôi nghèo lắm, cả khi Tết về có gia đình còn không có gì ăn nói gì đến bánh chưng, thịt mỡ. Mùa giêng hai và giáp hạt là những mùa thiếu ăn thiếu đói triền miên ở quê tôi. Cứ đến độ tháng một, chạp, cái đói rà rã cho đến tận giêng hai, đói quay quắt, kiệt quệ từng nếp nhà. Thì cứ vào đận ấy, ruộng lạnh giá đổ nước trong, cá còn không sống nổi nói chi đến lúa. Mùa đông không phải là mùa vụ, từ vụ Hè Thu kéo dài cho đến Đông Xuân phải mất mấy tháng ròng. Vì thế thóc gạo trữ đến mùa giáp hạt là sạch trơn, nhà ai cũng chạy vay ăn từng bữa.
Có gia đình đói quá, đến thóc giống cũng đổ ra mà ăn chạy đói. Đúng vào cái dịp đói nhất trong năm thì lại vào dịp Tết. Tôi nhớ, trong làng có hàng chục hộ gia đình ngày Tết chỉ ăn khoai xéo. Ngày bà nội tôi còn sống, bà hay trữ thóc gạo ngày mùa, đến dịp giáp hạt giêng hai, bà có thóc để bán, hoặc cho vay rồi đến mùa lấy. Bà nội tôi thương người, trong làng, ai đói ăn bà đều cho vài cân gạo dịp Tết. Bà thường kể chuyện bà L ở trong xóm, Tết, cả nhà đắp chiếu nhìn nhau, cúng giao thừa chỉ có khoai khô nấu xéo lên ăn, không còn gì để cúng.
Quê tôi nghèo vậy nhưng tôi nhớ lắm, Tết năm nào, dù nhà ai nghèo đến mấy cũng phải sắm bằng được hai thứ. Một bánh pháo để nổ đêm giao thừa, và một đôi câu đối đỏ để treo lên bàn thờ. Hai thứ đó không thể thiếu trong cái Tết nghèo quê tôi. Nhà ai mà thiếu mất hai thứ đó thì Tết buồn đến phát khóc. Đói ăn đói mặc đến đâu mà giao thừa không nổ pháo đuổi tà mà, mừng xuân mới thì Tết sẽ buồn đến không ngẩng đầu lên với nhà hàng xóm được. Tôi nhớ mãi nhà ông T ở ngay gần nhà bà tôi, giao thừa, nghèo quá không mua nổi bánh pháo. Đúng giao thừa, ông T gọi 3 cậu con trai đang sức vóc, cả 3 cầm cái mẹt to rồi vỗ bồm bộp xuống sân gạch. Ông T thì lấy bẹ chuối to nhất, cứ thế đập bẹp bẹp xuống cái thúng con hay dùng để đựng lúa gạo phát ra những tiếng nổ y hệt như tiếng pháo địa pháo đùng. Bây giờ cũng vậy, cả bốn cha con ông T vỗ không biết mệt, hàng xóm nhìn sang, lấy làm ghen tị sao mà nhà ông T nghèo thế mà có nhiều tiền để mua nhiều pháo đại thế. Sáng mai, mấy đứa trẻ con, một vài người lớn chạy sang nhà ông T sớm để kiểm tra xem có xác pháo bung ra đầy sân không. Có xác pháo, thì đích thị là pháo thật rồi. Bà T biết thể nào ngày mai cũng có người đến xem thực hư, tối đó đã lấy giấy báo, giấy bản, hòa mực mồng tơi, hoà nước trần, quết lên giấy rồi xé vụn ra rải đầy một góc sân, xác “pháo” càng dày, càng tốt.
Mồng một Tết, làng tôi có lệ đi chúc Tết sớm để lấy tiền mừng tuổi, và để được mời uống rượu với bánh chưng. Nhà ai cũng nghèo nên mọi thức ăn thức uống người nhà bóp mồm bóp miệng chịu nhịn để mồng một Tết, khách đến nhà còn có thứ để bày ra mâm ra đĩa, đỡ tủi phận. Cả ngày mồng một Tết, không ai quét sân, thậm chí cứ hè nhau xé giấy rác rải lên số ít xác pháo thật sự, để ai đến nhà cũng kêu lên ui chà, nhà ông nhà bà giao thừa nhiều pháo quá, Tết năm nay ăn Tết to quá. Nhiều xác pháo trên sân là niềm kiêu hãnh của mỗi gia đình. Không cần biết có thể trong nồi không có lấy một cân thịt nào, không có chiéc bánh chưng nào nhưng cứ nhìn thấy xác pháo đầy sân là oách, là Tết phong lưu lắm.
Mấy anh chị em tôi cũng từng xé giấy màu thêm để rải lên sân trong phút giao thừa ấy. Không hiểu sao, cứ giao thừa nào, từ khi còn nhỏ, cho đến tận ngày hôm nay, lúc nào tôi cũng thấy nao nao buồn. Có lẽ những hình ảnh của giao thừa trong quá khứ từ ngày tôi còn bé tí đã ám ảnh tôi quá. Nhà tôi mẹ là công nhân, cha là giáo viên cấp 1 ở trường làng đã nghỉ hưu. 5 anh chị em chúng tôi từ nhỏ cho đến lớn không bao giờ được ở cùng cha và mẹ. Trong chiến tranh sơ tán, cha và mẹ đi theo hai cơ quan khác nhau. Khi về hưu, cũng vì nhọc nhằn với mưu sinh mà cha phải ở quê chăm bà, còn mẹ đeo theo đàn con bám trụ ở Trường Cẩm Bình nơi mẹ làm việc để mở một cái quán nhỏ nuôi 5 anh em đi học.
Từ khi tôi lớn lên cho đến lúc trưởng thành, không có một cái Tết nào gia đình sum họp được. Mẹ phải trực bán quán, mồng một Tết đã có người mua kẹo bánh, rượu chanh đi chúc Tết. Mẹ không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền nuôi chúng tôi. Cứ 27 Tết cho đến 30 Tết, mấy anh chị em tôi thay nhau gánh đồ Tết về nhà. Nào là rau củ để muối dưa, muối hành, rồi chè, rồi nếp, rồi gạo.
Tết, cha tôi là con trưởng, năm nào cũng phải làm ba bữa cỗ cúng, cúng gia tiên trưa 30 Tết, cúng giao thừa, mồâng một Tết và cúng tiễn đưa ông bà ông vải về ăn Tết. Mỗi bữa cỗ ít nhất là phải 3 - 4 mâm mới đủ cho con cháu, các chú... quây quần về cúng ông và chúc Tết bà. Cộng cả gia đình tôi có tới 6 người nhưng Tết nào mẹ cũng chỉ giới hạn trong 3kg thịt lợn. Từng ấy thịt phải chế biến đủ giò, chả, giả cầy, nem v.v. và phải có thịt miếng để cúng trong ba ngày Tết. Mỗi ngày cũng chỉ làm một cân thịt, chế biến đầy đủ các món, thứ hôm sau cúng không một ai được phép đụng vào.
Suốt cả tuổi thơ tôi, nhà chưa bao giờ nấu bánh chưng, không có nhiều nếp, nhiều gạo, nên nhà không khi nào đùm thứ bánh xa xỉ ấy. Mấy chị em tôi luôn sợ Tết, sợ cái cảnh cân đong đo đếm của mẹ cho từng bữa cỗ mà toát cả mồ hôi hột, thấy Tết quá nhọc nhằn. Mẹ dặn đi dặn lại từng món từng thức, chỉ lo các con làm cỗ bị thiếu không đủ món để dọn. Cỗ không bao giờ được nếm trước, cúng phải tội. Các anh chị đã lớn, phải tự lo làm cỗ cúng Tết. Mẹ nấu sẵn một số món mang về cứ thế là chế biến.
Tết của gia đình tôi có thể nói là còn có thịt còn phong lưu nhất làng. Mấy anh em chúng tôi, đã ám ảnh nỗi lo sợ thiếu cỗ của mẹ ăn sâu vào tiềm thức, nên có Tết, dọn cỗ ra, chúng tôi không dám đụng vào giò chả, hay nem, mà chỉ dám ăn rau, ăn dưa, ăn cá, đợi đủ mâm mỗi người một miếng rồi mới dám ăn. Không có một Tết nào mẹ cho hơn 3kg thịt. Suốt cả thời thơ ấu, Tết nào tôi cũng chỉ mong mẹ tăng khẩu phần thịt lên một chút thôi, để mấy anh chị em được ăn một bữa đỡ thèm.
Tết nghèo luôn truy đuổi trong mấy chị em tôi. Nhưng nếu Tết nghèo mà cả nhà sum họp, có mẹ ở bên cạnh, Tết sẽ đỡ chênh vênh biết dường nào. Giao thừa nào cũng chỉ có mấy cha con tha thủi làm cỗ cúng Tết với nhau. Tôi không thể nào quên được cảm giác giao thừa, buồn và chênh vênh kinh khủng. Mấy chị em thức đồ xôi, làm thịt gà và nấu chè. Tôi có nhiệm vụ canh đồng hồ, sao cho đến 12h đêm là cỗ bàn phải xong để cha tôi cúng ở ngoài trời. Khoảnh khắc chênh vênh và buồn lặng nhất là phút giao thừa, cả mấy bàn thờ trong nhà ngoài trời đỏ rực hương, cha một mình khấn vái trong mênh mông trời đất. Khi tôi lớn lên thì các anh đều đã đi bộ đội ở xa, chỉ còn lại 3 chị em, đứng tựa cột nhà nhìn cha cúng và đốt pháo.
Khoảnh khắc ấy, mấy chị em, anh em đều mong có mẹ biết bao nhiêu, dẫu nghèo khó, dẫu đơn sơ nhưng cả nhà đầy đủ thì Tết là những ngày ấm cúng nhất. Xong mồng 2 Tết cúng tiễn đưa ông bà ông vải, mấy chị em lại tất tả xuống quán phụ bán hàng cho mẹ. Lại chuẩn bị đùm đùm gói gói lên đường trở về trường để bước vào năm học. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn của mẹ đã hằn vết lên ký ức của chúng tôi, ước mong có mẹ trong 3 ngày Tết đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của chúng tôi. Nhưng nếu mẹ, cha và bản thân chúng tôi không hy sinh, chúng tôi làm sao có thể học hành đến nơi đến chốn.
Năm nay, Tết lại sắp sửa về. Tết ở quê nhà bây giờ không ai còn đói ăn thiếu mặc nữa. Không còn phải cắt giấy làm hoa, làm cành đào, hay lấy mẹt vỗ làm tiếng pháo nổ. Ngày ba tháng chạp không còn ai thiếu đói, ngày Tết chủ nhà không phải nhịn thèm để dành thức ăn tiếp khách. Tết năm nào cả mấy gia đình anh chị em tôi cũng quây quần ở quê, bên cha mẹ già ngoài 80 tuổi. Thắp hương cúng tổ tiên, được có cha có mẹ quây quần, lòng vẫn quay quắt nỗi buồn xưa cũ. Vậy là, cứ mỗi lần Tết đến vẫn cứ rưng rưng thương nhớ chuyện xưa