Quyền cầm lá phiếu

Thứ Tư, 11/05/2016, 02:13
70 năm trước, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, Bác Hồ nói trước hàng vạn đồng bào thủ đô: “Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này… Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”.


1. Mỗi lần đến kỳ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, cử tri, đồng bào cả nước lại nhớ đến Bác Hồ, người tham gia 3 khoá Quốc hội trong điều kiện kháng chiến kiến quốc. Giờ đây, nhớ về Bác, nhớ lời Bác dặn năm xưa trong các cuộc bầu cử và các kỳ họp Quốc hội, chúng ta thấy dù bối cảnh, thời thế đã có nhiều đổi thay song lời căn dặn của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị.

Tại cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946), đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên - sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng sau ngày nước nhà độc lập. Buổi chiều hôm trước ngày Tổng tuyển cử, Bác đã gặp gỡ hơn hai vạn nhân dân thủ đô trong cuộc mít tinh tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Thay mặt các ứng cử viên, Bác nói: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này… Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu…”.

Ngày nay, chúng ta có nhiều quy định cho ứng viên đại biểu Quốc hội, cả về tài, cả về đức, có quy định ứng viên được làm và không được làm, đưa ra tiêu chí để người dân đi bỏ phiếu lựa chọn. Song, nói như cách của Bác, “những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”, điều ấy đã bao hàm đầy đủ những tiêu chí để người dân lựa chọn lá phiếu.

Hôm sau, điểm bỏ phiếu số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội) đông đảo cử tri đã tề tựu từ sớm đợi giờ khai mạc. Giữa lúc ấy, Bác Hồ xuất hiện với bộ kaki giản dị thường ngày. Bác bước vào phòng bỏ phiếu làm nghĩa vụ công dân. Bà con ùa đến đón. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào. 

Ngày 8-5-1960, nhân dân thủ đô Hà Nội chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu Quốc hội Khóa II.

Bầu cử xong, Bác đi thăm một số điểm bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Trống, Lò Đúc, Bưởi… Hà Nội năm ấy có 194.880 cử tri, hơn 91% đã đi bỏ phiếu, Hồ Chủ tịch có số phiếu bầu cao nhất (98,4%).

Đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II (ngày 8-5-1960), tại cuộc tiếp xúc giữa các ứng cử viên với đại biểu nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Lớn thành phố tối 24-4-1960, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào, và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở thủ đô yêu quý của chúng ta… Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…”.

Đúng 7h ngày 8-5-1960, Bác đã có mặt tại phòng bỏ phiếu tổ 52 khu phố Trúc Bạch, đặt tại Trường Nguyễn Trãi, phố Cửa Bắc. Bác ân cần thăm hỏi mọi người, khen ban bầu cử tổ chức chu đáo và mời cụ Thạc là cử tri cao tuổi nhất bỏ lá phiếu đầu tiên, rồi mới đến mình. Sau đó, Bác đi kiểm tra một số điểm bỏ phiếu ở xã Nhật Tân và nhắc nhở phải đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, bí mật, hoàn thành đúng thời gian, an toàn.

Trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (26-4-1964), ngày 14-4-1964, Người nói chuyện với Đại hội đại biểu nhân dân thủ đô. Bác cho biết, bản thân mình đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được.

Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà, phấn đấu cho: Nam Bắc sum họp một nhà/ Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”. 

Ngày 26-4-1964, Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa III tại phòng bỏ phiếu A24 đặt ở Hội trường Bộ Nông nghiệp, cạnh vườn Bách Thảo, phố Ngọc Hà. Làm xong nghĩa vụ và quyền lợi công dân, Bác đi thăm một số khu vực bỏ phiếu ở khu phố Đống Đa, thôn Vệ Hồ, huyện Từ Liêm… Đó cũng là kỳ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội cuối cùng của Bác.

Còn nhớ, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (Quốc hội khoá I) năm 1946, thủ đô Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đã công bố một bản đề nghị “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo nhân dân ta. Mặc dù vậy, Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân.

Bức thư có đoạn viết: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”. Nhắc lại sự kiện này để thấy, dù được đồng bào, cử tri đặc biệt tín nhiệm và đồng bào mong muốn được đặc cách cho Bác trong bầu cử song Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần thượng tôn pháp luật, khẳng định bản thân mình cũng bình đẳng như các đại biểu khác, đều phải ứng cử, bầu cử theo đúng quy định, không có bất cứ ngoại lệ nào. Sự gương mẫu của Bác càng tăng thêm sự kính phục, niềm tin cao độ trong nhân dân.

2. Tới nay, Nhà nước ta bước sang kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIV. Nếu như Quốc hội khoá đầu kéo dài tới 14 năm (1946-1960) và một khoá Quốc hội chỉ vẻn vẹn 1 năm (khoá V, từ tháng 4-1975 đến tháng 6-1976) thì sau ngày thống nhất, các nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 5 năm (trừ khoá XII, 2007-2011).

Tranh cổ động cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này, danh sách 870 người chính thức ứng cử ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIV đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố hôm 26-4.

Theo luật định, các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử ngay sau đó cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (22-5-2016 – Chủ nhật) 24 giờ. Như Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, các ứng cử viên đã đủ tiêu chuẩn rồi thì việc được bầu trúng hay không là quyền của cử tri. 

“Nếu trường hợp 3 người nông dân trúng cử đại biểu Quốc hội mà không phải là Ủy viên Bộ Chính trị giới thiệu về thì cũng là bình thường, vì bầu ai là quyền của cử tri, không có sự phân biệt nào” – ông Phúc bình luận khi có người hỏi về danh sách ở một địa phương có 5 ứng viên nhưng 3 ứng viên là nông dân, 1 ứng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, 1 là Tỉnh uỷ viên.

Theo quy định, các ứng cử viên cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của địa phương để nắm sát vấn đề, xây dựng chương trình hành động hiệu quả. Các ứng cử viên cũng cần liên hệ thường xuyên với đơn vị ứng cử để trao đổi về thông tin cần biết để tham khảo. 

Đồng thời, các ứng cử viên được tạo điều kiện từ vấn đề truyền thông như phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhiều cử tri biết đến hơn, tạo được sự nhận xét, đánh giá khách quan, công bằng đối với mỗi ứng viên. 

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các địa phương cố gắng phát thanh, truyền hình trực tiếp các cuộc tiếp xúc để cử tri biết đến nhiều hơn bởi cử tri chính là nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử, lựa chọn ra những người đại diện vào cơ quan dân cử. Công tác chuẩn bị cho bầu cử phải làm sao để cử tri thấy được ý nghĩa của cuộc bầu cử này và tham gia tích cực vào quá trình ấy.

Điều dư luận quan tâm là làm thế nào để cử tri biết nhiều, biết rõ về ứng viên mà mình sẽ bỏ lá phiếu chứ không phải đến ngày đi bầu mới lướt qua danh sách, đọc loáng thoáng lý lịch rồi “ai to thì chọn, ai bé thì gạch”. 

Để cử tri hiểu biết về ứng viên, rõ ràng phải có những hình thức tuyên truyền sát hơn nữa, để cử tri tìm hiểu, nắm bắt thông tin về ứng cử viên một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Chẳng hạn, ở một số địa phương có sáng kiến gửi tiểu sử ứng cử viên đến từng nhà. 

Qua từng mảnh giấy nhỏ “gài cửa” về thông tin của ứng cử viên, đó là nguồn thông tin quan trọng giúp cử tri tiếp cận. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là “thông tin cứng” bởi cử tri muốn được nghe, được thấy ứng viên hành động chứ không thuần tuý là những dòng “sơ yếu lý lịch” khô khan hay những báo cáo thành tích đã được gọt giũa câu từ, được “vôi ve” cho đẹp mắt.

An Nhi
.
.