Quốc tế hóa giáo dục là chìa khóa thành công
- Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực quốc tế hóa giáo dục
- Giáo dục Đại học: Chất lượng thôi, không đủ!
- Không thể “phổ thông hóa” giáo dục đại học
Mặc dù sống xa quê hương nhưng chị vẫn thường xuyên nắm bắt các vấn đề học thuật trong nước, và luôn đau đáu với việc xây dựng, kiến thiết những trường đại học Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Chị viết sách về giáo dục Đại học Việt Nam, thường xuyên chia sẻ những quan điểm về những vấn đề của ngành giáo dục ở Việt Nam, và đã lọt vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam theo bình chọn của tạp chí Forbes Việt Nam vào đầu năm nay. Chị đồng ý chia sẻ với chúng tôi những vấn đề về giáo dục Việt Nam sau nhiều lần... lỗi hẹn.
- Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Trần Thị Lý, công việc cụ thể của chị ở Đại học Deakin là gì?
- PGS.TS Trần Thị Lý: Công việc chính của tôi ở ĐH Deakin là giảng dạy và điều hành các dự án nghiên cứu khoa học. Một số nghiên cứu và công bố khoa học mà tôi khởi xướng tập trung vào các chủ đề liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung như quốc tế hóa giáo dục đại học hay mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động.
- Sức ép lớn nhất mà một tiến sĩ như chị phải đối diện ở trường đại học Australia là gì?
- Đó là yêu cầu cao về cả khối lượng lẫn chất lượng của công việc, bao gồm việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy và phục vụ cộng đồng chuyên ngành. Nhưng chính những thách thức này làm cho công việc của mình thú vị hơn, đặc biệt là thách thức về việc tạo ra những tác động và những khác biệt từ các công trình nghiên cứu.
- Được biết là năm 2001, chị được Chính phủ Australia cấp học bổng đào tạo thạc sĩ tại đại học danh giá Monash, và sau đó thì gắn bó với môi trường giáo dục Asutralia đến tận bây giờ, chị có thể nói về những điểm khác biệt quan trọng giữa giáo dục đại học Australia với giáo dục đại học Việt Nam không?
- Khi học cử nhân ở Việt Nam, chúng tôi đều học gần chục môn học mỗi học kỳ và trải qua rất nhiều kỳ thi. Tức là học nhiều và học khá ôm đồm. Tuy nhiên sang học thạc sĩ ở ĐH Monash, chúng tôi chỉ học 2 môn mỗi kỳ. Ban đầu chúng tôi bảo nhau không biết làm gì cho hết thời gian đây!
Nhưng thực tế, dù chỉ học hai môn và mỗi môn có 3 bài tập đánh giá nhưng đã phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu rất nhiều tài liệu, chú ý nghe bài giảng và phát triển khả năng tích hợp - phân tích tri thức toàn cầu từ nhiều nguồn khác nhau. Nói tóm lại tinh thần tự học, tự nghiên cứu là rất rõ. Không thể làm quen với tinh thần đó thì không thể đi tới cuối con đường.
- Bận bịu với những công việc giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng chị thường xuyên có những quan sát, nhận định rất sắc sảo về các vấn đề của đại học Việt Nam. Làm thế nào mà một người ở nước ngoài lại có thể quan tâm sâu sát các vấn đề diễn ra ở Việt Nam như vậy?
- Tôi không ngừng học hỏi về các vấn đề diễn ra ở Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau, từ sách báo in và online, từ các bản tin và bình luận ở các diễn đàn liên quan đến giáo dục Việt Nam, từ các đồng nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từ chính các nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam của mình và từ những phiên thảo luận ở các hội thảo quốc tế hay trong nước, nơi thường có các báo cáo về Việt Nam.
Mỗi khi mình tiếp xúc với một khung lý thuyết mới hay một cơ sở lý luận mới, mình đều có thói quen sử dụng nó để soi rọi vào các vấn đề của đại học Việt Nam để có những góc nhìn khác nhau.
- Nói rộng ra, một người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, nếu có tấm lòng với quê hương thì vẫn có thể đóng góp cho quê hương từ xa, chứ không nhất thiết cứ phải về nước, đúng không?
- Tôi nghĩ, mỗi trí thức người Việt ở nước ngoài đều có thể đóng góp cho quê hương theo những cách khác nhau. Cơ hội để có thể đóng góp cho quê hương là rất nhiều nhưng điều quan trọng là tìm ra cơ hội nào phù hợp với thế mạnh của mình.
Thế mạnh đó không nhất thiết phải là điều kiện tài chính, mà có thể liên quan đến chuyên môn của mình hay khả năng kết nối của mỗi người để tạo ra sự thay đổi.
Ngay từ những ngày đầu khi mới làm việc ở trường đại học Australia, tôi đã chủ động tập trung vào các đề tài khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tiễn liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên phải sau một quãng thời gian nỗ lực bền bỉ thì mới được sự hỗ trợ của khoa và trường ở Australia, đặc biệt sau khi những kết quả nghiên cứu của tôi về Việt Nam có kết quả tích cực.
- Chị là một trong 9 đồng tác giả của cuốn sách "Giáo dục Đại học Việt Nam: tính linh hoạt, tính lưu động, và tính thực tiễn trong nền kinh tế tri thức toàn cầu" - một tên gọi như thế có vẻ đã bắt đúng, bắt trúng những vấn đề của đại học Việt Nam hiện nay. Một cách tổng quan, chị thấy đại học Việt Nam hiện nay được gì và chưa được gì?
- Thuận lợi nhất của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay là có một thế hệ sinh viên và giáo viên năng động, nhanh nhạy và sẵn sàng học hỏi để nắm bắt những khuynh hướng mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc sử dụng quốc tế hóa như là một công cụ cốt yếu để đổi mới giáo dục đại học, từ đó tạo đòn bẩy cho việc nâng cao chất lượng.
Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên tìm hiểu chiến lược sử dụng quốc tế hóa giáo dục thiết thực và hiệu quả hơn nhằm đạt được những mục đích tương tự. Tôi xin nhấn mạnh, quốc tế hóa giáo dục có vai trò cốt lõi trong việc đào tạo ra một lực lượng lao động có tầm nhìn, có kỹ năng hội nhập quốc tế.
- Đây là điều có vẻ đang trống vắng ở Việt Nam?
- Đúng thế! Việt Nam hiện chưa có một chiến lược ở tầm quốc gia để hỗ trợ các trường phát huy tiềm năng và nguồn lực trong việc quốc tế hóa giáo dục. Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy được khả năng quốc tế hóa giáo dục đối ứng (reciprocal internationalization) và toàn diện (comprehensive internationalization), thay vì chỉ là nước nhập khẩu giáo dục.
Hiện nay Việt Nam nằm trong top 10 nước cung cấp sinh viên du học cho các nước như Anh, Mỹ Australia và Canada..., và như thế rõ ràng là vẫn đang nhập khẩu giáo dục. Sự quốc tế hóa giáo dục nếu có của Việt Nam vẫn manh mún, co cụm và chỉ tập trung chủ yếu vào việc vay mượn chương trình của nước ngoài mà thôi.
- Trong khi còn có cả một lô các mảng việc quan trọng khác phải triển khai, ví dụ như việc phải làm thế nào để biến mình trở thành một "điểm đến yêu thích" của sinh viên và các nghiên cứu viên quốc tế?
- À! Có một số liệu tham khảo thế này: Năm 2017 Việt Nam là điểm đến đứng thứ 8 cho các khóa học ngắn hạn và thực tập của sinh viên Australia trong chương trình Colombo mới, nhưng năm 2018, chúng ta trở thành điểm đến thứ 6 và hiện đã vươn lên thành điểm đến được ưa chuộng thứ 4 của sinh viên Australia, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ và trước cả Nhật. Đấy là một thành công cần phải được nghiên cứu và nhân rộng.
Theo tôi, cốt lõi thành công trong quốc tế hóa giáo dục là quyền tự chủ, sự chia sẻ hợp tác và nguồn lực. Do vậy tôi nghĩ Việt Nam cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học trong việc hội nhập quốc tế và quốc tế hóa giáo dục để các trường có thêm quyền tự quyết.
Trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục thì việc các trường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau học hỏi và phát triển là điều kiện vô cùng quan trọng.
- Ngoài ra, cần phải chú ý thêm điều gì nữa?
- Việt Nam cũng cần có sự hợp tác đa ngành gồm giáo dục, du lịch, ngoại giao và các tổ chức liên quan để thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục. Sự hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp để tạo ra các khóa học chuyên môn kết hợp với thực tập cũng rất quan trọng trong quốc tế hóa giáo dục và giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến thu hút hơn cho sinh viên quốc tế.
- Đã có những trường đại học ở Đông Nam Á được vào những bảng xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới. Theo chị bao giờ chúng ta mới có được cơ may đó?
- Chúng ta sẽ có được điều này trong tương lai không xa nếu nắm bắt cơ hội đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục và phát triển năng lực nghiên cứu ở bậc đại học một cách hiệu quả.
- Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố chị là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Cụ thể, điều này diễn ra như thế nào, và nó có một ý nghĩa gì với chị?
- Tôi được đánh giá là nhà khoa học nữ Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội giai đoạn 2008-2018, theo thống kê của Network of Vietnamese Social Scientists. Mặc dù đang sống và làm việc ở nước ngoài nhưng hai tiếng Việt Nam vẫn rất đỗi thân thương, khắc khoải trong tôi.
Sự bình chọn của Forbes Việt Nam là một bất ngờ đối với tôi nhưng nó cũng là minh chứng cho việc dù không phải đang sinh sống ở Việt Nam thì bạn vẫn có thể góp phần tạo ra sự thay đổi và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng trong nước.
- Hiện tại hai con chị đang học ở Australia phải không? Có bao giờ chị nghĩ rằng sau này lớn lên các con sẽ về Việt Nam làm việc, sinh sống lâu dài hay không?
- Tôi luôn khuyến khích các con tìm hiểu những thế mạnh bản thân và giá trị cốt lõi mà các con theo đuổi nhằm tạo ra động lực nội tại để vượt qua thử thách và hiện thực hóa đam mê của mình. Việc các con sau này sẽ về Việt Nam hay sang một nước thứ ba không quan trọng đối với gia đình tôi. Điều quan trọng là các con có cơ hội để theo đuổi đam mê của mình và trái tim các con vẫn hướng về Việt Nam.
- Xin cảm ơn chị!