Quân tử phòng thân – chi phí mua sắm vũ khí khí tài quân sự gia tăng trên toàn thế giới

Thứ Bảy, 29/03/2014, 15:03
Gần như một phần tư dân số toàn cầu (24%) cho rằng, ở thời điểm hiện nay, nguy cơ lớn nhất đang đe dọa hòa bình trên thế giới xuất phát từ nước Mỹ. Đó là kết quả thu được từ cuộc điều tra dư luận do các nhà xã hội học của Trung tâm Gallup International\WIN tiến hành trong hai tháng 11 và 12/2013 và vừa được công bố vào trung tuần tháng 3/2014.

Nguy cơ từ đâu tới?

70.000 người ở 65 quốc gia đã được hỏi ý kiến trong khuôn khổ công trình nghiên cứu “Nhiệt kế hy vọng và tuyệt vọng toàn cầu” (Global Barometer on Hope and Despair).

Quốc gia bị xếp ở vị trí thứ hai về mức độ đe dọa hòa bình trên trường quốc tế là Pakistan (8% số người được hỏi ý kiến suy nghĩ như vậy)... Có  5% số người được hỏi ý kiến cho rằng mối đe dọa hòa bình lớn nhất tới từ các nước như Iran, Israel, Afghanistan...

Hầu như ở tất cả các khu vực lớn, mối đe dọa hòa bình lớn nhất đều bị coi là xuất phát từ Mỹ. Tuy nhiên, ở châu Phi, người ta lại cho rằng, mối đe dọa hòa bình lớn nhất chủ yếu xuất phát từ... Somalia (Mỹ đứng thứ hai). Còn những người được hỏi ý kiến ở Trung Cận Đông thì lại cho rằng mối đe dọa hòa bình lớn nhất xuất phát từ không chỉ Mỹ mà cả từ Israel. Các cư dân ở Tây Âu cho rằng, mối đe dọa hòa bình lớn nhất xuất phát bằng nhau từ Mỹ, Iran và Syria. Còn ở Đông Âu, nơi có một phần ba số cư dân cảm thấy mối đe dọa lớn nhất từ Mỹ, cũng cảm thấy e dè những quốc gia như Iran và hai cường quốc khác.

Quan điểm cho rằng Mỹ là mối đe dọa hòa bình lớn nhất được 5% số người Hàn Quốc và 7% số người Nhật ủng hộ. Tại Ấn Độ, tỉ lệ này lên tới 19%. Còn tại Trung Quốc,  tỉ lệ những người được hỏi ý kiến đánh giá Mỹ như mối đe dọa hòa bình thế giới lớn nhất lên tới 49%.

Tại không ít quốc gia, tỉ lệ những người được hỏi ý kiến cho rằng mối đe dọa hòa bình lớn nhất lại tới từ nước láng giềng vốn có không ít ân oán lịch sử trong quá khứ. Thí dụ, có tới  38% số người được hỏi ý kiến ở Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa hòa bình lớn nhất. Ngược lại cũng có tới 30% số người Trung Quốc coi Nhật Bản là mối đe dọa hòa bình thế giới lớn nhất. Hơn một nửa (55%) số người được hỏi ý kiến ở Hàn Quốc coi mối đe dọa hòa bình thế giới lớn nhất lại đến từ đất nước cùng dân tộc nằm ở phương Bắc.

Cư dân ở hai quốc gia láng giềng Nam Á là Ấn Độ và Pakistan đều nghi ngờ lẫn nhau về thiện chí hòa bình. Cư dân Iraq còn lo lắng mối đe dọa hòa bình lớn hơn từ Iran so với từ Mỹ. Tại Trung Cận Đông và Bắc Phi, dân chúng đánh giá mối đe dọa hòa bình lớn nhất là tới từ Israel (25%), ngay sau Mỹ (33%)...

Nơi có tỉ lệ lo sợ Mỹ ít nhất là Pháp (3%) và Italia (4%). Tuy nhiên, tại các quốc gia Tây Âu khác, tỉ lệ này vẫn ở mức trên dưới 15%. Tại châu Á, tỉ lệ này khoảng 25%, còn ở Trung Cận Đông - 33%. Tỉ lệ số người được hỏi ý kiến coi Mỹ là mối đe dọa hòa bình lớn nhất được thống kê tại Pakistan (44%), Serbia (45%), Thổ Nhĩ Kỳ (45%), Argentina (46%), Bosnia (49%), Trung Quốc (49%).  Tại Nga có tới 54% số người được hỏi ý kiến cho rằng Washington là mối đe dọa hòa bình lớn nhất trên thế giới...

Cũng cần phải nói rằng, mối lo ngại trước hiểm họa an ninh mà nước Mỹ có thể gây ra cho thế giới không phải không có cơ sở. Trong lịch sử mới chỉ gần 240 năm của mình, nước Mỹ gần như không phút nào ngơi nghỉ khúc quân hành: Hoặc là trực tiếp chiến đấu hoặc là nghỉ xả hơi ngắn ngủi để chuẩn bị cho một hoạt động quân sự mới. Các số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1798 tới năm 2012, Washington đã sử dụng vũ lực ở nước ngoài tới 240 lần!

Muốn yên ổn, phải chuẩn bị vũ khí

Rất dễ hiểu là trong bối cảnh mà mối lo lắng cho an ninh vẫn đang căng thẳng như hiện nay, thị trường mua bán vũ khí quốc tế rất khó hạ nhiệt so với những năm trước. Và theo bản báo cáo mới về xuất nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn từ năm 2009 tới năm 2013, công bố vào ngày 17/3/2014 của Viện Nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ và Nga hiện đang dẫn đầu danh sách những nhà xuất khẩu các loại vũ khí thông thường chính yếu lớn nhất thế giới. Vị trí số một trong top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới thuộc về Mỹ (chiếm 29% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu). Khoảng một nửa (47%) số vũ khí xuất khẩu của Mỹ được tung vào các nước châu Á và châu Đại Dương, tiếp đó là vào Trung Đông (28%) và châu Âu (16%).

Trong số các chủng loại vũ khí xuất khẩu của Mỹ, chiếm đa phần là các máy bay (61% các hợp đồng chuyển nhượng). Vị trí thứ hai thuộc về Moskva với tỉ lệ xuất khẩu vũ khí chiếm 27%. Theo số liệu của SIPRI, từ năm 2009  tới năm  2013, số lượng bán vũ khí toàn cầu đã gia tăng thêm 14% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Ấn Độ vẫn là quốc gia mua nhiều vũ khí nhất thế giới và quốc gia bán nhiều vũ khí nhất cho Ấn Độ vẫn là nước Nga. Hơn một nửa các hợp đồng bán vũ khí của Moskva trong giai đoạn từ  năm 2009 tới năm 2013 được chuyển tới Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria. Chủng loại vũ khí xuất khẩu chủ yếu của Nga là máy bay và tàu chiến. Chiếm vị trí thứ ba trong top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Đức (7%). Tiếp theo là Trung Quốc (6%) và Pháp (5%).

Như nhận xét trong báo cáo của SIPRI, điều đáng chú ý trên thị trường mua bán vũ khí quốc tế trong những năm gần đây là việc Bắc Kinh đã vươn lên khá mạnh mẽ và đã từ vị trí thứ năm vượt lên thứ tư, đẩy lùi Paris lại sau lưng. SIPRI cũng lưu ý tới xu thế gia tăng xuất khẩu vũ khí vào các quốc gia Nam Á và các nước vùng Vịnh. Đứng đầu danh sách những nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất vẫn là Ấn Độ như năm trước  (chiếm tỉ lệ 14% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu). Tiếp theo đó là Trung Quốc (5%), Pakistan (5%), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (4%). Quốc gia đứng thứ năm trong danh sách này là Arab Saudi (4%), lần đầu tiên kể từ năm 1997 đến 2001 đã lọt vào top 5 các nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất.

Trong bản báo cáo mới nhất này của SIPRI, lần đầu tiên quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhất sau Nga vào Ấn  Độ  (với 75% trong tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Dehli) là Mỹ (hiện mới chiếm 7% trong tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ). Theo lời đại diện của SIPRI, việc xuất khẩu vũ khí vào  khu vực Nam Á của Trung Quốc, Nga và Mỹ đều xuất phát từ những tính toán kinh tế cũng như địa chính trị... Không loại trừ rằng Mỹ và Trung Quốc gia tăng xuất khẩu vũ khí vào khu vực Nam Á để góp phần tăng thêm ảnh hưởng về chính trị tại đây...

Các nước châu Mỹ Latinh trong giai đoạn từ 2009 tới 2013 đã gia tăng chi phí để nhập khẩu vũ khí lên thêm 10%. Những nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong khu vực này là Brazil và Venezuela. Bất chấp một số khó khăn về kinh tế và tài chính nhưng cường quốc bóng đá Brazil vẫn chiếm tới 65% tổng lượng nhập khẩu vũ khí và khí tài trong khu vực, thực hiện đủ các hợp đồng đã ký. Thị trường mua chủ yếu của Brazil là châu Âu. Hợp đồng lớn nhất mà Brazil đã ký là với Thụy Điển: 36 máy bay tiêm kích đa mục tiêu  thế hệ thứ tư JAS-39 Gripen E với giá  4,8  tỉ USD. Brazil cũng mua của Italia hơn hai nghìn xe bọc thép (3,6 tỉ USD) và 4 tàu ngầm lớp Scorpen ở Pháp (9 tỉ USD).

Ở châu Âu, quốc gia nhập nhiều vũ khí nhất là Anh (chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu). Đứng tiếp theo là Azerbaijan (12%) và Hy Lạp (11%). Nhìn chung trong 5 năm gần đây, mức độ nhập khẩu vũ khí ở châu Âu đã giảm  25% so với giai đoạn 2004-2008... Và đó cũng chỉ là trường hợp ngoại lệ so với xu hướng tăng cường mua vũ khí  trên quy mô toàn cầu...

Những dữ liệu được công bố ngày 17/3 vừa qua tại Stockholm  là một phần những gì sẽ được tập hợp và xuất bản trong thời gian tới của niên giám SIPRI 2014. Trong niên giám này có các dữ liệu về mua bán, trao tặng các loại vũ khí  thông thường  và sản xuất theo nhượng quyền.  Những dữ liệu này được đưa ra mà không tính đến giá trị thành tiền của các hợp đồng. Viện Nghiên cứu Các vấn đề hòa bình Stockholm (SIPRI) được thành lập năm 1966 và là một trung tâm nghiên cứu độc lập, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, vũ khí và kiểm soát vũ khí cũng như giải trừ quân bị...

Mạnh Thường Quân
.
.