“Quan trường hủ bại” đề tài không mới vẫn cuốn hút

Thứ Tư, 03/06/2015, 15:54
"Quan trường hủ bại" chỉ lật tẩy mươi quan chức từ cấp tỉnh trở xuống, nhưng đọc sách, tôi mới hiểu "Quan trường hủ bại" hấp dẫn người đọc chính nhờ nghệ thuật xây dựng nhân vật với nhiều trang phân tích tâm lý các loại quan chức rất sâu sắc, với một lối viết giễu nhại, đã tạo nên vô số những màn bi hài kịch rất độc đáo… 

Huế, 10/5/2015. Trời nắng như đổ lửa, rời bàn máy tính sang chơi ông Kiều, người đồng hương, từng là kỹ sư lâm nghiệp, mấy năm gần đây bỗng mê đọc sách. Thấy ông đang chăm chú đọc cuốn sách bên cửa, tôi hỏi:

- Anh vừa “săn” được cuốn nào hay mà chí thú thế?

Ông Kiều mời tôi vào nhà, nhưng trời nóng thế này, đứng trò chuyện bên cửa có hàng phượng tỏa bóng râm mát thích hơn.

- Ghê quá anh ơi! Thật hủ bại. Có tay quan huyện mà ngủ với hơn bảy chục bà!...

Ông Kiều đưa cuốn sách cho tôi và xuýt xoa nói vậy.

Thì ra đây là một cuốn sách “Tàu” dày cộp, thuộc dòng “tiểu thuyết quan trường”, một thời khá ăn khách ở Trung Quốc (tiểu thuyết Quan trường hủ bại (QTHB) của Chu Kim Thái, do Thảo Giang dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2013). Hình như không ít người cho loại sách này là tầm thường, nên tôi không tỏ ra vồ vập. Vả lại, nghĩ mình sắp chạm đến ngưỡng “bát tuần” rồi, một con mắt thì đã “gửi lại” hồi còn lăn lộn trên các công trường cầu đường, đọc gì cũng phải chọn lọc. Dù vậy, ông Kiều sốt sắng bảo:

- Để tôi đọc xong sẽ đưa sang cho anh…

Và ngay hôm sau, ông đưa sách cho tôi mượn.

Thoạt đầu, tôi tưởng chỉ đọc qua cho biết dòng “tiểu thuyết quan trường” của các nhà văn Trung Quốc như thế nào. Và cũng để xem có học được gì của thiên hạ cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ta mà “Ban chỉ đạo” vừa họp, tỏ ra rất “kiên quyết”…!

Bàn đến một cuốn sách Trung Quốc, có lẽ không nên né tránh một thực tế là vài năm nay, khi Biển Đông nóng lên vì những hành động bất chấp luật pháp của chính quyền Bắc Kinh, thì bạn đọc Việt Nam không còn “mê” truyện Tàu, phim Tàu như trước. Nói cho công bằng, chuyện nào ra chuyện ấy. Cái kiểu cậy thế đất nước “khổng lồ”, muốn cưỡi đầu thiên hạ, tự vẽ ra cái “lưỡi bò” đại chang ôm gần hết Biển Đông, rồi đắp sân bay to bự trên đảo của người ta thì không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều lên án. Nhưng việc ông Tập Cận Bình mở đại chiến dịch “đả hổ, đập ruồi”, bắt những quan chức “đại bự” xưa nay chưa ai dám đụng đến, tiền tham nhũng chở cả đoàn xe tải thì kể cũng đáng… học tập chứ! Chuyện văn học thì lại là một vấn đề khác nữa. Ai có thể dám xem thường Lỗ Tấn với Mạc Ngôn?

Tuy vậy, QTHB thì chắc là cũng chuyện quan tham, bao bồ nhí… rồi vào tù chứ gì! Chuyện đó thì báo chí mình không thiếu. QTHB in lần đầu ở Trung Quốc tháng 5/2011, nhà văn Chu Kim Thái có gan bằng… trời cũng không dám vạch mặt loại đại quan như Chu Vĩnh Khang. (Khi đó họ Chu còn là Thường vụ Bộ Chính trị, đến Đại hội 18 (năm 2012) mới rớt đài và mãi cuối năm 2014 mới bị khởi tố.) Mà tác phẩm văn học thì không nhất thiết “đụng” đến đại quan mới có giá trị. QTHB chỉ lật tẩy mươi quan chức từ cấp tỉnh trở xuống, nhưng đọc sách, tôi mới hiểu QTHB hấp dẫn người đọc chính nhờ nghệ thuật xây dựng nhân vật với nhiều trang phân tích tâm lý các loại quan chức rất sâu sắc, với một lối viết giễu nhại, đã tạo nên vô số những màn bi hài kịch rất độc đáo… 

Cái vụ lão quan huyện - Bí thư Huyện ủy Lôi Dạt Nhân, ông vua con ở địa phương - ngủ với 78 phụ nữ cũng chỉ là một sự kiện đáng chú ý với “số lượng” bồ nhí thuộc loại kỷ lục, cũng như số tiền khổng lồ mà Đường Hội Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Nhân dân Thành phố Đông Lạc thu được qua các vụ mua quan bán chức chỉ là “tài liệu” để cơ quan kỷ luật Đảng kết tội ông, chứ không tạo nên hiệu quả thẩm mỹ đối với bạn đọc. Tác giả cũng không hề sa vào “sex” hay mải mê miêu tả những cảnh làm tình mùi mẫn một cách tầm thường; ông chỉ công bố “số liệu” kỷ lục vậy thôi!

“Sự kiện” này lại hấp dẫn người đọc ở “nguyên do” dẫn tới việc tiết lộ danh tính 78 bồ nhí của quan huyện là từ vụ khiếu kiện của Tất Phu Chiết - một cán bộ bị mất chức không rõ lý do, khiến anh ta hoang tưởng luôn bị hãm hại, đến gặp ai khiếu nại - kể cả Bí thư Huyện, Bí thư Tỉnh - cũng giắt sẵn con dao trong ống tay áo, khiến nhiều lần các vị lãnh đạo phải huy động cảnh sát tới hộ vệ! Cảnh bi hài này lại dẫn đến vở bi hài kịch quy mô lớn hơn. 

Đó là một kế hoạch rất nghiêm túc của Bí thư Thị ủy Vương An Lạc: Do thấy hàng loạt cán bộ mắc bệnh tâm thần vì phải sống giả dối, phải chịu đủ loại “sức ép”, dẫn đến có vị hóa điên, có người nhảy lầu tự sát..., ông đề ra “Kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm lý công nhân viên chức”… với rất nhiều màn đặc sắc như Đài Truyền hình có chuyên mục “Thi kể truyện cười”, rồi lập nhóm “Gào thét vui vẻ…”, mời Tiến sĩ tâm lý Cam Lộ đến trắc nghiệm cho hàng loạt cán bộ. Nhờ đó mà Tất Phu Chiết hết bệnh và cả họ Tất lẫn Bí thư Huyện trở thành điển hình thực hiện kế hoạch của Bí thư Vương và 4 phóng viên đài, báo được mời đến để quảng bá.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Quan trường hủ bại”.

Chính lúc này, do Bí thư Huyện sơ hở, khi họ Tất tìm hộp trà, bỗng phát hiện cuốn sổ “Bút ký sưu tầm Mao Mao”, không ngờ trong đó ghi mọi trò hủ bại của Bí thư Lôi và danh sách 78 phụ nữ đã bị lão ta xâm hại… Sau đó, chuyện Bí thư mua chuộc, đe dọa, cho bắt cả 4 phóng viên để thu lại bằng cớ thì hấp dẫn như truyện trinh thám và là điểm sáng trong bức tranh QTHB vì cả 4 phóng viên đều không bị “mua” và có anh đã cao tay sao chụp cuốn sổ giấu kín trước khi bi bắt nên rút cục lão Bí thư Lôi vẫn bị tố cáo trước công luận, bị kỷ luật Đảng!

Ghi lại vắn tắt một màn bi hài mà chưa phải là màn chính trong QTHB. Các “màn” khác xoay quanh nhân vật chính là Đường Hội Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Nhân dân Thành phố Đông Lạc, cũng thú vị không kém. Cuốn sách hơn 500 trang, kể sao cho hết! Từ chuyện Triệu Cưu Cưu, nguyên Chủ tịch Thị trấn, vì thất vọng không được lên chức, hóa điên, hàng ngày ra quảng trường diễn thuyết, đến số phận con vẹt và thím Phàm - người giúp việc bị câm - trong nhà Đường Hội Thanh, rồi việc quan tham này mà lại thích nhận quà biếu là tranh Bao Công (vụ “mua bán” càng to thì càng phải bỏ nhiều tiền mua tranh của các họa sĩ có danh tiếng!)… 

Rồi đám tang Mã Chí Đông - một màn bi hài kịch có thể nói là vô tiền khoáng hậu trong sử sách. Mã là Phó Chủ tịch Thành phố, một người có năng lực, nổi tiếng thanh liêm, bỗng nhiên nhảy lầu tự sát. Ban chuyên án không tìm được lý do, mặc dù trước đó, đã xảy liền hai vụ khiến dư luận thành phố náo động: vụ cô Phạm Băng Băng xinh đẹp - Chủ nhiệm Phòng Di dời, người tình của Đường Hội Thanh - bị bắt vì ăn cắp tại một siêu thị và vụ tiếp theo là Cục trưởng Cục Kiến thiết Hà Đại Dục bị “cách ly điều tra”.

Chưa xác định được tội của Phó Chủ tịch Mã, nên dù đã họp “Thường vụ”, hàng trăm cơ quan không biết có nên đi dự đám tang hay không? Đi dự, nếu ông ta có tội, thì có khác chi mình tự đút cổ vào tròng; nếu không đi, lỡ Bí thư Tỉnh về dự thì lại mất một cơ hội lấy lòng cấp trên. Thế là suốt đêm, bao nhiêu đại quan và các thư ký mất ngủ, tuy không dò được tin tức, vẫn đặt sẵn vòng hoa “khống chỉ” thuê xe tải chở đến gần nhà tang lễ và sáng hôm sau thì các quan vừa lên xe đi, vừa ra lệnh nắm tin tức từ Văn phòng Tỉnh ủy, chưa có thông tin thì chỉ xe núp chỗ kín, bảo lái xe dùng ống nhòm quan sát xem những cơ quan nào đi viếng; nhưng hầu hết xe bịt kín biển số xe…

Lễ viếng một đồng chí qua đời biến thành cuộc dò xét nhau hồi hộp như phim trinh thám; rút cục, khi biết Bí thư Tỉnh không về viếng, toàn bộ xe các cơ quan nhất tề quay lui, vòng hoa đặt lỡ, vứt lỏng chỏng đầy đường, khiến chủ hàng hoa vớ bở vì kịp thời nhặt lên “tái chế”!...

Dân gian có câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Tôi nghĩ là cảnh tượng hàng trăm chiếc xe bịt số xe, rồi các quan chức bắc ống nhòm theo dõi nhau thì chắc là nhà văn bịa, nhưng chuyện cả một bộ máy đồ sộ, đủ các ban bệ, răm rắp “tuân chỉ” nhất cử nhất động của Bí thư Tỉnh ủy, rồi bao nhiêu việc “lễ” - kể cả lễ tang, dù “nghĩa tử là nghĩa tận” - đã biến thành nơi mua bán, đổi chác chức quyền, dự án và tình người đã bị các mối lợi quyền chà đạp không thương tiếc thì hình như ở đâu cũng có! Chuyện bi hài mà đau! 

Chuyện tiến sĩ tâm lý Cam Lộ chỉ ra nguồn gốc bệnh tâm lý của Chủ tịch Đường là bị “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”, nhưng ông ta không muốn mọi người biết mình bị bệnh, nhất là sau khi bị ba tên “khủng bố” giả danh Ban Kỷ luật Trung ương buộc ông khai ra mọi tội lỗi rồi tống tiền và rút cục ông đã nhảy lầu tự tử cũng thật bi hài và đau!... Mặt khác, một “cơ chế” khiến hàng loạt cán bộ “mắc bệnh” dẫn đến những hậu quả tiêu cực như trên đâu chỉ là chuyện bi hài mà là một vấn đề rất đáng suy ngẫm nghiêm túc.

QTHB còn có những “đúc kết” kiểu dân gian khá “chuẩn” mà cũng cực vui. Ví như trong một lần “diễn thuyết”, vị Chủ tịch thị trấn thất thế hóa điên Triệu Cưu Cưu đã nói: “…Tục ngữ nói, cán bộ cấp tỉnh đều do cán bộ cao cấp sinh ra, cán bộ cấp huyện và thành phố là dùng tiền bạc để mua, cán bộ cấp xã, thị trấn đều là rượu thịt mà ra, cán bộ cấp thôn thì là nhờ nắm đấm…”.

Một lần khác, lão bàn đến “mĩ nhân kế” trong lịch sử quan trường Trung Quốc và nêu vấn đề: “…Vậy làm tình và làm quan có điểm nào giống nhau? Tổng kết lại thì có mấy điểm sau đây: Đều có khoái cảm, đều có thành tựu, đều dễ bị nghiện, đều cảm thấy mệt… đều không muốn xuống, đều sợ bị bệnh, đều muốn kéo dài…”. Sợ dài, tôi không trích hết, chứ không có chi tục tĩu. Bàn về sự khác nhau, lão nói: “Làm tình thì coi trọng sự hợp tác, làm quan thì nhấn mạnh sự đấu tranh…; làm tình có thể lên có thể xuống, làm quan đã xuống rồi thì khó lên…”.

Thôi, trích thế đủ rồi, để các bạn còn tìm sách đọc. Kể thêm nữa thì không khéo vi phạm quy định “bảo hộ bản quyền” của Công ty làm sách. Bạn thích thì chịu khó bỏ ra trăm ngàn; hình như sách chưa bán hết. Thì ông bạn tôi mới mua tháng 4/2015 đó…

Nguyễn Khắc Phê
.
.