Quan hệ Nga – NATO tiếp tục căng thẳng: Chưa thể “tan băng”

Thứ Tư, 15/02/2017, 19:59
Vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nay lại tiếp tục bị đẩy lên những nấc thang căng thẳng mới sau một loạt động thái đáp trả nhau.

Nga tuyên bố triển khai các loại tên lửa hiện đại "đất đối không" và "không đối đất" ở Kaliningrad để đối phó với các mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD), trong khi NATO vẫn thể hiện sự kiên định với cách tiếp cận "nước đôi" nhằm vào Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về quá trình ra quyết định của NATO, đồng thời khẳng định Moscow sẽ có các biện pháp đáp trả trước sự mở rộng của liên minh quân sự này. Nhìn chung, quan hệ giữa NATO và Nga đã xuống tới mức thấp nhất sau chiến tranh lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng tại Syria.

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, càng làm khắc sâu thêm mối bất hòa và rạn nứt giữa Nga và NATO khi hai bên vẫn "lời qua tiếng lại", cũng như tiếp tục các đợt triển khai quân đội trên diện rộng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh của một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Căng thẳng gia tăng

Có thể thấy, căng thẳng tăng lên đáng kể từ sau khi các thành viên NATO nêu kế hoạch triển khai khoảng 4.000 binh sĩ tới gần biên giới với Nga và trong trường hợp cần thiết sẽ kết nối lực lượng phản ứng nhanh với lực lượng tăng cường lên tới 40.000 lính.

Sự hỗ trợ đến từ các đơn vị của Pháp, Đan Mạch, thậm chí Anh cũng sẽ điều tới Estonia 800 binh sĩ với đầy đủ trang thiết bị quân sự. Đức cũng cam kết gửi quân đến khu vực giáp giới Nga, trong khi Mỹ cũng sẽ đưa lính đến Na Uy.

Những quyết định này khiến NATO chịu nhiều chỉ trích từ Nga về việc đang gây bất ổn tại châu Âu, cho dù Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã lên tiếng khẳng định rằng liên minh quân sự này không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với Moscow.

Căng thẳng tiếp tục leo thang trong mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa NATO và Nga khi khối liên minh quân sự này tiến hành cuộc tập trận lớn nhất tại sườn phía Đông mang tên Anakonda-16 ở Ba Lan.

Trên cơ sở những diễn biến ngày càng xấu đi trong quan hệ Nga - NATO những năm gần đây, một số chuyên gia đưa ra giả thuyết về một cuộc xung đột hạt nhân giữa Nga và NATO.

Điều này khiến Nga "không thể ngồi yên" bởi việc NATO tiến hành tập trận tại Ba Lan chẳng khác nào hành động "dương oai diễu võ" ngay sát nách Nga. Nga xem việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia và không thể không lo ngại trước những kế hoạch của khối này khi đưa quân và vũ khí quân sự đến sát sườn Nga.

Trước Anakonda-16, đã có ít nhất 3 cuộc diễn tập được tổ chức tại Ba Lan, gần nhất là cuộc tập trận "Brilliant Jump 2016" (Bước nhảy khôn ngoan 2016) nhằm mục đích tăng cường khả năng lên kế hoạch, phối hợp hành động và triển khai lực lượng của NATO.

Chưa dừng lại, 4.000 binh sĩ thuộc 11 quốc gia thành viên NATO tiến hành tập trận đa phương quy mô lớn mang tên "Iron Sword" (Gươm sắt) tại Litva - quốc gia giáp với Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania.

Để đáp trả, phía Nga đã triển khai lực lượng tại Kaliningrad nhằm tiếp tục cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander, cho phép vượt qua hệ thống NMD. Động thái này của Nga được xem như một phản ứng đối xứng với các hành động của NATO, có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ hệ thống NMD, đồng thời cho thấy Nga vô cùng cẩn trọng và sẽ liên tục theo dõi tình hình để "sẵn sàng ứng phó".

Mối quan hệ Nga và NATO ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" trong những năm gần đây do "sự mở rộng về phía Đông" của NATO. Hai bên rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

NATO tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Khối liên minh quân sự này cũng liên tục đổ lỗi cho Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ như Latvia, Litva và Estonia.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.

Sự căng thẳng được đẩy lên nấc thang mới với hàng loạt cuộc tập trận của NATO ở khu vực châu Âu, đặc biệt là ở vùng biển Baltic khiến Nga kịch liệt phản đối, và việc Mỹ hoàn thành việc xây dựng một phần hệ thống NMD tại Romania, đồng thời tuyên bố năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành một đơn vị tương tự ở miền Bắc Ba Lan.

Phản ứng trước các đợt triển khai vũ khí và các cuộc tập trận dồn dập với quy mô ngày càng lớn trong thời gian gần đây của NATO, việc Nga tăng cường lực lượng quân sự quy mô lớn dọc biên giới nước này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Với một loạt động thái đáp trả lẫn nhau, từ lời nói tới hành động, dễ dàng nhận thấy mối quan hệ chồng chất căng thẳng giữa Nga và NATO khó mà "xuôi chèo mát mái" trong một sớm một chiều.

Nguy cơ tiềm ẩn

Nhiều chuyên gia cho rằng, căng thẳng hiện nay giữa Nga và NATO thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những gì đã xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh do thiếu đi yếu tố cân bằng lực lượng cũng như những kênh kết nối đàm phán trực tiếp giữa hai bên. Việc chưa có những kênh đối thoại hiệu quả đã khiến hai bên lúng túng trong việc nắm bắt tín hiệu của nhau.

Mặc dù Nga - NATO đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại được cho là "cực kỳ hữu ích", và phía Nga cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với liên minh quân sự này trong khuôn khổ Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997, song thực tế cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan về khả năng "tan băng" trong mối quan hệ giữa hai bên.

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, càng làm khắc sâu thêm mối bất hòa và rạn nứt giữa Nga và NATO khi hai bên vẫn "lời qua tiếng lại".

Giữa Nga và NATO hiện vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc, những khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Có ý kiến nhận định, ngày càng rõ rệt hơn về mưu toan vẽ nên hình ảnh nước Nga thành một mối đe dọa nhằm biện minh cho các biện pháp tăng cường quân sự cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại các khu vực trên thế giới.

NATO một mặt kêu gọi đối thoại với Nga nhằm giải quyết bất đồng, mặt khác cho rằng cần gia tăng trừng phạt nhằm kiềm chế sức mạnh của Nga. Theo đó, quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại".

Giới phân tích nhận định, nếu Nga là phía chịu thiệt hại nhiều hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây, thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng nặng nề về mặt an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cả khu vực Trung Đông và hiện nay là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong lòng châu Âu. Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO và Liên minh châu Âu đang làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên.

Căn cứ vào những "dữ liệu xác thực" và lập luận logic, trên cơ sở những diễn biến ngày càng xấu đi trong quan hệ Nga - NATO những năm gần đây, một số chuyên gia đưa ra giả thuyết về một cuộc xung đột hạt nhân giữa Nga và NATO.

Theo đó, nguy cơ chiến tranh giữa Nga với NATO trong năm 2017 sẽ vô cùng khốc liệt đối với châu Âu bởi đó là cuộc chiến tranh hạt nhân chiến thuật do Nga phủ đầu. Viễn cảnh được vẽ ra là Nga sẽ bắt đầu đánh chiếm trọn vẹn quốc gia láng giềng phía tây là Ukraine để giành tuyến đường trên bộ dẫn tới Crimea, sau đó sẽ "nuốt gọn" ba nước thành viên của NATO thuộc vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia.

Sở dĩ mâu thuẫn giữa hai bên có thể dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là do Moscow phản kháng lại cái mà Điện Kremlin vẫn thường tuyên bố là "NATO đang xiết chặt vòng vây xung quanh Nga", hơn nữa, cơ hội lớn đã đến khi NATO đang ngày càng yếu đi. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự cường điệu.

Những người hiểu biết sẽ hiểu rằng đây chỉ là những lời nói suông, nhưng những người sống một cuộc đời bình thường, không theo dõi tin tức chính trị, không biết phân tích thông tin thường dễ bị lừa phỉnh.

Việc NATO và Nga đã cùng "xuống thang" để ngồi lại đối thoại được đánh giá là động thái tích cực đầu tiên nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi.

Với lời khẳng định "NATO muốn đối thoại với Nga" của Tổng Thư ký NATO và "NATO không xem Nga là kẻ thù của mình, không muốn chiến tranh lạnh kiểu mới" của Tư lệnh Bộ Chỉ huy hàng hải NATO Clive Johnstone, cách tiếp cận "nước đôi" mà NATO đang theo đuổi cũng có thể được coi là tín hiệu tích cực, là bước đệm hướng tới cải thiện quan hệ hai bên trong thời gian tới…

Anh Lâm
.
.