Quan hệ Mỹ - Trung: Vòng vây siết chặt

Thứ Hai, 14/01/2019, 11:38
Có thể chính trường Mỹ đang chứng kiến một số va đập và xáo trộn nhưng đó là điều vẫn luôn xảy ra trong nhiệm kỳ của bất cứ ông chủ Nhà Trắng nào. 

Và còn một điều khác cũng chẳng bao giờ thay đổi: Nước Mỹ luôn biết cách làm tất cả để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình trước các thách thức lớn, bất chấp những sự chia rẽ đó. Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc chính là điều sẽ được ưu tiên như vậy.

Hẹn hò trong dông bão

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc!” - ngày 4-1, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin khẳng định. 

Theo ông, các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra “ở cấp cao nhất” và “tiến triển rất tốt”. Bởi vì, với những tác động của “cuộc chiến thương mại” tới nền kinh tế, Trung Quốc “thực sự muốn đạt được thỏa thuận” với Mỹ.

Đã hơn 30 ngày trôi qua, trong quỹ thời gian 90 ngày “đình chiến” được xác lập bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), ngày 1-12-2018. 

Ngày 7-1, một phái đoàn Mỹ do Phó đại diện Thương mại Jefrey Gerrish dẫn đầu đã tới Bắc Kinh tham dự cuộc đàm phán cấp thứ trưởng với Bộ Thương mại Trung Quốc, thảo luận về việc “thực thi các cam kết quan trọng đã đạt được”. 

“Nước Mỹ trên hết!”.

Và sau đó, hàng loạt cuộc tiếp xúc khác, ở các cấp độ khác, cũng đang được lên kế hoạch, nhằm mục tiêu biến trạng thái “đình chiến” thành “vãn hồi hòa bình” khi kết thúc thời hạn 90 ngày. 

Nửa sau năm 2018, kinh tế toàn cầu bị cuốn vào vòng xoáy tàn khốc của “sự va chạm giữa hai người khổng lồ” ấy. Hàng tỷ USD hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngưng trệ trước những rào cản thuế quan. Nhưng không chỉ vậy, không chỉ là “câu chuyện riêng” mang tính “lưỡng bại câu thương” của họ, những chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất toàn cầu đều đang giảm hoặc chững lại. 

Các khảo sát về chỉ số thu mua (PMI) cho thấy: Ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), mức độ tăng trưởng là “giậm chân tại chỗ”. PMI ở Pháp và Italy trong ngưỡng giảm. 

Triển vọng phục hồi ở Đức hay Tây Ban Nha khá mờ nhạt. Châu Âu đã như vậy, các nền kinh tế châu Á bị “kẹt giữa hai làn đạn” (Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia...) cũng không có gì sáng sủa hơn.

Tất cả đều bị tổn thương và “cuộc chiến thương mại” này cần được kết thúc một cách chính thức, đó là mong mỏi của mọi “người chơi” trong quỹ đạo.

Đằng sau lợi ích kinh tế

Tuy vậy, nhìn vào cách Washington khơi mào cuộc chiến ấy và đặt nó những diễn biến song trùng trong hiện tại, có thể tin rằng việc hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản giữa hai phía là không hề dễ dàng.

Giới quan sát quốc tế đã được chứng kiến Nhà Trắng cứng rắn đến thế nào khi “tuyên chiến” và áp đặt các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vừa là địch thủ, vừa là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của mình, bất chấp mọi lời kêu gọi kiềm chế cũng như bất chấp nỗi lo lắng của cả đồng minh - đối tác khác, như Liên minh châu Âu (EU).

Cộng đồng quốc tế cũng đã thấy, kể cả khi vẫn còn tồn tại những chia rẽ hay xung đột về tư tưởng trong nội tại, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới được bổ nhiệm là Patrick Shanahan vẫn khẳng định một định hướng cũ: tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh với các đối thủ tiềm ẩn khả năng thách thức vị trí cường quốc số 1 thế giới của Mỹ, là Nga và Trung Quốc.

Và, cho dù được che đậy bởi bất cứ thứ ngôn từ ngoại giao nào, dự luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA) mới được ký để trình Quốc hội thông qua cũng sẽ là một phương tiện thực tế kiềm chế Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, chính trị tới quốc phòng... tại châu Á. 

Thậm chí, đó sẽ còn là một công cụ để ép những quốc gia nhỏ phải “chọn phe”, như nguy cơ mà trước đây Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng tiên liệu.

ARIA là gì? Một cách khái quát, như Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Complete Intelligence - Tony Nash, ARIA cụ thể hóa bằng văn bản là “Mỹ có bạn bè”. Tuy nhiên, sự xác nhận ấy lại xuất phát từ một điều kiện: “Những mối quan hệ này không dựa trên các cam kết cho vay hàng tỷ USD mà là trên các cam kết về chính trị, kinh tế và quân sự”. 

Shanahan - ông chủ mới của Lầu Năm Góc.

Nói cách khác, đó là những đề nghị trái ngược với các mối quan hệ Trung Quốc đưa ra thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Một sự lựa chọn và chấp nhận hệ giá trị này, thay vì hệ giá trị khác.

 Đó có thể, như Tony Nash nhận xét, “không phải là chiến thuật để ép Trung Quốc nhượng bộ trong các cuộc đàm phán sắp tới”. Nhưng ARIA vẫn hoàn toàn có thể làm gia tăng sức ép chiến lược địa chính trị đối với “Rồng Hoa”, khi “sức ép ấy không chỉ xuất phát từ nước Mỹ, mà còn có phần quan trọng của các đồng minh và đối tác trong khu vực”.

Nước Mỹ trên hết

Cả năm 2018 (và cả năm 2017), những diễn biến quan trọng nhất trong dòng chảy các sự kiện quốc tế đều xoay quanh (hoặc dính dáng đến) các quyết sách đối ngoại mang tính chiến lược của Nhà Trắng. 

Năm 2019 có lẽ cũng sẽ không có gì thay đổi, khi đương kim Tổng thống Mỹ vẫn chưa có ý định lùi một bước nào, trên mọi “mặt trận”. Để “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, như cương lĩnh tranh cử, ông Donald Trump sẵn lòng chấp nhận những tổn hại nhất thời, điều đã và đang diễn ra trong cuộc đối đầu kinh tế với (không chỉ) Trung Quốc.

Triệt thoái binh sĩ của Syria và thay đổi nhân sự Bộ Quốc phòng là những chỉ dấu cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh và sự khuếch đại mâu thuẫn giữa Nhà Trắng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng vậy. 

Syria - “khoản đầu tư” khó sinh lời của nước Mỹ.

Kể cả khi Chánh Văn phòng Lầu Năm Góc Kevin Sweeney đệ đơn từ chức ngày 5-1, cũng vẫn là thiếu cơ sở để đề cập tới một cuộc khủng hoảng đường lối nào đó.

Nếu nhìn nhận một cách đơn giản, như chính cá tính của ông Donald Trump - người hoàn toàn không giống như các chính trị gia chuyên nghiệp, thì tất cả đều chỉ là những động thái ứng phó cần thiết với tình hình, nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. 

Tiếp tục duy trì quân đội ở Syria đang trở thành một khoản đầu tư nặng nề, mà chưa ai có thể tính toán được “lời lãi”, khi liên minh Nga-Syria-Iran còn rất chặt chẽ và vững vàng. 

Bởi vậy, rút quân khỏi đó nhưng lại tăng quân ở Iraq - nơi Washington có tầm ảnh hưởng vượt trội - là một giải pháp không tồi, nhằm bảo đảm vị thế Mỹ ở Trung Đông, với chi phí và mạo hiểm thấp hơn. James Mattis không còn thích hợp với tình thế mới, khi luôn tiếp cận vấn đề theo cách cũ, thì một nhà kinh tế như Patrick Shanahan lại có thể hữu dụng. 

Ở một khía cạnh nào đó, điều này khá giống với việc đóng cửa một chi nhánh kinh doanh và mở một chi nhánh khác.

Chi ít tiền hơn và đạt được hiệu quả cao hơn, ông Donald Trump chưa từng giấu giếm quan điểm thông suốt đó của mình kể từ khi đắc cử, qua tất cả những quyết định gây tranh cãi. Vấn đề là, cuối cùng, nước Mỹ vẫn phải là quốc gia lãnh đạo một trật tự thế giới mới.

Chính vì vậy, cho dù các cuộc thương thảo về thương mại Mỹ - Trung có tiến triển tốt đẹp, cho dù mọi việc có thể trở lại bình thường sau 90 ngày, cho dù mọi nền kinh tế khác mong mỏi điều ấy đến đâu... thì khi nhiệm kỳ tổng thống này chưa kết thúc, nguy cơ “tái chiến” để nới rộng khoảng cách với “những kẻ thách thức” quyền lực Mỹ vẫn luôn lẩn khuất đâu đó, quanh những nụ cười và những cái bắt tay...

Thiên Thư
.
.