Quan hệ Mỹ - Israel: Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại?

Thứ Sáu, 21/11/2014, 17:00

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel hiện tại được đánh giá là “đã khủng hoảng lại càng thêm khủng hoảng” khi hai vấn đề trọng tâm là chính sách tái định cư và chương trình hạt nhân Iran không tìm được tiếng nói chung. Một số quan chức Mỹ tỏ ra tức giận đối với ông Netanyahu cũng như chính phủ của ông và lớn tiếng cảnh báo mối quan hệ hai nước sẽ còn tồi tệ hơn sau giai đoạn bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Xa rời đồng minh

Theo Tạp chí Đại Tây Dương, một số quan chức Mỹ đã có lời khiếm nhã với Thủ tướng Israel và gọi ông bằng biệt danh là Bibi thay cho việc dùng chính danh. Những lời qua tiếng lại càng làm bản chất mối quan hệ Mỹ-Israel căng thẳng hơn vào cuối tháng 10 sau khi Chính phủ Netanyahu công bố kế hoạch xây dựng 1.000 căn nhà định cư mới ở phía đông Jerusalem, một động thái mà các quan chức Palestine cảnh báo có thể châm ngòi nổ bạo lực. Về phía Mỹ thì cho rằng Israel đang âm mưu chiếm các vùng đất đang tranh chấp với Palestine.

Ông Alistair Baskey, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục chỉ trích Israel: “Đã nhiều lần chúng tôi không tán đồng với những hành động tự phát của chính phủ Israel và chúng tôi phải lên tiếng bày tỏ quan ngại, chẳng hạn như chúng tôi quan ngại về chính sách định cư của Israel. Chúng tôi buộc lòng phải dấy lên những mối quan ngại đó với vai trò một đối tác quan tâm sâu sắc đến tương lai Israel và mong muốn người dân Israel sống hữu hòa và bình an cùng với những quốc gia láng giềng”, ông Baskey phát biểu trong một tuyên bố.

Hiện để “dạy cho Bibi một bài học”, những người chỉ trích ông Netanyahu đang gây áp lực lên chính quyền Obama xem xét thu hồi bảo trợ ngoại giao cho Tel Aviv vào tháng 11 nhằm cô lập Israel ra khỏi cộng đồng quốc tế cùng với thời điểm Palestine tiến đến một cuộc trưng cầu tại Liên Hiệp Quốc để được công nhận là một quốc gia độc lập toàn vẹn.

Mặc dù, Mỹ- Israel áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn gây áp lực cho Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn luôn thoát khỏi “vòng vây phương Tây” khiến Washington và Tel Aviv ngày càng nghi kỵ lẫn nhau. Nhà Trắng giờ đây không còn tin Israel có thể phát động một cuộc tấn công phủ đầu Iran nhằm ngăn chặn Tehran có được vũ khí hạt nhân.

Cũng vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Moshe Yaaho đã thêm “vị đắng” cho quan hệ giữa 2 nước khi thẳng thừng từ chối lời mời đến thăm Washington, khiến một số quan chức cấp cao trong chính quyền Obama nổi xung cảnh cáo Israel đang ngày càng “rời xa đồng minh thân cận” của họ.

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Kinh Thánh Do Thái (Israel) và Thiên chúa (Mỹ) có một đoạn chung chép rằng: “Chớ xét đoán ai để rồi sẽ bị xét đoán”, nên ông Netanyahu cũng chẳng mấy tôn trọng đồng minh, có lần người đứng đầu Chính phủ Israel ví ông chủ Nhà Trắng gần giống như một “con vịt què” (từ gốc tiếng Anh Mỹ là: lame duck) để ám chỉ càng đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama càng trở nên nhu nhược và đang mệt mỏi chạy theo cái bóng cô đơn của chính mình. 

Ông Netanyahu phát biểu phản pháo lại chỉ trích nhằm vào ông đến từ Washington.

Vì vậy, dù thất vọng sâu sắc với một số quan chức Washington, ông Netanyahu phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tuyên bố chỉ trích nhắm vào ông hoàn toàn “xa rời thực tế”. Ngày 28/10, phát biểu tại Quốc hội Israel (Knesset) vài giờ sau khi phải nghe những bình phẩm chướng tai từ Mỹ, ông Netanyahu dù trong lòng rất tức giận, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bình tĩnh khi phát biểu trước các nghị sĩ Israel và người dân Israel: “Là thủ tướng, tôi phải chịu trách nhiệm giữ vững an ninh cho Israel. Tôi luôn quan tâm đến cuộc sống của từng người dân và chiến sĩ quân đội, và tôi sẽ không bao giờ thụ động thỏa hiệp để gây nguy hiểm cho tổ quốc của chúng ta”.

“Lợi ích của chúng ta (Israel-Mỹ) hoàn toàn khác biệt với suy nghĩ của những người tấn công đất nước chúng tôi và cá nhân tôi. Tôi luôn tôn trọng và trân quí mối quan hệ sâu sắc với Mỹ. Kể từ ngày lập quốc, chúng ta có bất hòa với nhau và sau đó giảm dần. Chúng tôi ý thức được thời gian trôi qua, năm này qua năm khác, sự ủng hộ của nước Mỹ ngày càng tăng. Quan hệ đồng minh chiến lược có chung quan điểm sẽ tiếp tục”, ông Netanyahu cố kìm nén bức xúc nhắc lại và ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước. Trong khi đó Văn phòng Thủ tướng Israel cũng có lời đáp trả mạnh mẽ gửi đến đồng minh Mỹ rằng: “Không có áp lực nào có thể thay đổi được chính sách riêng của Israel nhằm đối với Palestine”.

Ngày 29/10, Bộ trưởng Kinh tế Israel, ông Naftali Bennett đã lên tiếng bênh vực Thủ tướng Benjamin Netanyahu bằng cách “đăng đàn” trên trang Facebook cá nhân cảnh báo Mỹ đang làm tổn thương đến thế giới Do Thái. “Thủ tướng Israel không phải là một người bình thường, mà là lãnh đạo của nhà nước Do Thái và cả thế giới của người Do Thái. Những từ ngữ chỉ trích nghiêm trọng như vậy sẽ có hại cho hàng triệu người Israel và người Do Thái trên toàn thế giới”.

Thực ra những bình phẩm của các quan chức Mỹ vô tình làm mếch lòng ông Netanyahu - nhân vật chính trị gây chia rẽ ở Israel chỉ như một hành động “ăn theo” những lời chỉ trích nặng nề từ cử tri trung hữu thân tín dành cho Thủ tướng Israel vì thất bại trong việc đạt được mục đích làm suy yếu Hamas, trong khi chỉ luôn miệng “ca suông” một “bài ca cũ” sẽ thực hiện đầy đủ cam kết: duy trì lợi ích an ninh và quyền lợi đã từng có trong lịch sử của người Do Thái ở Jerusalem”.

Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp đầu năm 2014 tại Washington.

Tuy nhiên,  các nhà phân tích cho rằng ông Netanyahu vẫn còn duy trì được sự ủng hộ nội bộ trong các đảng cánh hữu, cho nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng quyền lực đến vận mệnh của Israel. “Netanyahu tự tin ông ấy có thể vượt qua cơn bão này. Ngay cả khi có những bất đồng cá nhân với quan chức chính quyền Obama, thì quan hệ quốc phòng giữa Israel và Lầu Năm Góc vẫn còn rất mạnh mẽ”, ông Hugh Lovatt, điều phối viên kế hoạch hòa bình Israel-Palestine, công tác tại văn phòng Đối ngoại trực thuộc Hội đồng châu Âu phát biểu.

Dịu bớt căng thẳng

Bởi cái sự “yêu nhau củ ấu cũng tròn,” nên để làm dịu căng thẳng với Israel, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia, ông Baskey đã đọc tuyên bố của Nhà Trắng vào ngày 29/10 khẳng định những lời lẽ gây tổn thương đến ông Netanyahu chỉ là sự vu khống mang tính chất cục bộ cá nhân: “Chắc chắn đó không phải là quan điểm của Chính quyền Obama, và chúng tôi đồng ý rằng những ý kiến như vậy không thể chấp nhận được và phản tác dụng”.

Ông Baskey giải thích thêm các ý kiến chỉ trích nặng nề từ thiểu số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chống lại chương trình định cư của Israel ở Jerusalem đã bị thổi phồng, nên gây ra “hiểu nhầm” cho cả 2 bên. “Rõ ràng, dù quan hệ Mỹ-Israel rất chặt chẽ, chúng tôi vẫn chưa thống nhất ở một số vấn đề. Chẳng hạn, chúng tôi nhiều lần lặp lại quan điểm rõ ràng lâu nay của Mỹ rằng hoạt động tái định cư là bất hợp pháp và làm phức tạp thêm giải pháp 2 nhà nước (Israel và Palestine)”.

“Quan hệ Mỹ-Isreal vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, các cam kết an ninh của chúng tôi chưa bao giờ quan trọng bằng thời điểm hiện nay, và quan hệ đồng minh thân tín giữa 2 nước sẽ không bị lay chuyển. Chúng tôi vẫn duy trì và thực hiện đầy đủ cam kết an ninh dành cho Israel. Ngài Thủ tướng Netanyahu đã tái khẳng định rằng ông tán đồng quan điểm của Mỹ về giải pháp tốt nhất để giải quyết xung đột Israel-Palestine tiến đến việc thành lập 2 quốc gia sống bên nhau trong an hòa”.

Israel nhận viện trợ của Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia đồng minh nào khác - hơn 3 tỉ USD/năm, chiếm hơn một nửa viện trợ quân sự rải cho những “điểm nóng” trên khắp thế giới được Nhà Trắng quan tâm hoặc có dính líu đến. Tuy nhiên, những nỗ lực thông qua kênh ngoại giao của Mỹ nhằm giải quyết xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và các quốc gia Ảrập vẫn chưa đạt được kết quả khả quan nào.

Phạm Khôi Nguyên
.
.