Quả bầu xanh và trang nhật ký

Chủ Nhật, 19/04/2020, 18:13
Thế hệ của những chàng trai, cô gái thời 6x trở về trước rất đỗi quen thuộc với cuốn sổ tay bìa mỏng, giấy nâu, ghi lại những dòng nhật ký, những trang lưu niệm trên mỗi chặng hành trình, mỗi bước đường đời. Chiến tranh lùi xa, thời bao cấp chỉ còn quá khứ, thế hệ thanh niên ngày nay cấp tập với mạng, với Facebook, những tưởng họ đã không hình dung ra trang nhật ký, trang thư thuở nào.

Thật bất ngờ, điều ấy sống lại trong những ngày cả nước chống dịch COVID-19, còn nhật ký thì họ dùng từ thân thương hơn “em Cô Vy”…

7x chúng tôi như dấu gạch nối của thế hệ thanh niên bước tới ngưỡng thiên niên kỷ thứ 3. Không mới mẻ, ồn ào và cấp tập như những cô cậu 8x, 9x sau này, song thế hệ 7x cũng từng nếm trải những năm tháng đất nước kham khó thời bao cấp, rồi thời đầu mở cửa, khi đi lại, liên lạc vẫn chỉ là những chuyến xe khách đường trường, những lá thư “gửi phương xa” với tem thư và ông già bưu chính. Thế nên dẫu chẳng phải kinh qua nhật ký chiến trường như bậc tiền bối thì những dòng nhật ký, thư tay vẫn là kỷ niệm một thời ai từng trải chẳng dễ gì quên được. 

Bên trong một khu cách ly. Ảnh: CTV.

Mười lăm năm trước, thế hệ trẻ đón nhận không khí ấm nóng từ những cuốn nhật ký, thư tay của những thanh niên thời chiến để lại như nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Mỗi ngày, mỗi bước đường hành quân ra trận khi xưa, qua những xóm làng, những cánh rừng âm u hay bờ sông loang lổ bởi bom Mỹ, nghĩ về con người, chiến tranh và đất nước, tất thảy đọng lại dưới những trang viết mộc mạc.

Đây là những dòng nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc, viết gần 50 năm trước, cũng vào độ tháng ba, tháng tư...

21/3/72: Mình nhìn cây mua xanh nhưng mà thật cảm động. Ở rừng rú, chỉ tiếng chim lạc lõng trong cái nền âm u, rì rào như một cơn giông lớn đang ào tới, mà hoa mua nở tím cả thung lũng. Hoa mua cánh mềm, cánh mỏng như nếp áo cô gái Việt Nam chung thủy đợi chờ. Ừ, hoa mua, ở rừng thế, làm gì có hò hẹn mà cũng nở ra hoa tím, mà cũng chờ đợi và chung thủy...

25/3/72:... Thế hệ mình, lứa tuổi mình - các bạn ơi, đi nhé, chúng ta đi mà chẳng cần chần chừ, suy tính. Ta gửi lại phía sau lưng mình tuổi thơ và cả những người bạn thân yêu nhất...

4/4/1972: Ý nghĩ về ngày mai chiến thắng... Mình chợt nghĩ rằng, ngày mai, khi đất nước chiến thắng rồi, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, mình sẽ làm gì? Úp bàn tay lên má, lên mặt và nghĩ về tương lai. Không, chẳng có gì đáng lo ngại cả. Lúc đó sẽ là đi học, chắc không muộn, không bao giờ muộn cả. Mình sẽ trở về và gặp lại tất cả mọi người, gặp lại Như Anh thân yêu...”.

Những dòng nhật ký gần 50 năm trước, ấy là hơi thở, là nhịp sống của thế hệ thanh niên thời chiến, lên đường vì hai chữ Tổ quốc. Hôm nay, nhịp sống thời bình vốn hối hả, cấp tập, những dòng xoáy thời cuộc cuốn con người vào bộn bề lo toan, căng thẳng. Những dòng nhật ký thi vị, nặng nghĩa và hoài niệm năm xưa cũng thưa vắng. Thế nhưng, cơn bão COVID-19 quét toàn cầu khiến tất cả chững lại.

Người ta ngẫm rằng, chính trong gian khó, lòng người càng tỏ bày, càng lan tỏa. Có những hành vi, cử chỉ, những cốt cách vốn có xa xưa, lâu nay ngỡ bị bão thị trường quét sạch rồi. Nhưng không, bão COVID cho thấy, những gì là tố chất con người, dù biểu hiện góc độ này hay góc độ khác, tính chất cao thấp khác nhau nhưng không bị quét mất. Trong điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, tố chất ấy sẽ bộc lộ.

Thật xúc động với hình ảnh cụ Nguyễn Văn Thái (89 tuổi, ở thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà, Hà Tĩnh), đạp xe đến điểm cách ly xã để gửi món quà quê. Món quà mộc mạc như cốt cách người nông dân, đó là 1 kg gạo, một quả bầu xanh, bó rau muống, một túi rau vặt cùng 20 nghìn đồng. Nhận món quà từ cụ, những chiến sĩ công an ở điểm cách ly rung rưng nước mắt.

Cụ kể, nghe đài đưa tin, cụ lo cho các cháu, chiều hôm qua ra vườn tìm quả bầu xanh ngon nhất, hái rau muống và những thứ rau khác cụ trồng trong vườn, gói ghém lại để sáng nay đạp xe lên sớm. Ôi, tình quê hương đất nước, nghĩa nặng đồng bào là vậy, là lúc này đây. Nhìn quả bầu xanh non, tròn trĩnh, nhìn mũ tai bèo, da nhăn sạm và nụ cười, sự dẻo dai của cụ Thái, chúng ta hiểu vì sao đất nước dẫu khó khăn trăm bề, vẫn đi tới thắng lợi cuối cùng. 

“Như chống giặc”, sự so sánh ấy nhằm khơi gợi ý chí của con người, của đồng bào trong hoàn cảnh cần sự đồng lòng, hợp sức toàn dân. Bởi thế, những trang viết, những dòng nhật ký hôm nay không thể so sánh về tính chất, bối cảnh như xưa, như những năm tháng chiến tranh mà chỉ ở góc độ về sự đồng lòng, hợp sức của con người. Bao ngày qua, có hàng vạn người sống trong các khu cách ly tập trung hay cách ly tại gia đình. 14 ngày, 21 ngày, đó là thử thách phần nào với mỗi người khi họ bị buộc phải giới hạn sự tự do đi lại, sinh hoạt như thường ngày. Cách ly chứ chưa phải hành động gì lớn để đóng góp cho xã hội nhưng trong lúc này, nó lại có ý nghĩa quan trọng, sự tự giác của mỗi người đóng góp vào sự thành bại chung của toàn cục. 

Cụ Nguyễn Văn Thái, 89 tuổi, đạp xe mang bầu xanh, rau vườn hỗ trợ bữa ăn tại cơ sở cách ly.

Và hôm nay, chúng ta gặp lại những dòng nhật ký đầy thân thương đó, dẫu là trên trang Facebook hay trên trang giấy thân mật như thuở nào. Bạn Lý Đại Lương, tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Hàn Quốc, trở về đúng thời điểm đại dịch COVID-19. Lương sống cách ly ở một nơi có tầm nhìn đẹp ngắm ra núi Bà Đen, Tây Ninh. Và, đây là những dòng nhật ký của anh: 

Ngày đầu tiên...

Khu cách ly ở trường học giống những nơi tôi từng đi khám từ thiện ở những nơi vùng sâu vùng xa. Buổi sáng ngày đầu tiên, mấy em trai đã dậy chơi bóng chuyền ngoài sân. Ở cùng tôi là mười người khác, họ thuộc hai gia đình nên không khí cũng thân thiện, dễ chịu. Những người tình nguyện trong khu cách ly làm việc rất nhiệt tình. Họ lo cho chúng tôi ăn uống đầy đủ. An ninh tương đối tốt...

Ngày thứ hai...

Hầu như mọi người đều hài lòng với ba bữa ăn hằng ngày. Xen vào còn có bắp luộc, ổi, mì ly... được phát thường xuyên. Anh em thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ ở đây đeo khẩu trang làm việc liên tục dưới cái nóng, nhìn mà thương! Tâm lý người đi cách ly họ sợ nhất là nhiễm bệnh. Chỗ nào có tiếng ho, có ai sốt là tin lan đi nhanh lắm. Chỉ mong không có ai dương tính để mọi người đều an toàn và được về đúng hạn.

Ngày thứ ba...

Cơm trưa gồm cá kho, tráng miệng nhãn lồng và ly cam vắt tươi. Cách ly mà cơm canh vầy là quá ngon lành rồi. Y tế dự phòng Việt Nam mình đang làm tuyệt vời...”.

“Tôi hiểu cuộc đời còn nhiều đêm xuân để dạo chơi, 14 ngày cách ly của tôi sẽ có ý nghĩa với hàng trăm người” - Minh Đức (SN 1993) là nhân viên truyền thông ở Hà Nội, viết trong thời gian cách ly tại nhà, từ ngày 15-3. Trong nhật ký, Đức viết:

Ngày 1: Bố mẹ bắt tôi ở trong phòng cả ngày. Bố phải nghỉ làm, anh trai nghỉ làm, mẹ cũng không dám ra khỏi nhà vì sợ hàng xóm nói, nhà có đứa con cách ly mà không chịu ở nhà. Ngày nào tôi cũng phải nhắn tin cho chị y tá phường, cặp nhiệt độ và báo cáo sức khỏe...

Ngày 2, 3, 4: Sống cách biệt với thế giới dễ đẩy con người ta vào những trạng thái tâm lý bất ổn. Bạn phải tranh đấu giữa việc tìm hết những sở thích cá nhân có thể làm được trong phòng với việc ngồi căng thẳng và làm nhiều việc không tự chủ: Nhìn ra cửa sổ và cười một mình, nói chuyện với con thạch sùng, lấy gấu bông ra mặc quần áo... Tất nhiên, trong cái khó ló cái khôn, tôi đã lên danh sách việc cần làm và tự lấp đầy những khoảng trống cả về thời gian và tinh thần.

Ngày 5: Bên trong là một mớ hỗn độn, còn bên ngoài là vô vàn cám dỗ: Giường êm, nhiều thứ tiêu khiển để làm, một con chim hót bên ngoài cửa sổ cũng khiến bạn mất 20 phút. Nhưng đổi lại, tôi tự chủ hơn, tôi làm việc miệt mài hơn khi nhận ra mình vừa tiêu lố chút thời gian của công ty. Làm việc ở nhà, tôi nhận ra mình chỉ cần chiếc laptop là đi đâu cũng sống được...

Ngày 7, 8, 9: Tôi phải đương đầu với những “chiến binh” hàng xóm từ xa khi những lời đồn đại, thêu dệt của họ văng vẳng lên tận phòng tôi trên tầng hai... Mẹ có nói với hàng xóm nhưng họ chỉ để ý một điều thôi. Những cô hàng xóm “buôn” chuyện như muốn để tôi nghe thấy, to đến mức phát bực. 

Ngày 10: “Âm tính”, tôi mừng phát khóc! Dù tôi biết mình khỏe mạnh cho tới ngày thứ 10 này, tôi vẫn thấy vui khi nhận được kết quả chính thức... Niềm tin vốn là thứ mỏng manh, trước đại dịch lại càng căng như sợi chỉ. Nhưng giờ đây, niềm tin là thứ duy nhất níu kéo chúng tôi trước một vận mệnh mới của toàn cầu. Hết 14 ngày cách ly, tôi lại phải chuyển mình vào một guồng quay khác, bận rộn hơn và náo nhiệt hơn; guồng quay đó giờ đây đã khác giữa một thế giới biến động...”.

Không thể so sánh những trang nhật ký hôm nay với những trang viết sổ tay mộc mạc thời chiến năm xưa bởi tính chất khác nhau. Nhưng, tình cảm, nghĩ suy, niềm tin và sự quyết chí của thanh niên thì vẫn vậy và đó là những điều xã hội cần lúc này.

An Nhi
.
.