Phương Đông lên tiếng

Thứ Sáu, 14/06/2019, 15:46
Sẽ rất khó để nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump “là trên hết” trong một trật tự thế giới đơn cực mà siêu cường số 1 thế giới hiện tại muốn duy trì, nhằm củng cố vị thế lãnh đạo của mình.

Ít nhất, với bản tuyên bố chung vừa được công bố ngày 5-6 tại Moskva, Nga và Trung Quốc đã biểu thị rằng họ sẽ vẫn tiếp tục sát vai nhau chống lại những nỗ lực áp đặt quyền lực từ phương Tây.

“Vô trách nhiệm” và “không thể chấp nhận được”

Nội dung của bản tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đương nhiên, mở đầu bằng một phần khá dài, gồm những điều mà không cần phải là nhà phân tích nào, bất cứ ai cũng có thể đoán được.

Ví dụ, họ chia sẻ sự nhất trí với nhau về việc ủng hộ duy trì đối thoại giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, ủng hộ các bước đi hướng về nhau của Bình Nhưỡng và Washington, đồng thời cam kết nỗ lực bảo đảm để các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên được giải quyết thông qua các giải pháp chính trị.

Ví dụ, họ cùng nhất mạnh tính cấp thiết trong việc hỗ trợ Syria tái thiết đất nước, ở những khâu gỡ bom mìn, xây dựng lại cơ sở vật chất, đưa người tị nạn hồi hương... 

Trên hết, Nga và Trung Quốc kêu gọi Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Syria bắt đầu hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể, nhằm góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng này bằng các biện pháp chính trị - ngoại giao.

Vẫn còn khoảng cách nhưng họ đã tiến lại gần nhau hơn rất nhiều so với quá khứ.

Ví dụ, họ kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho Venezuela, nhằm tránh cho quốc gia Nam Mỹ này khỏi nguy cơ bùng nổ xung đột cũng như viễn cảnh về các cuộc can thiệp quân sự.

Song, cũng rất nhanh chóng, bản tuyên bố chung được triển khai tiếp bằng một thứ ngôn ngữ mà tính phiếm chỉ có lẽ cũng chẳng làm giảm đi được bao nhiêu độ gay gắt. Nga và Trung Quốc cùng nhau bày tỏ quan ngại về “những quốc gia phá hoại các nguyên tắc về kiểm soát vũ khí, chỉ vì lợi ích của riêng mình, qua đó loại bỏ các cơ chế duy trì ổn định”.

Moskva và Bắc Kinh thống nhất với nhau rằng “cách tiếp cận vô trách nhiệm của một số nước đối với những cam kết của họ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”.

Phiếm chỉ nhưng bất cứ ai quan tâm đến những biến động trong dòng chảy các sự kiện quốc tế trong thời gian gần đây đều biết là bản tuyên bố chung tại Moskva này đang hướng mũi nhọn công kích đến ai. 

Chỉ có duy nhất một đại cường quân sự khởi xướng và đơn phương tiến hành việc khai tử cho Hiệp ước Các tên lửa tầm trung (INF), đồng thời cũng đang hăm dọa xem xét lại các điều khoản của những hiệp ước liên quan đến kiểm soát và giải trừ quân bị toàn cầu khác.

Đó là nước Mỹ.

Bằng lời kết tội kín đáo này, bản tuyên bố chung cũng âm thầm hé lộ lập trường đích thực của Nga và Trung Quốc ở những điểm nóng đã được nêu tại phần đầu. 

Liệu họ - những trung tâm quyền lực toàn cầu ở phương Đông - có thể đặt niềm tin vào các đề xuất hay giải pháp được đưa ra bởi một thế lực bị họ xem là “bất tín”, là “vô trách nhiệm” và “không thể chấp nhận được”?

Liệu điện Kremlin và Trung Nam Hải, cho dù trên lý thuyết vẫn ủng hộ, có thể “mặc kệ” cho Bình Nhưỡng và Washington thảo luận với nhau về những vấn đề sẽ tác động rất lớn đến hòa bình, ổn định, an ninh và cân bằng chiến lược tại một khu vực nằm sát cạnh vùng ảnh hưởng của cả Nga lẫn Trung Quốc?

Liệu họ sẽ ủng hộ những đòi hỏi đương nhiên sẽ xuất hiện về quyền lợi cho phe đối lập ở Syria, trong một tiến trình hòa giải dân tộc còn khá mơ hồ với khá nhiều xung đột lợi ích cũng như khoảng trống quyền lực? 

Liệu họ sẽ ép một đồng minh truyền thống (như chính phủ Damascus của Tổng thống Syria Bashar Al Assad) phải “chịu thiệt thòi” đến mức độ nào, để đạt được điểm thỏa hiệp với những lực lượng chính trị mà Mỹ hậu thuẫn?

Và khi họ nhấn mạnh đến chuyện tránh can thiệp quân sự vào Venezuela, các thế lực từng để ngỏ khả năng đó (cũng như đang ra sức hậu thuẫn cho phe đối lập ở quốc gia nhỏ bé này) sẽ phải hiểu thông điệp đích thực là gì, nếu không phải là một lời cảnh báo?

Bắc muốn cự Tào Tháo, Đông phải hòa Tôn Quyền

Sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Moskva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Từng bước, chúng ta đã đưa mối quan hệ giữa hai nước lên mức cao nhất trong lịch sử. Không có giới hạn trong việc hoàn thiện mối quan hệ này, nó sẽ ngày càng phát triển. Tôi dự kiến một cách chắc chắn rằng chuyến thăm này sẽ mang lại thêm những thành công mới rực rỡ”.

Gạt bỏ những lớp vỏ trang trọng mang tính ngoại giao của ngôn từ, thật ra, lời nhận xét này cũng không xa sự thực là bao.

Trong suốt chiều dài lịch sử của quá khứ kể từ khi cả đế quốc Nga Sa hoàng lẫn đế quốc Trung Hoa cùng hiện diện trên bản đồ thế giới cho đến hiện tại, mối quan hệ giữa họ - hai người khổng lồ đúng nghĩa trên nhiều phương diện (diện tích, dân số, tầm ảnh hưởng, quy mô kinh tế, sức mạnh quân sự...) - chất chứa nhiều căng thẳng, xung đột và cạnh tranh hơn là nồng ấm và gắn bó.

Đây là chuyến công du thứ 8 tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo quốc gia.

Xung đột biên giới giữa hai đại cường ấy đã xuất hiện từ thời vua Khang Hy nhà Thanh, đỉnh điểm là trận Nhã Khắc Tát (Yaska) bên bờ Hắc Long Giang. 

Phải sau hòa ước Nê Bố Sở (Nerchinsk) năm 1689, xác định biên giới rõ ràng, hòa bình mới được duy trì trong 100 năm sau. Nhưng đến Thanh mạt, Nga là một trong liên quân 8 nước công phá Bắc Kinh (1900-1901), thảm sát, cướp bóc, tàn phá, bắt nhà Thanh chịu những điều khoản nhục nhã để nghị hòa và biến thành chế độ quân chủ phong kiến nửa thuộc địa. 

Cùng nhau kháng Nhật, sát vai nhau xây dựng XHCN, nhưng kể từ sau khi Stalin mất, Nga và Trung Quốc lại rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới với những hiềm khích mới, tiêu biểu như trận đảo Trân Bảo (Damansky, ngày 2-3-1969). 

Ở nhiều khía cạnh, nước CHND Trung Hoa đã luôn muốn thoát khỏi cái bóng quá lớn của Liên Xô cũ. Và trên tất cả, chẳng cường quốc nào muốn có chung đường biên giới hoặc khu vực ảnh hưởng với một cường quốc khác ở tầm vóc tương đương hoặc hơn mình. 

Chính vì thế, tiến trình xích lại gần nhau của Nga - Trung, cho đến hiện tại, cũng hàm chứa nhiều vấn đề phức tạp. Trung Quốc hờ hững với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU - Eurasia Economic Union) mà Nga thành lập năm 2015, trong khi Nga cũng chưa tỏ ra “mặn mà” gì lắm với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của người hàng xóm.

Nhưng hiện tại, bối cảnh địa chính trị thế giới đang đặt ra cho Nga và Trung Quốc những đòi hỏi mới. Không còn chỉ là sự gắn bó với nhau trong phòng họp các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đứng vững trước sức ép của phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp), khi Mỹ đã liên tục mở các cuộc chiến tranh thương mại với Nga và Trung Quốc, mối liên hệ Nga - Trung có lẽ sẽ được thắt chặt hơn nữa, bằng những biện pháp thiết thực hơn nữa, trong cục diện “Tam quốc phân tranh” của thế giới thời hiện đại.

Sức mạnh quân sự vượt trội của Nga và tiềm lực kinh tế khổng lồ của Trung Quốc hoàn toàn có thể bổ sung hoàn hảo cho nhau, nhằm củng cố vị thế của cả hai, để tạo nên đối trọng đáng gờm với phương Tây. 

Cho dù có thể chỉ là mang tính nhất thời và có thể những mâu thuẫn tiềm tàng cố hữu giữa hai đại cường vẫn không thể được xử lý triệt để thì việc Nga và Trung Quốc nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện để “kiên quyết bảo vệ sự ổn định chiến lược tại khu vực và toàn cầu”, khi cùng “thừa nhận thực tế rằng an ninh quốc tế đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng”... sẽ là rào cản khó khăn cho nước Mỹ, trong việc tiếp tục áp đặt những giá trị của mình như là “người dẫn dắt thế giới”.

Đông Phong
.
.