Phỏng vấn tê giác

Thứ Tư, 01/10/2014, 11:30

Phóng viên (PV): Thưa anh, đời anh bất hạnh nhất là gì ạ?

Tê giác: Chắc chắn là vì có cái sừng. Điều này khiến bao nhiêu triệu người, bao nhiêu năm qua cứ ngày đêm săn đuổi tôi.

PV: Nghĩa là theo anh, bất hạnh cho sinh vật nào trên thân có món nào quý.

Tê giác: Đúng vậy. Hình như con người cũng thế. Con người hôm nay đeo đồ quý ra đường dễ bị cướp, bị trộm lắm.

PV: Anh ơi, anh dù có đắt tới mấy cũng chỉ là tê giác, không so sánh được với người đâu.

Tê giác: Nhà báo nhầm rồi. Tôi chắc chắn có thứ hơn người đấy. Hơn ghê gớm nữa kia.

PV: Ví dụ?

Tê giác: Ví dụ như cả thế giới đều lo sốt vó lên khi nghe tin tôi sắp tuyệt chủng. Rất nhiều hội nghị, rất nhiều tổ chức, rất nhiều chính phủ đã ra tay.

PV: A, cái đấy thì đúng.

Tê giác: Thậm chí nhiều cô gái đẹp tuyệt trần, nhiều tài tử nổi tiếng còn không ngần ngại cởi phăng quần áo giữa nơi công cộng để cảnh báo về nạn tê giác diệt vong.

PV: Chính xác. Anh mà tuyệt chủng, nhân loại  đau đớn lắm anh ơi.

Tê giác: Nhưng suy cho cùng, tôi ở Châu Phi, ở trong rừng, rất nhiều người đấu tranh vì tôi, đòi hy sinh tính mạng cho tôi nhưng chưa hề nhìn thấy tôi, thế mới kỳ lạ làm sao.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Tê giác ạ, nhân loại vĩ đại ở chỗ ấy.

Tê giác: Cám ơn nhân loại. Nhưng tôi cực kỳ ngạc nhiên, khi ở vài nơi, chẳng hạn như nước ta, có những thứ tuyệt chủng rõ ràng, tuyệt chủng hẳn hoi, tuyệt chủng ngay trong thành phố mà chẳng thấy ai có ý kiến gì cả.

PV: Gì thế?

Tê giác: Bài hát cho thiếu nhi!

PV: Bài hát cho thiếu nhi?

Tê giác: Vâng. Lâu lắm rồi hình như không còn ai sáng tác nhạc cho trẻ con nữa. Nhà báo không nhận ra à?

PV: Ờ nhỉ.

Tê giác: Để ý mà xem, mấy mùa thi ca hát trên truyền hình cho trẻ em vừa qua, ca sĩ nhí buộc phải hoặc hát bài người lớn, hoặc hát bài Tiếng Anh, hoặc may mắn lắm là hát các ca khúc thiếu nhi gần nửa thế kỷ trước. Hầu như không có thí sinh hát bài mới nào vừa với tuổi của mình.

PV: Ờ, ờ, ờ. Chết thật.

Tê giác: Rõ ràng âm nhạc thiếu nhi, dù không phải sừng tê giác, dù không có kẻ săn trộm, dù không có bọn buôn lậu, đang bị tuyệt chủng một cách công khai, một cách đàng hoàng.

PV: Trời ơi, tại sao thế. Chả lẽ âm nhạc thiếu nhi chữa được bệnh ung thư do đó các bệnh viện cướp hết.

Tê giác: Ung thư thì tôi không biết. Tê giác nói riêng và thú dữ nói chung không mắc bệnh này.

Nhưng tôi chắc chắn âm nhạc, nếu tốt, nếu phù hợp, sẽ chữa được cho thiếu nhi nhiều bệnh lắm. Có lúc còn hơn cả ăn uống, hơn cả thuốc thang trong một số hoàn cảnh. Vậy mà hôm nay không ai muốn sáng tác nữa. Các nhạc sĩ đổ xô vào miêu tả tình tan vỡ, tình chia ly hoặc tình bơ vơ, không ai muốn viết về tình yêu với con ếch, con mèo, con chuồn chuồn, chứ chưa nói gì tới con tê giác.

PV: Buồn quá.

Tê giác: Buồn nhất là sự tuyệt chủng này hình như chả đánh động tới ai, chả thấy ai vì nó kêu gào chứ đừng nói tới việc cởi áo, cởi quần để kêu gọi bà con thức tỉnh. Điều kinh khiếp ấy khiến tôi ngơ ngác. Tôi chả hiểu sao người ta có thể mất ăn mất ngủ vì một cái sừng bên Châu Phi bị chặt mà không mất ăn mất ngủ khi con em trong nhà, dù ở tít nông thôn cứ phải hát những bài thiếu nhi bên Mỹ hoặc bên Anh. Qua đó, tôi phát hiện ra sự tuyệt chủng về văn hóa tuy nguy cấp hơn, nhưng lại không được quan tâm bằng sự tuyệt chủng về cái sừng

Lê Thị Liên Hoan
.
.