Những tiết lộ mới về bà hoàng Monaco Grace Kelly:

Phía sau bức rèm nhung Hoàng gia

Thứ Ba, 02/12/2014, 16:41
Với gương mặt khả ái thiên phú, tài năng diễn xuất và sự thu hút, đặc biệt từ xuất thân cao quý cũng như lối sống nhân hậu, Grace Kelly sớm trở thành “tiêu điểm” của giới ngôi sao và làm rung chuyển cả Hollywood hồi những năm 50 của thế kỉ trước.

Đình đám nhất là sự kiện bà kết hôn với ông hoàng Monaco Rainier III năm 1956. Hơn ba thập niên sau khi bà từ trần, cái tên Grace Kelly vẫn như một biểu tượng của truyện cổ tích giữa đời thường. Cuộc đời của bà là một đề tài luôn có sức thu hút đối với những nhà làm phim, những cây bút chuyên viết về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng.

Mới đây, cuốn tiểu sử về cuộc đời của bà hoàng này mang tên High Society: The Life of Grace Kelly (tạm dịch: Xã hội thượng lưu – Cuộc đời của Bà hoàng Grace Kelly) đã vén lên bức màn bí ẩn về cuộc sống hoàng gia sau hôn nhân không chỉ toàn màu hồng, mà còn có nhiều nỗi buồn khác đã được bắt nguồn từ thời ấu thơ của một cô bé không nhận được sự đánh giá đúng mức của người cha bảo thủ. Đó là bi kịch của một người phụ nữ đã sống và ngập tràn tình yêu thương, nhưng phải chịu nhiều đau đớn hơn tất thảy.

Từ bỏ đam mê vì tình yêu

Grace Kelly sinh ra trong một gia đình thượng lưu gốc Ireland. Bà là con thứ ba của doanh nhân John Kelly độc đoán và không được bố yêu mến lắm. Trong số bốn anh chị em, Grace Kelly bị bỏ quên và gần như gạt ra rìa sự kỳ vọng. Ám ảnh bởi thời thơ ấu của mình, Grace vẫn giữ ấn tượng về một ông bố lạnh lùng, khắc nghiệt, tàn nhẫn và luôn làm mẹ cô đau khổ. Những cuộc ngoại tình của ông càng lúc càng công khai đến mức có thời gian mẹ của Grace lâm vào trầm cảm.

Trước khi chuyển sang kinh doanh và tham gia chính trường, bố của bà là vận động viên chèo thuyền có hạng, từng đoạt 3 huy chương vàng tại các kỳ Olympic. Trong khi đó, mẹ bà là huấn luyện viên đầu tiên của đội tuyển điền kinh thuộc Trường đại học Pennsylvania. Thế nhưng, tài năng và sở thích của Grace Kelley lại không nằm ở lĩnh vực thể thao. Bà nối gót hai bác ruột, đều là những nghệ sĩ có hạng, nên đi vào thế giới nghệ thuật từ rất sớm.

Năng khiếu diễn xuất của Grace Kelly bộc lộ ngay từ những buổi trình diễn trong trường học. Người bác từng đoạt giải Pulitzer về biên kịch, đã khuyến khích và hướng dẫn cô cháu gái Grace Kelly vào thế giới điện ảnh chuyên nghiệp - bất chấp sự phản đối của bố mẹ Grace. Bố của bà từng cho rằng, đóng phim là cái nghề “chẳng ra gì” khi ngăn cản con gái lên thành phố New York.

Không phải mọi chuyện đều diễn ra trơn tru. Một trong những người thầy của bà, cho rằng Grace Kelly rất khó có một sự nghiệp thành công khi bà có cá tính và ngoại hình tuyệt vời, nhưng chất giọng thì... giống như ngựa. Rốt cuộc, nhận xét của ông thầy có đúng hay không cũng chẳng quan trọng. Ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh bùng nổ sau Thế chiến II và Grace Kelly đi đúng đường khi chọn Hollywood.

Khi mới vào nghề, Grace Kelly đã có quan hệ tình ái với một đạo diễn hơn bà 11 tuổi, đã có gia đình, điều mà không một phụ nữ trẻ danh giá nào nên làm. Hơn nữa, đó còn là một người đàn ông Do Thái, điều mà một gia đình cựu giáo như nhà Grace dị ứng. Danh sách tình nhân của bà còn có những tên tuổi nổi bật của làng điện ảnh bấy giờ. Không giống như những diễn viên có xuất thân nghèo khổ, bắt buộc phải tìm lối thoát cho mình tại kinh đô điện ảnh bằng những cuộc tình, Grace Kelly yêu chỉ vì yêu thôi và đôi khi, sự bản năng trong tình yêu mang đến cho bà nhiều phiền toái. Việc cô đơn ngay trong chính gia đình mình đã khiến cô tiểu thư xinh đẹp thường lựa chọn những người đàn ông lớn hơn tuổi làm chỗ dựa tinh thần cho mình, bất chấp địa vị xã hội và tình trạng quan hệ của họ. Thế nhưng, chính điều này đã mang đến cho bà nhiều tổn thương sâu sắc.

Grace Kelly không chỉ là một ngôi sao điện ảnh mà còn là một biểu tượng thời trang, một trong những mỹ nhân hàng đầu thế giới qua mọi thời đại. Bà quá đẹp, quá tài năng, quá hoàn hảo. Thế nhưng, khi cả thế giới điện ảnh đang tôn sùng tượng đài Grace Kelly (diễn viên có thu nhập cao nhất thế giới giữa thập kỷ 50), bà lại đột ngột chia tay màn bạc. Đó cũng là một chi tiết quan trọng làm nên huyền thoại Grace Kelly. Bà chia tay điện ảnh để trở thành... bà hoàng Monaco.

Câu chuyện tình cổ tích giữa đời thực của minh tinh nước Mỹ và ông hoàng châu Âu bắt đầu vào tháng 5/1955. Grace Kelly dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Liên hoan phim Cannes và được mời tham gia một buổi chụp hình tại lâu đài Monaco cùng ông hoàng Rainier III, người trị vì công quốc Monaco. Sau nhiều lần sắp xếp phức tạp, Grace Kelly mới thật sự gặp gỡ ông hoàng Rainier III. Về nước, bà vẫn tham gia đóng phim, nhưng mối quan hệ với ông hoàng Rainier III lại được ngầm vun đắp.

Ông hoàng xứ Monaco sang Mỹ vào cuối năm 1955. Dù đã phủ nhận trên báo chí nhưng tin đồn ông sang Mỹ... kiếm vợ vẫn xuất hiện tràn lan. Kỳ thực, đấy còn là một nước đi trên bàn cờ chính trị. Theo một hiệp định được ký vào năm 1918, nếu Rainier III không có người kế vị thì công quốc Monaco sẽ bị trả về cho nước Pháp. Vì thế, chẳng có gì lạ khi một Rainier ở tuổi 32 bắt đầu tìm người nối dõi tông đường.

Dư luận cũng không phải chờ quá lâu để thấy tin đồn trở thành sự thật. Ông hoàng đến thăm Grace Kelly cùng gia đình, ngỏ lời cầu hôn và xứ Monaco lao vào việc chuẩn bị cho “hôn lễ thế kỷ”. Lễ cưới diễn ra ngày 19/4/1956 giữa ông hoàng Rainier III và Grace Kelly thật sự là một lễ cưới bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX, bắt đầu một phần đời mới diễm lệ hơn nhiều cho người phụ nữ tài sắc này.

Hạnh phúc hay khổ đau?

Ông hoàng Rainier III lập tức cấm chiếu ở Monaco tất cả những phim Grace Kelly từng đóng. Sau hôn lễ, họ chung sống tại lâu đài màu hồng nhìn ra bờ biển Địa Trung Hải, được trang trí lộng lẫy với đèn chùm, sàn đá cẩm thạch và thảm đỏ đón chân. Nhưng nỗi buồn của riêng bà thì ít người thấu hiểu. Một cách nào đó, Grace dẫm chân vào vết xe đổ của mẹ khi người chồng của bà một mặt là một tượng đài hoàn hảo, mặt khác lại là người đàn ông với những cuộc phiêu lưu tình ái bất tận. Vị thế hoàng thân còn khiến ông đưa ra một loạt những quy định khắt khe: Không xuất hiện nơi công cộng, không tiếp đàn ông trong lâu đài… với bà hoàng Monaco.

“Hôn lễ thế kỷ” giữa ông hoàng Rainier III và Grace Kelly bắt đầu một phần đời mới diễm lệ hơn nhiều cho người phụ nữ tài sắc này.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Trong bức thư gửi người bạn thân là Rita Gam - một nữ diễn viên Hollywood - Grace Kelly thổ lộ: “Tôi đã phát ngấy những cuộc chiêu đãi, nó đang dần hủy hoại tôi. Tôi nhung nhớ tinh thần tự do của nước Mỹ”. Sau khi sinh hoàng tử Albert, công nương từng bị sảy thai. Thông tin này không được nói đến và công chúng hầu như không có nguồn tin chính thức nào về đời sống riêng tư của bà. Để quên đi nỗi đau cá nhân, bà lao mình vào các hoạt động từ thiện. Công nương Grace Kelly xứ Monaco trở thành một người vô cùng đáng yêu trong mắt những người dân đất nước quê chồng và nỗ lực để hàn gắn những rạn nứt trong gia đình.

Grace Kelly có 3 người con với ông hoàng Rainier III là công chúa Caroline, hoàng tử Albert (nay là ông hoàng Albert II, nối ngôi cha trị vì Monaco) và công chúa Stéphanie. Năm 1962, đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock (người có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp điện ảnh của Grace Kelly) lại mời bà diễn vai chính trong bộ phim Marnie. Bà cũng muốn tham gia, nhưng cuối cùng đành từ chối vì phản ứng của người dân Monaco. Một đạo diễn khác là Herbert Ross cũng thất bại với ý định mời Grace Kelly trở lại màn bạc qua bộ phim The Turning Point (năm 1977).

Bà luôn tỏ ra xứng đáng với vai trò quốc mẫu ở Monaco, tham gia nhiều tổ chức từ thiện và các hoạt động văn hóa. Thế nhưng, ngày 13/9/1982, khi đang cầm lái chiếc Rover 350 với công chúa Stéphanie cùng ngồi trong xe, bà hoàng Grace Kelly bị nhồi máu cơ tim và lạc tay lái, khiến chiếc xe đã lao xuống vực sâu tới 40m. Con gái chỉ bị thương nhẹ, nhưng bà hoàng thì nguy kịch đến tính mạng và qua đời ngày hôm sau vì chấn thương quá nặng.

Những người chứng kiến tai nạn cho rằng, Grace Kelly đã không tự chủ được trong khi lái. Nhưng suy luận này bị bác bỏ, và không thấy báo nào trong thời điểm ấy bình luận. Người ta còn nói, sau khi kiểm tra lại xe, thì có một số nghi vấn được đặt ra: phanh xe và một số chi tiết khác bị hỏng. Và điều này đã khiến người ta nghi ngờ.

Sau cái chết của Grace Kelly, ông hoàng Rainier III không chịu tái hôn. Ông cho xây dựng trong công quốc nhỏ bé của mình vô số công trình tưởng niệm mang tên người phụ nữ ông yêu như Đại lộ Công nương Grace; Thư viện Công nương Grace Nhà hát Công nương Grace... Trong nhà thờ Monaco có từ thế kỷ XIX, nơi Grace Kelly yên nghỉ cùng các bậc tiền nhân của Rainier III, ngôi mộ của bà là nơi duy nhất được đặt hoa tươi. Bên cạnh đó là tấm đá hoa cương được đặt sẵn để sẵn sàng khắc tên ông hoàng Rainier. Người ta vẫn nhận thấy tình yêu của ông hoàng dành cho vợ sau mất mát to lớn không thể bù đắp, cho người phụ nữ mà vinh quang và đau đớn dường như là một…

Hồng Hạnh – Quân Trần
.
.