Phẩm chất người cầm lái

Thứ Năm, 13/08/2009, 15:46
Ông Putin, dù trên cương vị Tổng thống trước đây hay Thủ tướng hiện nay có lẽ đều không làm phụ lòng tin cậy mà dân chúng Nga đã đặt vào ông. Trước đây, ông được người dân Nga đánh giá cao vì những thành tựu đã đạt được, còn bây giờ đa số dân Nga vẫn đặt vào ông niềm hy vọng rằng, ông sẽ giúp cho nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay một cách nhanh nhất và ít tổn thất nhất.

Ngày 9/8 vừa qua là tròn 10 năm kể từ ngày ông Vladimir Putin xuất hiện trên thượng tầng chính trị Nga: đúng vào ngày đó, Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin đã đưa ông, đang là Giám đốc Cơ quan An ninh LB Nga kiêm Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia lên làm Quyền Thủ tướng, thay cho ông Sergei Stepashin. Đây đã là một sự kiện làm choáng váng dư luận vì trước đó, ít ai có thể ngờ được một quan chức chưa mấy nổi bật trong xã hội như ông Putin lúc đó lại có thể ngay lập tức đảm đương được một cương vị quan trọng đến thế trong Điện Kremli.

Không rõ bằng cách nào mà ông Yeltsin, có rất nhiều sai lầm góp phần làm tan rã Liên bang Xôviết và  làm suy yếu nước Nga, đã kịp thời nhận biết được ở một quan chức không quá gần gụi với mình như ông Putin lúc đó những phẩm chất tiềm ẩn của một thủ lĩnh quốc gia rất chắc tay chèo lái khi trọng trách đã được giao cho mình.

Theo kết quả của cuộc điều tra xã hội học vừa được Trung tâm Levada tiến hành, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang "khủng bố" thế giới nói chung và nước Nga nói riêng, ông Putin đã được người dân Nga đánh giá xứng đáng về những cải thiện trong đời sống của họ trong 10 năm qua mặc dầu không phải việc gì ông cũng làm thành công như ông mong muốn.

Cũng theo kết quả thăm dò xã hội của Trung tâm Levada, từ năm 1999 tới nay, chỉ số tín nhiệm của dân chúng Nga đối với ông Putin đã tăng từ 0 lên tới hơn 70% và chưa bao giờ lại chịu xuống thấp dưới 40% trong bất cứ một giai đoạn dài ngày nào.

Theo đánh giá của nhà báo Peter Zeihan trên tờ báo Mỹ Strafor, muốn nói gì thì nói cũng phải công nhận những bước chuyển biến rõ nét của nước Nga dưới bàn tay chèo lái của ông Putin từ một tình trạng hỗn loạn sang một thể chế bền chắc và có kỷ cương hơn...

Ông Putin, dù trên cương vị Tổng thống trước đây hay Thủ tướng hiện nay có lẽ đều không làm phụ lòng tin cậy mà dân chúng Nga đã đặt vào ông. Trước đây, ông được người dân Nga đánh giá cao vì những thành tựu đã đạt được, còn bây giờ đa số dân Nga vẫn đặt vào ông niềm hy vọng rằng, ông sẽ giúp cho nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay một cách nhanh nhất và ít tổn thất nhất. Vẫn như trước đây, người Nga trông đợi rất nhiều ở phẩm chất người cầm lái anh minh mà theo dòng thời gian, ông đã rèn giũa và phát triển ở trong mình.

Không ngẫu nhiên mà người tiền nhiệm Yeltsin, trong cuốn hồi ký "Marathon Tổng thống", đã tìm thấy ở ông Putin "hiện thân của những gì mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga".

Ông Yeltsin viết: "Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Krym (dù đã bị thất bại), những vị tướng vĩ đại của chiến tranh thế giới thứ hai... Đã có lúc, có thể là năm 93 hay sớm hơn nữa, vào năm 91, tôi đã phân vân: đang có một cái gì đó không hẳn như thế ở các vị tướng của chúng ta. Có cái gì đó còn thiếu ở họ: có thể, đó là sự mã thượng, tính trí thức, một cái cốt lõi nào đấy... Tôi ngóng đợi một vị tướng nào đó không giống như các vị tướng khác xuất hiện. Hay nói chính xác hơn, vị tướng giống như những vị tướng mà tôi đã được đọc trong sách. Tôi ngóng đợi... Và rồi thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy đến và toàn xã hội nhìn thấy rõ hình ảnh chân chính, dũng mãnh và thông thạo nghiệp vụ của các quân nhân ta. Tên gọi "vị tướng" ấy là... Đại tá Vladimir Putin".

Và "trưởng lão" Yeltsin đã mời Vladimir Putin tới gặp mình vào sáng sớm ngày 5/8/1999 để thông báo về sự lựa chọn Thủ tướng mới. Trong cuốn sách "Vladimir Putin: Sự lựa chọn của nước Nga" đã kể về quá trình ông Yeltsin "lôi kéo" ông Putin vào cuộc chơi chính trị trong Điện Kremli như sau:

"Putin chăm chú nhìn tôi. Im lặng.

Tôi nói tiếp: "Nhưng đó chưa phải là tất cả. Anh cũng hình dung đại khái ra lý do khiến tôi cách chức anh Stepashin. Tôi biết, Stepashin là bạn anh, cũng là người Saint Peterburg, nhưng bây giờ cần phải suy nghĩ về chuyện khác. Quan điểm của anh cần phải tinh tế, hợp lý một cách tối đa nhưng cũng cần rất cứng rắn. Chỉ có bằng cách đó anh mới giành được uy tín trong xã hội và kết quả tích cực trong cuộc bầu cử quốc hội.

"Trong bầu cử, chúng ta sẽ dựa vào ai?" - Putin hỏi. "Tôi không biết," - tôi thành thực thú nhận. - Chúng ta sẽ lập ra một chính đảng mới. Tôi, với tư cách là một người từng khốn đốn với Quốc hội hơn bất cứ ai trong lịch sử, tôi biết rằng một chỗ dựa vững chắc trong Duma cần thiết với anh như thế nào. Nhưng điều quan trọng - đó là trữ năng chính trị của bản thân anh, hình ảnh của anh. Không cần phải xây dựng nó một cách nhân tạo. Nhưng cũng không bao giờ được quên vấn đề này".

Putin lặng người suy nghĩ.

"Tôi không thích các chiến dịch tranh cử, - anh ấy thú nhận. -Tôi không biết tiến hành nó và không thích".

"Nhưng anh cũng không cần phải tiến hành. Quan trọng là ý chí của anh, sự tự tin của anh. Hành vi của anh. Mọi sự đều phụ thuộc vào những cái đó. Uy tín chính trị hoặc là sẽ có, hoặc là không. Anh đã sẵn sàng chưa?".

"Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử," - Putin đáp ngắn gọn.

Theo đúng kiểu nhà binh.

"Còn nếu vào chức vụ cao nhất?".

Putin lưỡng lự trả lời. Có cảm giác là lần đầu tiên anh ấy hiểu ra câu chuyện hướng tới đâu.

"Tôi không biết, thưa Boris Nikolaievich! Tôi không nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng làm việc ấy." - "Cứ suy nghĩ đi. Tôi tin ở anh."--PageBreak--

Cũng phải nói rằng, khi chưa được ông Yeltsin để ý tới, ông Putin đã làm việc chỉ như một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa. Ông chỉ cố gắng làm đúng chức phận của mình và những khi có cơ hội tiếp xúc với cấp trên, không bao giờ cố ý tỏ ra là mình có những năng lực đặc biệt nào đó.

Xét về tính cách cá nhân, ông Putin rất khác ông Yeltsin. Nếu ông Yeltsin đường bệ, kiểu cách thì ông Putin giản dị, khiêm nhường. Nếu ông Yeltsin bay lượn trên đỉnh núi thì ông Putin đứng chắc cả hai chân trên mặt đất. Nếu ông Yeltsin trong mọi việc chỉ "dăm câu ba điều" vạch ra những đường hướng chung chung thì ông Putin lại đi sâu vào tìm hiểu chi tiết. Ông Yeltsin chậm chạp, khó xoay xở, còn ông Putin nhanh nhẹn và tháo vát. Ông Yeltsin càng tuổi tác càng trở nên đại lãn và ham uống rượu, còn ông Putin năng động, ham công việc thực tế. Ông Yeltsin chén chú chén anh thường xuyên, còn ông Putin hầu như không mấy khi uống vodka, ông chỉ thích bia hơi. Ông Yeltsin ham chơi môn tennis quý tộc thì Putin lại chỉ mê những môn võ bình dân và những trò dã ngoại đại chúng. Ông Yeltsin nói năng cục mịch và luôn quá nghiêm túc thì ông Putin lại hay kể chuyện tiếu lâm ngay cả trong những cuộc trịnh trọng như lễ hội truyền thống của người Nga gốc Do Thái khiến không khí trở nên thân tình và cởi mở hơn... Có lẽ vị "trưởng lão" chọn Vladimir Putin  vì chính những phẩm chất mà ông ta không có chăng?..

Theo đánh giá của ông  Stepashin, người đã phải để lại ghế lãnh đạo chính phủ cho ông Putin, có hai nguyên tắc cơ bản, bất di bất dịch trong cách hành xử của ông Putin khiến ông rất coi trọng. "Thứ nhất, đó là việc anh ấy không bao giờ thông qua các quyết định mà chỉ dựa trên các tin đồn. Không thể gây sức ép với anh ấy được. Thứ hai, anh ấy không bao giờ bỏ rơi những người khác"...  Cho tới hôm nay, ông Stepashin vẫn không những không có gì cấn cá với ông Putin mà luôn luôn bộc lộ một tinh thần đồng đội cao với người kế nhiệm mình và đã hơn mình trong sự nghiệp chính trị...

Khi đề cử ông Putin vào ghế Thủ tướng ngày 9-8-1999, ông Yeltsin đã nói những lời nhiệt thành ít ứng cử viên nào trước đó được nghe: "Tôi tin rằng, làm việc trên vị trí cao này, ông (tức ông Putin - T.G) sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước và nhân dân Nga sẽ có điều kiện đánh giá những phẩm chất chuyên môn và đời sống của Putin. Tôi rất tin tưởng ở ông. Và tôi muốn rằng tất cả những ai sẽ tới nơi bỏ phiếu năm 2000 cũng cùng tin tưởng ở ông. Tôi nghĩ, ông sẽ có đủ thời gian".

Cũng theo sách "Vladimir Putin: Sự lựa chọn của nước Nga", một nhân chứng đã kể lại những chuyện xảy ra tiếp theo sau khi Boris Yeltsin đề cử Vladimir Putin vào chức Thủ tướng như sau: "16 giờ cùng ngày bắt đầu cuộc họp các cố vấn chủ chốt của Tổng thống. Mọi người bàn về cách giới thiệu vị Thủ tướng mới trước cộng đồng quốc tế. Vladimir Putin là cán bộ an ninh thứ ba được đề cử vào ghế lãnh đạo chính phủ trong vòng vài tháng, sau Yevgeni Primakov và Sergei Stepashin. Cần phải có một ý tưởng thực sự độc đáo, không giống những lần trước. Để tìm ra điều gì đó hay ho, chúng tôi tham khảo các cuộc thăm dò dư luận mới được tiến hành. Theo đó, nhân vật đang được công chúng ưa thích nhất ở Nga lại là cố Giám đốc KGB Yuri Andropov."

Ông Andropov từng là nhân vật số 1 của KGB trong những năm 70 của thế kỷ XX và sau này trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1982, sau khi Leonid Brezhnev qua đời. Chính ông Andropov xuất phát từ động cơ muốn ngăn chặn quá trình rệu rã của xã hội Xôviết thời ấy đã tiến hành hàng loạt những biện pháp khá cứng rắn nhằm gia tăng tính trật tự và ổn định. Xã hội Xôviết dường như đã bắt đầu chuyển mình với Yuri Andropov. Tiếc thay, ông đã cầm quyền không được lâu vì tuổi già sức yếu.

Trong bối cảnh có nhiều bấp bênh và xáo trộn ở nước Nga dưới quyền lãnh đạo của vị Tổng thống có nhiều vấn đề về sức khỏe như ông Yeltsin, không ít người dân Nga cảm thấy hoài nhớ "bàn tay sắt" của vị Giám đốc KGB cũ như thể phong cách đó là cứu tinh cho tương lai Tổ quốc mình. Thế là các cố vấn cao cấp trong Điện Kremli quyết định, Vladimir Putin sẽ trở thành một Yuri Andropov mới, một con người đấu tranh cho trật tự và kỷ luật, biết rõ tất cả và có thể làm tất cả! Nước Nga ở cuối thế kỷ XX đang cần trật tự và ổn định hơn bao giờ hết!..

Đúng lúc đó thì ông Putin xuất hiện như một cựu sĩ quan an ninh dũng cảm và kiên quyết, trung thực và  khẳng khái, một ông chủ gia đình tha thiết yêu vợ và hai cô con gái cùng chú chó xù Tosia. Hình ảnh ông rất hấp dẫn trên ghế Thủ tướng: trẻ trung, chắc chắn, gương mặt nghiêm nghị, ít biểu cảm nhưng vẫn bình dân và gần gụi. Khác với nhiều chính khách Nga lớp trước, ông nói trước công chúng ngắn gọn, mạch lạc, chân thành, không đi quá sâu vào chi tiết nhưng vẫn tạo được ấn tượng cho mình như một vị thủ trưởng nghiêm khắc mà công minh... Ông biết cách tự biên tập và hiệu đính những bài phát biểu mà các trợ lý đã chuẩn bị sẵn cho ông.

Là một điệp viên có nghề trong việc tuyển mộ các cộng tác viên, ông Putin trong vai trò chính khách rất biết chơi trò "mèo vờn chuột", biến đối thủ thành bạn hữu. Vốn hiểu rõ phương Tây từ bên trong, khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Putin không bị mặc cảm của những  người tới chốn phù hoa từ tỉnh lẻ như ông Yeltsin hay ông Gorbachev... Ông rất tự tin với vóc dáng phải nói là bé nhỏ của mình bên cạnh những chính khách cao gần 2 mét như Bill Clinton. Trông ông trong những bộ trang phục  bình dị khi tới những cuộc tiếp tân quốc tế xa hoa, ta sẽ không thấy có biểu hiện mặc cảm gì...

Có thể nói là Điện Kremli đã rất thành công trong việc tạo nên một hình ảnh Vladimir Putin hợp lòng dân. Và cũng phải nói rằng, bản thân Vladimir Putin cũng có những phẩm chất thích hợp với vai trò của mình... Những phẩm chất ấy đã, đang và sẽ giúp ông cùng nước Nga tiến tới một tương lai phồn thịnh và bền vững hơn
Đặng Đình Nguyên
.
.